(HBĐT) - Ký ức trong tôi, Hải Phòng khi xưa chỉ có trong những câu chuyện bà ngoại kể, đó là một nơi phố xá phồn hoa, tấp nập người xe trong mắt của một người ở quê ra phố thị làm "hàng xáo” (buôn gạo)... Từ ký ức đó, sau này mỗi lần có dịp về thành phố cảng, tôi lại dành một ngày để lang thang khắp phố phường đất cảng như bước chân của ngoại khi xưa...


Nhà hát thành phố - một trong những điểm check in của giới trẻ khi đến Hải Phòng.

Sức hấp dẫn nơi thành phố cảng

Hải Phòng không chỉ có cảng biển lớn nhất miền Bắc mà còn nhiều địa điểm có sức hấp dẫn du khách đến đây. Lịch sử ghi chép rằng, Hải Phòng là vùng đất cổ nằm trong đồng bằng châu thổ sông Hồng. Có nhiều dòng sông lớn, nhỏ chảy qua thành phố trước khi đổ ra vịnh Bắc Bộ. Con sông Cấm lớn nhất thành phố không chỉ mang phù sa cho đồng ruộng mà còn là tuyến đường thủy huyết mạch, nơi bến cảng lớn nhất được người Pháp xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ XIX để giao thương với nước ngoài. Cũng vì thế mà Hải Phòng mang tên thành phố cảng.

Ngoài cái tên thành phố cảng, Hải Phòng còn được mệnh danh là thành phố hoa phượng đỏ, vì nơi đây trồng rất nhiều phượng. Trong mắt nhiều du khách, Hải Phòng nổi tiếng với Đồ Sơn hay Cát Bà với những tour du lịch biển đảo hấp dẫn. Nhưng đến Hải Phòng lần này, tôi muốn lang thang ở trung tâm thành phố để trải nghiệm một ngày bình thường của người dân nơi đây.

Bắt đầu từ công viên trước nhà hát thành phố, tôi lang thang trên vài con đường lớn nhỏ. Những con đường sạch sẽ dọc ngang nối nhau, điểm vài hàng quán bán trên vỉa hè. Những hàng cây tán rộng phủ bóng mát xuống lòng đường. Trên những tuyến đường nội đô nhiều căn nhà cũ xen lẫn những căn nhà mới, cửa tiệm buôn bán. Qua những con đường có cơ quan hành chính, nhiều tòa nhà được xây dựng với phong cách, kiến trúc của thời kỳ người Pháp đến vùng đất này. Tôi đến với những con đường buôn bán sầm uất của thành phố như: phố Cầu Đất, chợ Ga, phố Quang Trung, phố Lãn Ông... Nhiều ngôi nhà được xây dựng từ đầu thế kỷ trước, ghi chú cả năm tháng, phủ rêu phong và bụi thời gian nằm phía sau dãy hàng quán, như khẳng định sự hiện diện rất lâu của mình ở thành phố. Một nét lạ là trung tâm thành phố không đông khách du lịch. Hầu hết là hoạt động thường ngày của người dân địa phương với dịch vụ hàng quán và các loại hình giải trí. 

Như nhiều thành phố khác, Hải Phòng cũng có những con hẻm nhỏ giữa khu dân cư, khu tập thể. Các hàng quán bán những món đồ rất đặc trưng và gắn liền với đời sống người dân từ bao năm nay. Đi du lịch thì phải thưởng thức ít nhất một món đặc sản nơi ghé thăm. Chúng tôi chọn món bánh đa cua trên phố Lê Chân, món ăn gắn với tên thành phố này. Tôi nghĩ lại những lời cảnh báo của bạn bè từ thuở sinh viên, về Hải Phòng nếu lơ ngơ là sẽ bị bắt nạt, nhất là khi mua đồ hay ăn uống ở nơi này. Nhưng trải nghiệm lại cho tôi cảm giác Hải Phòng là thành phố thân thiện, gần gũi với du khách. Chúng tôi không bị chèo kéo khi mua đồ, không bị hét giá khi vào cửa hàng ăn uống, thậm chí chủ quán còn chủ động đến hỏi thăm, trò chuyện khi biết khách ăn không phải là người địa phương.

Mảnh đất địa linh nhân kiệt

Một trong những điều đặc biệt ở thành phố này là phía sau sự ồn ào phố thị có rất nhiều di tích cổ hoặc những địa điểm gắn với di tích cổ từ thời kỳ phong kiến đến những tòa nhà được thực dân Pháp xây dựng thời kỳ nửa thuộc địa nhuốm màu thời gian. Đầu tiên là đền Nghè, nơi thờ Nữ tướng Lê Chân, người đã có công khai phá và lập ra làng An Biên xưa - nay là Hải Phòng. Đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh thuộc dạng di sản, mà còn là nơi người dân thành phố đến viếng mỗi buổi chiều hàng ngày để cầu xin phước lộc.
 
Ngoài đền Nghè, Hải Phòng còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lễ hội độc đáo với các khu di tích lịch sử nổi tiếng như: Khu di tích Bạch Đằng Giang (huyện Thủy Nguyên) gắn với tên tuổi 3 nhà cầm quân lẫy lừng của dân tộc là Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền; khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc tại huyện Kiến Thụy. Đây là nơi thờ linh vị 5 vị vua triều Mạc. Tại khu tưởng niệm còn lưu giữ nhiều đồ thờ, cổ vật quý giá. Đặc biệt là thanh Định Nam Đao, từng được vua Mạc Đăng Dung sử dụng xông pha chiến trận và "bách chiến bách thắng”; khu di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo); chùa Dư Hàng (quận Lê Chân); khu di tích đền, chùa Tràng Kênh (huyện Thủy Nguyên)... là những điểm tâm linh có ý nghĩa quan trọng đối với người dân thành phố cảng.

Sau những bước chân lang thang, chúng tôi chọn quán cà phê Art gallery Lục trên đường Quang Trung, phía sau quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân là điểm dừng chân cuối cùng, nghỉ ngơi trước khi rời thành phố. Với dân du lịch bụi, đây là điểm dừng chân thú vị. Bởi ngoài việc được ngắm những bức tranh của chủ quán còn có thể trò chuyện về những tác phẩm và niềm đam mê của ông. Đây cũng là nơi nhiều người có máu du ca lãng tử tụ tập, tìm về ngồi ôm cây đàn ghi ta hát. Không đủ lớn khiến khách ngồi bàn bên khó chịu, nhưng cũng đủ gây chú ý với những ai yêu thích môn nghệ thuật này.

Rời thành phố cảng, trên những tuyến đường rợp bóng cây phượng già xù xì nét cổ kính, chợt nghe đâu đó vang lên lời ca quen thuộc, hào sảng của bài hát "Khi xuân sang trên bến cảng”. 

Mạnh Hùng

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục