(HBĐT) - Ở một ngôi trường tại bản làng nghèo khó, trong hành trình lên vùng cao dạy học, ngoài những trang giáo án, các thầy, cô giáo luôn có một vật bất ly thân, đó là những dây xích để cuốn lốp xe. Câu chuyện vượt khó của những nhà giáo hết lòng vì sự học vùng cao là "nốt nhạc” trầm lắng của sự nghiệp GD&ĐT.


Dù còn vô vàn khó khăn nhưng các thầy, cô giáo trường TH&THCS xã Ngọc  Mỹ (Tân Lạc) luôn tận tụy, hết mình vì học sinh thân yêu.

 

Lên vùng cao trong ngày mưa gió, chúng tôi mới có dịp được trải nghiệm phần nào khó khăn, vất vả các thầy, cô giáo phải trải qua khi hàng ngày, họ phải vượt gần chục cây số đường rừng để lên dạy chữ ở trường TH&THCS xã Ngọc Mỹ. Ngôi trường liên cấp này nằm ở xóm Cóc 1, là nơi học tập của hơn 190 học sinh là con em của xóm Cóc 1, Cóc 2 và xóm Lảng, xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc).

Dạy học vùng cao, chuyện "đo đường” như cơm bữa

Những trận mưa lớn hồi tháng 8, tháng 9, trên mạng xã hội đăng tải khá nhiều hình ảnh, video về con đường vùng cao trơn trượt, lầy lội lên hai xóm Cóc 1, Cóc 2 của xã Ngọc Mỹ. Một độc giả đã gửi những hình ảnh đó cho chúng tôi với nhiều nỗi niềm, tâm tư. Đúng như những gì mà độc giả chia sẻ, được "bám càng” cùng các thầy, cô giáo lên xóm nghèo trong một ngày mưa, chúng tôi đã "nếm trải” cảm giác sợ hãi, lạnh sống lưng khi chiếc xe phải "diễn xiếc” bất đắc dĩ trên những sống trâu trơn trượt.

Để kịp giờ lên trường, thầy Trần Viết Cương, Hiệu trưởng trường TH&THCS xã Ngọc Mỹ hẹn chúng tôi khởi hành lúc 6 giờ. Hôm trước, trời mưa lớn, buổi sáng chúng tôi lên Cóc, trời lất phất mưa. Thầy Cương chạy chiếc xe Dream "chiến” vẫn còn dính đầy bùn đất, lốp xe được quấn sẵn xích từ mấy hôm trước vẫn chưa tháo ra. Với đôi ủng cao cổ, trông thầy giống một bác nông dân đi làm đồng hơn là đi dạy học. Từ quốc lộ 12B rẽ vào xóm Quạng là con đường dẫn lên Cóc. Sau 1,5 km đường bê tông mới đưa vào sử dụng hơn 2 tháng trước, trước mắt chúng tôi là con dốc dài trơn trượt - đó là cánh cửa lên Cóc. Không có xích cuốn lốp, chúng tôi đành gửi xe máy ở một nhà dân dưới xóm Lảng. Chủ nhà chia sẻ: "Hôm nào mưa thì nhà tôi cũng như bãi gửi xe, không có xích thì không lên Cóc được đâu”.


Trong những ngày mưa, đường về xóm Cóc 1, Cóc 2, xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) trơn trượt, lầy lội.

Thầy Hiệu trưởng chạy dẫn đường, còn tôi ngồi sau xe của thầy Phó Hiệu trưởng phụ trách khối THCS Bùi Văn Phước. Lên công tác từ năm 2017, chiếc xe máy của thầy Phước trông khá cũ. "Mình chân dài nên chống chân được, chứ chị em thì khổ lắm, chuyện ngã xe như cơm bữa. Nói là đi nhiều nên cũng quen đường nhưng quá vất vả, có những hôm mất vài tiếng đồng hồ mới lên đến trường. So với những năm trước thì năm nay đường có phần cải thiện hơn, trước đây vừa dốc, vừa lởm chởm đá”, thầy Phước chia sẻ.

Sự cải thiện mà thầy Phước nói khiến chúng tôi thật khó hình dung, bởi con đường hiện tại thực sự quá trắc trở. Từ xóm Lảng lên Cóc, đường quanh co trên những triền đồi đa số đều dốc và trơn trượt. Với ưu thế có đôi chân dài, thầy Phước vừa chống chân liên tục chạy xe trên sống trâu trơn trượt, vừa tranh thủ kể cho chúng tôi nghe về khó khăn của sự học ở mái trường vùng cao này. Còn chúng tôi, câu nghe được, câu không vì đang bất đắc dĩ trải nghiệm một hành trình đầy mạo hiểm với không ít nỗi bất an. Sau hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đến được ngôi trường ở hai xóm khó khăn nhất của xã Ngọc Mỹ.

"Tôi đã đi công tác ở nhiều trường thuộc các vùng khó khăn, cả vùng sâu, vùng cao nhưng lên công tác trên này là khó khăn nhất. Có lần bị ngã xe suýt gẫy chân, còn các thầy, cô giáo hầu như chân của ai cũng thâm tím vì bị bỏng ống xả. Có thầy Bùi Văn Nguyên bị ngã xe gẫy tay, phải nằm vùng trên này suốt 2 tháng trời”, thầy Trần Viết Cương, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự.

Không ngại khó, ngại khổ vì học sinh thân yêu

Trường TH&THCS xã Ngọc Mỹ tiền thân là trường tiểu học B xã Ngọc Mỹ. Năm 2014, trường sáp nhập khối TH&THCS thành ngôi trường với tên gọi như bây giờ. Hiện, trường có 19 cán bộ, giáo viên đang công tác. Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, ngôi trường vùng cao bằng tre nứa ngày nào đã được xây dựng phòng học kiên cố. Dù vậy, cơ sở vật chất vẫn còn nhiều thiếu thốn. Ví như hiện nay, nhà trường chưa được kết nối mạng internet nên giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác các kiến thức phục vụ giảng dạy. Các phòng chuyên môn còn đơn sơ, chật chội, trang thiết bị dạy học thiếu và việc bảo quản cũng gặp nhiều khó khăn.

Ở ngôi trường khó khăn này, có không ít thầy, cô giáo đã gắn bó cả chục năm trời. Điển hình như hai thầy Phó Hiệu trưởng Bùi Văn Phước, Đặng Thiên Trường hay cô giáo Bùi Thị Thủy, họ đều có trên chục năm dạy học ở nơi đây. "Có rất nhiều kỷ niệm, buồn có, vui có. Trước đây, Cóc chưa có đường đi xe máy như bây giờ, chúng tôi phải đi bộ qua các quả đồi, có những hôm khóc vì tủi thân, vì sợ. Ngôi trường lúc đó là những mái nhà tranh, vách nứa, một người dạy cả ba, bốn lớp đều nghe thấy. Bù lại, các em học sinh ngoan, bà con sống rất tình cảm, đó là động lực lớn nhất để chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, cô Bùi Thị Thủy chia sẻ.

Với những người dân ở hai xóm đặc biệt khó khăn này, trong những đợt mưa dầm dề, hầu như bà con chẳng ra khỏi nhà vì đường đi lại quá khó khăn. Thế nhưng, với các thầy, cô giáo thì bất kể ngày nắng hay mưa vẫn có mặt ở trường. Ông Bùi Thanh Tiền, Trưởng xóm Cóc 1 cho biết: Cả hai xóm Cóc 1, Cóc 2 có gần 200 hộ, các khu dân cư nằm cách xa nhau, có những cháu phải đi học cách trường 5 - 6 cây số. Trên này có nhiều suối cắt ngang đường, mưa to là lũ ngập rất nguy hiểm. Chúng tôi rất thương các thầy, cô giáo, có người nuôi con nhỏ phải đi về, việc đi lại quá vất vả và nguy hiểm. Nhiều hôm chứng kiến thầy, cô bùn đất lấm lem mà xót xa. Do đời sống kinh tế còn khó khăn nên phụ huynh không có điều kiện quan tâm đến con em mình, mọi thứ hầu như đều do các thầy, cô giáo dìu dắt.

Điều kiện kinh tế khó khăn nên tỷ lệ học sinh chuyển lên học THPT ở ngôi trường này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Học sinh đi học cao đẳng, đại học lại càng khiêm tốn hơn. Sau một buổi sáng trò chuyện, tìm hiểu thực tế tại bản nghèo, chúng tôi hạ sơn khi trời đổ mưa khá nặng hạt. Với kinh nghiệm "chinh chiến” vùng cao, cô Hoàng Thị Lanh, giáo viên dạy toán nhận nhiệm vụ làm "xế” cho chúng tôi "bám càng”. Tôi không nhớ rõ bao lần phải xuống xe cuốc bộ nhưng cảm giác sợ hãi thì vẫn còn đó, khi không ít lần chiếc xe trôi tự do. Ngoài những ám ảnh về đường giao thông, chúng tôi không thể nào quên trải lòng của cô giáo Lanh: "Làm giáo viên vùng cao thì chấp nhận sẽ không bao giờ có dịp để diện quần áo đẹp, ngày lễ ngành hay các dịp lễ, tết không khí trên này cũng trầm lắng hơn. Nhưng điều mình mong mỏi nhất là học sinh được đến trường, học tập tốt để cuộc sống sau này bớt khổ. Thêm nữa, mong sao các cấp, các ngành quan tâm xây dựng con đường giao thông thuận lợi. Không có đường thì mọi thứ đều khó mà phát triển được”.

Viết Đào


Các tin khác


Giữa non ngàn Tây Yên Tử

Tây Yên Tử với các cánh rừng nguyên sinh, suối thác hoang sơ kéo dài qua các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động của tỉnh Bắc Giang. Vùng Tây Yên Tử được thiên nhiên ban tặng cho những cảnh sắc hữu tình, lôi cuốn.

Hòa mình trong không gian rừng thông bản Áng

(HBĐT) - Không thể phủ nhận Mộc Châu là vùng cao nguyên rộng lớn và xinh đẹp nhất miền núi phía Bắc, nơi có khí hậu ôn đới gió mùa và các địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Một trong số đó phải kể đến rừng thông Bán Áng – điểm du lịch Mộc Châu không thể bỏ qua nếu du khách đã đặt chân lên vùng cao nguyên này.

Về thăm đất lửa Quảng Trị

(HBĐT) - Vào một ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi có dịp về thăm Thành cổ Quảng Trị, một "địa chỉ đỏ” ở đất lửa linh thiêng. Nơi đây không chỉ lưu giữ những kỷ vật, ký ức về 81 ngày đêm khốc liệt mà còn biểu tượng về sự hy sinh anh dũng quật cường của thế hệ cha anh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chuyện “lính trời” bay biển

Tuy không cùng "chiến tuyến” canh biển đảo, nhưng những chuyến bay tuần dương, quan sát, huấn luyện, diễn tập, cứu hộ cứu nạn trên biển, đảo của những phi công Quân chủng Phòng không Không quân đã góp phần quan trọng cùng với cán bộ chiến sĩ Hải quân Trường Sa, DK1 bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc trong mọi tình huống.

“Góp lửa” gìn giữ trò chơi dân gian

"Đi tìm vé về tuổi thơ là giấc mơ có thật nếu bạn đến và trải nghiệm những trò chơi tại Phố đi bộ Trịnh Công Sơn ở Ngày hội Olympic trò chơi dân gian 2018…”. Dòng chia sẻ ấy tại địa chỉ "Sân Đình - Bảo tồn văn hóa dân gian Việt” trên mạng xã hội Facebook đã đưa tôi tìm tới những người trẻ đầy hoài bão, đang theo đuổi một dự án gìn giữ những trò chơi dân gian.

Đến thăm vùng đất của những thợ săn voi

(HBĐT) -"Chú voi con ở bản Đôn/Chưa có ngà nên còn trẻ con…” là những câu ca quen thuộc trong ca khúc "Chú voi con ở Bản Đôn” do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác mà bất kỳ ai thuở nhỏ cũng đã từng được nghe và cất tiếng hát. Bản Đôn trong bài hát chính là Buôn Đôn hiện nay thuộc Buôn Trí A, xã Krông An, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, được mệnh danh là vùng đất huyền thoại của những thợ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Và chúng tôi, trong chuyến hành trình đã có buổi dừng chân, thăm thú và nghe những câu chuyện gắn với lịch sử nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục