(HBĐT) - "Đến với đền Trần, bạn sẽ được thấy từng dấu vết rêu phong cũ kỹ và hít từng hơi của lịch sử, của ký ức. Để được sống trong không khí hào hùng ngày vua Trần mở tiệc khao quân sau chiến thắng quân Mông – Nguyên. Để thêm tự hào và không bao giờ quên lịch sử hào hùng của đất Việt.” Lời mời chân tình và đầy ý nghĩa của các bạn đồng nghiệp Báo Thái Bình đã đưa chúng tôi đến với Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).


Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà - Thái Bình) thu hút đông du khách đến chiêm bái.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng "Tháng 12, ngày 11 Mậu Dần, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự, mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế”. Kỷ nhà Trần chính thức bắt đầu từ năm 1.226. Trần Cảnh tức Trần Thái Tông là vị vua khoan nhân đại độ có lượng đế vương cho nên có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập kỷ cương, dựng chế độ nhà Trần to lớn. Vua Trần Thái Tông mất năm 1277, thọ 60 tuổi và được táng ở Chiêu lăng. Các đời vua tiếp theo của nhà Trần là Trần Thánh Tông được táng ở Dụ lăng và Trần Nhân Tông được táng ở Đức lăng. Các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp táng tại các lăng mộ như Thọ lăng, Chiêu lăng, Dự lăng, Quy đức lăng. Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần như: Thuỷ tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái thượng hoàng Trần Thừa... Trải qua hơn 740 năm binh biến của đất nước, toàn bộ khu Thái đường lăng xưa đã được trân giữ, trùng tu và nay chính là khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Hòa trong dòng chảy của các lễ hội đầu năm, tại khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần từ ngày 13 – 18 tháng giêng hàng năm đã diễn ra "Lễ hội đền Trần”. Tham dự lễ hội, du khách sẽ được ôn lại lịch sử đất Việt thời nhà Trần, đồng thời tôn vinh công lao dựng nước của một trong những triều đại hùng mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam. Đến với lễ hội, du khách còn được tham dự các cuộc thi như: thi cỗ cá, gói bánh chưng, thả diều, pháo đất, vật cầu, kéo co…Đặc biệt là với khu vực quẩn thể lăng mộ, miếu thờ…còn được lưu giữ khá nguyên vẹn đã tạo nên giá trị lớn lao cho di tích.

Quần thể kiến trúc đền thờ các vị vua triều Trần có diện tích hơn 32 ha, hướng kiến trúc quay về phương Nam. Năm 1999, đền thờ các vị vua triều Trần được xây dựng uy nghi, bề thế.

Đưa chúng tôi đi quanh 3 nấm mộ lớn tựa quả đồi thấp, phủ cỏ xanh rì ngay trước cửa khu vực lăng mộ, chị Nguyễn Thu Hà, hướng dẫn viên khu di tích tự hào giới thiệu: Làng Tam Đường nay (xưa tên là Thái Đường) chính là vùng đất phát tích của Vương triều Trần. Nơi đây các vị vua khai nghiệp nhà Trần được sinh ra, gia tộc nhà Trần dựa vào đấy dấy nghiệp. Các vua Trần đã cho xây dựng ở đây hành cung Long Hưng hoành tráng chứng kiến nhiều dấu ấn lịch sử trọng đại gắn liền với vương Triều Trần. Trên mảnh đất này, sau mỗi lần chiến thắng quân Mông-Nguyên, sau các cuộc chặn đánh quân Chiêm Thành bảo vệ biên ải phía Nam thắng lợi, các vua Trần đều về đây làm lễ cáo yết tổ tiên, báo tiệp chiến thắng. Trong suốt 175 năm trị vì, vào đầu tháng giêng hằng năm, vua tôi nhà Trần đều trở về đây để bái yết tiên tổ, ban phúc ân cho tướng sĩ và thần dân trăm họ. Nơi đây cũng được các vua triều Trần lựa chọn để lưu giữ hài cốt của tổ tiên. Kết quả khai quật khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều hiện vật chứng minh cho sự tồn tại của một thể kiến trúc lăng mộ, kiến trúc hành cung Long Hưng uy nghi, tráng lệ. Trước khi vào thăm khu đền thờ, du khách nên đến chiêm bái trước 3 nấm mộ lớn của 3 ông vua đời Trần là: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. 3 đời vua này đều có tâm nguyện được yên nghỉ tại mảnh đất đã phát tích ra vương triều Trần.

