(HBĐT) - Chẳng biết được hình thành tự bao giờ, chữ viết của người Tày cổ cứ thế lưu truyền từ đời này đến đời khác và tồn tại đến ngày nay. ở tỉnh ta, người Tày tập trung đông nhất ở huyện Đà Bắc, chiếm 40,75%. Tại nơi đây, những con người mang trong mình dòng máu của dân tộc Tày với lòng đam mê cùng nhiệt huyết và sự “thai nghén” đang từng ngày duy trì và phát huy giá trị của bộ chữ Tày cổ ấy.
Dành cả đời cho tình yêu với chữ Tày cổ
“Trải qua thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi là một trong số những người biết đọc và viết chữ Tày cổ may mắn sống sót. Thời đó, hễ cứ ai biết đọc, biết viết chữ Tày là bị giặc Pháp xử tử. Tôi phải giấu mình, vờ như không biết đến bộ chữ ấy mới thoát được án tử” - cụ Sa Văn Mắn (91 tuổi), xóm Chiềng Cang, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) chia sẻ. Cụ nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc và là người cao tuổi nhất còn đọc thông, viết thạo chữ Tày cổ hiện nay. ở tuổi xưa nay hiếm, đôi chân cụ không còn nhanh nhẹn như thời còn trẻ, thế nhưng sự minh mẫn và trí nhớ của cụ khiến chúng tôi thực sự ấn tượng. Những câu chuyện gắn liền với bộ chữ Tày cổ được kể tường tận không sót một chi tiết dù là nhỏ nhất, chốc chốc, cụ lại nhấp chén trà nóng như để “tưới” cho đôi môi khô cằn của tuổi tác. Năm 1979, cụ bắt đầu lưu giữ những cuốn sách bằng chữ Tày cổ như sách ghi chép ngày lành tháng tốt, sách kể các câu chuyện ngụ ngôn… Trong đó, quý giá nhất là những cuốn “Mộc sơn động Chiềng Đà” và cuốn gia phả các dòng họ người Tày ở Đà Bắc “Lịch sử dòng họ Xa Khăm”. Hàng chục năm trôi qua, sách được cụ bảo quản cẩn thận và nâng niu như một vật báu nên vẫn còn nguyên vẹn, rõ chữ. Theo cụ Mắn, giá trị văn hóa của người Tày được thể hiện rõ nét qua từng con chữ, vì vậy, ngay trong công việc gia đình hay việc chung của làng, xóm, cụ vẫn thường sử dụng nội dung của sách áp dụng vào thực tế. Chẳng hạn như trong việc cưới, việc tang, cụ thường chọn ngày, giờ đẹp thông qua nội dung trong sách ngày lành tháng tốt đã ghi; hay gần đây nhất, cụ dịch ra tiếng Kinh từ cuốn lịch sử vùng đất Mường Chiềng “Mộc sơn động Chiềng Đà” để phục vụ cho lễ hội Cầu Mường đang được khôi phục và dự kiến tổ chức vào dịp ra tết. Với cụ, sách không chỉ là bạn, là thầy, mà còn là giá trị văn hóa của cả một dân tộc.
Ông Sa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng (Đà Bắc) giới thiệu với chúng tôi những cuốn sách quý được ghi chép bằng chữ Tày cổ mà ông đang lưu giữ.
Cùng chung quan điểm đó, ông Xa Văn Chấm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Chum (Đà Bắc), một trong số những người hiếm hoi ở xã đến nay còn đọc và viết thành thạo chữ Tày cổ, giới thiệu với chúng tôi về một cuốn sổ nhỏ chỉ bằng nửa gang tay người lớn, ông cho biết: “Đó là cuốn sổ tay được ghi chép bằng chữ Tày cổ nói về vận may năm mới, tiếng Tày gọi là “Siềng Trang”. Những nội dung ghi trong trang vừa đọc chính là điềm báo của năm mới”. Xuất phát từ niềm đam mê với chữ Tày cổ, ông Chấm đã học đọc, học viết từ năm 14, 15 tuổi từ các chú, bác trong gia đình. “Tôi luôn mong muốn phong trào học chữ ở con em dân tộc Tày được phát động mạnh mẽ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của người Tày ở Đà Bắc nói riêng và toàn tỉnh nói chung”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Chum gửi gắm.
Ngoài cụ Mắn, ông Chấm, ở Đồng Chum còn có ông Xa Văn Thế, ông Lường Đức Chôm ở xã Trung Thành… với niềm đam mê trên từng con chữ dành tâm huyết cả đời để bảo tồn, lưu giữ và truyền bá giá trị văn hóa quý báu này.
Truyền thụ và tiếp thu chữ Tày cổ - xuất phát từ đam mê
“Dù làm bất kể việc gì cũng cần phải có đam mê và nhiệt huyết thì mới thành công, học chữ Tày cổ cũng vậy. Đây là loại chữ luận nên rất khó học, nếu không hết lòng vì cái chữ thì khó theo đuổi lắm, đặc biệt là người trẻ”, ông Sa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng (Đà Bắc) khẳng định. ông Hùng là con trai của Cụ Sa Văn Mắn, may mắn được tiếp thu tinh hoa chữ Tày cổ từ người cha năm 1987, ông luôn đau đáu trong lòng ước muốn được truyền bá rộng rãi chữ Tày đến đồng bào dân tộc Tày của địa phương. Chính vì vậy, từ năm 2013 đến nay, tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Mường Chiềng đã mở 6 lớp dạy chữ Tày cổ miễn phí cho 150 lượt người tham gia. “Người tham gia học chữ Tày cổ đều xuất phát từ đam mê với sự hấp dẫn trên từng con chữ, người dạy cũng mong muốn được truyền thụ tất cả những tinh túy chữ viết của dân tộc đến đồng bào mình. Vì vậy, cả thầy và trò chúng tôi đều hăng say, vui vẻ mỗi buổi lên lớp. Bất kể tuổi tác, người đăng ký học nhiều tuổi nhất đã 75 tuổi, người nhỏ nhất mới 11 tuổi. Thế nhưng lớp học bao giờ cũng rôm rả vì mọi người đều cùng chung suy nghĩ: học chữ mình để biết mà bảo vệ văn hóa dân tộc mình không bị mai một”, thầy Sa Đức Hoạt, người trực tiếp giảng dạy chia sẻ. Lớp học của thầy Hoạt thường sáng đèn vào buổi tối những ngày cuối tuần, trung bình 3 tháng là kết thúc một khóa học. “Qua giảng dạy trực tiếp, đến nay đã có khoảng 30 người có thể đọc viết chữ Tày cổ, người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít thì dạy người chưa biết, điều này chính là động lực giúp những người làm thầy “miễn phí” như chúng tôi kiên trì theo đuổi ước mơ khôi phục và truyền bá rộng rãi chữ viết Tày cổ”, thầy Hoạt tâm sự.
Buổi học ban đêm của lớp học chữ Tày cổ được dạy miễn phí tại Nhà văn hoá xóm Chiềng Cang, xã Mường Chiềng (Đà Bắc).
Cũng là một người thầy dạy chữ bằng lòng nhiệt huyết, ông Xa Văn Thế (85 tuổi), xóm Nhạp 2, xã Đồng Chum đã mở lớp học tương tự cho những người đam mê bộ chữ này vào năm 2006, khi đó có 25 người theo học. Không nói đâu xa, con trai ông là anh Lường Văn Thịnh, hiện là Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Đồng Chum cũng theo cha học chữ từ năm 2014. Trước đó, anh học chữ Tày Thái rồi chuyển sang chữ Tày cổ, nay đã có thể đọc thông viết thạo cả hai loại chữ đó. Ngoài giờ học bổ ích, cũng có những thanh niên vì yêu thích chữ Tày cổ mà tự tìm thầy để học, như anh Xa Văn Liệng, Vì Văn Ngường (xóm Mới 1) đã chủ động tìm đến ông Xa Văn Chấm để theo học. Anh Lường Văn Thịnh chia sẻ: “Học chữ Tày cổ khó hơn hẳn chữ Tày Thái do chưa thống nhất được một bộ chữ chuẩn. Tuy nhiên, với mong muốn lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc và suy nghĩ “là người Tày thì phải biết chữ Tày” đã thôi thúc tôi mày mò tìm tòi, học hỏi bằng được cách đọc, cách viết chữ Tày. Việc học chữ là cần thiết, cũng là cấp thiết trong thời kỳ hội nhập ngày nay để thế hệ trẻ như chúng tôi có thể hiểu và lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình”.
Thanh Sơn
(HBĐT) - Lần đầu được đến với đất nước Lào tươi đẹp, thật có biết bao cảm nhận mới, thiêng liêng và đáng trân trọng. Truyền thống lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, những nét tương đồng, các di tích lịch sử, danh thắng…đều tạo được dấu ấn đẹp đẽ trong lần đầu gặp gỡ. Nhưng điều đáng nhớ đầu tiên và chắc chắn sẽ lưu mãi trong lòng chính là tình cảm chân thành của người dân các bộ tộc Lào, những người bạn mới. Nét hồn hậu, thân thiện, bình dị đã chiếm lĩnh được tình cảm của mỗi thành viên. Cao hơn, toát lên là sự thủy chung son sắt khi các bạn nhắc đến tình hữu nghị Việt - Lào từng được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân 2 nước gây dựng, bồi đắp…
(HBĐT) - Tháng giêng năm 2004, một số người dân xã Nam Sơn (Tân Lạc) trong khi đi làm nương ở lưng chừng núi đã phát hiện một cửa hang nhỏ. Chui qua cửa hang, họ vô cùng sửng sốt khi bên trong là động đá tuyệt đẹp. Đến năm 2007, động Nam Sơn (động Tớn) chính thức được công nhận di tích danh thắng quốc gia.
(HBĐT) - Trong các ngày 26 - 27/10 vừa qua, người dân xóm Ao Kềnh, Quán Trắng, xã Thành Lập (Lương Sơn) tụ tập đông người trước cổng nhà máy xi măng (NMXM) Vĩnh Sơn để phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường (ôNMT) do nhà máy gây ra. Đó là lần đầu tiên nhưng đây chưa hẳn là lần duy nhất người dân tổ chức tụ tập đông người để phản đối nếu tình trạng ôNMT do các nhà máy xi măng trong khu vực gây ra vẫn tiếp diễn.
(HBĐT) - Dòng sông của ánh sáng, của thơ và nhạc... đó là những ngôn từ mà những người nghệ sỹ đương đại thường dùng để đặt tên cho những tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí miêu tả về dòng sông Đà hiền hoà, thơ mộng. Đọc, nghe và ngày ngày soi mình trong bóng nước sông Đà lững lờ nơi hạ lưu đập thủy điện Hoà Bình, tôi cũng ngộ như vậy. Thế nhưng, một ngày, tôi đã hăm hở ngược dòng thời gian để tìm về cội nguồn của con sông Đà huyền thoại trong dặm dài lịch sử.
(HBĐT) - Không khí Lễ Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh ngập tràn, rộn ràng khắp đất trời Hòa Bình. Thời tiết như chiều lòng người. Sau chuỗi ngày mua rét đầu đông, trời khô tạnh, nắng chan hòa là điều kiện lý tưởng đã nhân lên không khí hân hoan, hạnh phúc cho chuỗi sự kiện của Lễ Kỷ niệm thành công. Hàng vạn con tim người dân Hòa Bình hòa chung nhịp đập. Từ mỗi công dân của thành phố, đến các cụ già, trẻ nhỏ ở mỗi vùng quê đ?u hân hoan, hạnh phúc chứng kiến chuỗi sự kiện chính trị lớn của quê hương.
(HBĐT) - Là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, thế nên, ngay từ thời kỳ đấu tranh dựng nước, giữ nước và cả trong giai đoạn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, xứ Mường Hòa Bình vẫn được xem là vùng đất nuôi dưỡng các vị tướng.