Học sinh phải nghiêng người, tránh cột để... nhìn lên bảng tại Trường Tiểu học Điện Biên (quận 10, TPHCM).
Những ngôi trường đạt chuẩn được ngành giáo dục liệt kê hàng năm làm chạnh lòng không ít các trường chưa “chuẩn” khi thầy cô phải dạy học trong những ngôi trường chật hẹp, xuống cấp. Sống trong môi trường “già trước tuổi” này, thầy đã khổ, trò còn khổ hơn
Kỷ lục... ngược
Lớp học chừng hơn 20m² bé như nắm tay chỉ đủ kê hơn chục chiếc bàn thấp cho học sinh (HS) lớp 1 ngồi. Bên trong, những bức tường úa màu càng làm tăng vẻ u ám. Trong sự ẩm thấp, tối tăm, 12 bóng đèn neon dường như chưa đủ sức thắp sáng cho HS đọc sách, viết chữ và nhìn thấy mặt cô. Cạnh đó là các anh chị lớp 3 được học trong một phòng học rộng gấp đôi nhưng chắn ngay giữa lớp là 2-3 cây cột to án ngự. Học trò từ bàn thứ 3 đến cuối lớp phải nghiêng người liên tục để nhìn rõ bài học ghi trên bảng.
Đó là quang cảnh một buổi học tại Trường Tiểu học Điện Biên (quận 10). Phải dụi mắt, chúng tôi mới tin được rằng ngay giữa trung tâm sầm uất lại tồn tại một ngôi trường cũ kỹ, chỉ gồm 7 phòng học đã xuống cấp như thế. Tiền thân của trường là một ngôi chùa nên tất cả các lớp đều không đúng quy cách để học. Có những phòng nhỏ chưa đầy 30m², nhưng có phòng lại rộng đến hơn 50m², vượt ngoài quy định chuẩn của lớp học là 48m². Cả ngôi trường 1 trệt 2 lầu có một phòng đa năng duy nhất vừa làm hội trường, thiết bị, thư viện và làm chỗ ngủ trưa cho học trò học bán trú. Muốn đến phòng ban giám hiệu phải đi xuyên qua nơi giáo viên nghỉ ngơi, hội họp; chỗ làm việc của công nhân viên… nhưng tất cả đều có một điểm chung là nóng và tối. Cách đó không xa, “hàng xóm” của Trường Tiểu học Điện Biên là Trường Tiểu học Trí Tri cũng nổi tiếng vì giống như một chiếc hộp kín bưng, phòng học nối tiếp phòng học. Sân trường đã nhỏ lại trở thành bãi để xe duy nhất của trường nên học trò đành “bám víu” vào cầu thang làm sân chơi giữa giờ…
HS của Trường Chuyên biệt Tương Lai (quận 5) tưởng rằng “khỏe” hơn khi được học trong một ngôi trường rộng rãi, có sân rộng nhưng lại nơm nớp lo sợ vì trường đã xuống cấp trầm trọng. Trần nhà được chống bằng những ô sắt to để chống sập. Bếp ăn thuộc dạng “lưu động” vẫn phải… chạy mỗi khi trời mưa. Có lần, một mảng bê tông rơi xuống trong giờ học buộc nhà trường phải tìm chỗ học tạm. Hai địa điểm học tạm một nơi là nhà dân cải tạo gồm 1 trệt 3 lầu gây khó khăn cho học trò kém phát triển, bệnh tật; nơi còn lại là một cơ sở đã quá cũ được một trường mầm non cho mượn tạm. Học trò của Trường Chuyên biệt Tương Lai đã sống lay lắt như thế gần 5 năm nay.
Éo le hơn, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận 8) cũng nằm “treo” vắt vẻo trên lầu một siêu thị sách. Trường lập kỷ lục vì không cổng, không sân và không tiếp đất nên nhiều năm nay hành lang vừa là lối đi vừa trở thành sân tập thể dục, vườn sinh vật, sinh hoạt đầu tuần, vui chơi… cho HS. Trường THCS Yên Thế (Bình Thạnh), Trường Tiểu học Kết Đoàn (quận 1)… cũng nhỏ hẹp không kém. Nhiều năm nay, hết than khổ kể khó, giáo viên của các trường đành tự an ủi nhau bằng cách tự trào trường mình là trường đạt chuẩn… quốc tế.
“Chạy” trường!
Khi cơ sở vật chất quyết định ý thức chọn trường của phụ huynh, các trường nghèo đành phải chấp nhận sự hẩm hiu của dòng chạy ngược. Ai cũng hiểu việc được học trong ngôi trường khang trang, đầy đủ trang thiết bị sẽ có kết quả học tập khác với trường nghèo nên hầu hết phụ huynh dần quay lưng với các trường khó khăn. Thầy Trần Minh Thư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên cho biết: Trường chỉ có hơn 120 HS, mỗi khối chỉ có một lớp và sĩ số mỗi lớp chưa bao giờ vượt quá con số 25. Đã nhiều mùa tuyển sinh, trường không bao giờ tuyển đủ chỉ tiêu, có năm tuyển được 1/3, cao lắm cũng chỉ được một nửa HS so với chỉ tiêu dù đã làm đủ mọi cách để “chiêu dụ” phụ huynh, học trò. Nhiều phụ huynh đăng ký giữ chỗ cho con nhưng vẫn tìm mọi cách chạy vào trường khác nên điệp khúc xin thêm giáo viên rồi lại làm thủ tục trả về sau mỗi mùa nhập học khiến ban giám hiệu trường phải chạnh lòng.
Cùng chung số phận, hiệu trưởng của một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh chia sẻ: Có một thực tế là hầu hết HS của các trường có khó khăn về cơ sở vật chất đều là con em lao động nghèo, từ địa bàn khác đến học vì không thể chạy đi đâu nên họ đành chấp nhận học ở những ngôi trường chật hẹp, thiếu thốn. Hầu hết phụ huynh khá giả đều tìm mọi cách để… chạy khỏi trường, bước vài bước là đến những ngôi trường “đại gia”.
Trong khi hầu hết các trường công lập tại TPHCM đều chịu áp lực sĩ số, những trường này luôn trong tình trạng chờ đợi HS. Phường 11 quận 8 chỉ có duy nhất một Trường Tiểu học Lý Thái Tổ nhưng năm nào số HS đến tuổi vào lớp 1 trên địa bàn đều “biến mất” chừng một nửa. Năm học 2010-2011, Trường Tiểu học Trí Tri chỉ tuyển được 1 lớp 1 trong khi chỉ tiêu là 2 lớp. Cũng bởi vì thiếu sân chơi, trường nhỏ hẹp mà Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận 1) năm nào cũng vất vả với câu chuyện tuyển sinh đầu cấp.
Cô Hà Thị Bích, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương Lai cho biết: Trường đã được quy hoạch và có kế hoạch xây dựng từ năm 1995. Đã có nhiều phương án dự kiến và 3 bản thiết kế xây dựng nhưng đến nay dự án này vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Từ phương án ban đầu xây dựng tại cơ sở chính với thiết kế 2 lầu có dự toán đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, trường được chuyển qua nhiều địa điểm và đến nay trường được dự toán lên đến 13 tỷ đồng vào năm 2009 với 6 tầng lầu. Chưa tính đến nghịch lý trường cao 6 tầng, thiếu sân chơi, phòng chức năng ở cao gây khó khăn cho trẻ khiếm khuyết thì khu đất dự kiến được lấy từ Trường Mầm non 10 vẫn còn trên giấy. Khu đất để xây mới Trường Mầm non 10 vẫn chưa giải tỏa xong. Tương tự, Trường Tiểu học Điện Biên, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ… cũng đã được quy hoạch từ 10 năm nay nhưng đến nay vẫn tiếp tục… chờ. Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 8 lý giải: Hiện nay thủ tục thẩm định và phê duyệt xây dựng trường học đã nhanh hơn nhưng tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng dân số cơ học nhanh khiến trường lớp không theo kịp. Khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu “đất sạch”. |
Theo SGGP
(HBĐT) - Thị trấn Bo (Kim Bôi) có gần 600 trẻ em. Theo ông Phạm Hồng Chuyên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bo, trước năm 1990, tình hình ANTT trên địa bàn luôn ổn định. Khi sự giao lưu về kinh tế, văn hoá ngày càng phát triển, trên địa bàn đã xuất hiện một vài đối tượng nghiện ma tuý từ nơi khác dạt về.
Năm 2011, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ dự kiến tăng 7% so với năm 2010
Nhu cầu thị trường về mức độ kiến thức, đào tạo đã vượt quá khả năng đáp ứng của các trường đại học truyền thống và mở ra xu hướng tư nhân hóa giáo dục. Các hình thức khác nhau của trường đại học tư (vì lợi nhuận và phi lợi nhuận) đang tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu về giáo dục sau trung học.
Ngoài việc đảm nhiệm 260 tiết dạy tại trường và những tiết vượt giờ bắt buộc (do thiếu giảng viên), anh Th. , hiện đang giảng dạy tại một trong những trường ĐH lớn nhất tại Hà Nội, còn tham gia đứng lớp tại chức do trường tổ chức. Tuy không nói ra, nhưng nhẩm tính từ số lượng tiết học, giá thành... thì mỗi tháng, các giảng viên "chạy sô" dạy tại chức cũng có thể nhận được trên dưới 20-25 triệu đồng.
Trẻ em khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi khi phải đối mặt với sự phân biệt, đối xử ngay trong gia đình, xã hội và cộng đồng. Vì vậy, giáo dục hòa nhập được coi là xu hướng chung của phần lớn các nước trên thế giới và trong đó có Việt Nam.
(HBĐT) - Ông Phạm Khắc Dũng, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Lạc cho biết: Thời gian đầu, khi bộ phận chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em được sáp nhập vào ngành LĐ-TB&XH đã có sự xáo trộn trong khâu tổ chức, nhiều nơi, đội ngũ cán bộ làm công tác này chủ yếu là kiêm nhiệm, không chuyên sâu và thường xuyên thay đổi nên phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.