Phía sau mộ là khu vực đền thờ các vị vua triều Trần. Trên diện tích 5.175 m2, đền thờ các vua Trần và Đức thánh Trần Hưng Đạo đã được xây dựng công phu, uy nghi, toạ lạc trên nền phế tích nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức. Đây là tổng thể kiến trúc rộng lớn được bố trí theo trục chính, chia thành các không gian như: không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh, một công trình kiến trúc kế thừa và phát huy truyền thống kiến trúc dân tộc - kiến trúc đình làng. Với một số hạng mục chính như: toà hậu cung, toà bái đường, nhà giải vũ, nghi môn, đài hoá vàng…

Một trong những điểm đặc sắc của kiến trúc đền Trần là hậu cung đền với kết cấu chữ "đinh”. Bao gồm hai toà tám gian, trên diện tích 359 m2 được khởi dựng bởi sự tài hoa của những người thợ. Đặc biệt, sự góp mặt của đá trong hợp thể kiến trúc đã tôn vinh vẻ uy linh của hậu cung với hệ thống rồng đá được chạm trổ tinh vi, sống động.

Trong khuôn viên đền Trần còn có nhà trưng bày hiện vật Khu di tích khảo cổ gồm nhiều dấu vết kiến trúc và hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học với niên đại từ triều Lý đến triều Nguyễn, đặc biệt là nhóm hiện vật triều Trần. Cạnh đó là nhà bia và khu tượng đài Chiến thắng chống quân Nguyên - Mông.

Sau khi dâng lễ, thăm đền Trần, du khách có thể dừng chân ở khoảng sân rộng ngay trước chính đền để thành tâm chiêm bái và xin những chữ ý nghĩa cho cuộc sống gia đình mình như "thọ”, "lộc”, Trân trọng nâng niu chữ "Bình an” được viết bằng mực tàu, nổi bật trên nền giấy đỏ. ông Đào Thanh Kiên (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) phấn khởi: Đầu xuân năm mới, cả gia đình tôi đi lễ đền Trần. Đây là cơ hội để cho các con, cháu vãn cảnh, thăm, tưởng nhớ và tìm hiểu rõ hơn về công lao, sự phát triển rực rỡ của vương triều Trần. Các cháu cũng có cơ hội thắp nén tâm nhang tưởng niệm và tỏ lòng tri ân các vị vua triều Trần, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng hoàng thân quốc thích nhà Trần. Qua đó, các cháu sẽ được giáo dục về lòng tự hào, ý chí quật cường, bất khuất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Dương Liễu


Các tin khác


Người Mường trên đất Đắk Nông

(HBĐT) - Những năm qua, cùng với việc tích cực chăm lo phát triển kinh tế, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng bào Mường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông luôn đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, góp phần làm giàu trên quê hương mới.

Những vị “dũng tướng” nơi đất Mường

(HBĐT) - Từ thời kỳ phong kiến cho đến giai đoạn chiến đấu với giặc Pháp xâm lược, lịch sử đã ghi nhận nhiều câu chuyện về những vị "dũng tướng” người Mường. Trong số đó, có người được phong tướng, tước hầu; có người không được phong tướng nhưng họ vẫn luôn được kính trọng với vẻ uy dũng của vị tướng trận mạc. Những câu chuyện về họ, không phải ai cũng biết...

Bài 2 - Gió, cát, phong ba ấm hơi thở đất liền

(HBĐT) - Dù không còn ở đảo. Nhưng trung tá Nguyễn Anh Tuấn, tham mưu phó Lữ đoàn 242 - Quân khu 3 vẫn không thể quên những năm tháng làm "lính đảo” cách đây hơn chục năm trước. Bởi trong những năm tháng gian khó ấy, người lính đảo luôn có một hậu phương vững chắc.

Ghi ở tuyến đảo Đông Bắc

Bài 1 - Những cột mốc sống nơi đảo xa 
(HBĐT) - Trong những ngày cuối năm, phóng viên Báo Hòa Bình đã cùng đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đi thăm, chúc tết CBCS và nhân dân trên tuyến đảo Đông Bắc gồm đảo Trần, đảo Thanh Lân, đảo Cô Tô và đảo Ngọc Vừng thuộc các huyện Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh). Trong chuyến đi này, chúng tôi đã được nghe, được thấy và cảm nhận rõ nét tình cảm gắn bó giữa quân với dân. Và hơn hết là tinh thần bám biển, giữ vững chủ quyền tổ quốc nơi đầu ngọn sóng của quân và dân ở nơi đảo xa...

Đón Tết ở xứ sở Kim Chi

(HBĐT) - Mùa xuân năm nay, do con còn nhỏ nên gia đình chị Nguyễn Thị Thảo Uyên không về quê hương Nha Trang, Khánh Hòa để đón Tết cùng người thân. Chị quyết định ở lại Seoul - Hàn Quốc để thêm một lần nữa ăn Tết truyền thống trên đất nước bạn.

Đồng Chum - mầm xanh hồi sinh

(HBĐT) - Tháng 10/2017, tỉnh ta hứng chịu thiệt nặng nề do áp thấp nhiệt đới gây ra, đặc biệt ở các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc. Trong đó, huyện Đà Bắc thiệt hại lớn cả về người và tài sản. Trở lại xã Đồng Chum (Đà Bắc) sau hơn 3 tháng nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, chúng tôi cảm nhận được mảnh đất vùng cao đang hồi sinh mạnh mẽ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục