(HBĐT)-Chúng tôi vinh dự được tham gia hải trình 16 ngày cùng đoàn công tác Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng 2 Hải quân ra thăm, tặng quà các nhà giàn DK1 và tàu trực đang làm nhiệm vụ trên biển. 16 ngày lênh đênh trên biển mang đến nhiều cảm xúc, tự hào và trào dâng xúc động khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên các nhà giàn. Và rưng rưng bao yêu thương, trân trọng khi được chứng kiến sự hy sinh, gian khổ của các chiến sỹ nhà giàn, để giữ yên vùng biển Tổ quốc.
Nhà giàn DK1/15 tại bãi Phúc Nguyên hiên ngang trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Thầm lặng những hy sinh giữa trùng khơi
Từ quân cảng Long Sơn, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), chúng tôi lênh đênh trên biển khoảng 1 ngày để đến khu vực cụm nhà giàn DK1/15 thuộc bãi Phúc Nguyên. Đi vào mùa biển động, từng con sóng vỗ mạnh vào thân tàu mang số hiệu KN 263 khiến mọi người trong đoàn cảm thấy chếnh choáng. Nhưng khi có thông báo về việc chuẩn bị cho Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, ai nấy đều trở nên tỉnh táo, khỏe khoắn, khẩn trương chỉnh đốn trang phục, sẵn sàng tham dự lễ tưởng niệm đặc biệt ý nghĩa này.
Giữa mênh mông sóng nước, từng lời phát biểu tại Lễ tưởng niệm của thượng tá Trương Công Hùng, Phó trưởng đoàn công tác khắc sâu vào tâm trí chúng tôi. Cụm nhà giàn DK1 được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ngày 5/7/1989. Lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sỹ hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn DK1 - BTL Vùng 2 Hải quân đã phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội anh hùng. Nêu cao tinh thần vì Tổ quốc, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo nơi đầu sóng, ngọn gió đối diện với bao khó khăn, hiểm nguy, không ít chiến sỹ đã ngã xuống. Đại uý, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An, thượng úy Trần Hữu Quảng và nhiều anh hùng liệt sỹ khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã anh dũng hy sinh, hóa thân mình với sóng nước đại dương, làm sáng ngời hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ và hình ảnh người chiến sỹ hải quân trong thời kỳ mới.
Đoàn công tác số 2 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) thực hiện nghi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại tại thềm lục địa phía Nam.
Kết thúc Lễ tưởng niệm, khúc ca "Hồn tử sĩ” vang lên, tất cả đều im lặng, chỉ còn tiếng sóng hòa trong tiếng gió. Những giọt nước mắt khẽ lăn trên má các thành viên trong đoàn công tác. Nhà báo Thanh Vĩnh, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ tỉnh Vĩnh Phúc xúc động chia sẻ: "Đây là lần thứ 2 tôi được ra với biển đảo quê hương. Bản thân tôi cảm thấy rất tự hào, xúc động và không thể kìm lòng trước sự anh dũng, hy sinh của những người lính hải quân nhân dân Việt Nam. Tôi nghĩ rằng mình phải sống thật tốt, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các anh. Đồng thời, cùng cộng đồng chung tay bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển, đảo của Tổ quốc”.
Những món quà ý nghĩa từ đất liền
Ngay sau lễ tưởng niệm, vòng hoa và những cánh hoa tươi thắm được cán bộ, chiến sỹ và các thành viên đoàn công tác thả xuống biển, cầu an cho những anh hùng liệt sỹ. Đồng thời gửi gắm tâm nguyện và quyết tâm của những người ở lợi với lời thề son sắt: "Quyết giữ vững vùng biển và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc”. Trong những món quà được thả xuống biển, tôi đặc biệt ấn tượng với những cánh hạc giấy của em Kiều Trấn Long, học sinh lớp 4 ở Hà Nội.
Thay mặt em Long thả những con hạc giấy xuống biển xanh sâu thẳm, anh Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương cho biết: "Hơn 100 cánh hạc giấy là món quà tự tay em Kiều Trấn Long gửi đến các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh, ngư dân đã mất tại vùng biển, đảo quê hương của Tổ quốc. Mỗi một bộ phận trên hạc giấy đều được cháu Long giải thích với những ý nghĩa sâu sắc. Như chiếc đế màu đỏ của hạc giấy được ví như trái tim của biển, đảo bởi khi hy sinh, máu của các anh hùng liệt sỹ sẽ thấm xuống biển. Lá cờ đỏ sao vàng được gắn trên hạc giấy tượng trưng cho các liệt sỹ khi hy sinh quấn lá cờ đỏ sao vàng trên thân mình… Ngoài ra, cháu Long còn thể hiện sự kết nối quá khứ với hiện tại, biển đảo và đất liền thông qua bức vẽ "Vòng tròn bất tử” và những phần quà tự tay làm khác như hoa đào, hoa mai…
Anh Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương chia sẻ ý nghĩa của hạc giấy - món quà của em Kiều Trấn Long, học sinh lớp 4 ở Hà Nội.
Mang hơi ấm của đất liền ra với nhà giàn, rất nhiều món quà ý nghĩa đã được gửi đến các anh như gạo, thịt lợn, bánh… Nhưng đặc biệt, món quà tinh thần khiến cán bộ, chiến sỹ nhà giàn cảm động hơn cả là những lá thư, bưu thiếp của các em học sinh. Hàng chục nghìn lá thư, thiệp chúc mừng của các em được chuyển đến tận tay người lính đang làm nhiệm vụ tại các nhà giàn, điểm đảo. Có những lá thư với nét chữ học trò thơ ngây, nhưng chứa đựng tình cảm chân thành, mộc mạc của các em dành cho những người lính nơi đảo xa.
Những đoàn công tác ra thăm nhà giàn rồi sẽ trở về với đất liền, nhưng những cái bắt tay nồng ấm, lời động viên chân thành hay tấm thiệp nhỏ của các em học sinh sẽ luôn là món quà tinh thần vô giá, giúp cho những người lính nơi đảo xa vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
(Còn nữa)
Đức Anh
Bài 2 - Bảo vệ, nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong
(HBĐT) - Mặc dù xây dựng được thương hiệu, nhưng cam Cao Phong gặp những thách thức về tăng trưởng nóng, giá cả, nạn hàng nhái, kiểm soát chất lượng... Song huyện quyết tâm bảo vệ và từng bước nâng tầm thương hiệu.
Bài 1- Xác lập thương hiệu nông sản đặc trưng, nổi bật
(HBĐT) - Từng long đong, lép vế khi chưa xây dựng được thương hiệu, với quyết tâm và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, người dân, cam Cao Phong đã trở thành thương hiệu nông sản mạnh nhất của tỉnh, một trong những "thương hiệu vàng" của nông nghiệp Việt Nam.
(HBĐT) - Ở đảo Hòn Chuối thuộc xã Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), có một lớp học đặc biệt mang tên "Lớp học tình thương” do thầy giáo, binh nhất Lê Hon Đa, Đồn Biên phòng Hòn Chuối (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) đứng lớp. Trong căn phòng nhỏ vài chục m2 nhưng có đến 3 tấm bảng của 3 khối lớp khác nhau. Lớp học thực sự trở thành "mái nhà tình thương” thứ hai của 23 học sinh trên đảo.
(HBĐT) - Trong chuyến tham gia đoàn công tác tặng quà, chúc Tết và thay thu quân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa nhân dịp đón xuân Canh Tý 2020, chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện với những y, bác sỹ đang công tác tại các bệnh xá trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Vượt lên những khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu và những thử thách ở nơi hải đảo đầy nắng gió, những người lính mặc áo bluose trắng đã trở thành điểm tựa vững chắc cho quân dân nơi trùng khơi.
(HBĐT) - Đảo Đá Tây được mệnh danh là "thành phố” của những đảo chìm trên quần đảo Trường Sa. Đảo có âu tàu rộng mênh mông, là nơi tránh trú bão an toàn trong những chuyến ra khơi của ngư dân suốt dọc vùng duyên hải từ Thanh Hóa đến cực Nam của Tổ quốc. Đặc biệt, trên đảo còn có một điểm để mua sắm mà ngư dân vẫn ví von là "siêu thị” giữa trùng khơi.
Ở các đảo trên quần đảo Trường Sa, thời tiết khắc nghiệt, với nhiều nắng gió, mưa bão, sỏi đá, san hô và cát. Vậy mà, với tất cả tâm sức, tình yêu và tinh thần cống hiến, những công dân trên đảo vẫn hàng ngày ươm những "mầm xanh", vun bồi sức sống giữa trập trùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.