Bài 3 - Lời giải nào cho việc xử lý dứt điểm tình trạng chậm di dời các bãi tập kết cát, sỏi không phù hợp quy hoạch? 

(HBĐT) - Xung quanh việc chậm xử lý di dời bãi tập kết cát, sỏi (TKCS) không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn TP Hòa Bình theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp ngày 1/8/2018, cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố đã và đang tìm "lời giải” cho bài toán này.


Di chuyển bãi tập kết cát, sỏi không phù hợp: Còn nhiều cái khó

Việc di dời bãi TKCS 2 bên bờ sông Đà thuộc địa bàn thành phố không phù hợp với quy hoạch theo Quyết định số 2488/QĐ-UBND tỉnh luôn được Thường trực Tỉnh uỷ quan tâm, chỉ đạo. Tại hội nghị ngày 1/8/2018, Thường trực Tỉnh uỷ đã yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương liên quan thực hiện việc thu hồi hợp đồng thuê đất và đóng cửa đối với 2 bãi tập kết VLXD không phù hợp quy hoạch trên địa bàn thành phố. Tiếp đó, ngày 23/8/2018, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo kết quả việc giải toả, di chuyển các điểm TKCS chưa đúng quy hoạch 2 bên bờ sông Đà thuộc TP Hoà Bình đến điểm quy hoạch mới.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, ngày 30/8/2018, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã có Báo cáo số 381 về tình hình thực hiện việc di chuyển các bãi TKCS không phù hợp quy hoạch trên địa bàn thành phố. Theo đó đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện, như: việc thu hồi đất, di chuyển đối với các doanh nghiệp sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch được UBND tỉnh cho thuê đất trước thời điểm ban hành Quyết định số 2488/QĐ-UBND không thuộc nhóm thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2013. Hơn nữa, việc thu hồi đất đối với các doanh nghiệp trên chỉ được thực hiện khi cơ quan Nhà nước thực hiện đầu tư, xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt tại khu vực các doanh nghiệp đang sử dụng đất. Quá trình thực hiện thủ tục thu hồi đất, Nhà nước phải bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho đối tượng bị thu hồi đất theo quy định và xem xét, bố trí quỹ đất khác phù hợp với quy hoạch cho các doanh nghiệp đó tiếp tục được thuê đất sản xuất, kinh doanh.


Một trong những giải pháp để giải quyết dứt điểm hoạt động các bãi tập kết cát, sỏi không phù hợp quy hoạch trên địa bàn TP Hòa Bình là cần phải rút giấy phép, đình chỉ hoạt động các bến thủy nội địa. Ảnh chụp tại bãi tập kết cát, sỏi khu vực tổ 25, phường Đồng Tiến.

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo TP Hoà Bình, hiện nay, quá trình thực hiện thủ tục thu hồi đất của các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cho thuê đất diễn ra chậm. Việc bố trí quỹ đất khác phù hợp với quy hoạch cho các doanh nghiệp của các ngành chức năng và UBND TP Hoà Bình vẫn tiếp tục được triển khai. Do vậy, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào di chuyển bãi TKCS không phù hợp quy hoạch về đúng nơi quy định.

Đối với 12 doanh nghiệp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất để TKCS không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất và không phù hợp với quy hoạch sử dụng cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp tự ý chuyển mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra, đóng cửa các doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích để TKCS và yêu cầu hoàn trả lại mặt bằng theo đúng mục đích sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cấp giấy CNQSDĐ. Tuy nhiên, đến thời điểm này cũng chưa có trường hợp nào bị đóng cửa. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động TKCS bình thường.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo UBND thành phố là do tại các vị trí TKCS đã được phê duyệt theo Quyết định số 2488/QĐ-UBND của UBND tỉnh chưa được cắm mốc để xác định ranh giới, mốc giới, dẫn đến việc quản lý của chính quyền địa phương và xác định các vị trí tập kết của các đơn vị gặp khó khăn. Thêm nữa, tại một số vị trí đã quy hoạch theo Quyết định số 2488/QĐ-UBND chồng lấn vào một số dự án trong quy hoạch xây dựng NTM đã được phê duyệt tại và hợp phần công trình thu, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô, nhà máy nước, bể chứa trung gian và tuyến ống truyền tải nước sạch thuộc Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai do Công ty cổ phần nước sạch AQUAONE đề xuất. Đặc biệt, việc thu hồi giấy chứng nhận, thanh lý hợp đồng thuê đất đối với các đơn vị TKCS không phù hợp quy hoạch chưa được triển khai; các bến thuỷ nội địa do Sở GTVT và Cảng vụ đường thuỷ nội địa khu vực II cấp phép cho các đơn vị TKCS đến nay không phù hợp quy hoạch vẫn trong thời hạn được phép hoạt động, dẫn đến khó khăn cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Lời giải nào cho bài toán di chuyển bãi TKCS?

Liên quan đến những đề xuất, giải pháp xử lý các đơn vị chậm di dời bãi TKCS không phù hợp quy hoạch theo Quyết định số 2488/QĐ-UBND về địa điểm mới phù hợp, đồng chí Lê Ngọc Quản, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Ngành GTVT đã nhận được công văn của UBND thành phố đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa đã cấp cho các đơn vị TKCS 2 bên bờ sông Đà không phù hợp quy hoạch. Về vấn đề này, Sở đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Bởi theo Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về quản lý cảng, bến thuỷ nội địa đã quy định rõ khi Sở GTVT đình chỉ hoạt động hoặc giải toả các bến thuỷ nội địa đã được cấp phép thì phải có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ở đây là UBND tỉnh. Khi có sự chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi sẽ tổ chức triển khai thực hiện ngay. Tuy nhiên "việc đình chỉ hoạt động các bến thuỷ nội địa đã được cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp kinh doanh cát, sỏi 2 bên bờ sông Đà thuộc TP Hòa Bình cũng chỉ là một trong những giải pháp góp phần giải quyết các bãi TKCS không đúng quy hoạch về các điểm phù hợp. Để xử lý dứt điểm tình trạng này cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các ngành chức năng địa phương”, đồng chí Lê Ngọc Quản cho biết.

Về phía Sở TNMT, đồng chí Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở cho biết: Để có cơ sở thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật, vừa qua, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh chủ trì thành lập đoàn công tác liên ngành tổ chức thanh tra đối với các trường hợp có hành vi vi phạm trong việc sử dụng đất đối với các doanh nghiệp kinh doanh cát, sỏi 2 bên bờ sông Đà. Quá trình thanh tra xác định các trường hợp nào thực hiện đúng quy định về sử dụng đất thì Sở tham mưu UBND tỉnh thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Về phía UBND TP Hòa Bình, đồng chí Đặng Đình Sơn, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị cho biết thêm: Để việc di chuyển các bãi TKCS không phù hợp quy hoạch thực hiện theo đúng lộ trình cũng như tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp di chuyển bãi TKCS, vừa qua, UBND thành phố đã có công văn đề nghị UBND tỉnh bổ sung vị trí TKCS vào quy hoạch trên địa bàn thành phố. Theo quy hoạch sử dụng cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, thành phố có 5 vị trí TKCS. Trong đó, xã Trung Minh có 3 vị trí, xã Yên Mông có 2 vị trí. Tuy nhiên, các vị trí này lại chồng lấn vào các quy hoạch của tỉnh và thành phố được phê duyệt trước đó. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu thực tế của các đơn vị TKCS trên địa bàn, UBND thành phố đã đề nghị UBND tỉnh bổ sung thêm 2 vị trí vào quy hoạch với tổng diện tích 7,5 ha.

Bên cạnh các giải pháp đã và đang triển khai nêu trên, theo đồng chí Đặng Đình Sơn, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị, Tổ phó tổ công tác liên ngành kiểm tra, xử lý các đơn vị vi phạm tập kết kinh doanh, vật liệu cát, sỏi TP Hoà Bình thì giải pháp căn cơ và được xem là hiệu quả nhất hiện nay chính là sự vào cuộc của lực lượng CSGT đường thuỷ - Phòng CSGT Công an tỉnh. Bởi khi các cấp, các ngành của tỉnh, thành phố đã có quyết định đình chỉ hoạt động các bãi TKCS thì đây sẽ là bộ phận có đủ điều kiện về phương tiện, lực lượng chấp pháp để kiểm soát, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Đó cũng là mấu chốt buộc các đơn vị có bãi TKCS không phù hợp quy hoạch của tỉnh sẽ phải di chuyển về các điểm đã được quy hoạch theo quy định.

 

Tăng cường kiểm tra, xử lý khai thác cát, sỏi trái phép

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, công tác quản lý Nhà nước và đấu tranh chống khai thác cát, sỏi trái phép đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Bộ Công an đã mở nhiều đợt "Cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi", đã phát hiện, đấu tranh, xử lý hàng ngàn trường hợp vi phạm. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua phản ánh của báo chí gần đây tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh cát, sỏi tại một số nơi diễn biến phức tạp trở lại.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng và các địa phương tập trung tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt những quy định pháp luật hiện hành và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thi hành chính sách, pháp luật về khoáng sản và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 325/TB-VPCP ngày 25/7/2017 và Công văn số 8960/VPCP-NC ngày 19/9/2018 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thực hiện phóng sự điều tra, chủ động cung cấp thông tin, tư liệu về hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tại các địa phương đến lãnh đạo Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi có tình trạng khai thác cát trái phép) để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các địa phương có phản ánh về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép phức tạp trở lại phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ các bến bãi tập kết cát và vật liệu xây dựng trên địa bàn. Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trên địa bàn với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý khai thác cát, sỏi đến người dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm và trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác, lập bến bãi thu mua cát, sỏi trái phép.

P.V (TH)

 

 =>> Bài 2: Tiếp nói từ phía doanh nghiệp



Các tin khác


Về thăm đất lửa Quảng Trị

(HBĐT) - Vào một ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi có dịp về thăm Thành cổ Quảng Trị, một "địa chỉ đỏ” ở đất lửa linh thiêng. Nơi đây không chỉ lưu giữ những kỷ vật, ký ức về 81 ngày đêm khốc liệt mà còn biểu tượng về sự hy sinh anh dũng quật cường của thế hệ cha anh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chuyện “lính trời” bay biển

Tuy không cùng "chiến tuyến” canh biển đảo, nhưng những chuyến bay tuần dương, quan sát, huấn luyện, diễn tập, cứu hộ cứu nạn trên biển, đảo của những phi công Quân chủng Phòng không Không quân đã góp phần quan trọng cùng với cán bộ chiến sĩ Hải quân Trường Sa, DK1 bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc trong mọi tình huống.

“Góp lửa” gìn giữ trò chơi dân gian

"Đi tìm vé về tuổi thơ là giấc mơ có thật nếu bạn đến và trải nghiệm những trò chơi tại Phố đi bộ Trịnh Công Sơn ở Ngày hội Olympic trò chơi dân gian 2018…”. Dòng chia sẻ ấy tại địa chỉ "Sân Đình - Bảo tồn văn hóa dân gian Việt” trên mạng xã hội Facebook đã đưa tôi tìm tới những người trẻ đầy hoài bão, đang theo đuổi một dự án gìn giữ những trò chơi dân gian.

Đến thăm vùng đất của những thợ săn voi

(HBĐT) -"Chú voi con ở bản Đôn/Chưa có ngà nên còn trẻ con…” là những câu ca quen thuộc trong ca khúc "Chú voi con ở Bản Đôn” do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác mà bất kỳ ai thuở nhỏ cũng đã từng được nghe và cất tiếng hát. Bản Đôn trong bài hát chính là Buôn Đôn hiện nay thuộc Buôn Trí A, xã Krông An, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, được mệnh danh là vùng đất huyền thoại của những thợ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Và chúng tôi, trong chuyến hành trình đã có buổi dừng chân, thăm thú và nghe những câu chuyện gắn với lịch sử nơi đây.

Hiểm họa bóng cười xâm nhập vào tỉnh

(HBĐT) - Bùm… bùm… bùm… trong tiếng nhạc chát chúa, một nhóm thanh niên gồm 2 gái, 1 trai ngồi ghế nhựa thi nhau thổi - hít và hít - thổi những quả bóng cười. Bất ngờ một cô cười sằng sặc, mắt lờ đờ rồi ngã bịch xuống vỉa hè. Loạng choạng mãi và có sự trợ giúp của người bạn trai, cô gái mới ngồi dậy được… Đây là những gì chúng tôi được chứng kiến vào buổi tối muộn đầu tháng 9/2018 tại một quán bán nước và bóng cười trên vỉa hè đầu đường đê Đà Giang thuộc phường Phương Lâm (TP Hòa Bình). Những hiện tượng như thế này cũng dễ thấy tại các điểm bán bóng cười khác trên đê Đà Giang, khu vực Quảng trường Hòa Bình… từ tháng 5/2018 trở lại đây.

Cầu Rồng - niềm tự hào của người dân Đà Thành

(HBĐT) - Trong chuyến công tác đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, chúng tôi ghé thăm Đà Nẵng, thưởng thức cảnh đêm trên sông Hàn thơ mộng và khám phá vẻ đẹp của cây cầu Rồng nổi tiếng đang ngự giữa dòng. Đêm ở sông Hàn thong dong trên cầu ngắm rồng phun lửa, phun nước thật tuyệt vời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục