Người dân thôn Đậu Khụ, xã Thống Nhất (TP Hòa Bình) trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap, đem lại thu nhập khá.
Là 1/36 thôn, bản khó khăn nhất tỉnh, Đậu Khụ đã thay da, đổi thịt với sức sống mới. Đường giao thông nối tới tận cuối xóm. Điện được mắc tới các hộ dân. Đặc biệt sản xuất đã thay đổi ngoạn mục, đang cải thiện mạnh mẽ đời sống bà con. Từ chỗ chỉ trồng rừng, trồng ngô, chăn nuôi nhỏ lẻ, ngắn ngày, người dân đã bắt tay phát dọn nương đồi, cải tạo vườn rừng, kết hợp trồng cây ngắn ngày và dài ngày, trồng các loại cây có múi, chăn nuôi mang lại thu nhập cao hơn. Trong xóm đã có hàng chục ha bưởi đỏ, bưởi da xanh, nhiều diện tích năm nay đã thu bói. Chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò cũng phát triển. Xóm có khoảng 20 hộ dân, giờ không còn hộ nghèo. Nhờ chịu khó học hỏi, đầu tư, trình độ sản xuất của người dân Đậu Khụ cũng khá cao. Diện tích bưởi được đầu tư, chăm sóc theo đúng quy trình, phát triển tốt.
Gia đình ông Triệu Văn Hòa hiện trồng 350 gốc bưởi năm thứ 4, trong đó có 200 gốc bưởi da xanh, 150 gốc bưởi đỏ (diện tích khoảng 4 ha). Đất mới, bưởi được chăm sóc kỹ theo phương pháp khoa học, cây khỏe, lá xanh, vụ tới hứa hẹn cho thu hàng trăm triệu đồng. Kế bên là mô hình trang trại tổng hợp trồng các loại cây ăn quả, vườn rừng, kết hợp với chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Biều rộng hàng chục ha, trong đó có tới 10 ha bưởi đã bước vào năm thứ 4-5, được áp dụng kỹ thuật trồng bưởi sạch, một phần diện tích đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả khá cao. Bưởi mới thơm, mọng nước, chất lượng tốt và sạch, được tiêu thụ ở Hà Nội.
Đậu Khụ là xóm khó khăn nhất của xã Thống Nhất, cách trung tâm xã khoảng 4 km. Năm 2010 trở về trước, Đậu Khụ như cách biệt, cô lập với bên ngoài, là xóm không đường, không trường, trạm. Đến được xóm phải vượt một số con dốc cao tức ngực, mùa mưa trơn trượt, lầy lội, qua nhiều ngầm và phải mất cả tiếng đồng hồ. Đặc biệt, điều kiện sản xuất khó khăn, diện tích đất rừng, núi đá nhiều, lại dốc, đất không giữ được nước, cuộc sống người dân chìm trong khó khăn. Chủ tịch UBND xã Thống Nhất Bùi Văn Đừng cho biết: Năm 2012, Đậu Khụ bắt đầu thay đổi, Nhà nước làm đường giao thông tới tận cuối xóm, tiếp đến, xóm được kéo điện lưới quốc gia, cùng với đó là một số công trình hạ tầng, triển khai các mô hình sản xuất, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất. Hiện tiếp tục đầu tư đường giao thông nhánh 2 trong nội xóm để bà con phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Từ khi có đường giao thông, các nông sản: sả, mía, bưởi, luồng, sản phẩm chăn nuôi được giao thương thuận lơi, đến trung tâm xóm chỉ khoảng 15 phút.
Cùng nằm trong diện 36 thôn ĐBKK nhất tỉnh, thôn Mai Hoàng Sơn cách trung tâm xã Mai Hịch khoảng 15 km, thế nhưng lại ở địa bàn hết sức khó khăn, nằm bên bờ sông Mã, độ dốc lớn. Nước sinh hoạt và sản xuất thiếu thốn, người dân chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp, gần như tự cung, tự cấp. Một thời gian dài thôn Mai Hoàng Sơn như bị cô lập, đến mà không có đường về. Để cải thiện đời sống người dân, Nhà nước đã đầu tư hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo sinh kế mới cho bà con. Hạ tầng giao thông, trường học được đầu tư đạt 90%. Bà con đi lại dễ dàng hơn, nhớ đó có điều kiện giao thương, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng rừng, chăn nuôi và buôn bán nhỏ lẻ. Xã duy trì trồng 130 ha rừng sản xuất, gần 100 ha rừng khoanh nuôi, luồng và cây ăn quả nhãn, vải. Nhiều hộ cải tạo trồng nhãn giống mới, đưa cây ăn quả vào đồng đất. Cả thôn có 54 hộ với 180 nhân khẩu, từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao nhất huyện từ 50 - 60%, đến nay giảm còn 5/54 hộ, thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng.
Bí thư Chi bộ thôn Mai Hoàng Sơn Nguyễn Văn Thuận cho biết: So với cách đây 10 năm thì đời sống bà con đã cải thiện rất nhiều, đi lại dễ dàng hơn, thông tin cũng đầy đủ, thôn đã có nhiều ô tô, xe máy. Sản xuất thay đổi, người dân có thu nhập khá ổn định từ trồng rừng, cây ăn quả, trồng màu và chăn nuôi. Nếu so với mặt bằng chung thì đời sống và sản xuất của bà con còn khó khăn. Chính quyền và người dân mong Nhà nước có kế hoạch hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, đầu tư, sửa chữa các công trình hạ tầng bị thiệt hại do mưa lũ, đặc biệt là đầu tư công trình nước đã hư hỏng hoàn toàn để ổn định cuộc sống và sản xuất lâu dài.(Còn nữa)
Lê Chung