(HBĐT) - Một dịp trở lại nơi vùng cao của huyện Lạc Sơn vào thời điểm giáp Tết, chúng tôi cảm nhận sự ấm áp, nồng hậu của những con người bình dị, chân chất xua tan giá buốt của mùa đông. Về vùng cao lần này, chứng kiến sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của bà con, chúng tôi biết rằng, năm nay, cái Tết của họ sẽ thực sự là “tết no, tết đủ”.

 

Vùng cao huyện Lạc Sơn có 3 xã: Ngọc Sơn, Ngọc Lâu và Tự Do. Từ thị trấn Vụ Bản, chúng tôi ngược đèo, dốc cao chừng hơn chục cây số đã thấp thoáng chợ trung tâm vùng cao đặt tại xã Ngọc Sơn - điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến. Chợ Tết ở đây tấp nập, rôm rả không kém gì chợ huyện, thành phố, chỉ có điều, mặt hàng buôn bán có phần bình dân hơn.  Từ khi có chợ, từ 23 Tết đã đông người mua, người bán. Phấn khởi trước những đổi thay trên mảnh đất mình sinh sống. ông Bùi Hồng Ngăm, xóm Bói, xã Ngọc Sơn nhớ lại: “Cái thời chưa có chợ, chưa có đường nhựa lên đây, mỗi dịp Tết đến, từ 5 h sáng, mỗi gia đình có 2 - 3 người gánh hàng xuống chợ Vụ Bản bán. Gánh hàng chỉ đơn giản là chút đồ của nhà trồng được, nuôi được như củ khoai, củ sắn, con gà... Có những khi người dưới xuôi đứng chờ sẵn ở chân núi, có hàng họ bán được ngay còn không lại gánh đến chợ. Tiền hàng bán được dùng để sắm đồ Tết cho gia đình, mua cho trẻ con bộ quần áo, giày dép mới còn đâu là mua chai dầu, chai mắm, cái xoong, nồi... ấy thế mà hồ hởi, vui lắm, chúng tôi còn chẳng kịp nhớ đến mệt mỏi của đoạn đường dài cuốc bộ bởi những câu chuyện tiếu lâm cứ rôm rả suốt chặng đường”. Gia đình ông Ngăm thu nhập chủ yếu từ cây ngô, đến đầu năm nay mới trồng thêm mía tím để cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, ông mở cửa hàng tạp hóa. ông Ngăm chia sẻ: “Tôi tích góp tiền bán ngô, đến năm 2015, gia đình tôi tu sửa quán nhỏ khang trang hơn. Năm nay, cây mía được giá, con lợn nhà nuôi để ăn Tết cũng được 40 kg chắc chắn năm nay ăn Tết phấn khởi hơn những năm trước nhiều”.

 

 

Năm nay mía được giá, gia đình ông Bùi Văn Đính, xóm Hầu 3, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) có tiền tu sửa nhà cửa để đón Tết cổ truyền.

 

Cùng chung niềm vui như ông Ngăm, gia đình CCB Bùi Văn Von, xóm Trung Sơn, xã Ngọc Sơn là một trong số hàng trăm hộ thoát khỏi diện hộ nghèo của xã. Với bản chất của một người lính hậu cần năm xưa, ông luôn tiên phong trong phát triển kinh tế của xóm, xã. Với hơn 3 ha đất sản xuất của gia đình, người lính cựu đã vươn lên nhờ trồng cây mía, ngô, lạc. “Năm nay kinh tế khấm khá hơn trước nhiều, thoát khỏi diện hộ nghèo 2 năm nay, tôi luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Trước đây, kinh tế khó khăn, tết nhất cũng không có tiền mà sắm sửa đồ mới, ăn uống chi tiêu còn dè dặt. Năm nay làm ăn cũng khá, tôi tích góp được gần 50 triệu đồng mua 2 chiếc xe máy để tiện đi lại, cộng thêm con lợn nuôi trong nhà đã được 1 tạ, thế là năm nay có Tết rồi” - ông Von chia sẻ.

 

Cùng xóm với ông Von, chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Văn Chiến đúng vào lúc ông đang sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Đây cũng là một trong 145 hộ vừa thoát khỏi diện hộ nghèo năm nay của xã Ngọc Sơn. ông Chiến tâm sự: “Mấy năm trước kinh tế khó khăn lại nuôi 4 con ăn học nên không dư giả để trang trải, mua sắm gì cả. Năm nay nông sản bán được giá, tôi cũng dành dụm được chút ít nên sửa sang nhà cửa để chuẩn bị đón Tết”.

 

Vui chung niềm vui ngày xuân với bà con xã Ngọc Sơn, ở Ngọc Lâu năm nay cũng có 66 hộ thoát khỏi diện hộ nghèo. Nhìn những vườn mía đang kỳ thu hoạch cũng dễ hiểu vì sao năm nay, nhà nào cũng phấn khởi sắm sửa đồ đạc, chỉnh trang nhà cửa để đón Tết. Mía trắng được giá 9.000 đồng /kg, mía tím cũng được 5.000 - 6.000 đồng /cây nên bà con ai nấy đều vui mừng thể hiện rõ trên từng gương mặt. Chị Bùi Thị Thu, xóm Hầu 3, xã Ngọc Lâu cho biết: “Là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cũng còn là hộ nghèo nên tôi luôn trăn trở, phấn đấu và tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nghĩ đến những cái Tết “thiếu” mọi năm cũng là động lực giúp tôi cố gắng. Năm nay, nhờ cây mía bán chạy, gia đình đã chỉnh trang được nhà cửa, cũng coi như kết quả của cả năm lao động”.

 

Nơi tiếp theo mà chúng tôi đến thăm cách đó chừng gần 1 km là gia đình ông Bùi Văn Đính cùng xóm với chị Thu. Ngồi quây quần bên bếp lửa hồng cùng gia đình ông trò chuyện, mới hay năm nay cây mía, cây ngô nhà ông cho năng suất cao, thu nhập đủ cho gia đình ông sửa sang nhà cửa đón Tết. “Mọi năm thiếu thốn đủ thứ, tết nhất chỉ có con lợn nuôi từ trong năm, lá dong sẵn vườn nhà, gạo nếp đồ xôi, thêm con gà cúng bái tổ tiên. Năm nay vui hơn dành dụm được 30 triệu đồng sửa sang nhà cửa, Tết năm nay sẽ hoàn chỉnh, ấm cúng hơn mọi năm”.

 

Nhìn những gương mặt rạng ngời của bà con vùng cao, chúng tôi thầm mừng cho họ bởi cuộc sống không còn bấp bênh. Tết năm nay, nhà có xe mới, người người mua quần áo mới đi chơi Tết, nhiều gia đình đã chỉnh trang được tổ ấm của mình. Vui trước niềm vui của bà con, chúng tôi ra về và hẹn một dịp gần nhất trở lại nơi vùng cao, cũng trong ngày xuân để chứng kiến những đổi thay mới trên vùng đất này.

 

 

 

                                                                     Thanh Sơn

 

  

Các tin khác


Sững sờ vẻ đẹp động Nam Sơn

(HBĐT) - Tháng giêng năm 2004, một số người dân xã Nam Sơn (Tân Lạc) trong khi đi làm nương ở lưng chừng núi đã phát hiện một cửa hang nhỏ. Chui qua cửa hang, họ vô cùng sửng sốt khi bên trong là động đá tuyệt đẹp. Đến năm 2007, động Nam Sơn (động Tớn) chính thức được công nhận di tích danh thắng quốc gia.

Sớm giải quyết dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm của các nhà máy xi măng ở khu công nghiệp Nam Lương Sơn

(HBĐT) - Trong các ngày 26 - 27/10 vừa qua, người dân xóm Ao Kềnh, Quán Trắng, xã Thành Lập (Lương Sơn) tụ tập đông người trước cổng nhà máy xi măng (NMXM) Vĩnh Sơn để phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường (ôNMT) do nhà máy gây ra. Đó là lần đầu tiên nhưng đây chưa hẳn là lần duy nhất người dân tổ chức tụ tập đông người để phản đối nếu tình trạng ôNMT do các nhà máy xi măng trong khu vực gây ra vẫn tiếp diễn.

Sông Đà trong dặm dài lịch sử

(HBĐT) - Dòng sông của ánh sáng, của thơ và nhạc... đó là những ngôn từ mà những người nghệ sỹ đương đại thường dùng để đặt tên cho những tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí miêu tả về dòng sông Đà hiền hoà, thơ mộng. Đọc, nghe và ngày ngày soi mình trong bóng nước sông Đà lững lờ nơi hạ lưu đập thủy điện Hoà Bình, tôi cũng ngộ như vậy. Thế nhưng, một ngày, tôi đã hăm hở ngược dòng thời gian để tìm về cội nguồn của con sông Đà huyền thoại trong dặm dài lịch sử.

Tự hào, hạnh phúc hòa mình trong không khí Lễ Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh

(HBĐT) - Không khí Lễ Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh ngập tràn, rộn ràng khắp đất trời Hòa Bình. Thời tiết như chiều lòng người. Sau chuỗi ngày mua rét đầu đông, trời khô tạnh, nắng chan hòa là điều kiện lý tưởng đã nhân lên không khí hân hoan, hạnh phúc cho chuỗi sự kiện của Lễ Kỷ niệm thành công. Hàng vạn con tim người dân Hòa Bình hòa chung nhịp đập. Từ mỗi công dân của thành phố, đến các cụ già, trẻ nhỏ ở mỗi vùng quê đ?u hân hoan, hạnh phúc chứng kiến chuỗi sự kiện chính trị lớn của quê hương.

Đất Mường - nơi nuôi dưỡng các vị tướng

(HBĐT) - Là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, thế nên, ngay từ thời kỳ đấu tranh dựng nước, giữ nước và cả trong giai đoạn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, xứ Mường Hòa Bình vẫn được xem là vùng đất nuôi dưỡng các vị tướng.

Hồ Hòa Bình – mênh mang, cuốn hút

(HBĐT) - Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á. Hồ có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha. Với tiềm năng, lợi thế đặc thù, hồ Hòa Bình được tỉnh xác định là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia (DLQG) hồ Hòa Bình, đặt mục tiêu: Đến năm 2020, khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành khu DLQG. Đến năm 2030, khu DLQG hồ Hòa Bình trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, là 1/12 khu DLQG trọng tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục