Chủ tịch UBND phường Tân Lộc - Hà Văn Tiếu (cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Cần Thơ) cho biết con số thống kê rằng trong số khoảng 1.000 trường hợp phụ nữ của cù lao này xuất ngoại lấy chồng thì chỉ khoảng 10 - 15% không hạnh phúc hoặc không suôn sẻ như dự tính ban đầu, còn lại hơn 85% cô dâu có tiền gửi về giúp đỡ gia đình mình, nhiều nhà trở nên giàu có.

 

Sáng 21/12, PV Báo CAND nhận được thông tin từ ông Lưu Minh Chung - Trưởng Chi nhánh Vietnam Airlines tại Cần Thơ cho biết, sau khi tổ chức thành công 4 chuyến bay quốc tế xuất phát từ Cần Thơ đến Đài Loan (Đài Bắc, Cao Hùng, Đài Trung) và ngược lại vào năm ngoái, Tết Tân Mão 2011 này, Vietnam Airlines tiếp tục khai thác 13 chuyến bay Cần Thơ - Đài Loan và 13 chuyến ngược lại. Chuyến bay đầu tiên Cần Thơ - Đài Loan (hơn 80 khách) đã cất cánh lúc 1h55' ngày 20/12 vừa rồi; chuyến ngược lại (hơn 140 khách) khởi hành từ Đài Bắc lúc 7h40' và đã đến Cần Thơ lúc 10h10'. Dân miền Tây nói những chuyến bay trở về từ Đài Loan là "những chuyến chở nhiều cháu ngoại" của vùng sông nước này nhất. Tôi nghiệm lại thì nhận xét đó quả quá chính xác…

Vừa làm xong thủ tục nhận hành lý tại Sân bay quốc tế Cần Thơ trưa  20/12, chị U. đã được 5-6 người thân vây quanh. Sợ làm ảnh hưởng  không khí đoàn tụ của gia đình họ nên tôi chỉ hỏi nhanh chị U. Chị nói: "Hơn 4 năm rồi tôi mới về thăm quê (Lai Vung, Đồng Tháp) rồi vui Tết luôn". Rồi chị chỉ người đàn ông đang bồng đứa bé, một tay phụ đẩy hành lý: "Ông xã và thằng nhóc con tôi đó!".

Tôi hỏi một phụ nữ mặc áo bầu đi liền kề sau chị U. thì được biết, về quê (Chợ Mới, An Giang) "ăn Tết" xong, chị sẽ sinh em bé. Chồng chị sẽ bay qua trong chuyến cận Tết để cùng sum vầy với gia đình. 

Trước chuyến bay ấy 2 ngày, thông qua giới thiệu của một người quen, tôi đã liên lạc được với chị P., đang làm dâu ở TP Incheon (Hàn Quốc) cách Thủ đô Seoul hơn 1 giờ đi ôtô, cũng là nơi có nhiều cô dâu Việt. Chị P. xác nhận: "Đúng là vợ chồng tôi đang chuẩn bị về quê ăn Tết". Chị P. kể, chị theo chồng tháng 8/2010 vừa rồi. Hiện chị đang học chương trình tiếng Hàn trên đài truyền hình, đây là chương trình dành cho phụ nữ nhập cư. Chị cũng đang dự lớp học tiếng Hàn 5 tháng miễn phí tại trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa. "Khóa học này tiện lợi lắm. Nếu mình đang có mang hoặc có con mọn, thậm chí khó khăn do nhà xa trung tâm, giáo viên sẽ đến tận nhà dạy" - chị P. cho biết. 

Không phải chỉ tiếng Hàn, giáo viên của các trung tâm còn hỗ trợ các cô dâu ngoại như chị được học kiến thức văn hóa, phong tục tập quán của Hàn. Tuy mới sang nhưng chị đã biết và cảm thấy thú vị với nhiều phong tục của quê chồng. Nghe chị "than" nhớ nhà, nhất là không khí chuẩn bị đón Tết ở quê chị - miệt vườn Phong Điền, Cần Thơ, bên chồng chị an ủi: Tết ở Hàn Quốc (Seolna) cũng ngày đầu của tháng Giêng âm lịch với nhiều tập tục tương tự Tết Việt Nam. Rồi chị P. được dạy làm món ddeokguk tựa như phở của Việt Nam nhưng bánh phở được thay bằng những lát bánh gạo, ăn kèm với thịt bò, trứng. Người Hàn cho rằng, ăn một bát ddeokguk, sẽ tăng thêm một năm tuổi thọ.

Một cặp vợ Việt - chồng Đài trả lời phỏng vấn nhanh của Đài truyền hình địa phương ngay khi họ rời nhà ga Sân bay quốc tế Cần Thơ để về quê… ngoại.

Trước cuộc trò chuyện với chị P. gần một tuần, tôi đã tìm lại gia đình chị C. ở cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt (Cần Thơ). Gặp lại tôi, ông H. nói: "Con C. nói năm nay có chuyến bay nó dìa quê ăn Tết nữa". Ông H. phấn khởi kể huyên thuyên về con cái mình: "Nó được chồng thương, sắm cho xe ôtô. Thằng cháu ngoại cứ nhắc và đòi về ngoại để được tắm sông". Ông H. kể chuyện Tết năm ngoái: "Hai cha con nó về đây, tui bắt cá dưới sông lên nấu canh chua; hái lục bình, rau nhúc lên nhúng mắm. Nó khoái khẩu, ăn hoài. Ngày Tết, người ta đi mua thịt heo, còn nhà tui thì thủ sẵn mấy con cá đồng, cá lóc, cá trê. Thằng rể thích tự nó ra vườn, đi tìm rau, tự tìm ớt hiểm làm muối ớt để làm thức chấm món canh chua…".

Bà L., nhà cách ông H. chưa tới 200m, kể, cũng qua "thằng rể" và con gái mình, bà được biết thêm văn hóa ẩm thực của nước ngoài. Chẳng hạn như trong bữa cơm truyền thống của người Hàn Quốc, không thể thiếu được kim chi - món ăn được làm từ nhiều loại rau muối như cải bắp, củ cải, hành xanh và dưa chuột.

"Hôm con gái điện về nói, nó đang vào thời điểm làm kim chi, phục vụ cho cả mùa đông dài. Nó nói, hồi trước, kim chi từng được làm trong những vại to rồi chôn dưới đất để giữ nguyên mùi vị. Bây giờ, ở nhà chung cư, người ta đã chế ra những chiếc tủ lạnh đặc dụng dùng để bảo quản kim chi. Với lại, do không có thời gian nên ngày càng có nhiều gia đình mua kim chi làm sẵn cho tiện".

Cuối năm, nán lại cù lao Tân Lộc, tôi được người dân kể về gia đình ông P. là gia đình gả con cho người Đài Loan sớm nhất. Năm 1993, sau khi thất bại với nghề mía đường, ông P. "ôm" một số nợ đáng kể, phải bỏ đi nơi khác làm ăn. Chẳng bao lâu sau đó, ông tình cờ gặp người quen giới thiệu, mai mối cho con gái lấy chồng Đài. Trước khó khăn của gia đình, cô con gái đầu lòng đã chấp nhận lấy chồng xa xứ. Cuộc hôn nhân tương đối suôn sẻ nên ông P. tiếp tục cho cô con út về làm dâu xứ Đài.

Kể lại chuyện cách nay 15-16 năm, nhiều người dân cho biết lúc đó chuyện gả con cho người nước ngoài bị bà con dị nghị, có người "lên án" vợ chồng ông P. đã nhẫn tâm đem con mình "đi bán". Tuy nhiên, lời đồn thổi nguôi dần khi chỉ khoảng một năm sau, gia đình ông khá lên (nhờ con gái gửi tiền cho) và bảo lãnh hai vợ chồng ông đi sang quê chồng đi du lịch. Vậy là "mô hình" của ông P. được nhiều người  làm theo và chẳng ngờ, nó lại thành "phong trào" của cù lao Tân Lộc.

Chủ tịch UBND phường Tân Lộc - Hà Văn Tiếu cho biết con số thống kê rằng trong số khoảng 1.000 trường hợp phụ nữ của cù lao này xuất ngoại lấy chồng thì chỉ khoảng 10 - 15% không hạnh phúc hoặc không suôn sẻ như dự tính ban đầu, còn lại hơn 85% cô dâu có tiền gửi về giúp đỡ gia đình mình, nhiều nhà trở nên giàu có. Lãnh đạo phường cho biết, phụ nữ cù lao này lấy chồng người nước ngoài đã giảm đến 80-90%. Cả năm 2008, chỉ có 37 phụ nữ xuất ngoại làm dâu; sang năm 2009 đến nay, Phòng Hộ tịch phường chỉ ghi nhận hơn chục trường hợp.

"Bây giờ, chị em thận trọng hơn. Dù sao đó cũng là chuyện hệ trọng của cuộc đời mình nên chị em đã thận trọng hơn" - anh cho biết. Chủ tịch HLHPN phường kể thêm, việc môi giới hôn nhân không ồ ạt và công khai một cách nhốn nháo như trước. Không còn cảnh "cò mồi" chạy ngược, chạy xuôi rần rật như trước. Rất nhiều gia đình khác cho biết nhờ thận trọng trong việc gả con cho người nước ngoài mà giờ họ cảm thấy yên tâm. Tết này, gia đình họ có con, cháu, rể ngoại… sum vầy.

Trao đổi với PV Báo CAND sáng 21/12, ông Tô Minh Giới - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua Cần Thơ luôn nỗ lực để phụ nữ địa phương có nhận thức đúng, cẩn trọng hơn khi quyết định lấy chồng ngoại. Cần Thơ đang xúc tiến thành lập trung tâm tư vấn hôn nhân cho những phụ nữ có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài, với hy vọng, sau khi được tư vấn, chị em sẽ có lựa chọn sáng suốt nhất, sẽ tìm được hạnh phúc cho mình, phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam và đặc biệt là sẽ không còn xảy ra những chuyện nhói lòng...

Kết thúc bài viết này, chúng tôi hy vọng tất cả những cô dâu xa quê hương, đất nước, mỗi dịp năm hết, Tết đến, đều có điều kiện về quệ sum vầy, ấm cúng với gia đình. Và những chuyện thảm kịch mang tên "cô dâu Việt" trở thành chuyện của dĩ vãng của sông nước miền Tây…

 

                                                                            Theo Báo CAND

 

 

Các tin khác

Thiếu Tướng Bùi Đình Phái,  UVTV Tỉnh uỷ - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh.
Chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh minh họa/internet.
Nữ Anh hùng LLVT Huỳnh Thị Ngọc.
Không có hình ảnh

“Nồi cháo cổ tích” ở Bệnh viện K hay trò “thổi chuyện” của truyền thông?

Chính bà Nghít, nhân vật chính trong “nồi cháo cổ tích” ở Bệnh viện K khẳng định: “Toàn bộ việc phát cơm, cháo từ thiện ở Bệnh viện K, do chùa Linh Sơn đầu tư, chúng tôi không phải bỏ tiền túi ra”. Bà Nghít cho biết, “không ai phỏng vấn tôi”. Bà Nghít được nhà chùa giao phụ trách việc nấu cháo tại K2.

Vụ án cha giết con - kết cục đau lòng từ mối tình vụng trộm

(HBĐT) - Vào thời điểm đầu năm 2010, dân cư 2 xã Phúc Tuy, Thượng Cốc (Lạc Sơn) xôn xao bàn tán khi có một số người phát hiện một xác trẻ em ở khu vực Suối Cọ, xã Thượng Cốc. Xác cháu bé được đưa vào bờ và thông tin kịp thời được báo đến Ban Công an xã. Nhận được tin báo, lãnh đạo phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã cử những điều tra viên phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường, tử thi. Tuy nhiên, kết quả ban đầu khá mơ hồ, chỉ xác định được nạn nhân chết là trẻ em, giới tính: nam, không rõ tên, tuổi, địa chỉ, nguyên nhân chết do chấn thương sọ não kín càng khiến dư luận quan tâm bởi còn nhiều điều bí ẩn chưa được làm rõ. Đặc biệt, đó là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Canh Dần nên tình hình trên địa bàn càng thêm nặng nề, bức xúc.

Xử lý hơn 47.000 trường hợp vi phạm ATGT

(HBĐT) - Tính đến tháng 12/2010, trên địa bàn tỉnh xảy ra 132 vụ TNGT, làm chết 110 người, bị thương 121 người. So với cùng kỳ năm 2009 giảm 21 vụ, số người chết giảm 22 người, số người bị thương giảm 23 người.

Thanh niên ra đường thích "găm" vũ khí

Dù đã có nghị định xử phạt của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn của Bộ Công an về tăng cường quản lý và xử lý nghiêm hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí thô sơ (VKTS), nhưng số vụ tàng trữ, sử dụng VKTS mà Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) - Công an TP Hà Nội phát hiện sau mỗi đêm tuần tra ngày một tăng thêm. Phải chăng chế tài chưa đủ mạnh để ngăn chặn và đẩy lùi thực trạng này?

Kinh nghiệm khám phá nhanh các vụ án cố ý gây thương tích

Điều tra các vụ cố ý gây thương tích, điều tra viên thường gặp rất nhiều vướng mắc, "vướng" bắt đầu từ việc thu thập chứng cứ, xác định tội danh và từ cả phía người bị hại... Có lúc nạn nhân yêu cầu khởi tố hình sự, song có khi họ đơn phương rút đơn tố cáo khiến cơ quan điều tra rất khó khăn trong việc xử lý. Vì vậy, ngoài các biện pháp nghiệp vụ thông thường, điều tra viên phải là người công tâm, thực sự tâm huyết với nghề và linh hoạt trong việc xử lý tài liệu.

Bảo vệ người lao động ở nước ngoài là danh dự quốc gia

Trong thời đại toàn cầu hoá, việc sử dụng và phân bố lao động sống theo nhu cầu thị trường đã trở thành hiện tượng tự nhiên, mang tính toàn cầu và tuân thủ quy luật kinh tế - dòng lao động sống sẽ chuyển dịch tới bất kỳ nơi nào mà ở đó có mức thù lao cao hơn. Để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ cho những người lao động làm việc ở nước ngoài, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã xây dựng quy tắc và hỗ trợ các thành viên hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi người đi lao động ở nước ngoài.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục