Không chỉ vi phạm về vấn đề sử dụng đất, hiện nay một số bãi tập kết cát, sỏi tại tổ 26, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) còn vi phạm hành lang an toàn giao thông trên quốc lộ 6. Ảnh: p.v
Sẵn sàng di dời...
Thực tế là trong quá trình kiểm tra, đôn đốc, vận động các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật, di dời các bãi TKCS về các điểm phù hợp với quy hoạch theo Quyết định số 2488/QĐ-UBND của UBND tỉnh, về phía các doanh nghiệp đều có chung quan điểm là nhất trí di dời điểm TKCS theo Quyết định của UBND tỉnh. Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Xuân Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hà cho biết: Công ty TNHH Quỳnh Hà được UBND tỉnh ký hợp đồng cho thuê đất để TKCS tại tổ 8, phường Thịnh Lang từ năm 2007 với thời hạn 50 năm. Những năm qua Công ty luôn tuân thủ, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cuối năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2488/QĐ-UBND. Theo đó, vị trí TKCS của Công ty không phù hợp với quy hoạch theo Quyết định của UBND tỉnh và phải di dời. Quan điểm của chúng tôi là nhất trí di dời nếu UBND tỉnh thấy đây là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, nếu phải di dời, chúng tôi đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách phù hợp để doanh nghiệp sớm đi vào ổn định, tổ chức hoạt động kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Cũng chung quan điểm đó, ông Nguyễn Quốc Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Chính Nghĩa ở tổ 25, phường Đồng Tiến chia sẻ: Công ty Chính Nghĩa là đơn vị được UBND tỉnh cho thuê đất để làm bãi TKCS. Thời gian qua, Công ty nghiêm chỉnh chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hay trong việc quản lý đất đai. Tuy nhiên, sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2488/QĐ-UBND thì vị trí đất của doanh nghiệp thuê làm bãi TKCS tại phường Đồng Tiến không phù hợp quy hoạch, chúng tôi đã nhận được thông báo phải di dời. Tuy nhiên, để thực hiện di dời, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn nên chưa thể thực hiện được do khối lượng vật liệu cát, sỏi tại bãi tập kết còn tồn đọng nhiều, chưa thể xử lý được. Hơn nữa, chúng tôi cũng chưa tìm được vị trí có thể thuê lại làm bến bãi tập kết phù hợp với quy hoạch. Bởi lẽ các vị trí phù hợp với quy hoạch theo Quyết định số 2488/QĐ-UBND cũng chưa rõ ràng. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy các vị trí đó đều là đất của dân hoặc đã được quy hoạch để triển khai thực hiện các dự án khác. Do vậy, để doanh nghiệp tự đi thoả thuận mua hoặc thuê đất của dân là rất khó. Trong khi đó, để tổ chức hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp đều phải đi vay ngân hàng. Nếu dừng hoạt động mà chưa có vị trí mới để kinh doanh thì doanh nghiệp rất dễ phá sản. Quan điểm chung của chúng tôi là sẽ chấp hành việc di dời các bãi TKCS không phù hợp với quy hoạch nhưng đề nghị tỉnh, thành phố có các chính sách hỗ trợ cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý nốt những tồn đọng hiện nay.
... Nếu có cơ chế hỗ trợ
"Chúng tôi nhất trí chấp hành chủ trương, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND thành phố về việc di chuyển các bãi TKCS không phù hợp quy hoạch về các điểm phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, trước khi di dời đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp về mặt bằng tập kết mới. Tiếp đó là đề nghị UBND tỉnh và UBND thành phố cho thêm thời gian để di chuyển và xử lý những tồn đọng”, ông Lương Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ vận tải Nam Hải nêu quan điểm. Còn ông Bùi Đức Ben, Giám đốc Công ty TNHH Ben Khải cũng nhất trí với chủ trương về di chuyển bãi TKCS không phù hợp Quy hoạch của tỉnh và thành phố. Tuy nhiên, Công ty cũng đề nghị tỉnh và thành phố tạo điều kiện về mặt bằng mới để ổn định việc kinh doanh. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm thời gian tìm bãi tập kết mới và giải quyết những tồn đọng trước khi di dời.
Đại diện Công ty TNHH Thắng Vân, ông Nguyễn Duy Thắng, Giám đốc Công ty chia sẻ thêm: Doanh nghiệp nhất trí chấp hành chủ trương của UBND tỉnh và UBND thành phố về việc di chuyển bãi TKCS về nơi quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định, chúng tôi cũng mong muốn được tỉnh và thành phố hỗ trợ về mặt bằng bãi tập kết mới. Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền cho thêm thời gian để xử lý lượng cát, sỏi còn tồn đọng và những thủ tục pháp lý liên quan đến việc thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh mới phù hợp với quy hoạch của địa phương.
Vấn đề này, ông Phạm Xuân Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hà nêu quan điểm: Sau khi có Quyết định số 2488/QĐ-UBND của UBND tỉnh và thông báo của chính quyền địa phương về việc di dời các bãi TKCS không phù hợp quy hoạch, các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu cát, sỏi cũng có nhiều băn khoăn. Bởi lẽ các đơn vị đang hoạt động kinh doanh ổn định, để di chuyển địa điểm tập kết, kinh doanh đối với doanh nghiệp thực sự là khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẵn sàng di dời nếu về phía tỉnh và các cơ quan chức năng có các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp di dời cũng như thiết lập điểm tập kết kinh doanh mới, đặc biệt là những cơ chế, chính sách hỗ trợ, bố trí mặt bằng "sạch” cho doanh nghiệp và có chính sách đền bù tài sản trên đất, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc di dời bãi TKCS về đúng nơi quy định. Để làm được việc này, tôi cho rằng về phía tỉnh và các doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn cần ngồi lại, đối thoại, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và có sự thoả thuận hợp tình, hợp lý, tìm được tiếng nói chung từ 2 phía. Có như vậy vấn đề này mới được giải quyết một cách triệt để, hiệu quả.
MH
Bài 3 - Lời giải nào cho việc xử lý dứt điểm tình trạng chậm di dời các bãi tập kết cát, sỏi không phù hợp quy hoạch?
=>> Bài 1: Chưa đóng cửa, thu hồi hợp đồng thuê đất của đơn vị nào