(HBĐT) - Trong ánh nắng vàng dìu dịu của những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về huyện Lạc Sơn - nơi sở hữu rừng cây dổi có giá trị lớn. Từng hàng dổi thẳng tắp, cao vút, trước đây được người dân trồng làm hàng rào tựa như những chiếc ô khổng lồ, tỏa bóng mát. Hàng nối hàng, cây nối cây, tạo không gian đặc sắc cho vùng đất Mường Vang.


Cây rừng nức tiếng

Trước đây, người miền núi đi rừng thường mang hạt dổi đựng ống nứa. Mỗi khi dùng, đem vài hạt nướng bằng cặp nặp trên than củi hồng. Hạt dổi nướng thơm lừng, được giã cùng muối trắng khô kỹ, đựng trong vỏ quả bầu già, gọi là muối dổi. Muối dổi dùng chấm thịt gà, thịt lợn, làm gia vị cho nhiều món ăn, đặc biệt là món thịt gà nấu măng chua. Hạt dổi còn được ngâm rượu dùng làm thuốc bóp.

Cây dổi vốn là loài gỗ quý, thớ mịn, không cong vênh, lại có mùi thơm nên được nhiều người ưa thích. Có giá trị là vậy, song một thời cây dổi chỉ gói gọn trong các bản Mường nên sản lượng hạt không dùng hết. Dư thừa, kém giá là thực trạng chung, vì vậy cây dổi mai một dần, thậm chí bị đốn tỉa, dần mất bóng trên các non xanh của rừng núi xứ Mường.

Thế rồi thật may, khi cây dổi ở rừng tự nhiên không còn nhiều, hạt dổi trở thành đặc sản bởi trữ lượng tinh dầu cao, mùi thơm đặc trưng, không đắng… Và giá trị cây dổi được khẳng định khi nhãn hiệu tập thể "Hạt dổi Lạc Sơn” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ ngày 18/12/2014.


Hạt dổi tươi được người dân xã Chí Đạo phơi khô trước khi xuất bán.

Trong các xã của huyện Lạc Sơn hiện còn cây dổi thì Chí Đạo là miền đất luôn được nhắc đến vì thế mạnh trồng loại cây này cũng như sự giàu lên nhanh chóng của không ít hộ dân. Trong sự nhắc tên đầy tự hào ấy thì nông dân người Mường có tên Bùi Văn Giang ở xóm Be Trên được nói đến nhiều hơn cả. Dẫn chúng tôi theo con đường đất vừa khô sương đêm, đưa bàn tay chai sạm của người chăm lao động, chỉ lên những thân cây thẳng tắp, ông Giang tự hào: Tiền cả đấy, cứ mỗi mùa dổi qua đi, những hộ trồng dổi ở đất này lại có thêm khoản thu. Nhờ cây dổi, từ nghèo khó, chúng tôi đã qua cữ thiếu thốn và bước đầu có tích lũy. Dổi đang là cứu cánh của không ít người dân đất này.

Ông Giang đưa chúng tôi ngược dòng thời gian về mươi năm trước. Thấy người ta tìm đến hỏi mua, biết giá trị cây dổi bắt đầu được đánh thức. May mắn trên đồi sát nhà còn sót lại một cây vài chục tuổi, sau mỗi mùa quả, ông Giang nhặt hạt và lao tâm khổ tứ ươm trồng. Quay đi quay lại, hiện nay, nhà ông đã có cả trăm cây dổi. Trung bình mỗi cây cho thu 10 - 15 kg hạt, cá biệt có cây thu 30 kg hạt sau mỗi vụ. Với giá bán từ 1,2 - 2 triệu đồng/kg, nhà ông có nguồn thu hàng trăm triệu đồng từ dổi mỗi năm.

Xóa nghèo nơi miền đất khó

Vào vụ thu hoạch, từ sáng sớm, khắp các ngả rừng, sườn đồi vùng Mường Vang râm ran tiếng nói cười. Theo bước chân, hạt dổi được mang về, phơi nắng, sau đó được tiểu thương về tận nơi thu mua.

Năm nay, niềm vui được mùa lại đến với gia đình ông Bùi Văn Nhạn, xã Chí Đạo. Hiện ông sở hữu vườn dổi gần trăm cây, trong đó có 40 cây trên 20 năm tuổi. Cho chúng tôi xem những hạt "vàng đen” của vụ vừa qua, ông Nhạn kể: Những năm hạt dổi được giá, gia đình tôi thu về gần 200 triệu đồng. Nhờ giữ cây và mở rộng diện tích trồng, kinh tế gia đình tôi thay đổi hẳn. Nếu không có cây dổi cùng sự quan tâm, định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền thì không biết đến lúc nào gia đình tôi mới thoát nghèo.

Với 2.000 m2 đất vườn, trong đó có 4 cây dổi cổ thụ, chưa khi nào vợ chồng anh Bùi Văn Rạn và chị Bùi Thị Nhâm, xóm Be Trên, xã Chí Đạo nghĩ đây là cứu cánh của gia đình mình. Sau nhiều năm ươm trồng, đến nay, vườn nhà anh chị có 35 cây dổi, hàng năm thu hoạch khoảng 200 kg hạt dổi tươi. Từ năm 2013, gia đình anh chị làm vườn ươm cây dổi với 2 loại là dổi ươm bầu, giá bán từ 5.000 - 7.000 đồng/bầu, trồng 10 - 12 năm cho thu hạt và dổi ghép với giá thành 50.000 đồng/cây, sau 2- 3 năm cho thu hoạch. Anh Rạn cho biết: Niên vụ 2018, gia đình đã cung ứng cho thị trường trên 50 vạn cây ươm bầu và 1,2 vạn cây dổi ghép; trừ chi phí, gia đình thu trên 1 tỷ đồng.

Từ hiệu quả kinh tế do dổi đem lại, nhiều năm trở về đây, người dân không còn chặt cây để bán. Đồng chí Bùi Văn Luyến, Chủ tịch UBND xã Chí Đạo cho biết: Để phát huy thế mạnh, cùng với chủ trương, hỗ trợ và khuyến khích của cấp ủy, chính quyền các cấp, hiện nay, trong xã nhiều hộ đã phát triển, nhân rộng thành rừng, trồng được 37 ha, tương ứng với 3,6 vạn cây dổi các độ tuổi, trong đó có trên 1.200 cây đã cho quả. Theo thống kê, niên vụ vừa qua xã có khoảng 7 tấn hạt dổi tươi xuất đi, thu về được 4,2 tỷ đồng. Việc ươm và bán giống dổi cũng đem về 14,8 tỷ đồng cho nhân dân trên địa bàn. Từ trồng dổi, đời sống của nhiều hộ vươn lên khấm khá, góp phần đưa thu nhập bình quân của xã đạt 24 triệu đồng/người/năm, tăng gần 23% so với năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35,8% năm 2017 xuống còn 28,7% trong năm 2018.

Có đến Lạc Sơn, về với Chí Đạo, tận mắt chứng kiến người dân thu hái và bán dổi cùng sự tấp nập của người tìm đến hỏi mua mới thấy hết giá trị và hiệu quả kinh tế mà dổi đem lại. Tin rằng, Tết năm nay và còn nhiều năm sau nữa, hương dổi thơm dịu sẽ đem về những mùa xuân no ấm, tiếp sức cho miền đất khó này nở hoa.


Hải Yến


Các tin khác


Người “tiếp lửa” cho gốm Bát Tràng

"Cục đất để nguyên thì chỉ là cục đất, nhưng nếu qua bàn tay tài hoa, khéo léo có thể trở thành sản phẩm giá trị. Và, để tạo dựng được thương hiệu gốm Bát Tràng với thế giới là cả một hành trình đầy nỗ lực và không ngừng vượt khó của người làng nghề” - nghệ nhân gốm sứ Hà Thị Vinh trải lòng...

Chiều thu tại nghĩa trang lớn nhất cả nước

(HBĐT) - Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975, hoàn thành ngày 10/4/1977 với tổng diện tích 140.000 m2. Đây là nơi quy tụ của hơn 10 nghìn phần mộ các liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chuyện về những nhà giáo lên vùng cao dạy chữ

(HBĐT) - Ở một ngôi trường tại bản làng nghèo khó, trong hành trình lên vùng cao dạy học, ngoài những trang giáo án, các thầy, cô giáo luôn có một vật bất ly thân, đó là những dây xích để cuốn lốp xe. Câu chuyện vượt khó của những nhà giáo hết lòng vì sự học vùng cao là "nốt nhạc” trầm lắng của sự nghiệp GD&ĐT.

Người mẹ Việt của sinh viên Lào

Một sáng chủ nhật cuối tháng 9-2018, khi trận đấu bóng đá giữa hai đội sinh viên Lào ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền chuẩn bị bắt đầu, các cầu thủ đã vào sân khởi động. Trong lúc nhiều người vẫn hướng ra ngoài sân như đang tìm kiếm điều gì, bỗng tiếng vỗ tay vang lên cùng nhiều tiếng reo mừng rỡ: "Mẹ Hương đến rồi”, "Con chào mẹ” cùng những cái ôm thật chặt... Người được gọi là "mẹ Hương" chính là Thạc sĩ Đỗ Mai Hương, Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Xung quanh việc chậm xử lý di dời bãi tập kết cát, sỏi không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn thành phố Hòa Bình(Kỳ III)

Bài 3 - Lời giải nào cho việc xử lý dứt điểm tình trạng chậm di dời các bãi tập kết cát, sỏi không phù hợp quy hoạch? 

(HBĐT) - Xung quanh việc chậm xử lý di dời bãi tập kết cát, sỏi (TKCS) không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn TP Hòa Bình theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp ngày 1/8/2018, cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố đã và đang tìm "lời giải” cho bài toán này.

Xung quanh việc chậm xử lý di dời bãi tập kết cát, sỏi không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn thành phố Hòa Bình (Kỳ II)

Bài 2 - Tiếng nói từ phía doanh nghiệp

(HBĐT) - "Chúng tôi sẵn sàng thực hiện phương án di dời bãi tập kết cát, sỏi (TKCS) theo Quyết định số 2488/QĐ-UBND của UBND tỉnh, nhưng tỉnh cũng phải có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc di chuyển. Nếu không sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn, thậm chí là phá sản”, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh cát, sỏi không phù hợp quy hoạch phải di dời về các vị trí phù hợp - ông Phạm Xuân Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hà có địa chỉ tại tổ 8, phường Thịnh Lang chia sẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục