Dù thuộc diện phải di rời nhưng do kinh tế khó khăn, nhiều hộ dân ở xã Đoàn Kết vẫn phải ở lại trong nỗi âu lo.
Căn nhà của gia đình anh Nguyễn Đức Thiện, xóm Cang bị nước lũ, đất đá vùi lấp, với thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.
Chị Xa Thị Chiến, xóm Cang và mẹ chồng bới tìm
đồ đạc trong căn nhà bị đổ sập nhưng tất cả đã bị hư hỏng.
Trường mầm non xã Đoàn Kết bị hư hỏng, đồ chơi, thiết bị học tập bị nước lũ cuốn trôi. Hiện, trường bắt buộc phải xây mới ở vị trí khác.
Đặt chân đến xã Đoàn Kết khi trời vẫn mưa nhỏ, sau mưa lũ, xã nghèo này tan hoang, nhiều hộ dân đang nơm nớp nỗi lo mất nhà. "May mắn không có thiệt hại về người nhưng tài sản thì rất lớn: 2 nhà dân bị sập hoàn toàn, 17 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở, hiện 22 hộ phải di rời khẩn cấp. Hơn 40 ha lúa đến kỳ thu hoạch nay mất trắng”, đồng chí Lường Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết thông tin nhanh với chúng tôi.
Trắng tay sau cơn lũ dữ…
Cang là xóm chịu thiệt hại nặng nề nhất ở xã Đoàn Kết. Hai hộ dân bị sập nhà hoàn toàn đều thuộc xóm Cang. Vẻ mặt thất thần, tay cố bới trong đống đổ nát để tìm đồ đạc nhưng chị Xa Thị Chiến cùng mẹ chồng không tìm được gì cả. Dù không nằm trong diện bị sập nhà hoàn toàn vì căn nhà vẫn chưa ụp xuống hẳn, mà đang đứng xiêu vẹo với bùn đất lấp quá nửa nhà. Thế nhưng, tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ đang nỗ lực vượt khó để khởi nghiệp này giờ đây coi như tay trắng. "Lúc mưa to quá, nước chảy mạnh nên vợ chồng tôi với 2 đứa con nhỏ vẫn cố thủ trong nhà. Đến lúc nghe tiếng nổ to, nước chảy ầm ầm phía sau nhà thì 2 vợ chồng mỗi người cõng một đứa chạy sang nhà hàng xóm. Vừa chạy ra khỏi nhà thì nước kéo theo đất đá vùi lấp vào nhà. Mất hết rồi, giờ chẳng còn gì nữa”, chị Chiến kể trong nước mắt.
Theo chị Chiến kể lại, năm ngoái, vợ chồng chị vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng để mua máy, mở xưởng làm gạch nhỏ. Do kinh tế eo hẹp, anh chị vừa chăm con, vừa cố gắng làm gạch, dù số lượng không nhiều nhưng nghề này cũng đem lại nguồn thu nhập giúp vợ chồng chị có đồng ra, đồng vào. Còn giờ đây, mưa lũ đã khiến máy móc hỏng hóc, họ cũng không còn nhà để ở. "Giờ thì chẳng còn gì, tiền không còn 1 xu dính túi. Vợ chồng em đưa các cháu về ở với bố mẹ chồng, chẳng biết bao giờ mới dựng lại được nhà”, chị Chiến ngân ngấn nước mắt.
Phận làm cha mẹ, nhìn thấy con rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất, bà Xa Thị Thành (mẹ chồng chị Chiến) không khỏi xót xa: "Thương con nhưng biết làm sao, vợ chồng tôi đều già cả rồi, gia đình cũng khó khăn lắm. Rất mong được mọi người giúp đỡ để chúng nó sớm dựng được nhà, cho các cháu có chỗ chui ra, chui vào”. Kế bên căn nhà của chị Chiến là căn bếp chỉ chờ lay nhẹ là đổ, "dấu tích” của căn nhà đã bị sụp đổ hoàn toàn của gia đình anh Nguyễn Đức Thiện.
Anh Thiện mới 25 tuổi, 2 năm qua, đôi vợ chồng trẻ này đã gây dựng nên cơ ngơi khiến nhiều người trầm trồ. Cửa hàng tạp hóa, bán đồ điện tử của vợ chồng anh Thiện to nhất nhì ở khu vực các xã vùng cao này. Thế nhưng, những viễn cảnh về tương lai tươi sáng nay khép lại với đôi vợ chồng trẻ này. "Trôi hết anh ạ, may mà hôm đó bé nhà em vào nhà ngoại nên vợ chồng em chạy kịp. Nước cuốn trôi hết, bao nhiêu hàng hóa bị cuốn xuống dưới hồ, thiệt hại khoảng 300 triệu. Từ hôm gặp nạn, các bác trong xóm giúp đỡ vợ chồng em rất nhiều”, anh Thiện chia sẻ.
Sống trong sợ hãi
Dọc theo đường 433, đoạn qua xóm Cang đâu đâu cũng thấy sạt lở. Hộ ông Phùng Duy Cừ nằm dưới chân taluy dương, ngay cạnh đường 433. Trận mưa vừa rồi đã khiến taluy dương sạt lở nghiêm trọng, căn nhà sàn của gia đình ông Cừ đã trôi theo dòng suối, thiệt hại trên 100 triệu đồng. Hiện chỉ còn lại quán nhỏ bên cạnh mà trước đó gia đình ông Cừ bán đồ ăn vặt cho học sinh. "Suốt tuần nay toàn đi ở nhờ nhà bà con, giờ cứ khóa cửa vào thôi không dám ở đâu. Phía trên đồi này giờ nứt hết rồi, vết nứt rộng lắm, dài vài chục mét. Chỉ cần một cơn mưa là sạt hết chỗ này, nhà tôi sẽ bị vùi hết ngay. Muốn chuyển chứ nhưng phải thư thư đã, giờ muốn làm nhanh cũng không được, tài sản gần như mất hết rồi mà”, ông Cừ cho biết.
Trong số những điểm bị thiệt hại nặng, thì các hộ dân xung quanh trụ sở UBND xã Đoàn Kết bị nước lũ tàn phá khủng khiếp nhất. Trường mầm non của xã này bị sập tường, bùn đất ngập sâu đến cả nửa mét, tất cả các thiết bị dạy học, đồ chơi của của trường đều đã bị hư hại. Phía bên trên trường mầm non, đất đá nằm ngổn ngang, một con suối lớn hình thành sau cơn lũy, chảy giữa các nhà dân. Suốt 2 ngày liền, nhờ sự trợ giúp của hàng xóm, gia đình anh Xa Văn Đức mới dọn hết bùn lầy, đất đá trong sàn nhà. "Quá sợ ấy chứ nhưng biết chuyển đi đâu được, từ trước đến giờ ông bà vẫn ở đây. Nếu mưa to thì cả nhà chạy thôi”, anh Đức chia sẻ.
Theo quan sát của chúng tôi, nguy cơ sạt lở ở phía núi đằng sau UBND xã Đoàn Kết vẫn còn rất cao. Ở phía taluy dương của đường 433, đoạn qua xóm Cang đã xuất hiện nhiều vết nứt, do đó, bà con đang rất mong muốn được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để sớm di rời đến nơi ở an toàn. Lúa bị mất trắng nên nguy cơ thiếu đói trong ngày tám tháng ba là rất lớn, bà con đang rất cần sự giúp đỡ của các tấm lòng thiện nguyện.
Khó khăn chồng chất nhưng trong sự "vô tâm” của thiên nhiên, bà con nơi đây đã rất đoàn kết, cùng giúp đỡ nhau bước qua hoạn nạn. Ví như trường hợp gia đình anh Nguyễn Đức Thiện đã được gia đình chị Xa Thị Nga, xóm Cang cho dọn về ở cùng, dù không phải họ hàng, ruột thịt./.
Viết Đào