Nằm giữa thị xã Quảng Trị anh hùng, xưa kia, thành cổ vốn là công trình thành lũy quân sự dưới thời nhà Nguyễn. Khi thực dân Pháp, về sau là đến quốc Mỹ xâm lược nước ta, chúng xây thêm nhà lao để giam giữ những người yêu nước. Đặc biệt, năm 1972, thành cổ là nơi được cả thế giới biết đến và khâm phục bởi những chiến công hiển hách, sự hy sinh anh dũng quần cường của quân ta trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ.
Vào năm 1972, sau 18 năm bị Mỹ, ngụy chiếm đóng, quân ta đã giải phóng tỉnh Quảng Trị. Lúc này, được sự viện trợ tối đa của Mỹ, chính quyền Sài Gòn đã dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích nhằm tái chiếm Quảng Trị, trong đó, Thành cổ là mục tiêu số 1. Tái chiếm được Quảng Trị - mảnh đất địa đầu chiến lược miền Nam, chúng sẽ cản phá được cuộc tấn công của quân ta, lấy lại tinh thần, xóa bỏ tâm lý thất bại đang tràn lan trong quân đội ngụy. Đồng thời đạt được âm mưu xảo quyệt về chính trị, quân sự, ngoại giao và gây sức ép với ta tại Hội nghị Pari.
Mỹ, ngụy bắt đầu mở cuộc hành quân vào ngày 28/6/1972, lấy tên là "Lam Sơn 72”. Chúng tuyên bố: "Đồng minh sẽ sử dụng tối đa hỏa lực không quân và pháo binh để nghiền nát Thành cổ Quảng Trị”. Mỗi ngày, chúng mở hàng trăm cuộc phản kích bằng các loại vũ khí tối tân nhất. Sau 81 ngày đêm, trên diện tích chưa đầy 4 km2, Thành cổ đã phải hứng chịu 328 nghìn tấn bom, hơn 1 triệu viên đạn pháo, sức công phá gấp 7 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki (Nhật Bản) trong thế chiến thứ 2. Sự bắn phá điên cuồng đó đã biến nơi đây thành tro tàn với khoảng 1 vạn ngôi nhà bị phá hủy, tường thành cổ dày 12 mét nhưng "Đến một viên gạch cũng không còn nguyên vẹn”.
Hướng dẫn viên giới thiệu về những hình ảnh, tư liệu tại khu tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị.
Còn ngày hôm nay, thị xã Quảng Trị đang từng ngày thay đổi. Thành cổ đã và đang được tôn tạo, trở thành "địa chỉ đỏ” ở đất lửa anh hùng. Mỗi ngày, có hàng trăm, hàng nghìn đồng bào khắp mọi miền hành hương về Thành cổ, thắp nén hương tưởng nhớ những người đã vĩnh viễn nằm xuống cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
"Khác với nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 hay các nghĩa trang khác thì liệt sỹ nào có mộ liệt sỹ đó, dù cho biết tên hay chưa biết tên. Nhưng khi đến với Thành cổ Quảng Trị, các anh chỉ có một ngôi mộ tập thể chung, một nấm mồ chung mà thôi. Đài tưởng niệm trung tâm là biểu tượng của nấm mồ chung, của ngôi mộ tập thể đó”, chị Phạm Thị Thu Uyên, hướng dẫn viên Thành cổ nghẹn ngào giới thiệu. Nói về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân ta, chị Thu Uyên dẫn câu nói của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn về sự kiện này rằng: "Chúng ta đã chịu đựng được không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thực sự - những con người Việt Nam với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.
Khoảng 80% chiến sỹ của ta tham gia chiến đấu ở Thành cổ đã hy sinh, một con số đầy xót xa. Thế nên thật may mắn cho chúng tôi, trong lần về thăm Thành cổ được gặp gỡ với những người may mắn sống sót sau 81 ngày đêm đó. Họ là các cựu chiến binh đến từ phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). Bác Nguyễn Đức Thi, Phó Chủ tịch Hội CCB phường Mạo Khê chia sẻ: "Thật khó để diễn tả về sự khốc liệt của những ngày đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Địch được hỗ trợ trang bị những vũ khí tối tân nhất. Còn chúng tôi chỉ với đôi dép cao su, bi đông nước, chiếc mũ tai bèo, ba lô và khẩu súng AK nhưng không hề run sợ. Sự căm thù giặc, lòng yêu nước và tình đoàn kết đã giúp chúng tôi giành chiến thắng”.
Chiến tranh đã lùi xa, Thành cổ tan hoang ngày nào nay được trùng tu, tôn tạo. Thị xã Quảng Trị anh hùng cũng từng ngày "rũ bùn, đứng dậy”. "Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây”, Bài thơ như một lời nhắn gửi của CCB Phạm Đình Lân (Hà Nội) đối với thế hệ trẻ và đồng bào khi về thăm di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị.
Viết Đào