(HBĐT) - Năm 2018, thật may mắn khi chúng tôi đã có dịp về thắp nén hương thơm tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (khu vực núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú - thành phố Tam Kỳ - Quảng Nam). Trời xanh thẳm, mây trắng bay ngang trời cùng làn gió mát từ biển Đông như thì thầm, chia sẻ về những huyền thoại Mẹ Việt Nam anh hùng đã cùng dân tộc gánh vác nhiệm vụ lịch sử giải phóng đất nước suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ cùng công cuộc xây dựng và bảo vệ Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lời bài hát "Người mẹ của tôi”(Xuân Hồng) vang vọng trong không gian càng khiến mọi người thêm cảm phục, xúc động khi tới nơi đây: "Nước mắt mẹ không còn để khóc những đứa con, lần lượt ra đi mãi mãi…”…


Đoàn cán bộ tỉnh Hòa Bình đến thăm, dâng hương tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (Quảng Nam).

Anh Nguyễn Văn (thành phố Quảng Nam) chia sẻ: "Nơi đây là "địa chỉ đỏ” cho du khách muôn phương mỗi khi đến Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung. Nhiều du khách, nhà nghiên cứu nước ngoài cũng đến nơi đây”. Được khởi công từ năm 2009, đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, giải phóng Quảng Nam (1975 - 2015), Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đã được khánh thành và mở cửa đón đồng bào trên mọi miền Tổ quốc. Đây là một công trình văn hóa có tầm vóc cấp quốc gia, được đánh giá là 1 trong những khu Tượng đài lớn nhất Đông Nam á; thể hiện được tâm nguyện của người dân xứ Quảng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Quần thể này tọa lạc trên khuôn viên rộng tới 15 ha với nhiều hạng mục mang tính nghệ thuật và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Công trình dựa trên những ý tưởng phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận. Tâm điểm của khu tượng đài chính là khối tượng Mẹ Việt Nam anh hùng tạc chân dung từ nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ; được gắn kết, tạc từ 20.000 tấn đá hoa cương được mang từ miền biển Bình Định (có chiều cao 18,5 m, có hình cánh cung dài 101 như cánh tay người Mẹ Việt Nam ôm hình hài đất nước và những người con. Phía trước là hồ nước hình bán nguyệt rộng đến 1.000m2; làn nước trong mát lành chuyển từ núi non, biển cả đã dồn tụ về đây như vỗ về, ôm ấp bao người bẹ đã dâng hiến chồng, con, tuổi thanh xuân của mình cho đất nước…

Có lẽ trên thế giới chưa có nước nào có quần thể tượng đài nhằm tri ân và tôn vinh người Mẹ như ở Việt Nam. Mẹ Việt Nam, người Mẹ Việt Nam anh hùng nắng mưa, tần tảo nuôi con, chờ chồng và tham gia công cuộc giải phóng đất nước. Quần thể Tượng đài là một cuốn biên niên sử, bảo tàng về những người phụ nữ Việt Nam nói chung và những người Mẹ Việt Nam anh hùng nói chung. Du khách đến nơi đây, thắp nén tâm nhang và được hòa mình vào dòng chảy lịch sử dân tộc qua những đóng góp hy sinh thầm lặng của những người mẹ Việt Nam qua năm tháng đằng đẵng, khốc liệt của các cuộc chiến tranh.

Ở đây, thấy được tầm vóc của người mẹ Việt Nam anh hùng: nhẫn nại, cống hiến và hy sinh, mất mát đến tận cùng. Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904-2010) là một huyền thoại với những hy sinh, mất mát vô bờ bến; là sự bền gan, chịu đựng, kiên cường với sự nghiệp cách mạng. Mẹ quê ở thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn có 12 người con (1 con gái, 11 con trai). Theo tiếng gọi của Tổ quốc, mẹ lần lượt tiễn, động viên 10 người con ra chiến trường trong 2 cuộc trường chinh của dân tộc. Trong kháng chiến, mẹ cùng người con gái đầu là Lê Thị Trị bám trụ với xóm làng, vừa sản xuất, vừa đào hầm nuôi giấu cán bộ, du kích đánh giặc giữ làng. Tiễn con đi và chờ đón con về nhưng không có được niềm hạnh ngộ đó, 9 người con của Mẹ đã lần lượt ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến.

Đau thương chồng nỗi đau, người con rể của mẹ (bác Ngô Tường) và 2 cháu ngoại (Ngô Thị Cúc và Ngô Thị Diểu) cũng hy sinh. Chưa người mẹ nào ở Việt Nam lại phải chịu nhiều nỗi đau thương như vậy. Nuốt nước mắt vào trong, mẹ và con gái (cũng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng) vẫn chịu thương chịu khó duy trì 5 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ.

Con gái của mẹ là mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Trị xúc động nhớ lại: " Giấy báo tử các anh tôi liên tục từ chiến trường báo về, mẹ thẫn thờ lặng im hoặc quẩn quanh trong vườn nhà nhặt cái này, lượm cái kia như người mê sảng. Nhưng một thời gian dần nguôi ngoai, các chú dân vận địa phương đến động viên, mẹ tiếp tục cho các anh khác lên đường. Các anh rời nhà ra đi, nhiều đêm dài sau đó, mẹ trằn trọc, thức trắng âu lo”.



Ảnh: Bức ảnh mẹ Nguyễn Thị Thứ ngồi bên mâm cơm dành cho 9 người con liệt sĩ được trưng bày tại đây đã khiến bao người cảm động

Trước những nỗi đau chồng chất và sự chịu đựng phi thường của Mẹ Thứ, bao người đã không cầm được sự cảm kích. Đại sứ Venezuela tại Hà Nội trong lần đến thăm Tượng đài từng viết về Mẹ: "Mẹ Thứ đã ra đi, nhưng những gì mẹ cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam mãi là một tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo”… 

Vào thăm quan Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng còn gặp muôn vàn tinh thần quả cảm và sự hy sinh không gì đo đếm được của các mẹ trên đất nước bên bờ sóng này. Mẹ Phạm Thị Ngư (1912 - 2002) ở Hàm Thuận, Bình Thuận có 7 con đẻ và 1 con rể là liệt sĩ; bản thân Mẹ là anh hùng LLVT nhân dân. Mẹ Trần Thị Mít ở Hải Lăng-Quảng Trị có 6 con đẻ, 1 con dâu và 1 cháu nội đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. 8 con trai và người cháu của Mẹ Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh cũng vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường…

Người Mẹ Việt Nam anh hùng ở Thái Bình, Lâm Đồng, Hà Giang, Cà Mau, Hòa Bình hay bất cứ miền quê nào… Mỗi cuộc đời được vinh danh nơi đây đều trở thành những biểu tượng đẹp cho tinh thần vì Tổ quốc vì nhân dân. Như tâm sự bộc bạch của Mẹ Phạm Thị Ngự ở Bình Thuận khi được hỏi về những giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh: "Nếu còn có cháu, có con lúc đó, mẹ vẫn biểu tụi nó đi đánh Mỹ”. Anh hùng, giản dị và thấm thía biết bao từ cuộc đời những người Mẹ Việt Nam anh hùng. Như câu hát nào vang trong không gian về những người mẹ: Mẹ ơi mẹ như dòng sông lớn/ Mẹ ơi mẹ như Trường Sơn/ Mẹ sinh người lính thủy chung, vẹn toàn/Mẹ như mây trắng, như cánh lá sen/Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi…

Bùi Huy


Các tin khác


Bản Tà Dê sau cơn "bão lửa"

Sau khi chuyên án tấn công tiêu diệt nhóm đối tượng ma túy nguy hiểm kết thúc thắng lợi, bản Tà Dê đã bình yên trở lại...

Làm báo "Uôn cúp"

Hồ Hoàn Kiếm 8h sáng, đoạn trông sang Tháp Rùa tắc dí dị. Người đi làm dừng xe đạp (ghi đông thường mắc cặp lồng), xe máy nghển nghển vào sảnh nhà 44 Lê Thái Tổ. Ông Nguyễn Văn Thụy (Hoàng Tuấn), phóng viên thể thao của Báo Hànộimới chạy vào ngóng radio rồi ra báo "Vẫn thế!”. Rồi đội Liên Xô yêu dấu của dân Hà Nội thua, đám đông thưa dần...

Người dân đang vi phạm pháp luật

(HBĐT) - Trao đổi với chúng tôi xung quanh vụ việc một số hộ dân trên địa bàn xóm, xã có hành vi lấn chiếm đất sản xuất của Công ty CP cà phê Thái Hòa, cả ông Bùi Văn Hà, Trưởng xóm Băng và ông Bùi Văn Thêm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) đều thừa nhận: "Hành vi lấn chiếm đất sản xuất của một số hộ dân ở các xóm Băng, Khộp 1, Khộp 2 là có thật. Đây là hành vi trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến ANTT, đảm bảo an ninh nông thôn trên địa bàn xã. Việc này, xóm, xã đang phối hợp với cấp có thẩm quyền tập trung giải quyết...”.

Nước vẫn chảy nhưng người dân... khát cháy

(HBĐT) - Đó là thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt mưa lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10/2017. Cho đến nay, nhiều công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh được đầu tư bằng các nguồn vốn dự án bị phá hủy vẫn chưa được khắc phục. Nước vẫn chảy nhưng người dân vẫn... khát.

Người sưu tầm 1.000 tấm ảnh Bác Hồ

Anh Trường đã sưu tầm được khoảng 1.000 tấm ảnh khác nhau về Bác Hồ được người dân phóng để treo trong nhà hoặc treo ở các công trình văn hóa.

Khúc quân ca trên đảo Trường Sa

(HBĐT) - Đảo Trường Sa lớn sừng sững, hiên ngang hiện ra trước sự háo hức của chúng tôi sau nhiều ngày lênh đênh trên biển. Ba hồi còi tàu vang lên chào đảo hòa chung với tiếng nói tự hào từ trong tim: Chào Trường Sa!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục