Cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 ở nước ta đã bắt đầu. Với sự tiếp thu, học hỏi, ứng dụng bằng cách này, cách khác, nông dân trong tỉnh đang vươn lên làm chủ khoa học công nghệ (KHCN), từng bước tiếp cận với sản xuất nông nghiệp thông minh, canh tác tự động hóa.

Bài 2 - Bắt nhịp cách mạng nông nghiệp 4.0



Hợp tác xã Hà Phong (Cao Phong) ứng dụng công nghệ cao trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm chế biến để người tiêu dùng nhận diện.

Để quản lý, chăm sóc trang trại trên 20 ha cam, bưởi trồng theo quy trình sản xuất hữu cơ, nhà nông trẻ Vũ Duy Tân ở thôn Đồng Huống, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) đưa KHCN vào khá nhiều khâu, đáng kể là quy trình tưới nước, bón phân, xử lý sâu bệnh hại. Anh Tân cho biết: Nếu dùng sức người thì có thuê cả trăm lao động cũng không xuể việc, hiệu quả chắc chắn không đồng đều như mong muốn. Bài toán này được thay thế bằng giải pháp KHCN, cụ thể là áp dụng hệ thống tưới thông minh và hệ thống phun phủ vi sinh. Theo đó, các giàn phun, tưới được điều khiển bằng máy móc tự động. Anh Tân hoàn toàn yên tâm bởi nước, phân bón, thuốc vi sinh được đưa về từng cây đồng đều, cân đối theo nhu cầu của cây trồng tùy từng giai đoạn. Việc ứng dụng công nghệ mới giúp anh quản lý sâu bệnh hại, tăng cường chăm sóc, để tạo lập nông trại chuyên cung cấp các sản phẩm sạch, an toàn. Đây còn là nơi xuất xứ của cam trứng Lạc Thủy được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng.

Một nông dân năng động khác là ông Phạm Tiến Sinh ở thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) cũng sớm bắt nhịp cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, khi tự thân vào Đà Lạt (Lâm Đồng) và TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, xây dựng mô hình trồng rau, củ, quả tiêu chuẩn VietGAP trong hệ thống nhà kính, nhà lưới đầu tiên của tỉnh. Hiện nay, quy mô sản xuất của Công ty TNHH MTV Hòa Bình GAP do ông Sinh làm chủ đã mở rộng khoảng 4 ha. Việc áp dụng quy trình tự động hóa được thực hiện gần như xuyên suốt, từ điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, nước tưới, bón phân, thông gió, phun sương theo yêu cầu của từng loại cây trồng đều thực hiện trong bộ nhớ lập trình, đảm bảo môi trường lý tưởng, chất dinh dưỡng cho cây phát triển. Bên cạnh đó, công nghệ nhà màng, nhà lưới giúp ngăn chặn các hiện tượng thời tiết cực đoan, phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại, tránh phải sử dụng thuốc BVTV. Từ đó, tạo bước đột phá trong sản xuất, năng suất và giá trị sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp tăng cao. Công ty TNHH MTV Hòa Bình GAP là mô hình điển hình ứng dụng công nghệ cao (CNC) được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, học tập.

Tại "thủ phủ" vùng cây ăn quả có múi huyện Cao Phong, việc ứng dụng CNC được chú trọng thúc đẩy trong những năm gần đây. Nông dân đã áp dụng khá phổ biến công nghệ tưới phun mưa, tưới tiết kiệm nước cho cây cam theo công nghệ các nước tiên tiến. Tiêu biểu có hộ các ông: Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Phúc ở thị trấn Cao Phong... Đặc biệt, kể từ năm 2017, Hội Nông dân huyện đã ký hợp tác toàn diện với HTX Nông nghiệp số (DAC) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ hội nông dân ứng dụng CNC trong các khâu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, khảo sát môi trường cho sản xuất, thiết lập bản đồ số trong trồng trọt, chăn nuôi... Từ đó, hỗ trợ hộ sản xuất minh bạch hóa nguồn gốc, xây dựng tính pháp lý trong quá trình sản xuất, tạo kênh cung cấp thông tin từ quá trình sản xuất đến khi ra sản phẩm, để người tiêu dùng nắm bắt, lựa chọn.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình đang áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, tập trung tại các huyện: Lạc Thủy, Cao Phong, Lương Sơn, Yên Thủy, với diện tích vài trăm ha. Cũng như thực trạng chung nông nghiệp cả nước, việc ứng dụng CNC đang diễn ra ở một số khâu, chủ yếu chăm sóc, bảo quản. Bên cạnh đó, nhiều nông dân cũng rất giỏi trong việc ứng dụng KHCN, công nghệ cao khi thuần thục các biện pháp kỹ thuật điều chỉnh thời vụ quả chín sớm, chín muộn, nhất là trên các loại cây ăn quả cam, nhãn, vải... để bán được giá hơn.

Nhà nông còn tích cực ứng dụng CNC trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Quy trình sản xuất chăn nuôi an toàn sinh học hiện đã được nhiều trang trại bò, lợn, gia cầm áp dụng. Việc ứng dụng CNC trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng đạt được kết quả tốt. Các doanh nghiệp và nhiều nông dân nuôi cá lồng bè vùng hồ sông Đà đã thực hiện quy trình nuôi trồng VietGAP, áp dụng giải pháp công nghệ như kết hợp các loại thuốc phòng ngừa dịch bệnh cùng thức ăn cho cá, xử lý môi trường nước...

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KHCN tỉnh ghi nhận: Nông dân tỉnh ta có rất nhiều sáng kiến, cải tiến để cải tạo quy trình, giảm chi phí đầu tư, gia tăng hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi. Quan trọng hơn cả, họ chính là những chủ thể lao động sáng tạo, tích cực ứng dụng KHCN để đem về cho nông nghiệp diện mạo, tầm vóc mới, mà thắng lợi trong xây dựng vùng trồng cây ăn quả hàng hóa chủ lực của tỉnh là minh chứng sinh động nhất. Nhiều mô hình nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh của tỉnh đã được nông dân các tỉnh, thành phố trên cả nước đến thăm quan, học tập. Nông dân cũng rất thông minh, nhạy bén trong việc áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, trước mắt là sản xuất an toàn thực phẩm để đem lại giá trị kinh tế cao, bền vững.

Tỉnh đang xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, phục vụ việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, sản xuất nông nghiệp an toàn và phát huy hiệu quả tài nguyên đất. Trên cơ sở bản đồ để quy hoạch cơ cấu cây trồng, giúp chính quyền và người nông dân biết cách lựa chọn cây trồng phù hợp, hiểu được tính chất của loại đất, hàm lượng các nguyên tố vi lượng, chất dinh dưỡng, nhằm điều tiết tỷ lệ phân bón sao cho phát huy được hiệu quả cao nhất trong sản xuất. Trong đó, việc tăng cường ứng dụng, chuyển giao KHCN, phát triển nông nghiệp thông minh (4.0), nông nghiệp ứng dụng CNC là một trong những giải pháp đột phá, trọng tâm.


Bùi Minh


Các tin khác


Đến với Cồn Cỏ - hòn đảo tiền tiêu

(HBĐT) - Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có vai trò quan trọng về AN-QP. Những chiến sỹ của đảo tiếp nối truyền thống cha anh, bằng ý chí sắt đá, quả cảm, luôn vững vàng canh giữ biển, đảo quê hương. Đồng thời, hỗ trợ, giúp đỡ chính quyền, Nhân dân từng bước phát triển về mọi mặt KT-XH.

Đột phá trong xây dựng vùng động lực kinh tế Lạc Thủy

(HBĐT) - Huyện Lạc Thủy là vùng đất có nhiều tiềm năng để xây dựng trở thành vùng động lực kinh tế của tỉnh, góp phần tạo điểm nhấn cho tỉnh trên lĩnh vực phát triển kinh tế. 

Vui, buồn mùa bắt ốc núi

(HBĐT) -Khi nghe tiếng sấm báo hiệu thời khắc chuyển sang mùa mưa, cũng là lúc nhiều người dân ở xã vùng cao, vùng sâu của huyện Tân Lạc xuyên màn đêm leo lên những ngọn núi cao để tìm bắt ốc núi. Gặp may, có những người kiếm được nửa triệu đồng mỗi đêm, cũng có những hôm tay không trở về. Công việc thời vụ giúp bà con có thêm nguồn thu nhập, nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy hiểm.

Thúc đẩy tiến trình dồn điền, đổi thửa

(HBĐT) - Giờ đây, cùng với những cánh đồng lúa tít tắp mang dấu ấn của tiến trình dồn điền, đổi thửa (DĐ,ĐT), trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả có múi, vùng nhãn, rau tập trung, góp phần tạo nên những thửa ruộng, khu vườn có diện tích lớn hơn, thuận lợi cho canh tác, hoạt động chứng nhận vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ. 
Bài 2 - Tháo gỡ những vướng mắc trong dồn điền, đổi thửa

​​Thúc đẩy tiến trình dồn điền, đổi thửa

(HBĐT) - Từ sau thành công của huyện Yên Thủy đối với công tác dồn điền, đổi thửa (DĐ, ĐT), BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 35, ngày 22/12/2017 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác DĐ, ĐT. UBND tỉnh có Kế hoạch số 141, ngày 6/11/2018 về kế hoạch DĐ, ĐT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Trong đó, chú trọng tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về DĐ, ĐT, vận động Nhân dân tự nguyện, tự giác thực hiện.
Bài 1 - Thành công bước đầu trong thực hiện dồn điền, đổi thửa

Giữ “vàng” ở đỉnh Tà Xông

(HBĐT) - Ngày 11/2/2020, khi nghe tin trên đỉnh Tà Xông A  có 3 cây thông Pà Cò bị Vàng A Trớ (SN 1984), trú tại xóm Hang Kia, xã Hang Kia chặt hạ, ngay lập tức, anh Bùi Văn Công, cán bộ phụ trách địa bàn xã Hang Kia - Pà Cò (Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) bất chấp cả mưa rét, chạy thẳng vào khu vực có 3 cây thông bị chặt hạ... 


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục