(HBĐT) - Chẳng biết có phải do nằm ở độ cao với bốn bề là núi cao dựng đứng, trùng điệp nối tiếp, quanh năm chờn vờn mây phủ mà mùa xuân ở Lũng Vân (Tân Lạc) thường đến sớm. Tiết xuân ở vùng đất này cũng thật lạ. Nó làm người ta muốn đi, muốn đến. Đến để trầm mình trong cái vương vấn rét ngọt cuối đông; đến để thấy nắng xuân bung tỏa trên những nếp nhà. Và còn hơn thế nữa, đến để nhớ da diết những con người thuần hậu, chất phác đang ân hưởng tuổi giời ở nơi vốn được nhiều người coi là “thung lũng trường thọ”...

 

Lũng Vân - thêm một sải tay để chạm tới trời?!

 

Tôi đã đi nhiều nơi, mỗi nơi mỗi cảnh nhưng quả thực, chẳng đâu lại làm tôi nhớ da diết như vùng đất Lũng Vân này. Nhớ là nhớ những con người hồn hậu, chất phác. Nhưng lại nhớ và thèm cái cảm giác đứng giữa bồng bềnh mây trắng, để rồi bất chợt nhận ra, mây đã ở quanh mình. Có lẽ, thêm một sải tay nữa là chạm tới trời.

 

 Dù đã sống trên 100 tuổi nhưng trí lực của cụ Bùi Thị Mí ở xóm Chiềng vẫn còn minh mẫn, dồi dào.

  

Lũng Vân, theo nhiều người có lẽ được bắt nguồn từ điểm đặc trưng của một thung lũng với bốn bề là núi cao nối nhau trùng điệp quanh năm mây phủ. Theo những người già thì xưa kia Lũng Vân còn có tên Mường Chậm. Nguồn gốc xa xưa của vùng đất này, giờ có hỏi cũng chẳng mấy ai còn rõ. Như ông Bùi Văn Dứng, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Lũng Vân - người được coi như một pho “sử sống” về vùng đất này cũng chỉ biết rằng, truyền thuyết tạo nên xứ Mường trong mây này là một câu chuyện buồn về cuộc trốn chạy quan lang của những con người khốn khó xưa kia, được người dân nơi đây thường kể cho con cháu nghe khi quây quần bên bếp lửa như một câu chuyện truyền thuyết đời nối đời. Co ro bên bếp lửa nhà sàn để trốn những cơn gió cuối đông buốt lạnh bên những cụ ông, cụ bà đã ở tuổi xưa nay hiếm của bản Chiềng. Sau những câu chuyện không đầu, không cuối, chúng tôi được những người già trong bản kể cho nghe về câu chuyện lập làng, lập bản xưa kia trên vùng đất này. Tương truyền, trong xứ Mường ở Hòa Bình, Mường Chậm là xứ Mường trẻ nhất, nằm ở địa thế sâu, xa nhất. Nó là kết quả của cuộc trốn chạy quan lang của một gia đình nghèo ở xứ Mường Bống, đất Lạc Sơn, vì phạm tội với nhà Lang nên phải bồng bế nhau băng rừng, vượt núi, đi tìm đất mới. Cuộc trốn chạy kéo dài, ngày này qua ngày khác. Họ cứ mải miết đi, mải miết trốn chạy. Chỉ đến khi lạc vào một vùng rừng núi hoang vu, cây cối rậm rạp. Tại đây, nghe thấy tiếng chim cuốc kêu, biết là vùng này có nước, có thể ở nên họ đã dừng chân lại khai khẩn đất hoang, xây dựng cuộc sống mới. Từ một nhà ban đầu, dần dần vùng đất này đã có thêm người mới đến khai khẩn đất hoang, cùng chung sống thuận hòa. Cũng chẳng biết từ khi nào, vùng rừng núi hoang vu đã trở thành những bản làng đông vui, trù phú. Từ đói khổ ban đầu, đất Mường đã bung nở những cánh đào thắm khi gió xuân về... Mường Chậm được hình thành như thế.  

 

Tuổi giờ ở cõi... tiên

 

Chỉ về những cánh đào chớm bung nở còn đọng những giọt sương mai, ông cụ Dứng tâm sự: “Chẳng biết có phải là một đặc ân từ thiên nhiên hay không. Nhưng có một điều đặc biệt là hoa đào ở Lũng Vân rất đẹp. Dù quanh năm buốt giá nhưng cứ đúng dịp, khi những ngọn nắng mang hơi ấm của mùa xuân về thì hoa đào ở Lũng Vân lại khoe sắc thắm”. Dù không nói, nhưng chúng tôi biết cùng với những câu chuyện huyền thoại về cái thuở những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này khai hoang, lập làng vẫn sống qua năm tháng bên bếp lửa nhà sàn được người dân nâng niu, trân trọng gìn giữ; cùng với cảnh đẹp mà không ít người đã phải thốt lên đầy kinh ngạc khi đặt chân lên vùng đất này thì Lũng Vân còn một đặc ân khác mà không phải ai cũng biết. Đó là một cuộc sống thanh bình, hồn hậu. Trong đó, có những người đã sống và được ân hưởng tuổi giời nơi... cõi tiên này.

 

 

Sự trong lành, tinh khiết của vùng đất Lũng Vân đó hàng trăm năm qua vẫn được người dân gìn giữ. Có lẽ nhờ vậy, mùa xuân chưa bao giờ rời khỏi vùng đất này.

 

Có lẽ vì thế nên đối với chúng tôi, cuộc sống nơi thung lũng nằm ở độ cao trên 1.200m, được bao bọc bởi những ngọn núi Pó, núi Trâu, núi Tiên trùng điệp cứ lung linh, huyền ảo như trong một câu chuyện cổ tích có thật. Điều đó, nói như anh Đinh Văn Truyền, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, ở vùng đất này có nhiều người được ân hưởng tuổi giời trong cõi thực. Đó không phải là sự nói quá. Bởi, cả xã có hơn 400 nóc nhà với gần 2.500 nhân khẩu thì có nhiều cụ từ 80 tuổi trở lên. Trong đó, không ít người đã sống qua một thế kỷ. Nói như ông Dứng thì hàng năm, dịp Tết đến, tất cả cán bộ xã phải chia nhau mang quà đến chúc thọ các cụ trong xã từ 80 tuổi trở lên thì mới hết được. Như để chứng minh cho điều đó, ông Dứng mở cuốn sổ nhỏ ghi chép đầy đủ các cụ cao tuổi trong xã. Theo đó, cụ tuổi từ 80 - 89 hiện cả xã có 39 cụ; cụ tuổi từ 90 - 99 cả xã có 10 cụ, từ 100 tuổi trở lên hiện nay xã còn 2 cụ là cụ Bùi Thị ón ở xóm Chiềng năm nay 103 tuổi và cụ Bùi Thị Mí ở xóm Bục năm nay 102 tuổi. Nếu nói về những người sống trên trăm tuổi ở Lũng Vân thì từ xưa đến nay không phải là hiếm. Chẳng nói đâu xa, trong gia đình, dòng họ anh Đinh Văn Truyền, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã thì cũng đã có 8 người sống trên 100 tuổi. Người thọ nhất là 112 tuổi. Ngay như gia đình cụ Bùi Thị Mí ở xóm Bục cũng có nhiều người được ân hưởng tuổi giời. Có một điều đặc biệt, ở đây mặc dù các cụ tuổi cao nhưng hầu hết vẫn còn mạnh khỏe. Như cụ Mí dù đã trên 100 tuổi nhưng trí lực vẫn còn minh mẫn, dồi dào. Nói như ông Hà Công Quý, 76 tuổi - con trai thứ 2 của cụ Mí: “Cách đây 1 - 2 năm mẹ tôi vẫn đi xách nước, nấu cơm giúp con cháu. Đáng tiếc là hơn 1 năm trước do cụ bị ngã nên bây giờ chân đau không làm được những việc nặng nhọc, chỉ ngồi quanh bếp lửa. Tuy nhiên, mắt cụ vẫn tinh tường, tai thính, chân tay còn linh hoạt. Thỉnh thoảng cụ  vẫn tự xâu kim, khâu vá quần áo cho con cháu. Trí nhớ cụ còn tốt lắm. Có những hôm vui, cụ còn hát “thường rang” và kể chuyện về cuộc sống ngày xưa cho con   cháu nghe.

 

Khi hỏi về bí quyết trường thọ ở nơi Mường Chậm, cụ Mí móm mém cười: “Chẳng có bí quyết gì đâu. Ngày xưa cuộc sống của các “bố”, các “mế” cơ cực lắm. Đói, toàn phải ăn củ rừng thay cơm. Thức ăn cũng chỉ toàn là rau rừng, ốc đá chứ tịnh không có một thứ biệt dược nào cả. Đến bây giờ cũng vẫn vậy, vẫn nếp sống cũ. Rau vườn nhà tự trồng, thịt, cá tự nuôi”. Thế mới biết vùng đất Lũng Vân còn trong lành đến nhường nào. Sự trong lành, tinh khiết đó hàng trăm năm qua vẫn được người dân gìn giữ. Có lẽ nhờ vậy, mùa xuân chưa bao giờ rời khỏi vùng đất này. Mãi còn đó, những con người hồn hậu, chất phác được ân hưởng tuổi giời. Hàng trăm năm qua, với người dân sống trên đỉnh Lũng Vân, hạnh phúc cũng đơn giản chỉ là những nụ cười...

 

                                                                      

                                                                    Mạnh Hùng

 

 

 

Các tin khác


Đảo Đá Tây - “thành phố” của những đảo chìm

(HBĐT) - Những người lính Trường Sa thường gọi Trường Sa Lớn là “thủ đô” của quần đảo Trường Sa và đảo Đá Tây là “thành phố” của những đảo chìm. Thật may mắn vì trong hải trình thăm cán bộ, chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa, chúng tôi được cùng đoàn công tác Vùng 4 Hải quân đến cả hai điểm đặc biệt này. Cụm đảo chim Đá Tây với 3 điểm đảo: Đá Tây A, Đá Tây B, Đá Tây C để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc, cảm nhận và trải nghiệm sâu sắc, bất ngờ.

Gặp những người bạn Lào - thắm mãi tình cảm với Việt Nam

(HBĐT) - Lần đầu được đến với đất nước Lào tươi đẹp, thật có biết bao cảm nhận mới, thiêng liêng và đáng trân trọng. Truyền thống lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, những nét tương đồng, các di tích lịch sử, danh thắng…đều tạo được dấu ấn đẹp đẽ trong lần đầu gặp gỡ. Nhưng điều đáng nhớ đầu tiên và chắc chắn sẽ lưu mãi trong lòng chính là tình cảm chân thành của người dân các bộ tộc Lào, những người bạn mới. Nét hồn hậu, thân thiện, bình dị đã chiếm lĩnh được tình cảm của mỗi thành viên. Cao hơn, toát lên là sự thủy chung son sắt khi các bạn nhắc đến tình hữu nghị Việt - Lào từng được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân 2 nước gây dựng, bồi đắp…

Sững sờ vẻ đẹp động Nam Sơn

(HBĐT) - Tháng giêng năm 2004, một số người dân xã Nam Sơn (Tân Lạc) trong khi đi làm nương ở lưng chừng núi đã phát hiện một cửa hang nhỏ. Chui qua cửa hang, họ vô cùng sửng sốt khi bên trong là động đá tuyệt đẹp. Đến năm 2007, động Nam Sơn (động Tớn) chính thức được công nhận di tích danh thắng quốc gia.

Sớm giải quyết dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm của các nhà máy xi măng ở khu công nghiệp Nam Lương Sơn

(HBĐT) - Trong các ngày 26 - 27/10 vừa qua, người dân xóm Ao Kềnh, Quán Trắng, xã Thành Lập (Lương Sơn) tụ tập đông người trước cổng nhà máy xi măng (NMXM) Vĩnh Sơn để phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường (ôNMT) do nhà máy gây ra. Đó là lần đầu tiên nhưng đây chưa hẳn là lần duy nhất người dân tổ chức tụ tập đông người để phản đối nếu tình trạng ôNMT do các nhà máy xi măng trong khu vực gây ra vẫn tiếp diễn.

Sông Đà trong dặm dài lịch sử

(HBĐT) - Dòng sông của ánh sáng, của thơ và nhạc... đó là những ngôn từ mà những người nghệ sỹ đương đại thường dùng để đặt tên cho những tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí miêu tả về dòng sông Đà hiền hoà, thơ mộng. Đọc, nghe và ngày ngày soi mình trong bóng nước sông Đà lững lờ nơi hạ lưu đập thủy điện Hoà Bình, tôi cũng ngộ như vậy. Thế nhưng, một ngày, tôi đã hăm hở ngược dòng thời gian để tìm về cội nguồn của con sông Đà huyền thoại trong dặm dài lịch sử.

Tự hào, hạnh phúc hòa mình trong không khí Lễ Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh

(HBĐT) - Không khí Lễ Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh ngập tràn, rộn ràng khắp đất trời Hòa Bình. Thời tiết như chiều lòng người. Sau chuỗi ngày mua rét đầu đông, trời khô tạnh, nắng chan hòa là điều kiện lý tưởng đã nhân lên không khí hân hoan, hạnh phúc cho chuỗi sự kiện của Lễ Kỷ niệm thành công. Hàng vạn con tim người dân Hòa Bình hòa chung nhịp đập. Từ mỗi công dân của thành phố, đến các cụ già, trẻ nhỏ ở mỗi vùng quê đ?u hân hoan, hạnh phúc chứng kiến chuỗi sự kiện chính trị lớn của quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục