Trên đà chiến thắng giòn giã khắp chiến trường miền Nam, trong tháng 2-3/1975, quân và dân tỉnh Cà Mau đã chiến thắng nhiều trận đánh quan trọng.

Từ đó, vùng giải phóng được mở rộng, tạo thế liên hoàn giữa các huyện, hình thành thế bao vây cô lập địch ở thị xã Cà Mau và các chi khu, phân chi khu, làm tiền đề cho lãnh đạo tỉnh chủ trương phát triển lực lượng lớn mạnh vượt bậc, toàn diện, tiến tới tự lực giải phóng thị xã Cà Mau.


Đại tá Lê Trung Tính với những kỷ vật thời chiến tranh. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Chủ động trước thế nước dâng cao

Từ năm 1974, địch thất bại nặng, lực lượng chủ lực của địch có giảm xuống nhưng hệ thống đồn bốt trong tỉnh Cà Mau còn nhiều, đồng thời địch cũng dồn sức nâng lực lượng cơ động lên. Thời điểm đó, tại các chi khu như: Thới Bình, Rạch Ráng, Cái Đôi, Tân Duyệt… đều có các lực lượng cơ động của địch. Chỗ nào bị ta tấn công không giữ nổi, địch chạy dồn về chi khu hoặc chốt tiểu đoàn, tổng số lực lượng trên 10.000 tên. Về phía ta, phong trào đấu tranh chính trị, binh vận ngày càng lên cao. Việc kết hợp ba mũi giáp công vũ trang, chính trị, binh vận có nhiều sáng tạo, tạo khí thế hồ hởi, phấn khởi trong toàn quân.

Trước khí thế dâng cao, chủ trương của ta là tấn công nhiều hướng, bao vây siết chặt điểm, diệt đồn chống địch tái chiếm, phát triển du kích, trang bị cho lực lượng tại chỗ cùng giữ, mở vùng, có điều kiện giải phóng xã, huyện, tiến lên giải phóng tỉnh. Từ tháng 12/1974 - 20/4/1975, ta tiêu diệt, bức hàng, bức rút 115 vị trí, 140 đồn bốt, làm tan rã 3.000 tên địch, thu giữ 1.000 khẩu súng các loại, giải phóng 30/43 xã, 81 ấp, trong đó có 4 huyện được giải phóng cơ bản gồm: Ngọc Hiển, Cái Nước, Trần Văn Thời và Thới Bình.

Nhằm chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng thị xã Cà Mau, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 giao nhiệm vụ cho tỉnh Cà Mau tự lực hoàn toàn giải phóng tỉnh và sẵn sàng chi viện khi có lệnh của Quân khu với tinh thần "thần tốc, táo bạo, chắc thắng”. Về tổ chức lực lượng, trong 10 ngày phải có 11 tiểu đoàn, mỗi huyện phải có tiểu đoàn riêng.

Đại tá Lê Trung Tính (Tám Tính) khi đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn U Minh 2, bồi hồi kể lại: Để chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng này, ngay từ tháng 3/1975, Tỉnh đội Cà Mau đã tổ chức nghiên cứu chiến trường, huấn luyện lực lượng theo phương án tác chiến với hình thức bí mật kỳ tập để đánh vào các mục tiêu được giao; tổ chức lực lượng đứng chân cách thị xã Cà Mau khoảng 13 - 14 km. Qua đó, ta đã chủ động đề ra hai phương án tấn công.

Phương án thứ nhất, sau khi phá vùng ven, ta nhanh chóng đưa lực lượng từng mũi áp sát các mục tiêu đã phân công; khi xuất hiện thời cơ, bộ đội nòng cốt bao vây tấn công, buộc địch hạ súng đầu hàng toàn bộ. Phương án hai, nếu địch ngoan cố tử thủ đến cùng, ta đưa lực lượng bao vây từng vùng, tạo thế đứng vững chắc, kết hợp ba mũi gọi hàng, nội ứng nổi dậy bên trong, phát động quần chúng nổi dậy làm chủ từng khu phố, giải quyết từng mục tiêu đi đến dứt điểm.

Trong đó, ta chia thành bốn hướng tấn công nhưng trọng yếu là hướng Bắc và Đông Cà Mau. Hướng Bắc bố trí sử dụng ba tiểu đoàn, mục tiêu đánh vào tiểu khu, Dinh Tỉnh trưởng, Tỉnh phó, Tòa hành chính, Khám giam, do ông Nguyễn Hồng Cơ, Chính trị viên Tỉnh đội và ông Bùi Hữu Mi, Tỉnh đội trưởng, chỉ huy. Hướng Đông Cà Mau sử dụng ba tiểu đoàn, mục tiêu đánh vào hậu cứ Trung đoàn 32 ngụy, sân bay mới, lộ 4 tới Chi khu Tắc Vân, do ông Trần Thanh Liêm, Tỉnh đội phó, Tham mưu trưởng và ông Đoàn Quang Vũ, Chính trị viên phó Tỉnh đội, chỉ huy.

Từ ngày 23/4/1975, các hướng tiến công chủ yếu là Bắc, thứ yếu là Đông, hướng phối hợp là Tây và Nam đã đồng loạt nổ súng. Các đợt tiến công của ta đã giành thắng lợi giòn giã. Vùng ven thị xã Cà Mau ta đã làm chủ, các lực lượng tiếp cận các cơ quan đầu não Tiểu khu An Xuyên.

Trong ngày 29/4, được lệnh của quân khu, cuộc tổng tiến công vào thị xã bắt đầu. Tiểu đoàn U Minh 3 tiến công vào Phân chi khu Hòa Thành lần thứ hai kết hợp quần chúng nổi dậy. Trong vòng 20 phút chiến đấu, ta giải phóng hoàn toàn Phân chi khu Hòa Thành, cửa ngõ hướng Đông Nam thị xã được mở.

Đêm 29/4, tại phía Bắc lộ 4, Tiểu đoàn U Minh 2, Tiểu đoàn 4 và Đại đội pháo tiến công cùng một lúc vào Đồn Xi Cách và Đồn Cái Nhúc, Đồn Xi Cách bị tiêu diệt, Đồn Cái Nhúc đầu hàng. Qua đó, ta bao vây tiến công Đồn Cầu Số 2, Phân chi khu Lộ Tẻ (Tân Thành), địch tháo chạy. Về phía Đông, Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 5 tiến công tiêu diệt Đồn Ao Kho. Như vậy, tiếp theo cửa ngõ phía Đông, cửa ngõ Đông Bắc được mở sát vào Sân bay Cà Mau.

Riêng phía Nam, sáng 30/4/1975, ta tiêu diệt toàn bộ quân địch trên lộ xe Cà Mau - Cái Nước sát thị xã. Với thuận lợi trên, ta quyết định đêm 30/4 đưa lực lượng vào thị xã Cà Mau tấn công các mục tiêu theo kế hoạch. Tuy nhiên, vào trưa 30/4/1975, Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng. Tình hình chuyển biến nhanh chóng, kế hoạch tiến công phải thay đổi, ta quyết định lựa chọn phương án thứ nhất theo kế hoạch đã lên từ trước.

Theo Đại tá Lê Trung Tính, lúc này bọn ngụy quyền ở Cà Mau phân hóa dữ dội, phần lớn đã tê liệt, chỉ còn một số sĩ quan chỉ huy làm ra vẻ hung hăng quyết chiến, tử thủ. Ta dùng máy thông tin vô tuyến gọi tên Đại tá Tỉnh trưởng Nhan Nhựt Chương đầu hàng và ra lệnh cho các chi khu còn lại nộp vũ khí. Tuy nhiên, Nhan Nhựt Chương chần chừ xin đến sáng hôm sau sẽ thực hiện. Không chờ đến sáng, Ban Chỉ huy tiền phương Tỉnh đội ra lệnh cho các mũi từ bốn hướng kiên quyết tiến vào trung tâm thị xã. Rạng sáng 1/5/1975, tên Tỉnh trưởng Nhan Nhựt Chương lên máy bay L19 trốn thoát. Cùng ngày, tên Tỉnh phó, Tham mưu trưởng ra gặp quân ta nhận đầu hàng và mời vào bàn giao chính quyền về tay quân cách mạng.

Những chứng nhân của thời khắc lịch sử

Đại tá Lê Trung Tính (Tám Tính) năm nay đã tròn 80 tuổi. Ông cho biết, lúc sinh thời, đồng chí Nguyễn Hồng Cơ (Ba Báu), nguyên Chính trị viên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã từng kể với ông nhiều chi tiết thú vị xung quanh chiến dịch giải phóng và tiếp quản thị xã Cà Mau khi xưa mà ít người được biết. Ông Ba Báu không chỉ là một trong những người trực tiếp tham gia chỉ huy chiến dịch, mà còn là thành viên đóng góp tích cực cho quá trình hình thành, hoàn chỉnh lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử Tỉnh đội tỉnh Cà Mau sau này.

Một trong những chi tiết đáng nhớ là vào tối 30/4/1975, Tỉnh trưởng Nhan Nhựt Chương xin hàng và hẹn sáng 1/5 gặp đại diện phía ta tại Hãng nước mắm Việt Hương, phường 4. Tuy nhiên, khi xe vừa chạy qua dốc Cầu Quay, chiếc "đầm già” - L19 chở Nhan Nhựt Chương bỏ trốn đột ngột về phía sân bay. Đồng thời khi đó, tên Tỉnh phó, Tham mưu trưởng đã ra đón tiếp và làm việc với hai đồng chí Ba Báu và Bùi Hữu Mi. Các mũi chủ lực của ta, mũi phía Bắc đã tiến đến các vị trí trọng yếu. Buổi họp giữa ta và địch, thành phần gồm các đồng chí chỉ huy chiến dịch của ta và rất đông sĩ quan ngụy. Cán bộ cấp tiểu đoàn không ai có mặt vì phải bảo đảm tác chiến tại đơn vị mình.

Anh Ba Báu từng kể rất kỹ về chi tiết này. Hôm đó trời đổ mưa rất lớn. Ngồi nói chuyện với anh Ba Báu, tên Tỉnh phó, Tham mưu trưởng giãi bày: "Từ nhỏ, tôi theo con đường binh nghiệp, không có tấc đất, không nhà, giờ không biết về đâu!”. Sau đó, tên Tỉnh phó về dinh thự của mình, phía ta khéo léo cử đồng chí Mai Thanh Ân (Bảy Khế), theo "bảo vệ” với một tiểu đội. Đồng chí Bảy Khế được tên Tỉnh phó tặng một khẩu rulo báng ngà voi. Khi đưa súng, tên Tỉnh phó còn nói: "Lúc nãy, tôi chưa bàn giao khẩu súng này là vì chưa biết rõ thái độ của các ông. Nếu có chuyện gì, tôi sẽ dùng khẩu súng này tự kết liễu”.

Tiếp đó, Bạc Liêu hoàn toàn giải phóng mà không tốn một viên đạn, không đổ một giọt máu. Cuộc đàm phán ngày 30/4/1975 giữa ta và đại diện phía địch là Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp đã diễn ra tốt đẹp ngoài sự mong đợi. Kết thúc cuộc đàm phán, Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp đã mời đồng chí Ba Vị ăn một bữa cơm toàn thắng với món canh bồn bồn nấu với cá rô.

Từ ngày 30/4/1975, tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu đã hoàn toàn giải phóng, non sông đã liền một dải. Nơi địa đầu cực Nam Tổ quốc đã hòa chung với khí thế cả nước để cùng bước sang một giai đoạn lịch sử hoàn toàn mới: Kỷ nguyên của hòa bình, độc lập và phát triển.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng trong ký ức của Đại tá Lê Trung Tính vẫn còn nguyên vẹn như vừa mới hôm qua. "Niềm vui của ngày giải phóng thật khó để diễn tả được. Vui sướng, tự hào nhưng nước mắt lại chực trào. Trước khi tham gia vào chiến dịch, anh em đồng đội đã mường tượng ra ngày toàn thắng ở rất gần với dân tộc rồi. Thế nhưng, trước đó vài ngày, nhiều anh em đồng đội đã ngã xuống hy sinh, không được tận mắt chứng kiến thời khắc lịch sử mà mình đã dành cả tuổi trẻ để đấu tranh và mong mỏi.”

Những năm tháng kháng chiến hào hùng, khí thế đấu tranh cách mạng và giây phút hạnh phúc khi quê hương được giải phóng đã trở thành những ký ức mãi mãi không thể nào quên đối với Đại tá Lê Trung Tính. Các đồng chí Ba Báu, Ba Vị và nhiều chứng nhân lịch sử giờ đây đều đã đi xa. Hành trang mà ông Tám Tính mang theo lại dày thêm những ký ức về đồng đội… Cống hiến to lớn của biết bao người lính để đem lại hòa bình, thống nhất đất nước sẽ mãi là những giá trị thiêng liêng được các thế hệ sau gìn giữ và tiếp nối.

                          Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


"Tất cả vì miền Nam ruột thịt" - Bài 1: Dốc toàn lực cho tiền tuyến

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa đến non song gấm vóc, đất nước liền một dải. Làm nên thắng lợi đó có sự đóng góp to lớn của quân dân miền Bắc khi trở thành nền, thành gốc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

"Đội quân tóc dài" trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Bài 2: Vang danh nữ "bộ đội Thu Hà"

"Bộ đội Thu Hà” là đơn vị nữ vũ trang đầu tiên của tỉnh Bến Tre trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và được phát triển chuyên nghiệp tiếp nối thời kỳ "đội quân tóc dài” sinh ra trong phong trào Đồng Khởi. Tính kiên cường, khí phách của đơn vị nữ lực lượng vũ trang này đã có tác động mạnh mẽ đến các lực lượng kháng chiến khác khi cùng hợp sức chiến đấu chống giặc cứu nước và giành toàn thắng cho quê hương xứ dừa Bến Tre.

"Đội quân tóc dài" trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

"Đội quân tóc dài" ra đời từ chiếc nôi của phong trào Đồng Khởi trên xứ dừa Bến Tre ngày 17/1/1960, là tên gọi của lực lượng đấu tranh chính trị trực diện của phụ nữ tham gia trong thời kỳ Đồng Khởi. "Đội quan tóc dài" sau khi xuất hiện đã đưa phong trào đấu tranh của phụ nữ Việt Nam lên một tầm cao mới.

Trạm rada 595 – “đôi mắt thần” không mỏi

(HBĐT) - Chuyến hành trình đi "ngược” lên đỉnh trời Hòn Khoai đưa chúng tôi đến với Trạm rada 595, Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân. Được mệnh danh như "đôi mắt thần” không mỏi canh giữ vùng biển, vùng trời Tây Nam của Tổ quốc, cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) Trạm nỗ lực khắc phục khó khăn, nắm chắc tay súng ngày đêm bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo thiêng liêng.

Phi đội Quyết Thắng và trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất - Bài cuối: Trận chiến khẳng định sự mưu trí, sáng tạo

Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất của Phi đội Quyết Thắng là một trong những dấu ấn không quên của không quân Việt Nam. Trận đánh không chỉ có ý nghĩa trong hiệp đồng tác chiến của Quân đội ta mà còn khẳng định sự mưu trí, sáng tạo của lực lượng Không quân cách mạng trong những ngày quyết định thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phi đội Quyết Thắng và trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất - Bài 2: Cấp tập "học" chuyển loại máy bay

Ngay sau khi chiếm được sân bay Đà Nẵng cùng với những máy bay địch bỏ lại, chúng ta đã triển khai ngay kế hoạch cho trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Những chiếc máy bay hư hỏng được sửa chữa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục