(HBĐT) - Không còn cảnh "một nắng hai sương, chạy ăn từng bữa”, người chăn nuôi ở huyện Lạc Thủy đã thay đổi tư duy sản xuất, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ KH-KT để chăn nuôi gia súc, gia cầm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Từ chăn nuôi, những nông dân chân lấm, tay bùn, nghèo khó ngày nào nay đã có nhà cao cửa rộng, trở thành tấm gương sáng trong sản xuất nông nghiệp của cả nước.




Gia đình ông Nguyễn Duy Lành, thôn Bột, xã Phú Thành (Lạc Thủy) là một trong những hộ nông dân tiêu biểu, tiên phong phát triển chăn nuôi trang trại của huyện.

Tỷ phú "gà Lạc Thủy"

Đó là anh Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền, xã Phú Thành. Từ mô hình chăn nuôi gà Lạc Thủy theo quy mô hộ gia đình, anh Tuấn đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện liên kết với trên 100 hộ vệ tinh chăn nuôi gà trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi năm doanh thu của HTX đạt khoảng 100 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng. HTX giải quyết việc làm cho khoảng 40 lao động địa phương. Thu nhập bình quân người lao động trong HTX đạt từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.  

Anh Trịnh Văn Tuấn nhớ lại: Trước kia, gia đình tôi nuôi gà Lạc Thủy quy mô chỉ vài trăm con, chuồng trại không được đầu tư nên gà thường xuyên bị mắc bệnh. Có những lứa gà mất trắng, sau nhiều lần nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, tôi quyết tâm vay mượn để có vốn xây dựng chuồng trại, đầu tư mua máy ấp hiện đại theo công nghệ Nhật Bản. Tôi luôn tâm niệm nếu đi một mình thì không vững mà cần phải có sự liên kết, gắn bó chặt chẽ với các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn huyện. Từ đó, tôi quyết tâm xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ với quy mô lớn. Cơ sở ấp gà giống của gia đình tôi liên kết với các hộ vệ tinh có cùng chung lý tưởng làm giàu từ gà Lạc Thủy. Đến năm 2021, HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền được thành lập với 7 thành viên. 

HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, cam kết thu mua trứng và gà thương phẩm cho tất cả các hộ vệ tinh. Ngược lại, các hộ vệ tinh cũng phải cam kết chăn nuôi theo đúng kỹ thuật HTX đã tập huấn, trang bị kiến thức. Hiện, gà giống và gà thương phẩm của HTX phủ sóng toàn quốc, gà giống được vận chuyển bằng máy bay vào TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc. Với 36 máy ấp trứng hiện đại công nghệ Nhật Bản, trung bình 1 tuần cung cấp ra thị trường từ 8 - 10 vạn con gà giống. Toàn bộ quá trình ấp trứng được tự động, không phải đảo bằng tay, tỷ lệ nở đúng ngày đạt cao. Ngay sau khi ra lò tách riêng gà trống và gà mái, loại những con gà không đảm bảo tiêu chuẩn và tiêm phòng vắc xin. Gà giống được bán với giá 11.000 đồng/con. 

Cùng với cung ứng gà giống, HTX còn là địa chỉ cung cấp gà thương phẩm nổi tiếng     cả nước. Hiện, HTX có 4 cửa hàng cung cấp gà thương phẩm tại Hà Nội, 2 cửa hàng tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) và 1 cửa hàng tại Lào Cai. Trung bình mỗi cửa hàng tiêu thụ khoảng 2 tấn gà/ngày. Giá bán đối với gà hơi 130.000 đồng/kg, gà đã sơ chế sạch 165.000 đồng/kg. Ngoài ra, gà thương phẩm của HTX còn được tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm Sói Biển.

Từ sự mạnh dạn đầu tư vốn, liên kết để chăn nuôi, HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền tạo dựng được niềm tin với các đối tác. Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, song HTX cùng các hộ vệ tinh duy trì ổn định tổng đàn, giá bán ổn định. Năm 2021, doanh thu của HTX đạt 100 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng; doanh   thu của các hộ vệ tinh đạt khoảng 500 triệu - 1 tỷ đồng/năm.

Lão nông vượt qua dịch tả lợn châu Phi 

Vượt qua cơn bão giá lợn năm 2017 và dịch tả lợn châu Phi, suốt mấy năm qua, giờ đây, ông Nguyễn Duy Lành, thôn Bột, xã Phú Thành vẫn nắm trong tay trang trại lợn "khủng” với quy mô 250 con lợn nái, 2.000 con lợn thương phẩm. Ông Lành được người dân Lạc Thủy phong cho danh hiệu "người hùng” trong phát triển kinh tế trang trại. 

Ông Lành chia sẻ: Trước năm 2003, gia đình tôi thuộc hộ nghèo trong thôn, kinh tế trông chờ vào cây lúa, cây khoai. Cuộc sống vất vả lo ăn từng bữa. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KH-KT do các cấp, ngành tổ chức, tôi vay ngân hàng 50 triệu đồng để mua 1 ha đất trồng cây lâu năm và trồng keo nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Tôi quyết tâm chuyển sang trồng cam lòng vàng và bưởi Diễn. Năm 2008, cam và bưởi cho thu hoạch, gia đình có vốn để đầu tư nuôi gà bản địa. Năm 2014, sau khi được đi thăm quan học tập các mô hình nuôi lợn, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã đầu tư xây dựng trại lợn theo công nghệ Thái Lan với 1 chuồng, quy mô 250 con/lứa. Đến năm 2019, mặc dù dịch tả lợn châu Phi bùng phát nhưng gia đình tôi vẫn quyết tâm bám trụ và xây dựng thêm 6 chuồng lợn với quy mô 250 con lợn lái, 2.000 con lợn thương phẩm. 

Hiện nay, tổng diện tích trang trại của gia đình ông Lành rộng 6 ha, cách xa khu dân cư. Trong đó, 2 ha trồng trọt để tạo không gian thoáng đãng, mát mẻ cho khu vực chăn nuôi rộng 4 ha để nuôi lợn và gà. Khu vực chuồng lợn được quy hoạch gồm công trình phụ trợ, trang thiết bị theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ Thái Lan như xa khu dân cư, chuồng trại sinh sản bố trí theo mô hình lạnh và kín, làm mát bằng quạt gió, đảm bảo không khí đối lưu, nhiệt độ luôn ổn định khoảng 27°C. Mặt sàn láng xi măng luôn đảm bảo khô thoáng. Các ô chuồng có diện tích hợp lý… Trang trại có tường bao cách ly với môi trường xung quanh, trước khi vào trang trại người lao động phải sát trùng. Công tác kiểm dịch được chú trọng, rắc vôi bột định kỳ. Ngoài ra, ông Lành thuê 2 kỹ sư chăn nuôi để giám sát toàn bộ quy trình chăm sóc, lai tạo, phối giống, sử dụng thức ăn…  

Chăn nuôi khép kín với công nghệ hiện đại là yếu tố then chốt giúp trang trại lợn của gia đình ông Nguyễn Duy Lành vượt qua dịch tả lợn châu Phi. Trung bình mỗi năm ông bán ra thị trường 500 tấn lợn thương phẩm. Năm 2021, tổng doanh thu của trang trại đạt 32 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ chăn nuôi 26 tỷ đồng, trồng trọt 6 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 6 tỷ đồng. Mô hình tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động địa phương, thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2017, ông Nguyễn Duy Lành vinh dự là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp T.Ư, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Tăng khả năng thích ứng để bắt kịp xu hướng phát triển

Anh Trịnh Văn Tuấn, ông Nguyễn Duy Lành là đại diện cho người chăn nuôi huyện Lạc Thủy mang tư duy mới, tràn đầy nhiệt huyết làm giàu trên mảnh đất quê hương; là những người tiên phong chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung. Họ là tấm gương để các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện học tập kinh nghiệm, cùng liên kết để ngành chăn nuôi vượt qua mọi khó khăn, thích ứng với những biến động của thị trường, bắt nhịp với chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp. 

Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Thời gian tới, ngành chăn nuôi Lạc Thủy tập trung phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường, khuyến khích phát triển chăn nuôi tuần hoàn, theo chuỗi khép kín, chăn nuôi hữu cơ. Ứng dụng công nghệ tự động vào chăn nuôi, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi gắn với chuyển đổi số; tăng cường giám sát quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, nghiêm cấm người dân sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn. Phối hợp các ngành nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh thông qua giám sát dịch bệnh, tiêm phòng. Thực hiện xây dựng các vùng an toàn dịch, cơ sở an toàn tập trung ở các xã trọng điểm, các HTX, trang trại, gia trại. Huyện tiếp tục đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, phát triển bán hàng trên sàn thương mại điện tử…


Thu thủy

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục