Khám phá rừng Tây Yên Tử và trải nghiệm những nét văn hóa bản địa
của nhiều dân tộc ở đây là một hành trình hứa hẹn nhiều thú vị.
Chinh phục núi Phật Sơn
Chúng tôi ngủ ở TP. Bắc Giang một đêm để lấy lại sức cho hành
trình mới hứa hẹn đầy thử thách nhưng cũng hấp dẫn. Sáng hôm sau mọi người dậy
sớm để bắt đầu ngược theo tỉnh lộ 293. Trải qua hơn 60km, chúng tôi đến được
trung tâm xã Lục Sơn, huyện Lục Nam.
Lục Sơn là một xã vùng cao, vùng sâu của huyện Lục Nam với địa
hình chủ yếu là đồi núi. Ngoài người Kinh ở đây còn có các dân tộc thiểu số
như: Tày, Dao, Sán Chỉ... Sau rồi hỏi han, cuối cùng chúng tôi cũng làm quen được
với mấy chàng thanh niên người bản địa. Nghe nói nhóm từ Hà Nội về đang có hứng
leo núi Phật Sơn, mấy bạn trẻ đã nhiệt tình làm hoa tiêu dẫn đường cho chúng
tôi.
Mấy chiếc xe máy của chúng tôi chạy hết con đường bê tông rồi phi
vào con đường đất đỏ men theo sườn đồi. Một bên là núi rừng xanh thẳm, một bên
là suối nước chảy róc rách. Đi được thêm khoảng 5km thì mọi người phải vào nhà
dân để gửi xe để bắt đầu cuốc bộ.
Tuy vào ngày cuối tuần, nhưng theo Hùng - một anh chàng người bản
địa cho biết, đây là một cung đường khám phá còn mới mẻ, nên rất ít du khách
lui tới. Thỉnh thoảng đi trong rừng, nhóm tôi chỉ bắt gặp một người dân tộc đeo
dao quắm đi vào rừng lấy măng, lấy củi, chặt chuối rừng... Cứ theo con suối cạn
chảy qua các tảng đá đi ngược lên cao. Sau khoảng gần 1 giờ chúng tôi đến được
con suối mang tên "Nước Vàng”.
Mọi người vô cùng thích thú khi lần đầu tiên thấy một dòng suối nước
có màu vàng ngả xanh rêu. Theo chúng tôi tìm hiểu thì suối Nước Vàng là địa
danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang nằm dưới chân núi Phật Sơn. Quanh năm
nước suối đều có mầu vàng ngả xanh rêu như vậy.
Theo cách giải thích khoa học thì có thể do suối được bắt nguồn từ
một mỏ than lớn ở tỉnh Quảng Ninh hoặc do sự phân hủy và kết tủa của cây cối
hàng nghìn năm qua. Hoặc có thể nước mang màu vàng ấy là do dưới lòng suối có
những hòn đá cát nhãn màu vàng.
Vừa lội suối mấy thanh niên bản địa vừa kể ngoại truyện cho chúng
tôi nghe. Cái tên Phật Sơn (nghĩa là núi Phật) gắn liền với Phật Hoàng Trần
Nhân Tông và các vị Tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm. Từ đỉnh núi hơn 700 năm trước
Phật Hoàng đã tu luyện, thiền định nên xuất hiện dòng suối mang mầu vàng (Màu
vàng tượng trưng cho Phật giáo và Vua chúa).
Cứ men theo suối Nước Vàng đi về phía thượng nguồn, chúng tôi ngày một lên cao hơn. Cảnh sắc bên đường ngày càng trở lên hoang vu, vắng lặng. Lúc này chỉ còn tiếng chim hót, tiếng nước chảy hòa cùng tiếng gió thổi ào ào vào cành lá.
Trong tiết trời nóng bức, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp vài
phiến đá lớn bên suối để nghỉ chân, cảm giác thật thú vị, bao nhiêu mệt mỏi
phút chốc đã tan biến. Dòng nước suối đổ từ khe đá xuống tạo thành những thác
nước nhỏ rất ấn tượng. Nước trong vắt, mát lành khiến chúng tôi không thể cầm lòng
mà lội ngay xuống để thác ào ào đổ vào cơ thể.
Càng lên cao, những phiến đá lớn nhỏ xuất hiện càng nhiều. Có đoạn
nước chảy qua với lớp rêu xanh khiến đường đi trơn trượt. Chúng tôi lại cùng nắm
tay nhau để vượt qua khó khăn. Gần đến trưa mọi người cũng tới được ngọn thác lớn
nhất ở lưng chừng núi. Đây chính là thác Giót - thượng nguồn của suối Nước Vàng
bên sườn đông núi Phật Sơn.
Không chảy ào ào và hùng vỹ như nhiều thác nước vùng núi cao khác,
thác Giót với những tia (giọt) nước đổ từ trên cao xuống vực đá. Tầng thác
chính đổ từ hèm núi đá cao khoảng 50m xuống bên tạo thành một vũng nước nhỏ
trong vắt, có thể nhìn thấy tận đáy.
Nghỉ ngơi buổi trưa và dùng bữa ăn nhẹ giữa khung cảnh rừng núi
hoang sơ, chúng tôi cảm thấy thật mãn nguyện. Vẻ đẹp của thiên nhiên đã bù đắp
lại những nỗi vất vả, mệt nhoài sau từng đoạn leo núi. Đợi ánh nắng dần xuống
thấp chúng tôi mới quyết định chiến đấu đoạn đường còn lại.
Từ thác Giọt lên đỉnh núi cũng không còn xa. Chỉ mất khoảng hơn 40
phút leo núi, chúng tôi đã tìm được tới một vùng cỏ, lau, cây cối um tùm. Những
bãi cỏ xanh biếc trải rộng trên sườn núi ở độ cao hơn 900m với gió lộng bốn bề
thổi ào ào vào đoàn người.
Theo các bạn đi cùng cho biết thì địa danh gần đỉnh núi này mang
tên Bãi Cỏ Sân Trời. Trên bãi cỏ, bãi lau là những hòn đá ngổn ngang với đủ
kích thước to, nhỏ lẫn hình thù kỳ quái lạ mắt khác nhau. Đặc biệt có tảng đá
khổng lồ giống y hình một chú rùa với một chỗ ngồi ngả lưng tuyệt vời ở phía
trên đầu. Có tảng đá lại như hình thù một con trăn đang thu mình ở tư thế cuộn
tròn.
Mọi người cứ lang thang khắp bãi cỏ và chiêm ngưỡng những tảng đá
lạ mắt mà không thấy chán. Cái tên Bãi Cỏ Sân Trời mà dân bản địa gọi từ bao đời
này có lẽ xuất phát từ suy nghĩ rằng một vị thần nào đó ở trên trời đã xuống
đây và tạo nặn ra các tảng đá kỳ quái vậy.
Từ Bãi Cỏ Sân Trời ngước mắt lên chúng tôi thấy đỉnh Phật Sơn um
tùm cây lá nhô vươn lên trời xanh. Nơi đây cũng chính là ranh giới tự nhiên giữa
2 tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Mỏm núi nhô lên cao ấy chính là đỉnh cao thứ 2
của dãy Yên Tử (sau đỉnh Yên Tử cao 1.068m, ở xã Thượng Yên Công).
Rời khu vực đỉnh núi chúng tôi tiếp tục hạ sơn xuống bên sườn Đông
núi Phật Sơn. Con đường mòn ở sườn phía đông của núi có vẻ dễ đi hơn quãng đường
mà buổi sáng mọi người đã qua. Nhiều đoạn xuống núi đã được nhân dân xã Bình
Khê làm thành bậc đá để cho an toàn.
Đi được vài trăm mét thì chúng tôi bắt đầu nhìn thấy những mái nhà
lợp ngói, lợp tôn. Đấy chính là khu chùa Hồ Thiên được dựng lại thời gian trước.
Xưa kia chùa Hồ Thiên là một trong những công trình Phật giáo quan trọng nhất của
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngôi chùa hưng thịnh nhất vào thời kỳ Tổ đệ nhị
Pháp Loa (1309 - 1330) - người kế tục sự nghiệp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Chùa cũ gần như đã bị phá hủy hoàn toàn, hiện nay chỉ còn khu tháp 7 tầng được
xây bằng đá xanh liền khối, bên trong các ô cửa có tượng Phật làm từ đá trắng.
Ngoài ra còn một tháp cổ xây bằng gạch đặt trên bệ đá lớn hết sức ấn tượng.
Cảnh quan xung quanh chùa Hồ Thiên rất đẹp với khu rừng trúc thẳng
tắp như trong các bộ phim kiếm hiệp Trung Hoa. Hiện nay xung quanh chùa được
các nhà sư và tăng ni, Phật tử trồng một số loài hoa. Nếu du khách đi vào đúng
dịp mùa xuân những cây đào sẽ bung nở bên các tảng đá. Buổi sáng nếu may mắn du
khách cũng có thể được ngắm biển mây bồng bềnh, ngỡ mình như đang ở chốn tiên cảnh
nhân gian.
Tối hôm đó cũng giống như một vài vị khách phương xa khác, chúng
tôi xin ngủ lại ở chùa Hồ Thiên để hôm sau trở lại điểm xuất phát ban đầu.
Quên lối về nơi đại ngàn
Điểm đến tiếp theo trong hành trình mới của chúng tôi là khu di
tích, thắng cảnh suối Mỡ. Nằm giữa vùng rừng núi thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục
Nam, Suối Mỡ từ lâu đã trở thành một trong các điểm đến thú vị nhất khi tới Bắc
Giang.
Ai đã từng một lần nghe bài hát "Gửi về sông Lục núi Huyền” sẽ cảm
nhận được hết vẻ đẹp của khu di tích thắng cảnh Suối Mỡ:
"Quanh co, quanh co con đường lên dốc
Đền Trung, Đền Thượng hương khói vi vu
Róc rách suối reo, hoa lá thầm thì...”
Quả thật vậy, từ xa chúng tôi đã nghe thấy tiếng nước suối chảy ầm
ầm, vang dội một góc rừng. Thế là mọi người lại gửi xe, chuẩn bị hành trang leo
bộ khám phá suối Mỡ. Từ ngàn đời nay đã suối nước chảy ra từ đỉnh núi Huyền
Đinh qua những phiến đá khổng lồ. Thời gian trôi qua, những lớp rêu xanh ký
sinh trên đá khiến nó vô cùng trơn trượt. Nhiều người bảo chắc do nó trơn như đổ
mỡ nên mới có tên là suối Mỡ.
Để đảm bảo sự an toàn do độ trơn quá lớn, nên mọi người không dám
lội suối qua những tảng đá rêu xanh. Một số đoạn tảng đá khổng lồ chắn ngang
qua suối, không ngập nước thì mọi người có thể ra đứng ngắm cảnh, nghỉ chân. Dọc
theo suối Mỡ là những tảng đá với kích cỡ có khi bằng hẳn một chiếc xe tải nhỏ.
Dọc con đường lên núi theo suối Mỡ, mọi người còn được vào thắp
hương, tham quan các ngôi đền cổ như: Đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Trần,
đền Quan. Đền ở suối Mỡ thờ nhân vật chính là Công chúa Quế Mỵ Nương thời Hùng
Vương, người có công dạy dân chúng trong vùng cách làm ruộng, phát nương. Cùng
với đó người ta lập nên đền Trần để thờ các vị vua anh minh của vương triều
này.
Suối Mỡ ấn tượng và đã được biết tới từ lâu, nhưng đến đây mọi người
đều thích thú đi chinh phục thác Thùm Thùm. Từ điểm gửi xe ban đầu, chúng tôi
phải đi tiếp gần 10km đường núi để đến bên khu vực vào thác Thùm Thùm. Rất nhiều
đoàn du khách, trong đó đông nhất là các bạn trẻ ở nhiều nơi đã lũ lượt kéo về
đây để tìm tới thác Thùm Thùm.
Mọi người phải đi bộ theo con đường mòn, bên cạnh là con suối cạn
hơn 2km. Có nhiều bạn thích thú quyết định lội suối để tới thác. Sau đoạn đi
xuyên rừng, cuối cùng thác nước đã xuất hiện trước mắt chúng tôi.
Nhìn từ xa, thác Thùm Thùm có đến 4 tầng với độ cao các tầng khác
nhau. Thác Thùm Thùm nằm ở phần gần đỉnh núi Huyền Đinh và chính là thượng nguồn
của suối Mỡ. Từ trên núi cao dòng nước trắng xóa đổ xuống sườn núi theo các ngả
khác nhau tạo ra khu vực thác.
Ở dưới chân các tầng thác là các hồ nước nhỏ chẳng khác gì bể bơi
tự nhiên tuyệt vời nhất. Mọi người chẳng ai bảo ai, cứ thế là cùng lội xuống
khu bể bơi thiên nhiên tuyệt vời này. Dòng nước xối xả, ầm ầm mát rượi đổ xuống
cơ thể đã cuốn phăng đi những giọt mồ hôi lẫn bụi đường.
Từ tầng 1 lên tầng 2 của thác có vẻ khá đơn giản. Nhưng từ tầng 2
lên tầng 3 cao hơn 10m rất nguy hiểm. Khu vực này được mệnh danh là "Thác
Trơn”. Nhằm đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã cho làm một chiếc thang
dây.
Chỉ cần lấy lại sức khỏe là mọi người có thể đu thang dây để lên tầng
trên. Những bể bơi thiên nhiên ở trên cao càng trong, có thể nhìn thấy tận đáy.
Ai muốn chinh phục tầng 4 của thác buộc phải đu mình qua phiến đá lớn, cao chắn
ngang dòng nước để lên.
Đến chiều tối chúng tôi bắt đầu ngược quốc lộ 31 lên Thị trấn An
Châu để nghỉ qua đêm, chuẩn bị cho hành trình mới khám phá vùng đất Tây Yên Tử
thuộc huyện Sơn Động.
Để thay đổi không khí, buổi sáng hôm sau mọi người háo hức rủ nhau
vào xã Tuấn Mậu. Qua những cung đường gập ghềnh, cuối cùng chúng tôi cũng tới
được bản Mậu, xã Tuấn Mậu. Đây là bản nằm dưới sườn Tây dãy Yên Tử. Vào những
ngày trong trời, đứng ở bản Mậu có thể nhìn thấy rõ chùa Đồng trên đỉnh thiêng
Yên Tử.
Dân cư chủ yếu ở bản Mâu là người Dao Thanh Phán với những nét văn
hóa cổ truyền vẫn còn được lưu giữ. Một số gia đình ở đây vẫn sống trong các
căn nhà trình tường (xây - đắp bằng đất). Người dân vẫn thường xuyên mặc các bộ
trang phục truyền thống của dân tộc mình. Bản Mậu ẩn chứa một câu chuyện có vẻ
truyền kỳ về các cô gái Dao Thanh Phán xinh đẹp xưa kia được nhiều bậc vua chúa
tuyển vào cung làm phi, làm tỳ thiếp.
Truyền thuyết mà dân bản Mậu kể lại thì xưa con gái đẹp bởi thường
xuyên ra tắm ở giếng tiên. Giếng tiên ngày nay chỉ có dấu tích là vài tảng đá lớn
trong lùm cây um tùm.
Tạm biệt bản Mậu, chúng tôi tiếp tục lên đường hướng tới khu rừng
nguyên sinh Khe Rỗ, xã An Lạc. Từ Quốc lộ 31 chúng tôi rẽ vào con đường bê tông
vắng vẻ chạy xuyên qua những quả đồi, cánh rừng. Thỉnh thoảng xe chúng tôi lại
lao qua một con suối, nước bắn tung tóe. Vào sâu, không khí càng trở nên trong
sạch, yên bình. Thỉnh thoảng đoàn lại bắt gặp một nhóm khác cũng đi vào rừng.
Khi chiếc nhà sàn lợp ngói hiện ra bên suối, cũng chính thức là điểm
dừng chân, gửi xe để bắt đầu đi bộ xuyên rừng khám phá cảnh vật. Chúng tôi làm
quen được với một chàng trai người Dao tên Lý Văn Tuân đang đi rừng để trò chuyện.
Anh Tuân cho chúng tôi biết, trước đây rừng Khe Rỗ rất hoang sơ, chỉ có người bản
địa lui tới. Vài năm trở lại đây mới có đông du khách, đặc biệt một số người nước
ngoài cũng đã tìm về Khe Rỗ để đi trekking.
Có du khách nên đồng bào các dân tộc ở xã An Lạc như Tày, Dao,
Nùng, Cao Lan... cũng có thêm nhiều công việc để làm như mở dịch vụ homestay,
bán đồ ăn uống, mở điểm trông giữ xe... Chúng tôi và một số nhóm khách bắt đầu
băng rừng, vượt suối khám pha Khe Rỗ.
Rừng nơi đây đúng nghĩa hai từ "nguyên sinh” bởi nó vẫn còn giữ
nguyên được các tầng sinh thái của hệ thực vật. Cứ đi dần vào sâu trong vùng
lõi của rừng Khe Rỗ, những âm thanh chim hót, tiếng nước chảy ngày một nhiều
thay cho những tiếng cười nói của đoàn người lúc xuất phát.
Gần đến trưa, các đoàn dần tản đi theo nhiều ngả. Có đoàn đi theo
kiểu gia đình với mấy chiếc phao bơi tìm đến mấy vũng nước trong vắt để ngâm
mình. Có đoàn tới khu nhà sàn trung tâm để nghỉ ngơi, uống nước ăn nhẹ. Nhà sàn
được dựng ở gần lõi của khu rừng nguyên sinh với cảnh sắc tuyệt vời.
Trước nhà sàn có một hồ nước lớn trong xanh phẳng lặng, xung quanh
là cây cối um tùm. Du khách đến đây có thể nghỉ chân, bày đồ ăn sẵn mang theo
hoặc nếu có nhu cầu sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống của người Tày,
Nùng bản địa như lợn cắp nách, gà quay, gà nướng bọc đất, rau sắng xào...
Một số bạn trẻ lại tìm ra đoạn suối để ngâm mình xuống dòng nước
mát lạnh hoặc tìm gốc cây nhờ bóng râm nghỉ ngơi...
Chúng tôi được tận mắt ngắm nhìn những tán cây cổ thụ của muôn
loài gỗ quý như pơ-mu, lim, sến, táu, và bạt ngàn rừng tre, trúc xanh tươi. Tùy
vào sức khỏe của từng người mà sẽ chọn cho mình hành trình hợp lý từ đi bộ 5 đến
20km.
Thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp vài anh kiểm lâm vui tính sẵn
sàng trò chuyện trên một đoạn đường và chỉ dẫn các điểm tham quan chính. Đến buổi
chiều khách đi bộ vào rừng Khe Rỗ có phần đông hơn, chủ yếu là người dân quanh
quanh vùng Sơn Động.
Buổi chiều chúng tôi và một số nhóm khác bắt đầu tìm đường quay ra
điểm xuất phát để kết thúc hành trình. Nếu ai có hai ngày để khám phá rừng Khe
Rỗ thì sẽ rất thú vị khi được trải nghiệm cảm giác ngủ qua đêm ở một số nhà sàn
của dân địa phương và sáng sớm hôm sau hà hít cái không khí tinh khôi của núi rừng.
Còn chúng tôi, chiều hôm đó quyết định lên Đồng Cao (vùng thảo
nguyên hoang sơ của huyện Sơn Động) để sáng hôm sau đón ánh bình minh và ngắm
mây bay bồng bềnh trên sườn Tây dãy Yên Tử hùng vĩ.
Năm 2016, tỉnh Bắc Giang đã cho khởi công khu du lịch tâm linh -
sinh thái Tây Yên Tử tại xã Tuấn Mậu (Sơn Động). Cho đến nay các công trình trọng
điểm như chùa Hạ, chùa Thượng, quảng trường trung tâm, bảo chuông... đã hoàn
thành và đón du khách từ đầu xuân năm 2018. Dự kiến khu nhà ga cáp treo và tuyến
cáp treo lên chùa Đồng sẽ hoàn thành trong thời gian tới.
Đây thực sự là một điểm nhấn về du lịch đáng mong chờ ở vùng Tây
Yên Tử trong tương lai.
TheoBaoLaodong