(HBĐT) - Tại Trung tâm Học tập cộng đồng xã Thu Phong (Cao Phong), khu vực đọc sách đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân. Từ khi xã tham gia thí điểm mô hình "Công dân học tập” (CDHT), trung tâm luôn rộng cửa chào đón những ai có nhu cầu đến đọc sách nâng cao trình độ. Đây là cách tự học đơn giản mà hữu ích, được Hội Khuyến học (HKH) xã khuyến khích người dân tích cực áp dụng để góp phần nâng cao hiệu quả triển khai mô hình tại địa phương.
Giai đoạn 2021 - 2030, mô hình "Công dân học tập" sẽ được nhân rộng trong toàn tỉnh. Ảnh: Người dân tìm hiểu sách báo tại Trung tâm Học tập cộng đồng xã Thu Phong (Cao Phong).
Bà Phạm Thị Liên, Phó Chủ tịch HKH xã cho biết: HKH xã đã nghiêm túc triển khai các kế hoạch của tỉnh Hội, huyện Hội liên quan đến việc xây dựng mô hình CDHT. Quá trình triển khai từ khi thí điểm đến nay, chúng tôi nhận thấy đây là mô hình thiết thực, có khả năng nhân rộng.
Được biết, Hòa Bình là một trong những địa phương được T.Ư HKH Việt Nam lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình CDHT. Trong thời gian thực hiện thí điểm, các cấp HKH trong tỉnh đã vào cuộc, bám sát hướng dẫn của HKH Việt Nam để triển khai đúng, đủ các nội dung. Cả 10 huyện, thành phố với 100% HKH xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều tham gia với 572 công dân đăng ký phấn đấu trở thành CDHT. Kết quả, đã có 355 công dân đạt danh hiệu CDHT, chiếm 62,06%. Các địa phương ghi nhận đây là mô hình có ý nghĩa, đạt hiệu quả thiết thực và có khả năng nhân rộng trở thành mô hình học tập có sức lan tỏa trong cộng đồng.
"Trên thực tế, việc đăng ký và phấn đấu trở thành CDHT đã khích lệ mỗi cá nhân tích cực hơn, ý thức cao hơn trong học tập thường xuyên, biết áp dụng kiến thức, kỹ năng được học để nâng cao hiệu suất lao động. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng và nhân rộng mô hình CDHT trong thời gian tới” - bà Trịnh Thị Thủy, Chủ tịch HKH TP Hòa Bình trao đổi.
Theo Quyết định số 677/QĐ-TTg, ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình "Xây dựng mô hình CDHT giai đoạn 2021 - 2030”: việc xây dựng và nhân rộng mô hình CDHT là rất cần thiết, nhằm thúc đẩy việc học tập suốt đời để con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Trên cơ sở hình thành mô hình CDHT nhằm khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi cho mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của chương trình chuyển đổi số quốc gia và góp phần xây dựng thành công một xã hội học tập.
Bám sát lộ trình khuyến học cả nước, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 122/KH-UBND, ngày 7/7/2022 thực hiện chương trình "Xây dựng mô hình CDHT giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh nhấn mạnh giải pháp quan trọng là tuyên truyền nâng cao nhận thức về mô hình CDHT - hạt nhân của các mô hình học tập khác. Đồng thời, gắn phong trào xây dựng mô hình CDHT và phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các phong trào tại địa phương và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, 40% người lớn trong gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập; 60% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị học tập cấp xã/huyện/tỉnh và cơ quan T.Ư đạt danh hiệu CDHT; 70% người đạt danh hiệu CDHT đều phải có những kỹ năng số và đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định, trong đó, 60% thành thạo kỹ năng số để tự cập nhật thông tin về tiêu chí đánh giá CDHT trên môi trường số hóa.
Theo kế hoạch, HKH tỉnh là cơ quan chủ trì xây dựng, hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí do T.Ư HKH Việt Nam ban hành, áp dụng cho các đối tượng khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trên địa bàn tỉnh. HKH tỉnh cũng sẽ chủ trì, phối hợp các sở, ngành, tổ chức liên quan tổ chức triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình CDHT giai đoạn 2021 - 2030.
Thu Trang