Tuy không cùng "chiến tuyến” canh biển đảo, nhưng những chuyến bay tuần dương, quan sát, huấn luyện, diễn tập, cứu hộ cứu nạn trên biển, đảo của những phi công Quân chủng Phòng không Không quân đã góp phần quan trọng cùng với cán bộ chiến sĩ Hải quân Trường Sa, DK1 bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc trong mọi tình huống.


Máy bay của Công ty bay dịch vụ miền Nam và tàu Hải quân Vùng 2 huấn luyện cứu nạn trên biển. Ảnh: MAI THẮNG

Tìm nhà giàn trong mưa biển

Đời lính cầm "vô lăng” bay trên trời, nhất là bay biển ra Trường Sa và Nhà giàn DK1, Thiếu tá Nguyễn Văn Thành ở Trung đoàn 917 thuộc Sư đoàn 370 gặp phải nhiều tình huống không lường trước được. Song có lẽ lần "tìm nhà giàn trong mưa biển” thì không thể nào quên. Anh bảo, người phi công không có hạnh phúc nào bằng, là bay đến mục tiêu an toàn tuyệt đối. Chỉ đến lúc máy bay và người an toàn, phi công mới được phép thư giãn đầu óc, và tiếp tục chuẩn bị tâm thế cho chặng bay mới.

Thiếu tá Thành kể lại: Một lần, anh và 6 đồng đội khác nhận nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu từ sân bay Trà Nóc tỉnh Cần Thơ đến Nhà giàn DK1/10. Đây là chặng đường không dài, nhưng thời tiết khắc nghiệt, thường có giông tố bất ngờ và luồng gió mạnh bởi tiếp giáp giữa hai vùng biển Cà Mau và Philippines. Sau khi cất cánh, máy bay của anh bay đến điểm đỗ theo tiêu đồ chỉ dẫn. Khi được ¾ chặng đường, bỗng nhiên cơn giông biển bất ngờ ập đến. Mưa biển như trút nước, tầm nhìn hạn chế, máy bay chao đảo "lệch chuẩn” do chênh lệch luồng gió bất ngờ. Toàn bộ phía trước buồng lái là một màn mưa dày đặc. Ngồi trong buồng lái, nghe rõ tiếng cánh quạt xé nước rầm rầm trên đầu. Bằng kinh nghiệm và bản lĩnh người lính, Thiếu tá Thành bình tĩnh xử lý các thông số kỹ thuật như bật đèn pha sáng độ cao nhất, xử lý kính khi gặp mưa mù, mở radar quan sát ở chế độ tìm kiếm, song vẫn không thấy nhà giàn đâu cả.

"Lúc đó, quan sát qua cửa kính xuống phía dưới, không thấy đèn chớp từ nhà giàn báo hiệu, chỉ thấy một màn dày đặc mưa biển. Không còn cách nào khác, tôi phải cho máy bay bay thoát ra khỏi vùng giông mưa hơn 20 phút, sau đó bay vòng lại tìm kiếm nhà giàn. Khi bắt được tín hiệu đèn chớp và bảo đảm thật an toàn mới cho máy bay hạ cánh được. Chuyến bay đó quá nguy hiểm, nhưng nó là bài học về xử lý sự cố tìm mục tiêu trong mây mù, mưa biển đối với phi công”, anh Thành nhớ lại.

"Giữa bay ở địa hình rừng núi và bay biển, thì địa hình nào phức tạp hơn?” - tôi hỏi. Anh Thành chia sẻ, mặc dù bay biển không có vật che khuất tầm mắt, song nguy cơ mất an toàn cao hơn. Trong nhiệm vụ bay tuần tra, cảnh giới còn thuận tiện, còn bay cứu hộ cứu nạn trên biển bao giờ cũng gặp khó khăn gấp nhiều lần. Vì bay cứu hộ, cứu nạn thường mùa mưa bão, sóng to gió lớn. "Đã ngồi vào buồng lái là vào vị trí chiến đấu cao độ. Trong bất kỳ chuyến bay nào, tình huống nào, phi công cũng chuẩn bị vững tâm thế, nắm chắc và bình tĩnh xử lý các tình huống xảy ra bất ngờ. Bằng mọi cách bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và máy bay”, Thiếu tá Thành chia sẻ.

Cứu nạn đại dương

Trong nhiều nhiệm vụ bay biển, bay cứu hộ cứu nạn giữa đại dương được coi là nhiệm vụ phối hợp đặc biệt quan trọng của Quân chủng Phòng không Không quân. Để cứu hộ, cứu nạn thành công trên biển, ngoài bản lĩnh chính trị vững vàng, những phi công còn bảo đảm tiêu chuẩn khắt khe khác như: trình độ chuyên môn cao, chịu được áp lực tiếng ồn của động cơ, trí não có khả năng làm việc tập trung cao độ không bị phân tâm, nhanh nhẹn xử lý linh hoạt các tình huống và luôn ở tâm thế sẵn sàng hi sinh quên mình.

Anh Trần Văn Hồng, nguyên thiếu tá Công ty bay dịch vụ Miền Nam đã gắn bó suốt thời gian quân ngũ với những chuyến bay biển Trường Sa, Nhà giàn DK1 và các giàn khoan dầu khí trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Hàng trăm lần bay biển, anh nhớ nhất là lần phối hợp huấn luyện tìm kiếm cứu nạn ngư dân chìm tàu trên biển xa tại khu vực DK2.

Máy bay của anh xuất phát từ sân bay Vũng Tàu. Theo tình huống chiến thuật, sau chặng bay 30 phút, máy bay phải "treo” ở tọa độ qui định và thả dây mồi xuống biển để cứu ngư dân gặp nạn do chìm tàu. Song đúng lúc đó, cơn lốc biển bất ngờ ập tới. Gió thổi mạnh, máy bay không sao "định vị” tại chỗ được. Để "ngư dân gặp nạn” không phải bơi quá lâu dưới biển, anh đã "treo” máy bay ở xa rồi thả dây mồi dài theo chiều gió và sóng, đồng thời thả thang dây sẵn sàng kéo ngư dân gặp nạn lên khoang bay. Khi vớt được, ngư dân gặp nạn đã bầm dập vì sóng quật và một bụng nước biển. "Nếu không có những tình huống thực tế như vậy, thì khi ngư dân gặp nạn sẽ lúng túng trong cứu vớt. Trong nhiều nhiệm vụ huấn luyện, thì huấn luyện tìm kiếm cứu nạn ngoài biển xa là phức tạp nhất. Nếu nhân viên cứu hộ cần sức khỏe và kinh nghiệm, thì phi công phải có bản lĩnh và kỹ năng lái "cừ chuẩn” mới hoàn thành nhiệm vụ. Bay ở biển, chỉ cần sơ sẩy một ly là máy bay đâm xuống biển, nguy cơ mất an toàn cao hơn trên bộ nhiều lần”, anh Hồng cho biết

Sẵn sàng "bay khơi”

Cũng như những người lính hải quân Trường Sa, DK1, những người lính khoác áo màu da trời luôn sẵn sàng bay biển. Bởi, ngoài nhiệm vụ chính trị bảo vệ bình yên bầu trời Trường Sa, DK1, họ còn nhiệm vụ thiêng liêng khác, đó là cứu hộ, cứu nạn ngư dân gặp nạn và tàu thuyền của họ chẳng may bị đắm chìm ngoài khơi. Dẫu đó là nhiệm vụ nặng nề, gian khổ, nhưng họ luôn sẵn sàng ra khơi khi có lệnh, dù bất luận trong điều kiện nào.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thành chia sẻ: "Đã là người lính thì nhiệm vụ nào được giao phó cũng phải hoàn thành. Với lính bay thì càng phải cố gắng và phấn đấu nhiều hơn. Bay biển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến tài sản, tình mạng con người, nên bất cứ tình huống nào cũng phải đặt an toàn lên hàng đầu. Trong tình huống khó khăn nhất, để bảo vệ được ngư dân thì dẫu phải hi sinh cũng sẵn sàng”.

Cũng thấm nhuần nhiệm vụ và sẵng sàng hi sinh, Thiếu tá Trần Văn Hồng luôn tự hào về công việc của mình: "Mặc dù ngoài biển, song đó cũng là không phận mà Quân chủng Phòng không Không quân đảm nhiệm canh giữ. Bay biển huấn luyện chiến đấu hay cứu nạn, cứu hộ đều là nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ Tổ quốc, do vậy chúng tôi luôn sẵn sàng xuất kích, có lệnh là lên đường”.  

Ngoài lực lượng bay của Quân chủng Phòng không Không quân định kỳ tuần thám, kiểm tra, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trên biển, từ tháng 12 năm 2011, Quân chủng Hải quân có Phi đội bay Không quân Hải quân phiên hiệu EC 225. Đây là những máy bay chuyên dụng hiện đại nhất thế giới. Hằng năm, Phi đội bay EC 225 vẫn thực hiện các nhiệm vụ tuần dương, nghiên cứu thăm dò, cứu hộ, cứu nạn ngư dân, tàu thuyền gặp nạn trên biển. Những người lính không quân, hải quân trên những máy bay ấy, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Họ luôn tự hào vì đã góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo, nhà giàn, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.

 

 

                      Theo Laodong

Các tin khác


Về miền biên viễn Bờ Y

(HBĐT) - Trong chuyến công tác ở Tây Nguyên, chúng tôi có dịp lên thăm mảnh đất vùng biên giới xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Không chỉ biết đến là ngã bã Đông Dương, nơi một tiếng gà gáy 3 nước Việt Nam, Lào, Cam pu chia cùng nghe mà mảnh đất này còn là nơi an cư, lạc nghiệp của nhiều đồng bào Mường trong cuộc "thiên di” của gần 30 năm về trước.

Gềnh Đá Đĩa “tổ ong khổng lồ” ở xứ hoa vàng, cỏ xanh…

(HBĐT) - Không chỉ nổi tiếng với khung cảnh thơ mộng trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Phú Yên còn được mẹ thiên nhiên ban tặng ghềnh Đá Đĩa, một thắng cảnh độc lạ bậc nhất trên dải đất hình chữ S. Ghềnh này được nhiều người ví von như một tổ ong khổng lồ ven đại dương xanh biếc, quanh năm được sóng biển vỗ bề…

Ngã ba Đồng Lộc – nơi ghi dấu chiến tích anh hùng

(HBĐT) -Một ngày tháng 8, chúng tôi có dịp trở lại địa danh lịch sử Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), vùng đất huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là lần thứ 2 đến đây nhưng cảm xúc trong tôi vẫn như ngày đầu khi được nghe, được cảm nhận câu chuyện về sự hi sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong.

Mãi trong lòng: Những người bạn Nga trên sông Đà

(HBĐT) - Như một sự tình cờ, khi cùng anh Trung Hải ngồi uống cà phê tại một nhà hàng phía dưới chân đập Thủy điện Hòa Bình. âm thanh của một bài hát cũ bỗng vang lên da diết: "Một đêm trăng lên thấp thoáng/ Tôi nghe tiếng Balalaica/ Lặng nghe khúc hát Von-ga/ Bồng bềnh trên sóng nước sông Đà…”. Bài hát "Tiếng đàn Ba-la-lai-ca trên sông Đà” (lời thơ Quang Huy, nhạc An Thuyên) từng nghe bao lần, lần nào cũng gợi nhớ một thời sôi động trên công trình thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh…

Thấy gì trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất “thần tốc” ở thành phố Hòa Bình?

(HBĐT) - 3.850,92 m2 đất được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch là đất thương mại - dịch vụ và cơ quan thuộc địa bàn xóm 8, xã Sủ Ngòi. Tuy nhiên, tháng 4/2016, UBND TP Hoà Bình đã giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất nông nghiệp cho 5 hộ, diện tích 2.449,8 m2 theo hình thức công nhận quyền sử dụng đất như giao đất không thu tiền sử dụng đất; giao đất, cấp giấy CNQSD đất nông nghiệp cho 4 hộ, diện tích 1.401,12 m2.

Linh thiêng những “địa chỉ đỏ”

(HBĐT) - Vẫn không thể nào quên, cuối tháng 7/2017, chúng tôi được đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) thắp nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Phía xa kia, biên giới một màu xanh thẳm cây rừng đã không còn vương khói súng. Trên đầu, trời xanh, mây trắng và vẳng đâu đây phía kỳ đài có những chú chim bồ câu vờn nắng. Tiếng cu gù tạo cho không gian thanh bình quá đỗi. Nhưng lòng mỗi người không yên khi được thắp nén hương lên những ngôi mộ không tên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục