(HBĐT) - Vụ tai nạn giao thông (TNGT) giữa 2 xe máy xảy ra trên quốc lộ 6, thuộc địa phận khu 5, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) mới đây làm 1 người chết tại chỗ và 2 người bị thương đã làm nhiều người giật mình. Bởi không chỉ hậu quả thảm khốc của vụ tai nạn, mà đáng nói, cả 3 nạn nhân đều đang ở tuổi vị thành niên, chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe (GPLX) có dung tích từ trên 50 cm3 đến dưới 175cm3 theo quy định.



Với lý do nhà xa trường, nhiều học sinh sử dụng xe máy đi học. Ảnh: Học sinh điều khiển xe máy trên đường đi học về tại xã Thung Nai (Cao Phong). 

Theo đó, khoảng 23 giờ 10 phút ngày 28/9/2019, xe mô tô BKS 28C1- 026.96 do Bùi Mạnh Quân (16 tuổi), trú tại xóm Dũng Tiến, xã Dũng Phong điều khiển đi theo hướng Sơn La - Hà Nội chở Bùi Văn Mạnh (16 tuổi), trú tại xóm Nà Bái, xã Dũng Phong đã va chạm với xe mô tô BKS 28F5 - 1984 do Nguyễn Đức Anh Tú (15 tuổi), trú tại khu 5, thị trấn Cao Phong điều khiển đi từ đường ngang ra quốc lộ 6. Vụ va chạm đã làm Nguyễn Đức Anh Tú ngã ra đường và bị xe ô tô tải BKS 26C - 032.47 đang lưu thông chèn qua người. Hậu quả, Nguyễn Đức Anh Tú tử vong tại chỗ, Bùi Mạnh Quân và Bùi Văn Mạnh bị thương. 

Có thể thấy, các nạn nhân trong vụ TNGT này vẫn trong độ tuổi vị thành niên 15 - 16 tuổi. Chưa đủ điều kiện để được cấp GPLX theo quy định. Tuy nhiên, bất chấp các quy định của pháp luật, nhiều bậc phụ huynh vẫn "vô tư” giao chìa khóa xe máy cho con trẻ. Điều này đặc biệt phổ biến đối với học sinh bậc THPT ở các huyện và địa bàn vùng sâu, xa. Qua nắm bắt thực tế, tại trường THPT 19/5 Kim Bôi (Kim Bôi), THPT Lũng Vân (Tân Lạc), THPT Mường Chiềng (Đà Bắc)... tình trạng học sinh đi xe máy có dung tích trên 50 cm3 diễn ra khá phổ biến. Đáng nói hơn, khi các em được cầm lái, điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn đi hàng 2, hàng 3, thậm chí hàng 4 trên đường; nhiều em không đội mũ bảo hiểm (MBH), chở 3 - 4 người, vừa đi vừa trêu chọc, cười đùa, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, vi phạm nghiêm trọng các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT). Chị Bùi Thị Hiền, nhà ở TP Hòa Bình nhưng công tác ở huyện Kim Bôi thường xuyên đi về trên tuyến đường 12B cho biết: Thú thực là tôi rất sợ khi đi làm vào thời điểm học sinh đi học và lúc các cháu tan học về. Chúng đi xe máy cứ vù vù, nhiều đứa còn chở 3, chở 4 lạng lách đánh võng, vừa đi vừa trêu đùa chẳng nhường đường cho ai cả. Điều đó gây nguy hiểm trực tiếp cho những người tham gia giao thông. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều vụ va chạm giao thông giữa các phương tiện do học sinh điều khiển với người đi đường. May không có hậu quả gì lớn. Bây giờ, thấy bọn trẻ đi xe máy lạng lách đánh võng trên đường càng thấy sợ. 

Lý giải về việc "phải” giao chìa khóa xe máy cho con em mình đi học khi chưa đủ điều kiện, anh Bùi Mạnh Cường ở xã Thung Nai (Cao Phong) bày tỏ: Thật sự, chúng tôi cũng không muốn giao xe cho bọn trẻ làm phương tiện đến trường. Vì như thế rất nguy hiểm. Nhưng không thể làm khác được, nhất là khi các cháu học lên THPT, trường xa nhà cả chục km, bố mẹ cũng không thể ngày nào cũng sáng đưa đi, trưa đón về được. Thế nên đành phải giao xe cho các cháu. Cũng chỉ biết thường xuyên dặn dò chúng đi cẩn thận chứ không thể theo sát hàng ngày được. "Còn khi về nhà, nói thật là nhiều lúc cũng không quản lý được, sẵn xe, chìa khóa chúng cứ lấy đi, mình cũng không rõ chúng đi đâu, làm gì và có đội MBH hay không?" - anh Cường chia sẻ thêm. 

Theo kết quả khảo sát về công tác đảm bảo ATGT của Sở GD&ĐT cho thấy, công tác đảm bảo ATGT tại các trường học vẫn nổi lên vấn đề học sinh không chấp hành các quy định về Luật Giao thông đường bộ như không đội MBH, đi hàng 2, hàng 3... khi tham gia giao thông. Trong đó, tỷ lệ học sinh không đội MBH khi đi xe máy chiếm trên 70%. Còn theo đánh giá của lực lượng Cảnh sát giao thông, ý thức một bộ phận học sinh khi tham gia giao thông chưa cao. Nhiều em đi máy khi chưa đủ tuổi được cấp GPLX; hay đi xe hàng 3, hàng 4, chở quá số người quy định; vượt đèn đỏ tại các ngã ba, ngã tư; cầm ô khi đi xe máy, xe đạp, lạng lách, đánh võng. Đáng nói, ở nhiều địa bàn vùng sâu, xa, tình trạng trẻ em từ 10 - 15 tuổi tự điều khiển phương tiện xe máy có dung tích từ 50 cm3 trở lên diễn ra khá phổ biến... Điều này tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ATGT. Để giải quyết tình trạng này, theo đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, ngoài việc các trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến. giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức cho học sinh về chấp hành các quy định đảm bảo ATGT thì cũng rất cần sự phối hợp của gia đình, phụ huynh học sinh trong việc giáo dục, quản lý con em khi tham gia giao thông. Không giao xe máy cho các em tự đến trường... 


 Mạnh Hùng

Các tin khác


Tiết lộ danh tính các phụ huynh có con được nâng điểm vừa bị kỷ luật đảng

Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Sơn La đã kiểm tra, kết luận 46 đảng viên là cha, mẹ của 44 thí sinh được nâng điểm trái quy định trong kỳ thi.

Cuộc thi Olympic tiếng Anh trường THPT Kỳ Sơn lần thứ I

(HBĐT) - Ngày 6/11, trường THPT Kỳ Sơn phối hợp với Huyện Đoàn Kỳ Sơn, Trung tâm ngoại ngữ ITED tổ chức Cuộc thi Olympic tiếng Anh lần thứ I, năm 2019. Tới dự có đại diện Sở GD&ĐT, Tập đoàn ICO Group cùng đông đảo giáo viên và học sinh trong toàn trường.

Kỷ luật 83 cán bộ, đảng viên liên quan gian lận thi cử ở Sơn La

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La kết luận Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo có vi phạm là buông lỏng lãnh đạo, để xảy ra tình trạng nhiều đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Bộ GD-ĐT yêu cầu khẩn trương thu hồi các giáo trình in bản đồ hình "đường lưỡi bò"

Liên quan đến việc giáo trình có in bản đồ hình "đường lưỡi bò”, được sử dụng làm tài liệu học tập và giảng dạy tại Khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản số 5044/BGDĐT-GDĐH yêu cầu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội rà soát, báo cáo về việc sử dụng giáo trình có nội dung ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Vận dụng dạy học trải nghiệm sáng tạo trong môn Ngữ văn

(HBĐT) - Vận dụng dạy học trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục gồm nhiều phương pháp dạy, được thực hiện song song, bổ sung, hỗ trợ cho các hoạt động dạy học trong nhà trường. Mạnh dạn áp dụng từ những năm học 2016 - 2017, trường THCS Tử Nê (Tân Lạc) dần phát huy hiệu quả tích cực của hoạt động này, mang đến những tiết học thoải mái, tràn đầy hứng khởi, học sinh được chủ động tiếp nhận kiến thức và thỏa sức sáng tạo.

Bộ Giáo dục thông tin về Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2020

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2019.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục