(HBĐT) - Chỉ có 2 doanh nghiệp được tỉnh cấp phép khai thác cát lòng sông Đà tại xã Hợp Thành, Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, “cát tặc”, “sỏi tặc” vẫn cắm vòi hút xuống các lòng sông từ huyện Kim Bôi, Mai Châu đến TP Hòa Bình... Điều này không chỉ gây thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường, giao thông đường thủy, sạt lở bờ sông.
Tàu cuốc neo đậu ở phía bờ sông Đà thuộc xã Trung Minh (TP Hòa Bình).ảnh chụp ngày 23/3/2017.
Đến nay, có Công ty TNHH Hùng Yến và Công ty CP Khai thác khoáng sản Sahara được tỉnh cấp phép khai thác cát lòng sông Đà tại huyện Kỳ Sơn trong 24 năm, mức sâu + 4 m. Trong đó, Công ty Hùng Yến được phép khai thác cát tại xã Hợp Thành bắt đầu từ năm 2014, công suất 27.000 m3/năm, diện tích 20 ha. Công ty Sahara được khai thác cát tại xóm Thông, xã Hợp Thịnh bắt đầu từ năm 2015, công suất 230.000 m3/năm, diện tích 75 ha. Khu vực khai thác có tọa độ xác định cụ thể, được thể hiện trên bản đồ khu vực khai thác khoáng sản tỷ lệ 1:5.000. Doanh nghiệp phải có bản cam kết bảo vệ môi trường và dự án cải tạo phục hồi môi trường. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các sông tại huyện Kim Bôi, Mai Châu, TP Hòa Bình... đã và đang diễn ra bất chấp sự vào cuộc của lực lượng chức năng.
Từ đầu năm đến ngày 15/3, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 3 vụ khai thác cát, sỏi trái phép. Cụ thể, ngày 15/3, tổ công tác phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) phối hợp bắt quả tang liên tiếp 2 vụ khai thác cát trên sông Bôi, địa phận xóm Mỵ, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) do Quách Công Bằng và Quách Công Văn làm chủ nhóm, thu giữ 1 ô tô tải, 2 máy nổ, 1 máy xúc. Ngày 9/1, tổ công tác phòng Cảnh sát Kinh tế bắt quả tang Nguyễn Thành Chung khai thác cát trái phép tại hạ lưu sông Đà, địa phận xã Yên Mông (TP Hòa Bình), chuyển Sở TN&MT xử phạt 30 triệu đồng. Trước đó, trong năm 2016, lực lượng chức năng đã bắt quả tang nhiều vụ. Điển hình như ngày 23/12/2016, tổ công tác phòng Cảnh sát Kinh tế bắt quả tang Nguyễn Văn Lập khai thác cát trái phép trên sông Mã thuộc xã Vạn Mai (Mai Châu), đối tượng bị xử phạt 30 triệu đồng. Trong tháng 4/2016, một tàu khai thác cát trái phép tại xã Yên Mông bị bắt và UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt 50 triệu đồng.
Từ năm 2016 đến nay, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép tại khu vực hạ lưu sông Đà địa phận TP Hòa Bình vẫn diễn biến phức tạp. Dù khu vực này cơ quan chức năng không cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào khai thác nhưng tàu cuốc vẫn cắm vòi hút xuống lòng sông. Trong suốt tháng 8 - 9/2016, phóng viên trực tiếp ghi được hình ảnh, video 2 tàu khai thác sỏi tại khu vực giáp ranh giữa phường Thịnh Lang và Tân Hòa. Hoạt động khai thác chủ yếu diễn ra từ 19h hôm trước đến 5h hôm sau. Khi Báo Hòa Bình và một số phương tiện thông tin đại chúng đăng thông tin, các cơ quan chức năng đã huy động lực lượng vào cuộc. Sau đó, tình trạng khai thác sỏi trái phép chấm dứt. Tuy nhiên, theo nắm bắt thực tế của phóng viên, đến ngày 23/11/2016, hai tàu cuốc hoạt động trái phép trở lại tại khu vực trên. Theo phản ánh của người dân phường Thịnh Lang và Tân Hòa, tàu hút sỏi hoạt động từ đó đến thời điểm giữa tháng 3/2017 thì tạm ngừng. Quan sát của phóng viên ngày 23/3, khu vực hạ lưu sông Đà địa phận giáp ranh giữa 2 phường trên có 3 tàu cuốc đang neo đậu ở phía bờ sông thuộc xã Trung Minh. Nhiều người dân cho rằng, mỗi khi có đợt ra quân hay chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo, các chủ tàu tạm ngừng hoạt động, “nằm” chờ cơ hội khi lực lượng chức năng “chùng” xuống lại tiếp tục.
Lãnh đạo thành phố, huyện, tỉnh đã nắm được tình trạng và có các biện pháp chỉ đạo ngăn chặn. Ngày 31/10/năm, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1432 về việc “giải tỏa, ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông Đà”. Yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND TP Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chức năng tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ tàu, thuyền, phương tiện hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép. Kiên quyết giải tỏa việc neo đậu trái phép các tàu cuốc, xà lan tại khu vực hạ lưu đập thủy điện nếu không đủ điều kiện theo quy định. Đặc biệt, xử lý chấm dứt việc các phương tiện neo đậu trên lòng sông gây cản trở giao thông đường thủy, lợi dụng để có cơ hội khai thác cát, sỏi trái phép.
Sở TN&MT liên tiếp trong tháng 6, 10, 11/2016 ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý khai thác, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của pháp luật. Yêu cầu 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đúng theo giấy phép. Sở đã công bố số điện thoại đường dây nóng 0888.363.866 để cán bộ, nhân dân biết, phản ánh. Qua cuộc gọi của nhân dân đã tổ chức phối hợp kiểm tra, đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc giải quyết. Trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, tàu thuyền neo đậu gây cản trở giao thông, ngày 23/11/2016, Sở đã ban hành văn bản gửi UBND TP Hòa Bình khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng, xã, phường kiểm tra, giải tỏa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Sở cũng đã ban hành kế hoạch thanh, kiểm tra năm 2017. Trong đó, khai thác khoáng sản sẽ kiểm tra thường xuyên, kết hợp kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc qua đơn thư, đường dây nóng.
Ông Đỗ Việt Triều, Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: Thành phố đã lập tổ công tác liên ngành kiểm tra việc quản lý, hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi. Khuyến khích các hộ dân sống hai bên bờ sông Đà báo tin cho tổ công tác, trực tiếp là số điện thoại của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố ngay khi phát hiện vi phạm.
Qua trao đổi với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đều nêu khó: đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép thường hoạt động về đêm, sẵn sàng dùng các mánh khóe để đối phó. Cảnh sát môi trường, Công an TP Hòa Bình không có phương tiện; tàu chuyên dụng của CSGT có tiếng động lớn khi đến gần đối tượng biết, dừng hoạt động… Không có hiện tượng bảo kê?!
ông Đặng Văn Khoa, Phó phòng Khoáng sản (Sở TN&MT) cho rằng, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đều đầy đủ, vấn đề là khâu phối hợp tổ chức thực hiện nhịp nhàng, quyết liệt.
Thực tế, dù đã triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Điều đó đòi hỏi cần tìm ra giải pháp hữu hiệu hơn cho vấn đề theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh.
Ngày 7/3, kết luận cuộc họp về tình hình khai thác cát trái phép, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu lực lượng chức năng toàn quốc không được bó tay trước “cát tặc”, mở đợt đấu tranh cao điểm từ ngày 15/3 - 1/6. Xem xét khởi tố hình sự một số vụ trọng điểm để góp phần răn đe, phòng ngừa chung.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Thời gian qua, nhiều nông dân ở xã Liên Vũ (Lạc Sơn) “đứng ngồi trên lửa” khi ớt đã vào thời điểm chín rộ mà việc thu mua của công ty không đều. ớt chín đỏ rụng đầy ruộng. Nhiều hộ đành ngậm ngùi nhổ ớt để đầy gầm nhà sàn. Có hộ thì chất đống bờ rào để lấy đất cấy lúa. Tiền thu được theo tính toán của một số hộ không bõ công trồng và chăm sóc.
(HBĐT) - Cho rằng Ban Giám đốc (BGĐ) Công ty không thực hiện đầy đủ thỏa thuận về việc trả lương như hợp đồng đã ký. Trong các ngày 23, 24/2/2017, hàng trăm công nhân làm việc tại Công ty TNHH Sung il vina (trên địa bàn xã Thanh Hối - Tân Lạc) đã tự ý nghỉ việc tập thể, đưa ra những yêu cầu về chính sách tiền lương, đòi hỏi BGĐ Công ty phải đáp ứng. Xung quanh vụ việc này, chúng tôi đã về huyện Tân Lạc để tìm hiểu bức xúc của công nhân trong những ngày qua.
(HBĐT) - Nếu ví tốc độ của những chiếc thuyền chở khách trên vùng lòng hồ sông Đà giống như những chiếc xe chở khách cỡ lớn thì thuyền tôm lại có tốc độ của một chiếc “siêu xe” trên mặt hồ. Do vậy, với nhiều người không gì thú vị hơn khi trải nghiệm lòng hồ sông Đà trên chiếc thuyền tôm.
(HBĐT) - Những trận đánh của quân và dân các dân tộc trong tỉnh tại đồi Dụ, cầu Mè (Mông Hóa - Kỳ Sơn) trong Chiến dịch giải phóng Hòa Bình lần thứ 2 (1951 - 1952) là dấu son sáng chói của quân và dân ta. Dù trải qua 65 năm nhưng vẫn còn đó địa danh đã đi vào lịch sử - đồi Dụ, cầu Mè; còn đó tượng đài chiến thắng và những người trực tiếp cầm súng, đánh giặc giữ đất, giữ làng...
(HBĐT) - Không riêng gì ở thành phố Hòa Bình và các huyện trong tỉnh, nhiều nhà hàng, quán ăn trưng biển hiệu “Cá sông Đà”. Thương hiệu nổi tiếng ấy còn cuốn hút nhiều thực khách đến với các nhà hàng lớn ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Đó là sự ghi nhận, tôn vinh giá trị bổ dưỡng, tươi ngon của cá sông Đà trong văn hóa ẩm thực Việt.
(HBĐT) - Sống ở thành phố bên sông Đà và hưởng lợi từ công trình thế kỷ - thủy điện Hòa Bình, tôi những mong một ngày được ngược dòng sông Đà lên Tây Bắc để tận mắt ngắm cỗ máy bê tông, cốt thép thứ 2 đặt ở bến Tạ Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La - Nhà máy thủy điện Sơn La và rồi tôi đã được thỏa nguyện. Đứng trên mặt đập thủy điện Sơn La, ngắm mặt hồ mênh mông sóng nước, nghĩ về sông Đà với tầm vóc mới, sứ mệnh mới…, tôi cảm nhận rõ hơn sức mạnh từ bàn tay, khối óc của con người.