Đã gần hết năm học 2010-2011 nhưng việc thực hiện chi trả tiền miễn, giảm học phí chưa thực hiện khiến nhiều phụ huynh, học sinh miền Trung gặp khó khăn.

 
Năm học 2010-2011, Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế có đến 18 em học ĐH, trong đó có 8 em phải đóng học phí với số tiền gần 12 triệu đồng. Theo quy định, các em này phải đóng 100% học phí, sau đó địa phương sẽ căn cứ vào từng đối tượng được miễn, giảm để hoàn trả tiền.

Trần ai đòi nợ

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân, cho biết: “Việc đóng học phí trước khiến chúng tôi phải ngược xuôi đi xin tài trợ từ các nhà hảo tâm. Chúng tôi phải làm việc rất nhiều lần với các nhà tài trợ mới xin đủ số tiền nộp cho các em với lời hứa sẽ trả lại sau khi được hoàn trả theo chế độ miễn, giảm học phí đối với sinh viên”. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, bà Hồng mang giấy xác nhận của nhà trường đã đóng học phí của 8 em sinh viên nói trên để đến Phòng LĐ-TB-XH TP Huế làm thủ tục nhận lại học phí nhưng vẫn chưa nhận được.

Kỳ thi tốt nghiệp đã cận kề nhưng suốt mấy hôm qua, Ngô Văn Toàn (sinh viên khóa 31, Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH Khoa học Huế) phải liên tục điện thoại về nhà xin tiền đóng học phí kỳ 2. Toàn cho biết vì gia đình khó khăn nên rất khó xoay xở khoản tiền học phí gần 1,5 triệu đồng. Bố của Toàn  ngày nào cũng đến UBND xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An để hỏi nhận lại số tiền 1,45 triệu đồng học phí kỳ 1 của Toàn đã đóng (Toàn thuộc đối tượng được miễn 100% học phí) nhưng chẳng có kết quả.

Cũng thuộc đối tượng được miễn học phí nên khi về quê dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Nguyễn Văn Đại (sinh viên K31, Khoa Luật, Trường ĐH Khoa học Huế) mang các giấy tờ miễn học phí đến Phòng LĐ-TB-XH huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nộp để nhận lại số tiền đã nộp cho học phí kỳ 1 năm học 2010-2011. Các cán bộ ở đây bảo Đại mang về nộp tại xã Hồng Thủy là nơi thường trú để xã tập hợp danh sách, sau đó sẽ nộp lên huyện. Vậy nhưng hơn 3 tháng trôi qua kể từ khi nộp hồ sơ tại xã, đến nay, gia đình Đại vẫn chưa nhận được khoản học phí hoàn trả này.

Rất nhiều sinh viên các tỉnh miền Trung đang rơi vào tình cảnh như Đại và Toàn.

Lúng túng

Ông Phạm Duy Hải, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, giải thích việc chậm trễ cấp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí do đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 – 2015) nên huyện phải chờ công văn của tỉnh chỉ đạo mới triển khai. “Việc triển khai chậm gây khó khăn cho phụ huynh và sinh viên vì họ phải xoay xở tiền để nộp rồi sau đó mới được nhận lại. Chúng tôi cũng gặp khó khăn vì nghị định quy định đối tượng không cụ thể, như việc khó khăn khi xác định các đối tượng thuộc khu vực đặc biệt khó khăn”-  ông Hải khẳng định. Theo ông Hải, hiện huyện đang hoàn thành việc thống kê đối tượng tại 23/24 xã nên phải qua tháng 6 mới tiến hành chi trả học phí.

Còn ông Đỗ Duy Đạt, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cho biết đang tiến hành lập hồ sơ dự toán kinh phí chi trả, sớm nhất cũng phải tháng 6 mới chi trả được. “Huyện Lệ Thủy có trên 10.000 hộ nghèo, mỗi năm chi trả gần 10 tỉ đồng cho những người có công. Đối tượng được hưởng chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập là rất lớn trong khi chúng tôi chỉ có một cán bộ hợp đồng chuyên trách vấn đề này nên việc thực hiện khá chậm”- ông Đạt giải thích.

Cần tập huấn?

Theo ông Đinh Mẫn, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội - Bảo vệ trẻ em, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thừa Thiên - Huế, đây là năm đầu tiên thực hiện nghị định này nhưng liên bộ Tài chính, LĐ-TB-XH, GD-ĐT không triển khai hội nghị tập huấn nên cán bộ cơ sở gặp nhiều khó khăn khi thực hiện. Ngoài ra, nghị định dẫn chiếu trên 40 văn bản pháp luật, trong đó có những văn bản được ban hành từ năm 1992 nên cán bộ thực hiện lúng túng.

Ông Mẫn còn nói rằng việc thực hiện nghị định này làm cho đối tượng là sinh viên thuộc hộ nghèo ở đồng bằng không được hưởng chế độ miễn, giảm học phí như trước đây. Trong khi đó, những đối tượng như sinh viên hệ cử tuyển thì đã có chế độ ưu đãi riêng rồi nhưng trong quy định lại vẫn được miễn học phí.

Quá nhiều vướng mắc

Ông Đinh Mẫn liệt kê một loạt khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Đó là nghị định không quy định rõ có thực hiện việc miễn, giảm học phí cho các đối tượng sống ở đồng bằng nhưng cha hoặc mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hay không? Rồi làm sao để xác định thu nhập của một hộ dân bằng 150% so với hộ nghèo để miễn học phí cho học sinh, sinh viên trong khi hiện chỉ có quy định việc xác định hộ cận nghèo có mức thu nhập bằng 130% hộ nghèo. Nếu đối tượng là sinh viên dân tộc thuộc hộ nghèo, trong đợt cấp tiền hỗ trợ học phí lần 1 (vào tháng 9 và 10 năm trước) họ là hộ nghèo nhưng vào đợt cấp tiền lần 2 (vào tháng 3, 4 năm sau) đối tượng này đã thoát nghèo thì có được nhận tiền hỗ trợ hay không? Đối với trường hợp học sinh, sinh viên lưu ban, học lại tín chỉ vì chưa đạt yêu cầu có được miễn, giảm học phí? Đối tượng học tại chức, học từ xa, học liên thông tại các trường CĐ, ĐH thì miễn, giảm học phí như thế nào.

 

                                                                                       Theo NLĐ

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Cậu học trò nghèo vươn tới đấu trường quốc tế

Nhà nghèo nhưng Võ Văn Huy - học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lê Hồng Phong (Phú Yên) đã vượt khó vươn lên, đạt nhiều thành tích đáng cảm phục. Vinh dự hơn, sắp tới Huy sẽ là 1 trong 6 gương mặt tiêu biểu trong đội tuyển thi toán Olympic quốc tế diễn ra tại Hà Lan.

Góp ý dự thảo Luật Giáo dục đại học: Thừa chi tiết vặt, né tránh vấn đề then chốt

Các chuyên gia giáo dục tại TPHCM cho rằng Dự thảo Luật Giáo dục đại học thừa những chi tiết lặt vặt trong khi đó lại tránh né những vấn đền then chốt và cơ chế để xây dựng nền giáo dục đại học thực sự mà đất nước cần.

Những ngành học được săn đón

Các trường CĐ, trung cấp nghề hiện đang có những ngành học mà nhu cầu tuyển dụng rất cao với mức lương hấp dẫn.

Sách giáo khoa tăng giá

Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục vừa công bố bảng giá bán sách giáo khoa (SGK) năm 2011, trong đó dễ thấy là giá SGK ở các cấp học đều tăng so với năm 2010.

Trường tiểu học thị trấn Kỳ Sơn đón Bằng công nhận chuẩn Quốc gia mức độ I

(HBĐT) - Ngày 28/4, trường tiểu học thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) đã tổ chức lễ đón Bằng công nhận trường đạt Chuẩn quốc gia mức độ I, giai đoạn 2005 - 2010.

Loay hoay chất lượng giáo viên

Chất lượng giáo viên (GV) đi xuống đang là nỗi lo đối với giáo dục trong khi các địa phương tốn nhiều công sức giải quyết vấn đề thiếu GV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục