Ấn tượng đầu tiên khi đến thăm công trình nghĩa trang có quy mô lớn nhất cả nước, đó là khuôn viên rộng lớn với những bia mộ san sát. Trên mỗi ngôi mộ đều có một bông sen hồng và bát hương nghi ngút khói. Kiến trúc của nghĩa trang khá độc đáo, với khu trung tâm nằm trên ngọn đồi cao hơn 30 m. Nơi đây có đài tưởng niệm được làm bằng đá trắng. Phần mộ các liệt sỹ được sắp xếp theo bố cục khá khoa học, gồm bốn khu đặt trên năm quả đồi, mỗi khu là nơi tập trung của liệt sỹ các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đoàn công tác Báo Hòa Bình thắp hương tri ân tại khu mộ các liệt sỹ tỉnh Hòa Bình.
Sau khi dâng hương ở đài tưởng niệm, chúng tôi được các em nhỏ người dân tộc Vân Kiều đưa sang khu bia mộ các liệt sỹ người Hòa Bình. Có lẽ, hình ảnh các em nhỏ Vân Kiều đã trở thành nét đặc trưng ở Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Em Hồ Văn Hải nhanh nhẹn châm hương rồi chia cho từng thành viên trong đoàn chúng tôi. Hải cho biết: Nhà em ở cách đây hơn 4 cây số, hằng ngày, sau mỗi buổi học, em cùng các bạn trong thôn sang Nghĩa trang Trường Sơn để bán hương cho du khách. Khu mộ nào ở trong nghĩa trang này chúng em đều nắm rõ. Khi không có khách, chúng em tranh thủ dọn dẹp, thu gom rác.
Đến thăm khu mộ của các liệt sỹ Hòa Bình, chúng tôi ai nấy đều xúc động. Có lẽ vì là đồng hương nên cuộc gặp gỡ không hẹn trước đem lại những cảm xúc khó tả. Ở đây, có 84 người con của Hòa Bình đang yên nghỉ. Hầu hết các anh nằm xuống đất mẹ khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Đọc những thông tin trên bia mộ của các anh mà không khỏi xót xa, ví như liệt sỹ Bùi Thanh Chung, xã Đoàn Kết (Yên Thủy) nhập ngũ khi mới 18 tuổi, 4 năm sau anh đã vĩnh viễn nằm xuống đất lửa Quảng Trị. Liệt sỹ Vì Văn Huân nhập ngũ khi mới 17 tuổi, 1 năm sau anh hy sinh khi tuổi đời vừa 18 và rất, rất nhiều liệt sỹ khác đã cống hiến quãng thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.
Đã nhiều lần lên thăm Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, nhưng lần nào ôngTrương Đức Minh Tứ, Tổng Biên tập Báo Quảng Trị cũng bồi hồi xúc động. Ông Tứ chia sẻ: "Mỗi lần đến thăm Nghĩa trang Trường Sơn đều gợi cảm xúc thiêng liêng, lòng tự hào về một dân tộc anh hùng. Đến đây, chúng ta càng thêm hiểu về giá trị của nền độc lập, tự do mà dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc trường chinh với rất nhiều cha anh đã hy sinh anh dũng để có được, giữ được. Thắp những nén hương tri ân, cầu nguyện cho cha anh yên nghỉ, đồng thời cũng để tự nhủ mình, phải phấn đấu hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để xứng đáng với máu xương của thế hệ cha anh”.
Những nén hương thơm đã được thắp lên trên 84 ngôi mộ khi trời nhá nhem tối. Cuộc "gặp gỡ” của những đồng hương Hòa Bình khá ngắn ngủi. Bên bia mộ các anh, những nén hương nghi ngút khói, đóa sen hồng như một người bầu bạn. Các anh không cô đơn, ngày ngày có nhân viên của nghĩa trang, các em nhỏ người Vân Kiều và đặc biệt là những đồng đội, những người con đất Việt đến thăm viếng. Các anh mãi là niềm tự hào của dân tộc, là biểu tượng về một dân tộc Việt Nam anh hùng và là những người nằm xuống để làm nên hình hài xứ sở, như những câu thơ mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết trong bài "Đất nước”, rằng: "…Em ơi em đất nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên đất nước muôn đời…”.
Viết Đào