Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc diễn ra tháng 2-1979 tới nay tròn 40 năm. Cuộc chiến đấu đó đã trở thành một dấu son trong lịch sử giữ nước của dân tộc, và trong ký ức của những cựu chiến binh đã có mặt trên biên giới ngày ấy vẫn vẹn nguyên cảm xúc, hình ảnh về những tháng ngày hào hùng, gian khổ, nỗi niềm tri ân với đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc. Và đó cũng chính là những dòng ký ức của nhà báo Nguyễn Hòa, xin giới thiệu cùng bạn đọc…


Bộ đội lên chốt. (Ảnh minh họa)

Viết là để tri ân

Khoảng 4 giờ sáng ngày 17-2-1979, mình đang ngủ trong "nhà bán âm” thì nghe tiếng ì ùm xa xa. Anh T nằm trên cái sạp tre bên cạnh thò đầu sang hỏi: "Năm nay sấm sớm mày nhỉ?”. Mình chỉ trả lời ậm ừ rồi định ngủ tiếp. Vài phút sau thì tất cả rung bần bật. Pháo của từ bên kia biên gới chuyển làn, bắn gần đến chỗ đơn vị mình. Thế là báo động, thế là xách súng ra giao thông hào. Từ hôm đó, bắt đầu mấy tháng lúc nào cũng đủ loại tiếng nổ đinh tai nhức óc, đất rơi rào rào, hầu như ít tắm giặt, ăn uống thất thường. Đó là những ngày cánh lính tráng ít quan tâm đến ngày tháng, chỉ quan tâm tới sáng - trưa - chiều - tối. Chục năm sau anh em tụ tập ở Hà Nội, mình nhắc lại câu nói năm nào, anh T cười và bảo: "Đời tao từng nói nhiều câu ngu, nhưng đó là câu ngu nhất!”. Lâu nay, một số người đặt câu hỏi tại sao khi quân ta lại bị bất ngờ? Là người trong cuộc, mình chẳng thấy bất ngờ. Nếu bất ngờ thì bọn mình đã chẳng lên trước sáu tháng để chuẩn bị chiến đấu. Lúc đầu, có lẽ ở nơi này nơi khác vì chờ đợi căng thẳng suốt mấy tháng trời nên đã sao nhãng, bị động. Ở trong cuộc mới hiểu bên phòng ngự thì không thể chủ động về thời điểm bị tiến công, điều quan trọng là khi bị tiến công sẽ tổ chức phòng ngự, chiến đấu như thế nào. Đơn vị mình ở cánh thứ yếu, không bị tập trung tiến công như bên Đồng Đăng. Tuy nhiên sự khốc liệt cũng không kém. Hồi nhỏ xem phim, biết về "chiến thuật biển người”, mình thắc mắc tại sao có thể xua đoàn đoàn lớp lớp người xông lên trước họng súng như vậy? Có ở Lạng Sơn mình mới hiểu người ta không tiếc mạng người, đoàn đoàn lớp lớp xông lên, đối phương bắn mãi, hết đạn. Để tiến công các điểm "chốt”, trước hết họ nã pháo như vãi đạn, sau đó là bạt ngàn lính. Mà xem chừng hồi đó họ cũng khổ. Có lần leo lên điểm "chốt” nơi quân của họ vừa bị đánh bật ra, mình thấy trên mấy hòn đá kê làm bếp nấu ăn có cái nồi quân dụng to đang bốc khói, nhìn vào trong thấy toàn sắn khô, bên cạnh lăn lóc mấy con gà lấy được trong mấy bản.

Anh em trong đơn vị hy sinh nhiều. Thi thoảng lại nghe tin bạn bè hoặc người mình quen biết đã hy sinh. Người còn sống vẫn bám trụ kiên cường, đánh lui hết đợt tiến công này đến cuộc tiến công khác. Cuộc chiến đấu đã biến những anh bộ đội cách đó mới nửa năm còn tham gia làm cầu Thăng Long, khai thác tre nứa ở đầu nguồn sông Lô, trồng sắn, dứa ở Phú Thọ,… hai tay vốn quen với cuốc xẻng, dao chặt, dao xây, nay đã thành lính chiến thực thụ. Trong những ngày ấy, mình từng đi bên những thi hài đồng đội cuốn trong ni-lông, đặt trên chiếu ngay bên đường, chờ ô tô chuyển về phía sau mai táng. Khi viết những dòng này, hình ảnh ấy lại hiển hiện trong đầu mình. Rớt nước mắt nhưng làm sao được, phải xong những ngày trận mạc mới chu tất được cho anh em, bạn bè.

Mình muốn dành đôi dòng để tri ân Đại tá ĐD - Sư đoàn trưởng. Sách vở ít nhắc đến ông, còn nhắc đến chiến công của Sư đoàn mình trên biên giới Lạng Sơn chỉ viết: "đã chủ động... tổ chức tiến công vào hậu phương của địch,... công binh luồn sâu 20 km vào sau lưng địch đánh sập hai cầu và dùng một bộ phận tinh nhuệ tập kích sân bay Ninh Minh”. Trên thực tế, đây là một quyết định táo bạo, dũng cảm của Đại tá ĐD. Ông tổ chức đơn vị phòng ngự chặt chẽ, nhưng có thời cơ là lập tức tổ chức tiến công vào hậu phương đối phương. Bọn mình tự hào gọi ông là "Lý Thường Kiệt đời F1”. Không được cùng anh em tiến công, nhưng mình đã được nghe anh em kể thủ trưởng ĐD chỉ đạo xong nhiệm vụ là rút về ngay, không nấn ná. Hôm anh em về, mình đến chỗ đường rút quân. Đó là một bãi mìn được công binh dọn dẹp. Cạnh đường rút quân, hàng chục con bò vướng phải mìn, thịt da tung tóe. Đại tá Đ.D mất lâu rồi, nhưng mình vẫn không quên ông, vị Đại tá dáng người cao lớn, nói sang sảng, cười rất to. Ông gần gũi và yêu lính, lính kính trọng và yêu quý ông. Thời đơn vị còn làm kinh tế, ông xông xáo đi hết nơi này nơi khác để chỉ đạo thi công các công trình ở Vĩnh Yên, Đông Anh,... làm đường, trồng cây gây rừng. Khi có chiến tranh, ông lại là vị chỉ huy dũng cảm, mưu trí, quyết đoán. Mấy năm sau mình gặp ông ở Hà Nội. Thầy trò đàm đạo. Ông tiếc hùi hụi vì ngày đó bày binh bố trận ở Chi Ma đâu ra đấy, quyết làm một trận ra trò thì bên kia tuyên bố rút quân. Ông nói với mình: "Pháo, quân dàn trận sẵn sàng mà vẫn phải để họ rút. Đứng trên núi nhìn xuống tao bực lắm, nhưng không đánh người đang lui quân về nước”.

Hơn nửa năm trời chẳng có cách nào báo tin về nhà, mà có khi còn quên. Đến tháng 8-1979, mình mới được tranh thủ qua nhà. Đi bộ, đi nhờ ô-tô gần hai ngày, nửa đêm mình về đến Hà Nội. Thấy mình gõ cửa, mẹ không tin, không ra mở cửa mà lầm rầm khấn "sống khôn, chết thiêng”. Mình gõ cửa thật mạnh, rồi hét tướng. Mẹ mới mở cửa. Hóa ra ở nhà tưởng mình đã hy sinh. Mẹ định ôm lấy mình, nhưng mình không cho, vì lúc đó từ đầu đến chân mình vẫn dính đầy bụi đất. Còn cha mình thì ngồi ở ghế nhìn, ánh mắt ông giúp mình hiểu ông đang nghĩ gì. Đã 40 năm trôi qua, mỗi khi nhớ về những năm tháng ấy, mình nghĩ bọn mình đã sống không có gì phải xấu hổ. Rồi hiện lên trong đầu là hình ảnh những chiếc xe Zin157 to uỳnh dùng tải thương, phải giảm xóc bằng cách đổ cát xuống dưới sàn xe, đặt phản gỗ lên trên, phủ thêm lớp rơm để chuyển chở thương binh về tuyến sau. Hằn in hơn nữa là ánh mắt đau đớn của những đồng đội mình đầy thương tích. Lại thương chị em nuôi quân, báo vụ, quân y cùng bọn mình hành quân lên biên giới. Bọn mình là con trai còn đỡ, chị em cực khổ vô cùng, nhưng hễ gặp nhau là cười. Mình không muốn mô tả cảnh bom rơi đạn nổ, đánh nhau ra sao, mà sau 40 năm, mình viết về cuộc chiến ấy để thấy đồng đội, bạn bè, anh em của mình đã vượt qua gian khổ xả thân vì Tổ quốc như thế nào. Họ là những người Việt Nam chân chính. Họ là những người con yêu của đất nước này.

Khi cùng anh em cựu chiến binh Sư đoàn 356 đến thắp nén tâm nhang ở Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Đài hương 468 ở Hà Giang, có bạn hỏi: "Anh chiến đấu bên Lạng Sơn, có chiến đấu ở Hà Giang đâu?”, và mình trả lời: "Hy sinh ở Lạng Sơn hay Hà Giang thì người nằm đây đều là đồng đội của tôi”. Đến hôm nay, đa số người lính ngã xuống năm xưa đã yên nghỉ trong các nghĩa trang liệt sĩ, nhưng vẫn còn người vẫn nằm đâu đó, như ca từ bài hát Về đây đồng đội ơi của nhạc sĩ Trương Quý Hải tha thiết gọi: "Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu”. Nên mình luôn nghĩ, chúng ta và hậu thế cần phải tiếp tục có trách nhiệm với những người lính ấy.

                                       

TheoNhandan

Các tin khác


Người lòng hồ và câu chuyện mưu sinh

(HBĐT) - Ở bản Sạn, xã Phúc Sạn (Mai Châu) có câu chuyện người nhanh dắt người chậm, người sáng chỉ giúp người chưa thông, người có của lo cho người nghèo hơn để cùng no cái bụng, ấm cái thân. Ấy là chuyện nuôi bò "rẽ". Người có bò cho người khác nuôi hộ gọi là nuôi "rẽ", mỗi năm đẻ ra hai con bê thì chia nhau mỗi người một con. Người nhận nuôi "rẽ" khi đã có vài "cặp" lại cho những hộ khác nuôi, cứ thế cặp bò bê lan tỏa ra khắp bản Sạn. Không những thế còn sinh sôi ở những bản khác nữa.

Nhìn lại Đề án đầu tư hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn

Bài 2 - Lồng ghép các nguồn lực, tập trung phát triển sản xuất 
(HBĐT) - Đánh giá 5 năm thực hiện Đề án đầu tư hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo các thôn, bản khó khăn nhất tỉnh, giảm bớt khó khăn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư hạ tầng mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, điều kiện kinh tế còn chậm phát triển, hạ tầng thiếu thốn, trong khi đó các thôn, bản thường xuyên bị thiên tai, mưa lũ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Các ngành chức năng đang tham mưu UBND tỉnh rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách lồng ghép các nguồn lực đầu tư hạ tầng, chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện tình trạng khó khăn của các thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh.

Bài 1 - Ghi nhận 2 thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đến nay đã có 2/36 thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) nhất tỉnh là thôn Mai Hoàng Sơn, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu và thôn Đậu Khụ, xã Thống Nhất, TP Hòa Bình đã ra khỏi diện ĐBKK.

Xung quanh dự án công viên nghĩa trang Lạc Hồng tại xóm Khăm, xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi: Gắn hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp với lợi ích người dân

(HBĐT) - Vừa qua, trên một số trang báo mạng và thông tin của nhân dân về việc thực hiện dự án Công viên nghĩa trang Lạc Hồng do Công ty CP Long Dương triển khai tại xóm Khăm, xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi đã nhận được sự quan tâm của dự luận. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hòa Bình đã về tìm hiểu, lắng nghe thông tin phản hồi từ cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương...

Người “tiếp lửa” cho gốm Bát Tràng

"Cục đất để nguyên thì chỉ là cục đất, nhưng nếu qua bàn tay tài hoa, khéo léo có thể trở thành sản phẩm giá trị. Và, để tạo dựng được thương hiệu gốm Bát Tràng với thế giới là cả một hành trình đầy nỗ lực và không ngừng vượt khó của người làng nghề” - nghệ nhân gốm sứ Hà Thị Vinh trải lòng...

Chiều thu tại nghĩa trang lớn nhất cả nước

(HBĐT) - Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975, hoàn thành ngày 10/4/1977 với tổng diện tích 140.000 m2. Đây là nơi quy tụ của hơn 10 nghìn phần mộ các liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục