Nghề giáo vốn chật vật và cũng gánh không ít áp lực. Người phụ nữ đến với nghề càng vất vả hơn bởi “việc trường” gần như chiếm hết thời gian. Mỗi người một hoàn cảnh, 3 nữ giáo viên tiêu biểu của ngành giáo dục TPHCM đã vượt qua trở ngại, âm thầm, tận tụy chăm chút cho thế hệ trẻ.

 

Vượt lên nghịch cảnh

Cô giáo Nguyễn Hồng Thương của Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 12 được ví như “ngọc trong đá” bởi sự bền bỉ phấn đấu vượt lên nghịch cảnh. Là con gái út trong một gia đình công chức ở Long An, hạnh phúc không mỉm cười với cô khi đôi chân bị thương tật sau cơn sốt bại liệt…

Cô giáo Nguyễn Hồng Thương

Vượt qua mặc cảm bệnh tật, bước qua những tủi hờn của đứa trẻ luôn sống trong sự chế giễu của bạn bè, Thương nằng nặc xin được tiếp tục đến trường. Những ngày tháng nhọc nhằn đi học trên tấm lưng gầy của mẹ trong nỗi mặc cảm được giấu kín, Thương không hề nhụt chí.

Ngày tháng trôi qua, Thương đã đi được trên đôi nạng gỗ, dù khập khiễng từng bước gian nan nhưng cô bắt đầu viết nên câu chuyện cổ tích của mình khi thi đậu Đại học Sư phạm TPHCM, tự mở cánh cửa cuộc đời với giấc mơ được đứng trên bục giảng.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá, Thương quyết tâm đem kiến thức về quê để “trồng người”. Nhưng đi đến đâu, cô giáo trẻ cũng nhận được cái lắc đầu từ chối. Ước mơ nguội dần. Thương biết ánh sáng hạnh phúc có thể nằm ở phía cuối đường hầm, nhưng con đường đang đi của cô quá dài và lắm chông gai. Nếu không bước tiếp, cô sẽ không đến được cuối đường.

Cô tâm sự: “Cha mẹ xót con nên muốn mình ở nhà hoặc kiếm việc gì cũng được miễn gần nhà”. Nhưng Thương đã quay lại TPHCM, rồi cô ký hợp đồng với Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 12. Nơi đây, mọi người thật sự ngạc nhiên về nghị lực vươn lên của cô giáo trẻ tật nguyền.

Một mình ở trọ để được đứng trên bục giảng, hàng ngày vẫn khó khăn di chuyển để đến với học trò nhưng Thương không ngại khó. Làm cô giáo dạy học sinh bổ túc đâu phải chuyện dễ, học trò cũng bằng tuổi cô giáo và thường có “cá tính” đặc biệt nên chuyện chọc phá cô giáo là chuyện thường. Nhưng “mình đối xử với học trò chân tình thì các em cũng không nỡ làm tôi khóc đâu”, cô giáo Thương nhớ lại những ngày đầu đi dạy.

Khi quen với công tác giảng dạy, Hồng Thương bắt đầu tham gia công tác Đoàn, Hội rồi trở thành đảng viên trẻ nhất của trung tâm. Ý thức được việc di chuyển bất tiện, Thương bù đắp bằng cách chăm chỉ, tranh thủ giờ nghỉ trưa làm sổ Đoàn, chuẩn bị hậu cần cho các hoạt động phong trào… Một lần nữa, Thương đã chứng minh cho tính chịu thương chịu khó như tên gọi của mình bằng kết quả thi đậu cao học.

Duyên nợ với nghề

Lần đầu gặp cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, chúng tôi ngỡ ngàng trước người phụ nữ có gương mặt phúc hậu nhưng lại được đồng nghiệp nhắc đến như một người phụ nữ có tinh thần “thép”. Với họ, cô luôn kiên trì đi đến cùng những mục tiêu đề ra để vượt lên chính mình trước những khó khăn.

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc

Từ một giáo viên dạy môn Hóa, cô được cất nhắc làm hiệu phó và chỉ 1 năm sau được tin tưởng giao nhiệm vụ đứng đầu một trường THPT danh tiếng. Những bỡ ngỡ của công việc quản lý “tay ngang” đan xen với áp lực việc nhà khiến cô luôn trăn trở. Phương châm quản lý của cô là luôn lắng nghe và không đồng ý bất kỳ một thỏa hiệp nào trong các cuộc họp về chuyên môn.

Cô tâm sự: “Tôi sợ nhất là để đồng nghiệp còn ấm ức khi giải quyết các vụ việc”. Những buổi làm việc của cô chưa bao giờ… yên ả. Phòng họp ở trường luôn có những ý kiến tranh luận đến gay gắt để tìm sự đồng thuận.

Cô kể: “Trong một lần bình xét thi đua cho giáo viên, tôi đã gặp phải sự cố nhớ đời. Một giáo viên đã nói thẳng: Tôi nghỉ dạy vì ba mất, lương tâm của cô để đâu mà giảm thi đua của tôi? Câu hỏi như gáo nước lạnh, dù không cố ý nhưng đó cũng là sơ sót của mình. Tôi nhận lỗi và tiếp thu, điều chỉnh lại quyết định”. Khó khăn để chu toàn việc trường – việc nhà tăng gấp bội khi cô trở thành đại biểu Quốc hội.

Việc sắp xếp công việc với cô là thử thách lớn nhưng được làm cầu nối những mong muốn chính đáng của người dân và tâm tư nguyện vọng của những người sống bằng nghề giáo với Quốc hội là niềm hạnh phúc. Bấy lâu nay, cô đã biến phòng hiệu trưởng thành phòng tiếp dân để lắng nghe và chia sẻ.

Cô vẫn là người phụ nữ cần sự cảm thông, chia sẻ của gia đình và chỉ hạnh phúc khi mái nhà nhỏ thật sự ấm cúng. Bổn phận chăm lo cho chồng, con và mái nhà nhỏ càng không thể lơ là. Cô tâm sự: “Tôi ngủ ít đi và kéo ngày dài ra để chu toàn cho tổ ấm. Đó là cách để tôi làm tròn thiên chức người phụ nữ”. Dù bận thế nào, buổi trưa cô cũng dành thời gian chăm lo cho bữa cơm gia đình. Ngày cuối tuần là thời gian để cô chia sẻ công việc cùng chồng và “làm bạn” cùng đứa con trai đang tuổi lớn… Và ở vị trí nào thì học trò, bục giảng vẫn là duyên nợ lớn của cô.

Tấm lòng người mẹ thứ hai

Chị Hoàng Thị Xuân

Không phải là cô giáo nhưng chị đã yêu thương học sinh Trường Tiểu học Tân Sơn Nhất (Tân Bình) bằng tấm lòng của người mẹ. Đó là chị Hoàng Thị Xuân, một nhân viên lao công hiếm hoi được tuyên dương trong hàng trăm bông hoa tiêu biểu của nghề giáo.

Nhiệm vụ của chị là quét dọn vệ sinh, chăm chút cho ngôi trường sạch đẹp. Thế nhưng chị thích làm việc mà nhiều người không hiểu vẫn cho rằng bao đồng. Phụ huynh vẫn thường thấy chị hay ngồi tâm sự với những học sinh cá biệt ở góc sân trường, mua hộp bánh cho cậu học trò nghèo đỡ đói hoặc dúi gói xôi cho đứa trẻ chờ mẹ đến đón trong buổi chiều mưa tầm tã…

“Chị Xuân thương học trò bằng tấm lòng người mẹ nên hình ảnh chị gắn bó với học trò riết rồi trở nên quen thuộc ở trường. Nhìn cách chị san sẻ tình thương, không ai nghĩ được hoàn cảnh của chị còn lắm khó khăn”, cô Đỗ Thị Lưỡng, giáo viên Trường Tiểu học Tân Sơn Nhất cho biết.

Khách đến căn nhà nhỏ của chị nằm sâu trong hẻm ở phường Phú Thọ Hòa, Tân Phú không khỏi ngạc nhiên vì căn nhà bé xíu mà cả gia đình 5 người phải chen chúc. Với đồng lương lao công 1,5 triệu đồng cộng với món tiền công ít ỏi của chồng cũng chỉ tròm trèm 2,5 triệu đồng đủ để thuê căn nhà che nắng mưa. Hàng ngày, chị đi làm từ lúc hàng xóm chưa thức giấc và trở về khi đường phố đã lên đèn. Vậy mà, hễ rảnh, chị sẵn sàng ngồi lại sau giờ làm để khâu cái quần bị rách của cậu học trò hiếu động sợ mẹ la…

Bàn tay nhỏ bé của chị đã chai sần theo từng nhát chổi. Cô học trò nhỏ khóc nhè khi vào lớp 1 được chị dỗ dành giờ đã bắt đầu bước vào giảng đường đại học. Những mũi kim đường chỉ, sự quan tâm ân cần của chị đã chăm nom bao lứa học trò trưởng thành...

 

                                                                                        Theo SGGP

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Rà soát năng lực giáo viên tiếng Anh

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, ngày 18/10 Bộ GD-ĐT chỉ đạo các Sở GD-ĐT tiến hành khảo sát đánh giá năng lực giáo viên tiếng Anh cấp THCS và THPT hoặc hỗ trợ giáo viên tự đánh giá năng lực.

Ép buộc phụ huynh đóng góp là vi phạm pháp luật

Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật, gây ra ảnh hưởng xấu cho ngành giáo dục và đào tạo.

Giáo dục dân tộc tỉnh ta đã được quan tâm đúng mức

(HBĐT) - một tỉnh miền núi như Hoà Bình, với 70% là người dân tộc thiểu số, có nhiều trường ở vùng cao, vùng sâu, thì việc đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho giáo dục dân tộc.

Xu hướng đào tạo bậc cao ở các doanh nghiệp

Ngày 20/9/2010 Tạp chí Newsweek trên trang Giáo dục đã có bài báo về xu hướng các doanh nghiệp lớn mở trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng đúng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Bài báo một lần nữa khẳng định định hướng đúng đắn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong việc quyết tâm xây dựng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam.

Đóng tại trường, tiện hơn?

Đa phần phụ huynh cho biết đóng BHYT ở trường cùng các khoản đầu năm “cho xong chuyện”; đến UBND phường hay BHXH mua cũng mất thời gian và không rẻ hơn

Cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” tại TPHCM: Gợi mở học sinh bày tỏ quan điểm sống

Ngày 17-10, 143 học sinh THCS tại TPHCM dự thi cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” cấp thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục