(HBĐT) - Dổi - cây che mưa giông, nắng, gió những mái nhà Mường. Dổi cho bóng mát - không khí trong lành - cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. Dổi cho thân gỗ cao vút, thẳng tắp để người quê tôi làm nếp nhà sàn. Dổi cho loại hạt nức vị các món ăn; cho loại thuốc quý để người Mường khỏe mạnh. Dổi xứ Mường hôm nay ở nhiều vùng quê từ Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên đến Tây Nguyên xa xôi... đang mang lại những mùa Xuân no ấm.



Hạt dổi thành phẩm.

Tích dổi Mường Be

Đó là câu chuyện của 60 năm trước, khi bố tôi còn nhỏ, cùng chúng bạn chơi đùa dưới những tán dổi; cùng nhặt những hạt dổi chín đỏ làm đạn để chơi trò bắn ống phốc… Để rồi sau mỗi dịp đi xa trở về, ông lại thích ngồi dựa lưng bên gốc dổi cổ thụ cạnh bờ ao và ngắm nhìn dổi cứ ngạt ngào, thấm đẫm tuổi thơ nơi xứ Mường Be (xã Chí Đạo - Lạc Sơn, Hòa Bình)…

Hạt dổi sau khi nướng được đem giã nhỏ trộn với muối rang để chấm món ăn còn một phần đem giã nhỏ để ướp với thịt, cá trước khi nấu, nướng. Mùi thơm của hạt dổi nướng khiến món ăn hấp dẫn đến lạ. Xưa kia, các quan lang người Mường, mỗi khi đón khách ở Kinh kì lên thăm đều dùng hạt dổi làm gia vị cho vào các món ăn và muối dổi như thế. Ngày nay, khách đến xứ Mường thưởng thức các món đặc sản có rắc hạt dổi một lần cũng sẽ nhớ và vương vấn mãi…

Bao năm rồi mà mỗi lần về quê, bố tôi vẫn thích tự tay vào bếp nướng hạt dổi để chế biến các món ăn. Vốn là loại cây mọc trên rừng, rồi không biết từ khi nào, những cây dổi lớn lên trong làng. Vẫn dáng cây cao thẳng tắp ngày ngày che mưa, nắng cho những mái nhà. Người trong Mường không phải đi xa tận rừng sâu để lấy gỗ làm nhà nữa. Nhiều người già trong Mường cho rằng, vào mùa dổi chín, những đàn chim bay về từ rừng sâu kia chính là "sứ giả” đem dổi về với đất Mường. Đàn chim bay về từ rừng sâu ríu rít, tâm tình bên những chùm dổi chín như chứng kiến thành quả của ngày xa xưa, dổi được đưa từ rừng về để hôm nay kết trái vàng như thế…



Người dân làm những bậc thang để leo lên cây hái dổi.

Cây lộc và trái vàng ở xứ Mường Be

Ngồi bên cửa voóng (cửa sổ) nhà sàn ngắm nhìn vườn dổi thẳng tắp ông Bùi Văn Bun -Trưởng xóm Be chia sẻ: Mùa dổi năm nay, gia đình ông không chỉ thu hàng trăm triệu đồng từ bán hạt đổi tươi. Trong năm, gia đình ông còn xuất bán khoảng 3 vạn cây giống dổi ghép thu vài trăm triệu đồng/năm. Gia đình ông cũng như nhiều hộ dân ở đây đang ấp ủ dự định xây dựng dịch vụ du lịch trải nghiệm.

Chắc chắn du khách sẽ rất thích thú được nằm trên những chiếc võng mắc qua những cột chống trời kia; sẽ hài lòng khi được ngủ trên những ngôi nhà sàn gỗ dổi; được thưởng thức các món ăn đậm hương vị hạt dổi; được đem những sản phẩm dổi (như: muối dổi, hạt dổi khô, hạt dổi ngâm rượu để làm thuốc xoa bóp, cây dổi giống…) về làm quà…

Khi đời sống của người dân nơi đây khởi sắc hơn, họ cũng tự tin tìm tòi hướng đi, tầm nhìn mới. Tất cả nhờ cây lộc quý dổi thơm!

Ông Bun cho biết: Hiện nay, nhà nào cũng có ít thì vài cây dổi. Vài cây có tuổi đời 20-30 năm, cho thu 2-3 tạ hạt tươi. Với giá bán hạt tươi hiện là 500.000 đồng/kg thì một cây dổi cho thu mấy chục triệu đồng, tương đương cả cây vàng cũng đem lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều gia đình. Đặc biệt, hơn chục năm trước, nhiều nhà mạnh dạn, trồng nhiều đương nhiên có của ăn, của để và phát triển nhanh chóng.

Như gia đình ông Bùi Văn Lực ở xóm Be Trên vừa tổng kết một mùa dổi bội thu. Cách đây hơn chục năm, ông Lực đã mạnh dạn trồng gần trăm cây dổi. Giờ đám dổi này đã cho thu hạt. Có cây dổi cho thu tới 2 tạ hạt tươi. Ông Lực vui lắm, chưa bao giờ người nông dân như ông lại thu được cả tấn hạt dổi, trị giá mấy trăm triệu đồng. Gia đình ông Bùi Văn Hền, Bùi Văn Biền, Bùi Văn Lán… giờ cũng trở thành những triệu phú nhờ dổi.

Trồng cây dổi, không phải chăm sóc gì, sau chục năm cây cho hạt. Trồng cây ghép thì gần 5 năm đã cho thu hạt. Đầu tháng 9 là bà con chỉ việc mang rá, rổ ra sau vườn nhặt hạt vàng. Đúng là cây lộc, trái vàng của xứ Mường Be!

Dổi xứ Mường và ước mong xuất khẩu

Năm qua, dổi được mùa, được giá nên nhiều gia đình đã đổi đời nhờ bán hạt dổi và đặc biệt là các nhà vườn bội thu khi bán cây dổi giống. Những ngôi nhà sàn được trang bị đầy đủ tiện nghi; đường làng, ngõ xóm khang trang; tiếng còi xe ô tô rình rang của những hộ thu vài trăm triệu và tiền tỉ từ vụ dổi không còn lạ ở xứ này.

Chủ tịch UBND xã Chí Đạo Quách Công Thái cho biết: Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường ẩm thực trong nước ngày càng phong phú, hạt dổi trở thành gia vị đặc sản không thể thiếu. Với ưu điểm không mất nhiều công chăm sóc, bảo vệ, sản phẩm hạt lại dễ thu hoạch, bảo quản, chỉ cần phơi khô, không sợ hỏng, mốc và bán được quanh năm, nên dổi đang trở thành cây chủ lực đem lại nguồn thu cao, hướng đi xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững của người dân nơi đây.

So với những cây trồng khác, cây dổi mang lại lợi ích kép. Trồng dổi cho thu hạt và còn bán được cả gỗ với giá thành cao. Dổi còn tạo môi trường trong lành, mát mẻ và tương lai sẽ trở thành điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.

Xã Chí Đạo hiện có hơn 300 hộ trồng khoảng hơn 42 ha dổi (hơn 20.000 cây) ở các độ tuổi; trong đó, gần 4.000 cây đã cho thu hoạch. Cây dổi trồng 8 năm thì ra hoa, bói hạt, nếu trồng cây cấy ghép thì thời gian sẽ được rút ngắn được một nửa. Cây càng lâu năm, giá trị gỗ, hạt càng cao.

Khi nhãn hiệu tập thể "Hạt dổi Lạc Sơn” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ ngày 18/12/2014, tiếp đó hạt dổi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh, xã Chí Đạo có số lượng hộ trồng, cây trồng, sản lượng và chất lượng cao nhất đã mở ra cơ hội giúp sản phẩm dổi từng bước xây dựng thương hiệu trên thị trường, vươn ra các tỉnh, thành phố trong cả nước và tiến tới khai thác tiềm năng xuất khẩu.

                                                                                                 Hồng Duyên


Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục