Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc diễn ra tháng 2-1979 tới nay tròn 40 năm. Cuộc chiến đấu đó đã trở thành một dấu son trong lịch sử giữ nước của dân tộc, và trong ký ức của những cựu chiến binh đã có mặt trên biên giới ngày ấy vẫn vẹn nguyên cảm xúc, hình ảnh về những tháng ngày hào hùng, gian khổ, nỗi niềm tri ân với đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc. Và đó cũng chính là những dòng ký ức của nhà báo Nguyễn Hòa, xin giới thiệu cùng bạn đọc…


Thanh niên đăng ký sẵn sàng nhập ngũ. (Ảnh TRẦN MẠNH THƯỜNG)

TRƯỚC NGÀY CHIẾN TRẬN

Vất vả như thế nhưng bọn mình vẫn lăn xả vào công việc, vì biết "chiến tranh không phải trò đùa”. Càng gần tết Kỷ Mùi đầu năm 1979, báo động sẵn sàng chiến đấu liên tục. Thèm thuốc lá mà chẳng dám xin phép xuống bản mua thuốc lá sợi. Trước khi quân bên kia tiến công, mình đã có mặt ở Lạng Sơn sáu tháng. Sau sáu tháng, nơi đơn vị mình đóng quân ngổn ngang công sự với nhiều lớp triển khai theo chiều sâu. Rồi các bãi chông, bãi mìn dày đặc. Tỉnh lộ từ biên giới hướng vào nội địa được đào mấy trăm mét, sâu hàng mét, cắm cọc chống xe tăng. Hồi mới lên, dù bị cấm, nhưng tranh thủ đi lấy gạo, mình cùng mấy thằng bạn tò mò, lỉnh đến chỗ cột mốc xem biên giới ra sao. Thấy bọn mình thập thò, lính ở đồn biên phòng bên kia biên giới nháo nhào chạy ra, người chĩa súng, người giương ống nhòm. Sau bọn mình bị cảnh cáo vì vô kỷ luật. Một lần mình xuống suối lấy nước, gặp một tốp bộ đội đang tắm táp giữa trời rét căm căm. Trò chuyện thì biết đó là trinh sát pháo binh. Họ kể trên biên giới phía bắc, ngày trước người Pháp đã lập tọa độ bắn cho pháo binh. Sau bao nhiêu năm biên giới yên ổn, nhiều cọc tọa độ bằng bê-tông thất lạc, hỏng hóc, cái bà con lấy kê máng lợn, cái lấy làm chỗ đứng rửa chân dưới gầm nhà sàn. So với anh em này thì bọn mình đỡ chán, vì không phải lội suối, vượt đèo, vạch rừng để đi tìm cọc tiêu...

Xuống suối lấy nước, phải chọn tấm ni-lông lành lặn đặt vào ba-lô như cái túi, múc nước đổ vào, thắt chặt, khoác lên vai và thồ lên "chốt”. Tắm thì chỉ vài người xuống suối một lần. Trời rét, có tay lười không tắm, người hôi rình, ngồi đâu là bị đuổi huầy huậy. Bọn mình hè nhau khiêng xuống suối, hắn giãy đành đạch, tới giữa dốc thì thoát ra được, chạy vội đi tắm. Có hôm trời nắng, ngoài số trực chiến, anh em còn lại được xuống suối. Cả đoạn suối dày đặc lính tráng vừa tắm vừa hò hét, đuổi nhau huỳnh huỵch, chủ yếu để nóng người. Lính thời nào thì cũng nghịch. Như lần đi lấy gạo, đang gò lưng đeo ba-lô trên đường thì đám bạn mình phát hiện mấy cô gái người Nùng đang làm nương. Bọn nó hạ ba-lô xuống, rồi không biết học ở đâu mà lại réo rắt một câu Sli: "Nị hạ thoong lâu hắt lăng noong ời!” (Đứng đó một mình làm gì em ơi?). Mấy cô hát đáp lại một câu bằng tiếng Nùng. Hết vốn liếng vì chỉ học lỏm được có một câu, mấy tay không biết trả lời sao, liền gào toáng: "RPD, RPK, B40, B41,... noong ời”, toàn là tên súng ống! Không khác gì hồi còn ở Phú Thọ, trên đường từ thao trường về, nhìn xuống ruộng, thấy mấy cô gái đang cấy lúa, đám bạn mình cất một câu hò có ý tán tỉnh học ở đâu đó, các cô đáp lại: "Ơ hò... Người đâu gặp gỡ làm chi - Trăm năm biết có duyên gì hay không”. Không biết hò trả lời tiếp thế nào, mấy thằng hét toáng: "Có duyên đấy, có duyên đấy!”!

Sáu tháng vất vả, nhiệm vụ cuốn đi. Người trực chiến vẫn trực chiến rất nghiêm ngặt, còn lại sinh hoạt bình thường. Lúc rảnh, anh em lại tụ tập đàn hát. Cây đàn ghi-ta dùng nhiều quá đứt dây liên tục, hết dây dự trữ, anh em xin dây phanh xe đạp về tước ra từng sợi, lắp vào và phập phừng tiếp. Buổi chiều tụ bạ ở sườn đồi hoặc buổi tối trước khi đi ngủ, kể hết chuyện thì phân công mỗi thằng kể một món ăn. Tuổi bọn mình và hoàn cảnh thời ấy lấy đâu ra nhiều món ăn để kể. Nhưng có mấy món do nghe bạn bè kể ngày đó mà về sau đến vài nơi, mình nói vanh vách cách chế biến, mà toàn đặc sản địa phương, khối anh nể! Hết món ăn thì phân công mỗi tay kể một chuyện riêng. Thằng bạn mình kể chuyện tình yêu của nó rất lâm li, mình phục sát đất. Sau về Hà Nội, mình nhắc lại, nó cười lăn rồi bảo: "Tao bịa đấy, làm quái gì có”. Thế mà mình nể nó mấy năm trời!

Những lúc chỉ có một mình là lại nhớ nhà. Nhớ kinh khủng. Tính đến lúc ấy là năm năm mình ăn Tết xa nhà. Nghĩ đi thì thế, nghĩ lại thì đồng đội đều như vậy. Như VS bạn mình. Hắn hơn mình hai tuổi nhưng nhập ngũ sau. Hồi còn ở Phú Thọ, VS yêu một cô y tá ở quân y viện gần đơn vị. Đến tối thứ bảy là chàng áo quần chỉnh tề, lấy ít nước lã vuốt lên tóc rồi vượt qua con đường sống trâu lồi lõm trên dãy đồi bạch đàn đi gặp người yêu. Bọn mình bảo VS đang tiến hành "chiến dịch đường sống trâu”! Mỗi lần hắn lên đường, bọn mình lại nghĩ cách để nếu thủ trưởng hỏi thì nói dối giúp. Giữa năm 1978, VS tổ chức đám cưới, mình không dự được. Chưa kịp thu xếp để vợ xuất ngũ thì VS hành quân lên Lạng Sơn. Một lần, biết tin mình quay lại Phú Thọ vận chuyển nốt doanh cụ, VS vượt qua mấy cây số đường rừng đến nhờ mình chuyển cho vợ lá thư. Ở Phú Thọ, xếp đồ đạc xong thì đã tối, mình theo đường sống trâu tìm đến quân y viện. Đến nơi thấy tối om, nhà cửa trống huếch, không một bóng người. Mãi mới thấy ánh đèn dầu leo lét dãy nhà cuối. Mình tìm đến thì biết đó là nơi các nữ y tá, trong đó có vợ VS, tập trung chuẩn bị sáng hôm sau lên Điện Biên Phủ, còn quân y viện đã chuyển về tuyến sau. Vừa thấy mình, vợ VS khóc nức nở. Mình đưa thư và trò chuyện mấy câu rồi chờ cô viết thư. Những cô khác trong phòng thì người sụt sịt, người khóc to. Ngại quá, mình ra đứng đầu hè. Lát sau vợ VS ra, đưa lá thư, nửa cân đường, và tuýp thuốc đánh răng. Mình ngậm ngùi chia tay mấy chị em. Sang Lạng Sơn, mình đến chỗ VS đưa quà. Đọc thư, VS ngẩn người, không nói gì. Thương bạn, nhưng mình chẳng biết làm thế nào. Đó là lúc vợ chồng VS ở hai đầu chiều ngang rộng nhất miền bắc, chồng ở Lạng Sơn, vợ thì ở Điện Biên Phủ! Một đêm nằm trên "chốt”, mình cùng mấy ông bạn thân hứa với nhau nếu an lành thì hết chiến tranh phải về học đại học, hoặc làm nghề gì tử tế.

Giờ nghĩ lại thấy quyết tâm hồi ấy ghê thật, bằng những con đường khác nhau, bọn mình đã cố gắng học hành, làm việc tử tế. Nhập ngũ từ thời chống đế quốc Mỹ, mình đã biết câu "một xanh cỏ, hai đỏ ngực”, nhưng như nhiều bạn bè, mình không thể trốn tránh để cha mẹ phải xấu hổ vì có con trốn nghĩa vụ, để bà con lối xóm chê cười. Mình nghĩ, ai đó nói điều cao xa là việc của họ, với bọn mình, trước hết là lòng tự trọng của những người trai nước Việt, như trong ca từ bài hát Phố nghèo, anh Trần Tiến đã viết: "Ở nơi ấy tôi còn nhớ bạn bè xưa - Dòng máu sĩ bao người đi không về”. Đó là điều đã giúp bọn mình không sợ hãi, không ngại vất vả, càng không phải lo nghĩ hay đắn đo nhiều trước khi bước vào cuộc chiến.

 

                          TheoNhandan

Các tin khác


Nhìn lại Đề án đầu tư hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn

Bài 2 - Lồng ghép các nguồn lực, tập trung phát triển sản xuất 
(HBĐT) - Đánh giá 5 năm thực hiện Đề án đầu tư hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo các thôn, bản khó khăn nhất tỉnh, giảm bớt khó khăn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư hạ tầng mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, điều kiện kinh tế còn chậm phát triển, hạ tầng thiếu thốn, trong khi đó các thôn, bản thường xuyên bị thiên tai, mưa lũ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Các ngành chức năng đang tham mưu UBND tỉnh rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách lồng ghép các nguồn lực đầu tư hạ tầng, chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện tình trạng khó khăn của các thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh.

Bài 1 - Ghi nhận 2 thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đến nay đã có 2/36 thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) nhất tỉnh là thôn Mai Hoàng Sơn, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu và thôn Đậu Khụ, xã Thống Nhất, TP Hòa Bình đã ra khỏi diện ĐBKK.

Xung quanh dự án công viên nghĩa trang Lạc Hồng tại xóm Khăm, xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi: Gắn hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp với lợi ích người dân

(HBĐT) - Vừa qua, trên một số trang báo mạng và thông tin của nhân dân về việc thực hiện dự án Công viên nghĩa trang Lạc Hồng do Công ty CP Long Dương triển khai tại xóm Khăm, xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi đã nhận được sự quan tâm của dự luận. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hòa Bình đã về tìm hiểu, lắng nghe thông tin phản hồi từ cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương...

Người “tiếp lửa” cho gốm Bát Tràng

"Cục đất để nguyên thì chỉ là cục đất, nhưng nếu qua bàn tay tài hoa, khéo léo có thể trở thành sản phẩm giá trị. Và, để tạo dựng được thương hiệu gốm Bát Tràng với thế giới là cả một hành trình đầy nỗ lực và không ngừng vượt khó của người làng nghề” - nghệ nhân gốm sứ Hà Thị Vinh trải lòng...

Chiều thu tại nghĩa trang lớn nhất cả nước

(HBĐT) - Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975, hoàn thành ngày 10/4/1977 với tổng diện tích 140.000 m2. Đây là nơi quy tụ của hơn 10 nghìn phần mộ các liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chuyện về những nhà giáo lên vùng cao dạy chữ

(HBĐT) - Ở một ngôi trường tại bản làng nghèo khó, trong hành trình lên vùng cao dạy học, ngoài những trang giáo án, các thầy, cô giáo luôn có một vật bất ly thân, đó là những dây xích để cuốn lốp xe. Câu chuyện vượt khó của những nhà giáo hết lòng vì sự học vùng cao là "nốt nhạc” trầm lắng của sự nghiệp GD&ĐT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục