Giáo viên dạy lớp ghép tại chi Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ thuật quản lý và giảng dạy lớp ghép, đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Công tác giáo dục dân tộc luôn được ngành GD&ĐT đặc biệt quan tâm. Hệ thống các trường DTNT, DTBT được mở rộng về quy mô, nâng cấp về cơ sở vật chất. Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh việc thành lập trường PT DTBT theo quy định. Hiện, toàn tỉnh có 13 trường PT DTNT, 13 trường PT DTBT. Nguồn lực đầu tư cho hệ thống các trường PT DTNT được tăng cường, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số học trung học được học ở trường nội trú đạt 10%. Sở cũng đã chỉ đạo các trường PT DTNT, PT DTBT phối hợp với Ban CHQS các huyện, thành phố thực hiện công tác nội vụ. Chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác nuôi ăn, ở cho học sinh. Tổ chức hội thảo về công tác quản lý, tổ chức các hoạt động đặc thù trong trường PT DTNT và PT DTBT trên địa bàn tỉnh. Tổ chức đợt sinh hoạt ngoại khóa theo chủ đề tháng đối với các trường PT DTNT gắn với các sự kiện, ngày lễ lớn của đất nước. Các đợt sinh hoạt ngoại khóa đã thật sự trở thành sân chơi bổ ích cho thầy và trò nhà trường.
Việc nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc cũng được ngành GD&ĐT quan tâm. Ngành đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non phát triển chương trình giáo dục phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng và nhu cầu của trẻ. Chú trọng cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số làm quen với tiếng Việt và tích cực hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn, bồi dưỡng kiến thức và phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình, cộng đồng. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường, đặc biệt là các trường thuộc 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc theo hướng tích hợp vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Ngành cũng đã quan tâm đẩy mạnh bồi dưỡng tiếng DTTS đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc và miền núi. Kết thúc năm học 2018 - 2019 đã tổ chức dạy học, kiểm tra cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mông, Thái cho 552 cán bộ, công chức, giáo viên. Hiện đang tham mưu xây dựng tài liệu, chương trình tiếng dân tộc Mường để sớm triển khai, ứng dụng bộ chữ Mường tại tỉnh Hòa Bình.
Ngành GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo việc dạy học lớp ghép theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Toàn tỉnh hiện có 176 lớp ghép với 1.786 học sinh. 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp ghép được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ thuật quản lý và giảng dạy lớp ghép.
Vấn đề đảm bảo chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, học sinh vùng DTTS, miền núi, vùng KT-XH ĐBKK được quan tâm, tạo cơ hội học tập cho học sinh khuyết tật. Kết thúc năm học 2018 - 2019, trên địa bàn toàn tỉnh có 13.050 học sinh được hưởng chế độ học sinh bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có 5.074 học sinh của 34 trường THPT, 6.231 học sinh của các trường tiểu học, TH&THCS, THCS và 1.745 học sinh của 13 trường PT DTBT.
Dương Liễu
(HBĐT) - Xác định giáo dục là một trong những tiêu chí then chốt trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, tỉnh đã tập trung đồng bộ nhiều giải pháp để có bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục.