(HBĐT) - Đảo Hòn Chuối nằm cách đất liền gần 32 km về phía Tây, là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc. Trên đảo có các đơn vị đứng chân như: Trạm rada 615, Đồn Biên phòng 704, Trạm hải đăng. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những người lính đảo vẫn hàng ngày, hàng giờ nắm chắc tay súng vững vàng nơi đầu sóng.



Lính Hải quân đảo Hòn Chuối hiên ngang bám đảo, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Đa phần các chiến sỹ đều là những người lính trẻ thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Trên đỉnh đảo Hòn Chuối, chúng tôi gặp gỡ những anh lính Hải quân Trạm rada 615. Thượng úy Hoàng Văn Thuận, Chính trị viên Trạm rada 615 chia sẻ: "Cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) tại Trạm có người đã quen với việc xa nhà, có người mới bắt đầu môi trường mới, nhưng ai nấy đều kiên định tư tưởng, rằng đã ra đảo nhận nhiệm vụ phải nỗ lực hết khả năng để hoàn thành thật tốt. Khắc phục những khó khăn trên đảo, năm 2019, đơn vị đã hoàn thành 100% chương trình huấn luyện cho CB, CS với 85% đạt loại khá, giỏi; hoàn thành 100% công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao sức chiến đấu cho CB, CS”.

          Với đặc thù đảo ít dân sinh sống, chủ yếu là các lực lượng đóng quân, CB, CS Trạm rada 615 đã thực hiện tốt khâu đột phá "Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội”. Theo đó, đẩy mạnh tăng gia, sản xuất đạt sản lượng cao với gần 1,9 tấn rau xanh các loại, 540 kg thịt thu được trong năm 2019. Từ đó, góp phần cải thiện chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn cho CB, CS, đạt gần 100% quân số khỏe trên toàn đơn vị. Nước ngọt là yếu tố sống còn đối với quân và dân trên đảo, thực hiện mô hình "Giọt nước nghĩa tình”, trong năm qua, CB, CS Trạm hỗ trợ 2.000 lít nước ngọt; ngoài ra, tặng 40 kg gạo, thực hiện 30 ngày công giúp dân vận chuyển vật liệu xây dựng nhà cửa.

Để tình quân dân thêm gắn kết, các lượng lực phối hợp chặt chẽ với các hộ dân trên đảo đảm bảo tình hình ANTT gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trên đảo duy trì tổ nhân dân tự quản khóm Hòn Chuối do ông Hồ Tuấn Hiệp, Trưởng khóm là tổ trưởng. Hoạt động của tổ tự quản trên cơ sở phối hợp với các lực lượng đóng quân trên đảo thường xuyên tuần tra, giữ ổn định khu vực. Đồng thời, phối hợp giúp ngư dân trong phòng, chống thiên tai, ổn định hoạt động buôn bán hàng hóa, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.

Thượng tá Nguyễn Quốc Thái, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 704 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) cho biết: "Để chăm sóc sức khỏe tốt cho Nhân dân trên đảo, quân y Đồn Biên phòng phối hợp với Trạm rada 615 thường xuyên tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân. Định kỳ tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao vào các dịp lễ, Tết với Nhân dân. Ngoài ra, vận động Nhân dân thu gom rác thải, nhất là rác thải nhựa để làm sạch môi trường biển và nơi sinh sống. Đồn Biên phòng thành lập và nhận đứng lớp tại "Lớp học tình thương” dạy miễn phí cho con em trên đảo. Đây cũng là những hoạt động cụ thể trong công tác dân vận của lực lượng vũ trang trên địa bàn nói chung, chiến sỹ biên phòng nói riêng”.

Đời sống tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng dựa vào sức quân, sức dân trên đảo góp phần giữ yên chủ quyền biên giới, hải đảo. Tin tưởng vào mỗi người lính, người dân yên tâm bám biển. Tổ trưởng tổ nhân dân tự quản Hồ Tuấn Hiệp giãi bày: "Chúng tôi coi bộ đội như người thân của mình, cùng đồng hành để giữ đất, giữ đảo, giữ biển là nhiệm vụ thiêng liêng. Đúng với câu nói "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ về phần ai”, những người lính đã gác lại thanh xuân vì trách nhiệm với Tổ quốc và Nhân dân, chúng tôi cũng sẽ cố gắng vì vùng biển thân yêu mà bám trụ ở nơi trùng khơi sóng vỗ”.



Chiến sỹ biên phòng đảo Hòn Chuối vận chuyển quà hỗ trợ từ hậu phương gửi đến cho quân dân trên đảo. 

Thanh Sơn

Các tin khác


Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục