Một sáng chủ nhật cuối tháng 9-2018, khi trận đấu bóng đá giữa hai đội sinh viên Lào ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền chuẩn bị bắt đầu, các cầu thủ đã vào sân khởi động. Trong lúc nhiều người vẫn hướng ra ngoài sân như đang tìm kiếm điều gì, bỗng tiếng vỗ tay vang lên cùng nhiều tiếng reo mừng rỡ: "Mẹ Hương đến rồi”, "Con chào mẹ” cùng những cái ôm thật chặt... Người được gọi là "mẹ Hương" chính là Thạc sĩ Đỗ Mai Hương, Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Thấu hiểu cảnh sinh viên lần đầu xa nhà, xa người thân đến học tập trong môi
trường hoàn toàn mới, nói một thứ tiếng khác nên gặp nhiều khó khăn trong cả
sinh hoạt và học tập, thế nên chẳng phải nhiệm vụ, chẳng ai phân công, nhà cô
Hương lại ở gần trường nên thi thoảng vào chủ nhật, cô làm bún ốc, bữa thì làm
bún chả gọi các em sang nhà ăn. "Sinh viên Lào hiền, ngoan và thông minh,
chịu khó lắm. Các em rất tình cảm nhưng ít nói, không mạnh dạn như sinh viên Việt
Nam, nên không gần gũi thì các em không nói chuyện đâu", cô Đỗ Mai Hương
tâm sự. Nhiều lần vào các dịp nghỉ lễ, cô tập hợp các em đưa đi tham quan các
di tích lịch sử, thắng cảnh quanh Hà Nội, giúp các em hiểu thêm lịch sử, nếp sống
văn hóa, sinh hoạt của người Thủ đô, đồng thời trau dồi thêm vốn tiếng Việt.
Từ năm 2012, khi cô Đỗ Mai Hương được Ban Giám đốc Học viện giao nhiệm vụ trực
tiếp chuyên trách quản lý lưu học sinh Lào, cô càng có thêm thời gian, điều kiện
quan tâm tới các học sinh nhiều hơn. Kỷ niệm giữa cô Đỗ Mai Hương với học sinh
Lào rất nhiều nhưng có lẽ điều nhiều người nhớ nhất là lần cô nghe tin có một
sinh viên thường xuyên bỏ học. Khi đó, cô đang ốm nhưng vẫn đến ký túc xá gặp
sinh viên để tâm sự, khuyên bảo nhẹ nhàng và em này đã vô cùng ân hận, càng tin
tưởng, yêu quý cô hơn.
"Cô Đỗ Mai Hương đúng là người mẹ thứ hai của chúng em ở Việt Nam. Cô không chỉ
quan tâm tới việc học tập của sinh viên Lào mà còn quan tâm đến đời sống của từng
người. Nói thật là chúng em, trên 120 sinh viên Lào ở Học viện có người còn
không biết tên nhau nhưng cô Hương thì thuộc hết”, nữ sinh Sonethi
Vongbounkham, lớp Báo in K35A2 chia sẻ. Sonethi kể chính em cũng không biết học
sinh Lào gọi cô Hương là mẹ từ khi nào. Khi sang đây học em đã nghe mọi người gọi
như vậy và được các anh chị khóa trên dặn, có khó khăn gì cứ mạnh dạn đề đạt với
mẹ Hương.
Thấy chúng tôi nói chuyện về cô Đỗ Mai Hương, một sinh viên Lào khác, em Pepsi
Vongphakdy bộc bạch: "Có bạn khi mới sang Việt Nam gặp đợt rét cứ run cầm
cập, vì không biết ở đây lạnh thế, được cô Hương tặng áo len". Theo Pepsi,
cô Hương còn tặng nhiều sinh viên Lào đồ dùng học tập. Đặc biệt ai ốm đau, cô đều
bên cạnh chăm sóc như mẹ của các em vậy. Điển hình nhất là trường hợp sinh viên
Detsouvanh khóa 34 Báo in bị ốm nặng, trong suốt một năm trời, cô kiên trì đưa
Detsouvanh đi khám, nằm bệnh viện ở Hà Nội để điều trị khỏi bệnh. Mới đây, cuối
tháng 9-2018, khi bạn Khamchan Chankeo, lớp Khoa học quản lý nhà nước K37 ốm,
ngày nào cô cũng đến viện thăm, khi thì mua cháo, khi mua thêm thức ăn cho
Khamchan.
Những giọt nước mắt chia tay
Sáng 29-9-2018, sau khi Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức lễ trao bằng tốt
nghiệp và phần thưởng cho các sinh viên đạt thành tích xuất xắc, mọi người tỏa
ra sân trường tìm những cảnh đẹp nhất để chụp ảnh lưu niệm, riêng cô Đỗ Mai
Hương ngồi khá khuất trên ghế đá ở một góc sân, dưới bóng cây. Vẻ mặt vẫn chưa
hết xúc động và trên tay cô là một cuốn sổ lưu bút của sinh viên viết cho cô
trước lúc chia tay về nước.
Đưa cuốn sổ lưu bút cho tôi, cô nghẹn ngào: "Em như có duyên với sinh viên
Lào vậy. Ngày đón các em tới Học viện nhập học em vui bao nhiêu thì ngày tiễn
các em về nước em buồn bấy nhiêu. Lúc nãy cả cô, trò nước mắt lưng tròng không
muốn xa nhau. Em vừa mừng vì các con đã trưởng thành, sau những năm tháng học tại
Học viện, nhưng cũng buồn lắm, vì sắp phải xa chúng nó...".
Thấy nước mắt cô đỏ hoe, tôi nghĩ lúc này cô khóc được cũng tốt nên lặng lẽ mở
cuốn sổ lưu bút, cố đọc những dòng chữ trong sổ bởi nhiều chỗ chữ nhoè mờ, có lẽ
vì những giọt nước mắt của người viết. "…Thế là phải chia tay mẹ rồi. Lạ thật mẹ
ơi. Bốn năm học ở đây con chỉ mong nhanh nhanh học xong để được về nước bên gia
đình, nhưng giờ con lại muốn được ở thêm với mẹ”, một sinh viên viết. "Cảm ơn mẹ
thật nhiều vì tất cả những gì mẹ đã làm cho chúng con. Cho con đem về Lào chiếc
áo ấm mẹ tặng con nhé dù về nước con không dùng đến nữa. Làm sao để hết nhớ mẹ
đây. Mẹ đừng cười con nhé. Con đang khóc vì nhớ mẹ đây này”…
Khi tôi gập cuốn sổ lại, cô Đỗ Mai Hương còn chìm trong xúc động, theo phản xạ,
tôi giơ máy lên bấm mấy kiểu ảnh về cô rồi vội vã bước đi... Giờ thì tôi cũng
không kìm được nước mắt của mình nữa rồi.
Nói về cô Đỗ Mai Hương, nhiều đồng nghiệp của cô đã đánh giá cao quá trình công
tác và dành những tình cảm tốt đẹp. "Cô Hương đã nhiều khóa làm Tổ trưởng Công
đoàn ở Phòng Hợp tác quốc tế. Trong công việc, cô sâu sát tỉ mỉ lắm, chúng em
còn phải học cô nhiều. Cô Hương đối với sinh viên Lào thì ai cũng biết: Em nào
mà không may ốm đau cô còn nhịn đói, quên cả nấu cơm cho chồng, con để vào viện
chăm sóc các em...”, Thạc sĩ Nguyễn Minh Phương, Tổ trưởng Công đoàn Phòng Hợp
tác quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tâm sự.
Còn PGS. TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bộc bạch:
"Cô Đỗ Mai Hương là người rất sốt sắng, có trách nhiệm cao với công việc.
Được phân công quản lý lưu học sinh Lào, cô Hương luôn quan tâm tới các em, sâu
sát các em nên đã đề xuất, tham mưu được nhiều việc cho Phòng Hợp tác quốc tế
và ban giám đốc ra một số chủ trương quan tâm tới sinh viên Lào, giúp các em học
tập tốt hơn, qua đó góp phần xây đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước”.