Đội ngũ cán bộ, giáo viên tỉnh ta hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.
Toàn Ngành Giáo dục hiện có 19.126 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhiều năm gần đây, ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư TW về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; triển khai thực hiện Đề án “xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005-2010” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3463/QĐ-UBND.
Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu “Dạy tốt-học tốt”, ngành đã đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, giáo viên thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các cuộc vận động, phong trào thi đua do Bộ GD-ĐT phát động. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ về sự nghiệp giáo dục trong tình hình mới, ngành đã triển khai hàng loạt chương trình công tác mang tính thiết thực cao như: thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề (năm 2010 đã tổ chức được 40 lớp với 2000 lượt học viên), tổ chức hội thi giáo viên giỏi, hiệu trưởng giỏi; có sự điều động, luân chuyển giáo viên tạo môi trường cho đội ngũ giáo viên phấn đấu; tổ chức các cuộc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các trường trong và ngoài tỉnh. Từ thực tế hoạt động của các trường ở cơ sở (toàn tỉnh có 720 trường, trung tâm và 210 TTHT cộng đồng), đã xuất hiện hàng nghìn lượt cán bộ, giáo viên, là những nhân tố điển hình trong sự nghiệp “trồng người”. Như cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương (mầm non Yên Trị-Yên Thuỷ), Nguyễn Thị Thanh (tiểu học Kim Đồng-Đà Bắc), Hà Thị Ngót (THCS Nguyễn Tất Thành-Mai Châu), Mai Thanh Nhàn (tiểu học Bãi Lạng-Lương Sơn), Bùi Thị Hằng (THPT Lương Sơn), Nguyễn Thị Minh (tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Hoà Bình)...
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ở các cấp giáo dục phát triển mạnh, không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà cả về chính trị, tư tưởng. Toàn ngành có 7.533 đảng viên, chiếm 40,3%. Trình độ đào tạo và chất lượng của đội ngũ nhà giáo từng bước được nâng cao. Giáo viên của giáo dục mầm non có trình độ trên chuẩn là 9,5 %; giáo dục tiểu học có trình độ trên chuẩn chiếm 40,2% (ở cấp THCS: 23,3%; cấp THPT là 3,3%; Trường Cao đẳng sư phạm trên chuẩn chiếm 47,1%). Từ những tiền đề quan trong đó, chất lượng dạy và học, hiệu quả đào tạo được nâng lên một bước mới. Toàn tỉnh có 110 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỉ lệ 15.6% (trong dó 19 trường mầm non, 63 trường tiêủ học, 25 trường THCS, và 3 trường THPT, đó là: các trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Công Nghiệp và Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh)
Đối với giáo dục mầm non, năm 2010, tỉnh ta đã huy động 48.438 trẻ em trong độ tuổi ra lớp, chiếm 71,1%; trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 99,9%. Kết quả chăm sóc nuôi dưỡng trẻ được nâng lên một bước. Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng giảm xuống còn 8,2%. Đối với giáo dục tiểu học, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%. Trong năm học 2009-2010, đã có 2.980 lượt học sinh, học viên giỏi cấp tỉnh, giỏi cấp quốc gia và khu vực. Trong đó có 1.257 học sinh tiểu học, 520 học sinh THCS, 816 học sinh THPT là học sinh giỏi cấp tỉnh; 40 học sinh giỏi cấp quốc gia, 76 học viên giỏi chương trình GDTX cấp THPT và 271 học sinh giỏi về TD-TT. Với kết quả thi tốt nghiệp THPT, thi đỗ chiếm 95,39%, tỉnh ta được xếp thứ 26/63 tỉnh, thành toàn quốc. Bên cạnh đó, Ngành còn thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình công tác khác như củng cố kết quả xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện phổ cập GDTHCS bảo đảm kết quả vững chắc; thực hiện công bằng trong giáo dục, ưu tiên phát triển giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn, chú trọng chất lượng đại trà nhằm tạo tiền đề cho công tác giáo dục mũi nhọn.
Giáo dục Hoà Bình đã và đang khẳng định được mình bằng chất lượng “dạy và học”; tiếp tục tạo được niềm tin của các cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh./.
Văn Tưởng
Hội nghị Hiệp hội các trường đại học Mở châu Á lần thứ 24 được Viện Đại học Mở Hà Nội đăng cai tổ chức tại Hà Nội. Đây là cơ hội để các trường đại học mở trong khu vực trao đổi kinh nghiệm về đào tạo từ xa, hợp tác để xây dựng các cộng đồng học tập.
(HBĐT) - Những năm gần đây, ngành Giáo dục tỉnh nhà nhắc nhiều tới cụ Xa Văn Thế, một già làng gương mẫu ở xóm Nhạp, xã Đồng Chum (Đà Bắc)- người có nhiều đóng góp cho công tác xã hội hoá giáo dục ở một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện, của tỉnh.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, ngày 18/10 Bộ GD-ĐT chỉ đạo các Sở GD-ĐT tiến hành khảo sát đánh giá năng lực giáo viên tiếng Anh cấp THCS và THPT hoặc hỗ trợ giáo viên tự đánh giá năng lực.
Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật, gây ra ảnh hưởng xấu cho ngành giáo dục và đào tạo.
(HBĐT) - ở một tỉnh miền núi như Hoà Bình, với 70% là người dân tộc thiểu số, có nhiều trường ở vùng cao, vùng sâu, thì việc đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho giáo dục dân tộc.
Ngày 20/9/2010 Tạp chí Newsweek trên trang Giáo dục đã có bài báo về xu hướng các doanh nghiệp lớn mở trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng đúng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Bài báo một lần nữa khẳng định định hướng đúng đắn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong việc quyết tâm xây dựng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam.