(HBĐT) - Ngoài những cây bàng vuông, cây phong ba đầy sức sống; những con ốc xà cừ tuyệt đẹp hay cành hoa san hô, ốc biển được chính những người lính chế tác bằng đôi tay khéo léo... thì món quà đặc biệt nhất đối với bất kỳ ai từng một lần đến với Trường Sa đều mang về từ biển một lá cờ Tổ quốc thiêng liêng như một kỷ vật vô giá...


Trung tá Bùi Xuân Bổng,Chỉ huy trưởngNhà giàn DK1/9 Ba Kè ký tặng lá cờ bạc màusóng gió cho đoàn công tác của tỉnh.

"Quà” nơi đảo xa là "lá cờ bạc nắng gió”

Cho đến giờ, tôi luôn thấy mình may mắn khi được cùng đoàn công tác của tỉnh đi thăm, động viên CB,CS, nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2018. May mắn hơn, trong chuyến đi này tôi có được một món quà, kỷ vật vô giá từ Trường Sa - một lá cờ Tổ quốc với đầy đủ con dấu, chữ ký cùng "lời thề giữ biển, giữ đảo” của những người lính đang ngày đêm vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió tại 11 điểm đảo và Nhà giàn DK1/9 Ba Kè trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Còn nhớ, khi kết thúc chuyến đi, cầm lá cờ trên tay, đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải Quân, kiêm Chủ tịch HĐND huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) xúc động chia sẻ: Đây là lá cờ đặc biệt nhất từ trước đến nay mà tôi từng thấy, bởi nó mang trọn lời thề giữ biển của người lính Trường Sa.

Theo đại tá Trần Minh Thuần, cờ Tổ quốc treo nơi đầu sóng, ngọn gió biển khơi trong điều kiện thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, thường xuyên có gió giật nên chỉ vài ngày là bị bạc màu, sờn rách. Những lá cờ này khi hạ xuống, thay mới đều được CB,CS tại các điểm đảo viết chữ và đóng dấu rồi cất giữ cẩn thận để khi có đoàn công tác ra thăm sẽ được mang tặng như một món quà đầy ý nghĩa của Trường Sa.

Trong chuyến đi này, ngoài lá cờ Tổ quốc được mang từ Trường Sa như một món quà quý, kỷ niệm về chuyến đi đáng nhớ của riêng tôi, còn có một "lá cờ bạc nắng gió” là món quà do "chính người hùng của biển” - trung tá Bùi Xuân Bổng, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/9 Ba Kè tặng đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác của tỉnh như một món quà độc đáo và ý nghĩa của những người lính biển. Món quà giản dị, mộc mạc nhưng sâu thẳm nghĩa tình. Chẳng vậy, khi được trao tặng lá cờ Tổ quốc giữa muôn trùng sóng gió, ai cũng nhẹ nhàng nâng niu, bởi mỗi lá cờ đều nhuốm màu nắng - gió Trường Sa, đều mang trong mình hình ảnh Trường Sa thân yêu, mảnh đất thiêng liêng và hiên ngang nơi cực đông của Tổ quốc.

Mỗi lá cờ tung bay trên đảo đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của biết bao thế hệ người Việt Nam trong cuộc trường chinh giữ biển, đảo. Như hình ảnh xúc động của thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, Anh hùng LLVTND trong trận hải chiến hơn 30 năm trước. Anh đã dũng cảm giành lại lá cờ Tổ quốc khi quân địch xông vào cướp đi. Vì cứu đồng đội và giữ cho ngọn cờ thẳng đứng, anh trúng đạn và để lại câu nói bất hủ trước lúc hy sinh: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc...”. Đó còn là Trạm trưởng Nhà giàn DK1/6 - đại úy Vũ Quang Chương, trong giờ phút sinh tử vào rạng sáng 13/12/1998, trước khi Nhà giàn bị đổ sập do bão lớn vẫn bình tĩnh chỉ huy đồng đội rời Nhà giàn. Đồng thời anh thu xếp tài liệu, cuốn lá cờ đỏ sao vàng vào lòng rồi rời Nhà giàn sau cùng.

Những hình ảnh đó đã trở thành cột mốc chủ quyền bất tử giữa biển khơi. Để bây giờ, khi đến với Trường Sa, ngoài sóng gió biển khơi thì hình ảnh đầu tiên chúng tôi gặp khi nhìn thấy các đảo, điểm đảo là lá cờ Tổ quốc luôn hiên ngang, căng mình trong nắng gió.

Thiêng liêng cờ Tổ quốc nơi đầu sóng

"Đến với Trường Sa, nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay ở cột mốc chủ quyền của Tổ quốc cảm xúc dâng trào thật khó tả. Và điều đặc biệt thiêng liêng, để lại ấn tượng sâu sắc nhất là khi mình được chào cờ ở Trường Sa, giữa bốn bề sóng vỗ”, sau chuyến đi, đồng chí Nguyễn Thị Oanh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh đã nhiều lần tâm sự như gợi nhớ về những kỷ niệm đẹp trong chuyến đi thăm CB,CS, nhân dân đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.


 

Đại úy Bùi Minh Bưn, Chính trị viên đảo Cô Lin ký tặng cờ các đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo.


Giữa trùng khơi sóng gió, những buổi chào cờ trên quần đảo Trường Sa luôn là giây phút thiêng liêng, đầy xúc động và tự hào.

Không riêng đồng chí Nguyễn Thị Oanh, hình ảnh cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay trước gió ở nơi đảo xa cũng để lại ấn tượng sâu sắc với những người đã từng được tham gia lễ chào cờ thiêng liêng tại Trường Sa. "Cờ đỏ sao vàng đã thấm sâu vào máu thịt của mỗi người dân Việt Nam. Khi nhìn thấy màu cờ Tổ quốc giữa trùng dương mênh mông, hình ảnh hồn thiêng sông núi, đất nước đã được hiện hữu vô cùng xúc động. Có một điều may mắn là trong chuyến công tác chúng tôi đã được dự 2 lễ chào cờ thiêng liêng ngay trên quần đảo Trường Sa. Điều mà không phải ai cũng có được may mắn đó”, đồng chí Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh chia sẻ. Giữa bao la nước biếc, trời xanh và mây trắng, màu cờ đỏ sao vàng như tươi thắm, rực rỡ hơn.

Đại tá Hoàng Ngọc Trác, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân chủng Hải quân cho biết: Lễ thượng cờ và chào cờ ở Trường Sa luôn có một cảm giác thiêng liêng rất đặc biệt. Ở Trường Sa thường cứ 5h30’ sáng hàng ngày, lễ thượng cờ Tổ quốc được các đảo tiến hành ngay tại cột mốc chủ quyền. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ hết sức thiêng liêng của những người lính đảo. Còn mỗi tháng, các đảo tổ chức lễ chào cờ Tổ quốc một lần vào sáng thứ hai đầu tiên. Tất cả CB,CS, nhân dân, giáo viên, học sinh... trên đảo đều tham gia hoạt động ý nghĩa này. Người được chọn vào vị trí để làm lễ thượng cờ phải là những chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong công việc và rèn luyện. Đây là một trong những cách ghi nhận thành tích cũng như ý chí vươn lên của CB,CS trên đảo. Cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng, gió Trường Sa, bốn bề sóng vỗ rì rào. Quốc ca vang lên hùng tráng từ những người lính đảo, át cả tiếng sóng biển. Tiếp đến là 10 lời thề danh dự của quân nhân, được CB,CS hô vang dõng dạc và trang nghiêm. Buổi lễ trở nên uy nghiêm, cuồn cuộn hào khí của dân tộc với phần diễu hành qua cột mốc chủ quyền và cột cờ Tổ quốc dưới nền nhạc của bài "Tiến bước dưới quân kỳ”. Khí thế hào hùng, tác phong oai phong của những người lính đảo như khẳng định rõ ý chí quyết tâm giữ vững vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong suốt hải trình đến với các đảo, được nghe những câu chuyện giữ lá cờ Tổ quốc và hy sinh anh dũng của CB,CS Trường Sa càng làm cho chúng tôi xúc động hơn khi đứng dưới cờ đỏ sao vàng. Chính những điều đó đã góp phần tạo nên mạch nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ, động viên, thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục trân trọng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi hơn bất cứ điều gì, hình ảnh những lá cờ Tổ quốc tung bay giữa muôn trùng sóng gió, là biểu trưng bất tử khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc. Nhìn lá cờ Tổ quốc, vang lên lời thề sắt son, quyết tâm chiến đấu giữ gìn từng tấc đất, biển, đảo thiêng liêng của những người lính đảo giữa trùng khơi. Mỗi khi nhớ lại, chúng tôi vẫn thấy phút giây đó thật xúc động nghẹn ngào...

Vũ Phong


Các tin khác


Mùa dổi đưa hương

(HBĐT) - Trong ánh nắng vàng dìu dịu của những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về huyện Lạc Sơn - nơi sở hữu rừng cây dổi có giá trị lớn. Từng hàng dổi thẳng tắp, cao vút, trước đây được người dân trồng làm hàng rào tựa như những chiếc ô khổng lồ, tỏa bóng mát. Hàng nối hàng, cây nối cây, tạo không gian đặc sắc cho vùng đất Mường Vang.

Người lòng hồ và câu chuyện mưu sinh

(HBĐT) - Ở bản Sạn, xã Phúc Sạn (Mai Châu) có câu chuyện người nhanh dắt người chậm, người sáng chỉ giúp người chưa thông, người có của lo cho người nghèo hơn để cùng no cái bụng, ấm cái thân. Ấy là chuyện nuôi bò "rẽ". Người có bò cho người khác nuôi hộ gọi là nuôi "rẽ", mỗi năm đẻ ra hai con bê thì chia nhau mỗi người một con. Người nhận nuôi "rẽ" khi đã có vài "cặp" lại cho những hộ khác nuôi, cứ thế cặp bò bê lan tỏa ra khắp bản Sạn. Không những thế còn sinh sôi ở những bản khác nữa.

Nhìn lại Đề án đầu tư hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn

Bài 2 - Lồng ghép các nguồn lực, tập trung phát triển sản xuất 
(HBĐT) - Đánh giá 5 năm thực hiện Đề án đầu tư hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo các thôn, bản khó khăn nhất tỉnh, giảm bớt khó khăn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư hạ tầng mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, điều kiện kinh tế còn chậm phát triển, hạ tầng thiếu thốn, trong khi đó các thôn, bản thường xuyên bị thiên tai, mưa lũ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Các ngành chức năng đang tham mưu UBND tỉnh rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách lồng ghép các nguồn lực đầu tư hạ tầng, chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện tình trạng khó khăn của các thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh.

Bài 1 - Ghi nhận 2 thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đến nay đã có 2/36 thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) nhất tỉnh là thôn Mai Hoàng Sơn, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu và thôn Đậu Khụ, xã Thống Nhất, TP Hòa Bình đã ra khỏi diện ĐBKK.

Xung quanh dự án công viên nghĩa trang Lạc Hồng tại xóm Khăm, xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi: Gắn hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp với lợi ích người dân

(HBĐT) - Vừa qua, trên một số trang báo mạng và thông tin của nhân dân về việc thực hiện dự án Công viên nghĩa trang Lạc Hồng do Công ty CP Long Dương triển khai tại xóm Khăm, xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi đã nhận được sự quan tâm của dự luận. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hòa Bình đã về tìm hiểu, lắng nghe thông tin phản hồi từ cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương...

Người “tiếp lửa” cho gốm Bát Tràng

"Cục đất để nguyên thì chỉ là cục đất, nhưng nếu qua bàn tay tài hoa, khéo léo có thể trở thành sản phẩm giá trị. Và, để tạo dựng được thương hiệu gốm Bát Tràng với thế giới là cả một hành trình đầy nỗ lực và không ngừng vượt khó của người làng nghề” - nghệ nhân gốm sứ Hà Thị Vinh trải lòng...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục