(HBĐT) - "Làm lính thời chiến, làm nông thời bình”, đó là điều được nhắc đến nhiều nhất khi chúng tôi tiếp xúc, trò chuyện với mỗi cán bộ, chiến sỹ Hải quân Tiểu đoàn 565 thuộc Vùng 5 Hải quân, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Không chỉ vững chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc, họ còn là những "nhà nông” thực thụ với những sản phẩm nông nghiệp "sạch” do chính mình làm ra nhằm tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống người lính.
Đa phần ở Tiểu đoàn 565 đều là những người lính trẻ tuổi đời mới đôi mươi. Có người ở thành thị, có người ở nông thôn, người quen việc nhà nông, người thì mới bắt tay vào "nghề”. Nhưng khi quan sát, trải nghiệm cùng họ, chúng tôi mới thấy họ lành nghề cỡ nào. Trung sỹ Cao Văn Bằng, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Bộ binh thuộc Tiểu đoàn 565 chia sẻ: "Trước khi nhập ngũ, ở nhà tôi cũng làm nông, biết sơ sơ về cải tạo đất, gieo trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Nhưng làm nông trong đơn vị có khác hơn đôi chút, nhất là việc không dùng phân bón hóa học mà chỉ sử dụng phân hữu cơ, đảm bảo chất lượng nông sản sạch. Nước tưới tiêu đủ cung cấp nên các loại rau, củ, quả mà chúng tôi trồng đều phát triển tốt, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của toàn đơn vị”.
Mỗi năm, toàn đơn vị tăng gia sản xuất được khoảng 35 tấn rau, củ quả các loại; nuôi khoảng 20 con bò, 9 con lợn, cá và một số loại khác. Nhờ đó, tự cung, tự cấp được 100% rau sạch xanh và cải thiện từng bữa ăn cho cán bộ, chiến sỹ. Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ được từ số dư tăng gia sản xuất cho các đơn vị khác từ 3-4 tấn/năm. Thiếu tá Đỗ Ngọc Sang, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 565 chia sẻ: "Ngoài nhiệm vụ huấn luyện thì tăng gia sản xuất cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Với sự cần mẫn, chăm chỉ của mỗi người lính, số tiền thu được từ việc tăng gia đều sử dụng hàng năm vào cải thiện bữa ăn của chiến sỹ khoảng 84 triệu đồng/năm và sử dụng cho các hoạt động khác của đơn vị như giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao khoảng 184 triệu đồng/năm. Chỉ huy đơn vị cũng xem việc tích cực tăng gia sản xuất là một trong những hình thức rèn luyện người lính hiệu quả ngay trong thời bình”.
Đứng chân trên huyện đảo Phú Quốc, việc tăng gia sản xuất của Tiểu đoàn 565 có nhiều thuận lợi hơn so với những vùng đảo còn nhiều khó khăn khác. Mỗi bữa cơm, những người lính lại quây quần như một đại gia đình ấm tình đồng chí, đồng đội. Được thưởng thức cơm rau, thịt, cá do chính tay mình làm ra cũng là một niềm hạnh phúc đối với người lính, nhất là những tân binh, để họ cảm nhận được chút không khí gia đình mình ở đó. Trung sỹ Trần Nguyễn Huỳnh Đức tâm sự: "Đây là năm nhập ngũ đầu tiên của tôi nên còn nhiều bỡ ngỡ với môi trường mới. Tuy nhiên, được sự dìu dắt, quan tâm tận tình, ân cần hướng dẫn từ việc nhỏ nhất của những đàn anh đi trước, những tân binh như tôi thêm phần tự tin, nỗ lực phấn đấu rèn luyện. Từ việc chăn nuôi, trồng trọt, làm ra được thức ăn bằng chính đôi tay mình, tôi càng thêm quý trọng từng bữa cơm bên những người đồng đội, quý trọng sức lao động của bản thân”.
Đồng hành cùng các chiến sỹ, các địa phương có con em đang làm nhiệm vụ tại đơn vị cũng thường xuyên phối hợp, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, động viên, hỗ trợ vật chất, góp phần đảm bảo đời sống cho người lính yên tâm công tác, ngày đêm bám biển. Nhớ quê hương, gia đình là tâm lý chung mà mỗi chiến sỹ. Tuy nhiên, ở Tiểu đoàn 565, họ được xua tan nỗi buồn nhờ có anh em đồng đội quan tâm, đồng hành cùng nhau, đơn giản từ những việc nhỏ như chăm sóc vườn rau, vật nuôi, hay tụ họp trong giờ giải lao để ngân vang những khúc hát từ mọi miền Tổ quốc trong tiếng trống, tiếng đàn ghi-ta. Nói như Trung sỹ Cao Văn Bằng, nơi đây đã gắn bó những kỷ niệm vui buồn không thể quên trong cuộc đời, ai cũng sẽ đến lúc xuất ngũ, phải xa đồng đội, xa những công việc "nhà nông” thường nhật của đơn vị hay những bữa cơm giản dị mà ấm cúng. Nhưng chắc chắn rằng, ai cũng sẽ nhớ về tình đồng đội như ngôi nhà thứ hai của mình.
Thanh Sơn