Đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân, nhóm trẻ Măng Non (số nhà 49, tổ 13A, đường Hai Bà Trưng, phường Phương Lâm - TP Hòa Bình) hiện đang trông giữ khoảng 20 trẻ (ảnh chụp sáng 11/7/2016).
(HBĐT) - “Ngày 4, 5/7 tôi vẫn đưa cháu đi học bình thường, còn mua đầy đủ phiếu ăn của tháng 7. Đến sáng 6/7 đưa con đến thì thấy trường lớp khóa cửa im lìm. Bảo vệ thông báo là tiếp tục nghỉ hè, đến ngày 22/8 mới nhận trẻ. Phụ huynh bất ngờ, đành xin nghỉ phép ở nhà trông con rồi tính tiếp.
Hai vợ chồng tôi đều công tác trong quân đội, không thể nheo nhóc mang con đến đơn vị được. ông bà ở xa, trường học thì đóng cửa, không biết phải làm thế nào bây giờ?!”- Đó là chia sẻ của anh Bùi Anh Tuấn (phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình) hiện đang có con học tại trường mầm non Sơn Ca.
Những trăn trở của gia đình anh Tuấn cũng chính là khó khăn mà hàng chục nghìn gia đình có trẻ ở lứa tuổi mầm non trên địa bàn tỉnh ta đang phải trải qua sau khi Sở GD&ĐT có Văn bản số 1188, ngày 7/7/2016 nêu rõ: “Tất cả các bậc học bao gồm: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên tựu trường ngày 22/8/2016”.
Cuống quýt tìm chỗ gửi trẻ mầm non
Câu chuyện “gửi trẻ ở đâu để chờ đến ngày 22/8?” càng trở nên căng thẳng hơn khi chúng tôi tìm hiểu thực tế tại các khu vực có đông công nhân ở trọ như các phường: Chăm Mát, Hữu Nghị, Tân Thịnh… Đa số công nhân các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều ở lứa tuổi trên, dưới 30. Phần nhiều trong số đó có con ở lứa tuổi mầm non. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thu Hoa, công nhân Công ty may Việt – Hàn, hiện đang ở trọ tại tổ 27, phường Chăm Mát giãi bày: Hai vợ chồng em quê ở Thanh Hóa, có cháu đầu năm nay 5 tuổi, cháu thứ 2 được gần 3 tuổi. Hai cháu học ở trường mầm non Chăm Mát, tổng tiền ăn phải đóng hàng tháng khoảng 1 triệu đồng. Tháng 6 nghỉ hè, hai vợ chồng em đã đưa cháu về Thanh Hóa gửi ông bà trông. Cuối tháng 6 về đón lên để đi học thì lại thế này. Bây giờ gửi hai đứa ở các nhóm trẻ mới mở thì phải hết khoảng 1,5 triệu/cháu. 2 đứa hết hơn 3 triệu đồng trong khi lương cả hai vợ chồng chưa đầy 8 triệu đồng, còn tiền ăn, tiền nhà… ông bà ở quê đang bận cấy, đưa về cũng không trông được. Trước mắt hai vợ chồng đành thay nhau nghỉ trông con vì một người nghỉ nhiều quá sợ bị đuổi việc”.
Ở các làng quê trẻ theo bố mẹ ra đồng vào vụ cấy. ở thành phố thì con theo bố mẹ đến cơ quan. Nhiều hộ gia đình liều lĩnh hơn là khóa cửa, nhốt con trong nhà để anh chị em tự trông nhau. Câu chuyện “nóng” nhất những ngày tháng 7 này là: gửi con ở đâu?
Khảo sát thực tế của nhóm PV cho thấy, phụ huynh của trẻ mầm non đa phần đang ở độ tuổi trẻ, lao động chính trong gia đình. Nguyện vọng của phụ huynh đối với trẻ mầm non khi tới trường chỉ là chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ và có chăng là những bài múa, hát đơn giản, những kỹ năng đầu đời như vệ sinh, ngăn nắp… Nghỉ hè 1 tháng là đủ và trẻ mầm non cần được tiếp tục quay lại trường để được chăm sóc, nuôi dưỡng, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt như hiện nay. Trẻ mầm non nghỉ hè gần trọn 3 tháng sẽ là khó khăn lớn với rất nhiều gia đình.
Không có chỗ gửi trẻ, vấn đề đáng lo ngại nhất đối với phụ huynh đó là những nguy cơ “rình rập”, hàng đầu là đuối nước. Trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối, nghĩa là có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước mỗi ngày. Đây thực sự là một con số khiến tất cả phụ huynh đều giật mình. Với địa hình nhiều ao, hồ, sông, suối, đặc biệt dân cư sống ven các dòng sông lớn như sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi… tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước ở trẻ. Ngoài ra, còn phải kể đến các nguy cơ đối với trẻ mầm non như tai nạn thương tích, xâm hại tình dục trẻ em… nếu như trẻ ở lứa tuổi này không được chăm sóc, coi giữ cẩn thận.
Thực tế khảo sát cho thấy, chỉ một phần trong số 65.000 trẻ ở độ tuổi mầm non đang có người thân trông giữ. “Có cung ắt có cầu”, đó là thực tế vì sao những ngày này trên địa bàn tỉnh ta, đặc biệt là thành phố Hòa Bình xuất hiện các cơ sở trông giữ trẻ tự phát với hình thức là “trông hộ” nhưng thực tế là trông có thu phí.
Học hè của trẻ mầm non - nhìn ra tỉnh bạn
Tìm hiểu về các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nhóm PV được biết, ngày 3/6/2016, Bộ có Quyết định số 1893/QĐ-BGDĐT ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2016 - 2017 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên quy định “tựu trường sớm nhất vào ngày 1/8/2016”. Tiếp đó, để chấn chỉnh việc thực hiện kế hoạch thời gian năm học, ngày 29/6/2016, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 3179/BGDĐT-VP, trong đó nêu rõ “ngày học sinh tựu trường của từng cấp học đảm bảo phù hợp với lứa tuổi và thực tiễn của từng địa phương”. Văn bản này có tính chất khá “mở” để các địa phương áp dụng cho phù hợp.
Với các địa phương có sự chuẩn bị, quan tâm đúng mức đến vấn đề học hè cho trẻ mầm non như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì mọi chuyện đã được xử lý chủ động, đúng quy định.
Cụ thể, để tránh bị động và những xáo trộn cho cấp học mầm non, ngày 11/5/2016, Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2069/SGD&ĐT-GDMN về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động hè cấp học mầm non năm 2016. Trong đó hướng dẫn chi tiết về nguyên tắc, những nội dung cần quan tâm. Đặc biệt lưu ý việc phụ huynh có con muốn gửi con học hè phải có đơn xin học hè. Nhà trường tùy theo điều kiện cụ thể để tổ chức hoạt động hè; sắp xếp giảm bớt số trẻ/lớp; quan tâm đến chế độ đãi ngộ đối với giáo viên đi làm hè và bố trí luân phiên cho giáo viên được nghỉ hè… Và các trường chỉ được tổ chức hoạt động hè khi đã báo cáo kế hoạch và được sự đồng ý của phòng GD&ĐT. Cách làm này của Sở GD&ĐT Hà Nội đã nhận được sự đồng thuận rất cao trong phụ huynh cũng như giáo viên mầm non.
Ngoài ra, ngày 17/6/2016, Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 2532 về việc thực hiện kế hoạch thời gian năm học 2016 - 2017. Công văn yêu cầu các nhà trường tổ chức hoạt động hè theo đúng kế hoạch và chỉ lưu ý “thời gian bắt đầu triển khai ôn tập văn hóa và phụ đạo học sinh yếu kém, dạy thêm, học thêm sau vào ngày 1/8/2016”.
Tương tự như vậy tại thành phố Hồ Chí Minh, các nhà trường hiện vẫn tiến hành trông giữ trẻ mầm non bình thường theo đúng kế hoạch trông giữ hè đã được đăng ký và phê duyệt. Ngày 7/7/2016, Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 2246 về việc chấn chỉnh thời gian năm học, trong đó, nhấn mạnh vào nội dung “ngày tựu trường đối với học sinh tiểu học, THCS và THPT dự kiến là ngày 15/8/2016”.
Như vậy, thực hiện hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương đều nghiêm túc siết chặt quản lý việc dạy thêm, học thêm từ cấp tiểu học trở lên. Đồng thời có kế hoạch, chính sách phù hợp để các trường mầm non tổ chức trông giữ trẻ trong thời gian hè; tạo sự yên tâm và đồng thuận lớn trong nhân dân.
Nhóm PV
(HBĐT) - Thấm thoắt đã nghỉ hè được gần 1 tháng bởi từ trung tuần tháng 5, chương trình học của học sinh đã xong, chờ ngày tổng kết năm học. Nghỉ hè, với học sinh tiểu học, THCS là được vui chơi, đùa nghịch, gác sách, bút sang một bên để đi chơi, đi du lịch cùng gia đình, được thả hồn mộng mơ với biết bao dự định. Nhưng với những học sinh khối lớp 12 là cả một tháng vùi đầu vào học hành, ôn luyện. Chưa tổng kết thì lo ôn thi học kỳ II, tổng kết rồi lại lo tìm nơi ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, xét vào các trường đại học, cao đẳng. Chặng đường 12 năm đèn sách gần như được các sĩ tử “gói gọn” trong 1 tháng ôn luyện này.
(HBĐT) - Giữa trưa hè tháng 6, ai cũng vội vã lao nhanh trên đường để trở về nhà hoặc tìm một bóng râm. Nhưng thà chịu nắng bỏng rát còn hơn nguy hiểm tính mạng nên bất chấp cái nắng 40 độ C hầm hập bủa vây, cứ đến cầu Bến Khốm (xóm Đầm Sáng, xã Thượng Bì, huyện Kim Bôi) là người dân dừng xe, xuống dắt bộ qua cầu. Kể từ ngày khởi công năm 2008 đến nay, cầu Bến Khốm vẫn chỉ là mấy mố cầu dang dở. Cầu tạm được dựng lên, cầu gỗ đã sập rồi đến cầu tre cũng mục, giờ đây, những tấm bê tông được đổ tạm làm cầu.
(HBĐT) - Ngoài “kho” kiến thức tích lũy được qua 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, hàng ngày các cô, cậu học trò còn được tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác từ các phương tiện truyền thông, hoạt động xã hội mang tính trải nghiệm... tuy nhiên, phần đông trong giới trẻ hiện nay vẫn loay hoay trước ngưỡng cửa “vào đời”.
Sự có mặt kịp thời cùng với tinh thần dũng cảm quên mình của những thuyền viên trên 2 chiếc cano và 2 tàu du lịch đã cứu sống 53 con người trong đêm tối giữa sông Hàn. Ngay sau cuộc tìm kiếm 3 người mất tích kết thúc, chúng tôi đã tìm đến họ...
(HBĐT) - Chất lượng nguồn nước không đảm bảo. Nhà máy nước Cao Phong ngừng hoạt động. Hơn 1 tháng nay, hàng nghìn hộ dân thị trấn Cao Phong (Cao Phong) bị mất nước sạch sinh hoạt. Giữa mùa hè, người dân phải vật lộn với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 12, ngày 13/6/2014 của BTV Tỉnh uỷ về phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thuỷ điện Hoà Bình, giai đoạn 2014-2020; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10, ngày 27/4/2015 quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thuỷ điện Hoà Bình giai đoạn 2015-2020. Sở NN&PTNT ban hành Công văn số 269, ngày 9/2/2015 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 10 của UBND tỉnh.