(HBĐT) - Những bức bích họa đầy màu sắc, hình ảnh sinh động và có tính giáo dục cao đã thay thế cho màu sắc đơn điệu của những bức tường phòng học, cầu thang. Đây là những gì mà các trường học trên địa bàn tỉnh ta đã và đang thực hiện nhằm tạo cho học sinh môi trường học tập thân thiện.
Học sinh trường Tiểu học thị trấn Bo (Kim Bôi) thích thú bàn luận về những hình ảnh, nội dung trên bức tranh tường.
Chúng tôi có dịp đến thăm trường Tiểu học thị trấn Bo (Kim Bôi). Xanh – sạch – đẹp và hết sức thân thiện là những ấn tượng ban đầu của chúng tôi khi đứng giữa sân trường rợp bóng cây xanh, dãy phòng học xây kiên cố, khang trang và đặc biệt là một góc khuôn viên sân trường sinh động bởi những bức bích họa màu sắc tươi sáng. Trò chuyện với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Ngân, giáo viên trường Tiểu học thị trấn Bo phấn khởi cho biết: Nội dung các bức tranh tường tại đây là những câu chuyện cổ tích và những vấn đề quyền trẻ em, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông… Hình vẽ tranh tường là một phương pháp giáo dục bằng hình ảnh, trực quan sinh động giúp trẻ được thả mình vào không gian tuổi thơ đầy màu sắc, kích thích trí tưởng tượng. Vì thế, học sinh đặc biệt yêu thích và hứng thú với các bức tranh tường. Ngoài việc làm đẹp, bức tranh về phong cảnh thiên nhiên, các trò chơi dân gian, những nhân vật cổ tích là cách tốt nhất để truyền tải nội dung giáo dục về đạo đức, lối sống đến học sinh một cách hiệu quả. Lúc trước, tường phòng học, tường bao rất mau bẩn, nhưng từ khi có tranh vẽ, học sinh có ý thức hơn khi chơi đùa để không làm hỏng bức tranh của trường, của lớp mình. Những thay đổi nhỏ như thế dần dần sẽ giúp các em có ý thức tốt hơn về việc bảo vệ cảnh quan trường, lớp của mình thật sạch đẹp.
Là một họa sỹ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc vẽ tranh tường cho các trường học, họa sỹ Nguyễn Việt Dũng (TP Hòa Bình) chia sẻ: Các bức tranh tường thường có diện tích thể hiện bức tranh khá rộng và dài. Cái khó nhất của bức tranh trên tường tại các trường học là làm sao nổi bật ý tưởng, chủ đề nhưng cũng phải hài hòa và phù hợp với khung cảnh, tâm lý của học sinh. Một khi đã kết hợp được các yếu tố đó, quá trình thực hiện cơ bản thuận lợi.
Vẽ tranh trên tường không còn xa lạ đối với các trường học, nhất là tại các trường mầm non, tiểu học. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT, thì gần 100% các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh đều có tranh tường với quy mô tranh, vị trí, diện tích khác nhau. Từ những bức tường trắng, giản đơn dưới bàn tay sáng tạo của các họa sỹ đã tạo ra những không gian vô cùng sống động. Tranh tường được vẽ trong lớp học, khu vực cầu thang, trên tường bao… với những màu sắc tươi sáng, bắt mắt. Từ khoảng 3 năm trở lại đây, thực hiện chủ đề năm học "Trường lớp an toàn, sáng tạo, hiệu quả”, phong trào vẽ tranh tường trong các nhà trường được nhân rộng, sôi nổi. Mục tiêu đề ra là các thầy cô muốn tạo ra không gian an toàn, thân thiện, hấp dẫn với học sinh nên cần có sự thay đổi trong tôn tạo không gian trường lớp. Tranh tường đã thực sự tạo nên sự tươi mới, thân thiện, hấp dẫn cho không gian trường lớp và được học sinh, phụ huynh đón nhận nồng nhiệt.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Diễm, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết: Trong năm học 2019 – 2020, ngành GD&ĐT sẽ tổ chức cuộc thi "Xây dựng không gian trường lớp an toàn, sáng tạo, hiệu quả” mà tranh tường là một trong những nội dung quan trọng của cuộc thi. Hiện nay, Sở GD&ĐT khuyến khích các nhà trường tổ chức hoạt động tranh tường, xây dựng không gian thân thiện. Ngành đã có sự chỉ đạo, yêu cầu các nhà trường khi thực hiện việc vẽ tranh tường phải lựa chọn nội dung các bức tranh sao cho phù hợp, ý nghĩa, có tính giáo dục cao. Có như vậy, tranh tường trong các trường học mới phát huy hiệu quả trong việc tạo môi trường vui chơi lành mạnh, không gian thân thiện, vui vẻ chào đón các bé mỗi khi đến trường. Sau mỗi bức tranh đều gửi gắm những bài học để giúp các em thêm yêu quê hương, đất nước, yêu gia đình, thầy cô, bạn bè.
Dương Liễu
Thông tin từ Cục hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Chính phủ Nhật Bản bắt đầu triển khai chương trình mời 1.000 học sinh trung học phổ thông đang học tiếng Nhật tại các nước châu Á sang Nhật Bản tham gia chương trình 5 năm với tên gọi "Kakehashi Project dành cho học sinh trung học phổ thông các nước châu Á”.
(HBĐT) - Ngày 21/10, Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ đã tổ chức lễ phát động quyên góp ủng hộ học sinh khó khăn và hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm học 2019 – 2020.
(HBĐT) - Ngày 17/10, Trường Cao Đẳng Kỹ thuật công nghệ Hòa Bình đã tổ chức khai giảng năm học 2019-2020. Dự và chia vui với thầy và trò nhà trường có đồng chí Đinh Văn Dực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
(HBĐT) - Tối 16/10, Trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình) tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp với chủ đề "cùng bạn chọn nghề hướng tới tương lai” thu hút sự tham gia của gần 1.000 học sinh trong nhà trường.
(HBĐT) - Ngày càng có thêm nhiều trường học vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) được xây dựng đạt chuẩn quốc gia; các trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú (DTNT, DTBT) được thành lập mới; chính sách hỗ trợ học sinh vùng ĐBKK được thực hiện nghiêm túc… đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn, giáo dục dân tộc.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Giáo dục thể chất (còn gọi là môn Thể dục) có sách giáo khoa dành cho học sinh khiến giáo viên và nhiều chuyên gia bất ngờ.