Những điểm nhấn chăm sóc sức khỏe Nhân dân: Bài 2 - Tạo điều kiện để người dân tiếp cận với dịch vụ y tế tốt hơn
Thứ ba, 25/7/2023 | 8:10:54 Sáng
(HBĐT) - Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khám, chữa bệnh (KCB) trong tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tuyến tỉnh thiếu thiết bị y tế hiện đại; tuyến huyện thiếu thiết bị y tế hỗ trợ; các trạm y tế thiếu thiết bị cơ bản; đội ngũ y, bác sỹ thiếu nhiều… Để từng bước tháo gỡ khó khăn những vấn đề này, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 21/6/2023 về nâng cao chất lượng, năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư thiết bị y tế hiện đại, từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Đồng chí Bùi Thu Hằng, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Thời gian qua, ngành Y tế đã được đầu tư cả tuyến tỉnh và huyện từ các chương trình, dự án, chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân. Tuy nhiên, chất lượng KCB chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, tuyến tỉnh chuyển lên tuyến T.Ư khoảng 5%, tuyến huyện chuyển lên tuyến tỉnh khoảng 10%, tuyến xã ít người dân đến khám bệnh. Mặc dù tuyến xã gần dân nhất nhưng số KCB chỉ chiếm từ 3 - 5% kinh phí BHYT. Đây là tồn tại chung của toàn quốc.
Theo rà soát của ngành Y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, nguồn nhân lực, chất lượng các dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của Nhân dân. Cụ thể, dịch vụ y tế chất lượng cao, kỹ thuật y tế chuyên sâu còn ít. Bệnh viện tuyến tỉnh thiếu thiết bị y tế hiện đại, tuyến huyện thiếu thiết bị hỗ trợ chẩn đoán, điều trị. Y tế dự phòng thiếu chủ động trong dự báo, dự trữ, xử lý tình huống. Nhân lực y tế chất lượng chưa đồng đều; đào tạo, sử dụng, cơ cấu, chế độ đãi ngộ cán bộ y tế còn nhiều bất cập.
Toàn tỉnh còn thiếu khoảng 300 bác sỹ; thiếu 170 bác sỹ có bằng sau đại học. Nhân lực y tế tham gia công tác KCB tại các cơ sở công lập trong tỉnh mới đạt 71%. Nhân lực y tế có trình độ sau đại học tại Trung tâm y tế (TTYT) còn rất thấp, mới chiếm 5,2% trong tổng số nhân lực tham gia công tác KCB. Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh nhân lực y tế có trình độ sau đại học cũng còn thấp, mới có khoảng 10% trong tổng số nhân lực tham gia công tác KCB của đơn vị.
So với yêu cầu thực tế theo cơ cấu dân số, mô hình bệnh tật và định hướng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ thì tỷ lệ nhân lực y tế có trình độ chuyên môn sâu hiện tại mới đáp ứng được dưới 50%. Người dân chưa hoàn toàn toàn tin tưởng vào dịch vụ KCB tại các trạm y tế do thiếu trang thiết bị cơ bản, nhân lực hạn chế về chuyên môn...
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, BCH T.Ư Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 21/6/2023 về nâng cao chất lượng, năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đặt mục tiêu: Đối với tuyến xã, đến năm 2025, hoàn thiện đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất toàn bộ trạm y tế cấp xã trong tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 30 giường bệnh/1 vạn dân; đạt 10 bác sỹ/1 vạn dân. Cơ bản hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, xây mới hệ thống, cơ sở KCB từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Đối với tuyến huyện, đến năm 2025, hoàn thành đầu tư xây dựng TTYT huyện Đà Bắc cơ sở 2 tại Mường Chiềng, TTYT các huyện: Cao Phong, Lương Sơn, Kim Bôi từ nguồn vốn đầu tư công và TTYT các huyện, thành phố từ các nguồn hợp pháp khác. Đối với tuyến tỉnh, đến năm 2025, hoàn thành quy hoạch tổng thể BVĐK tỉnh theo hướng giữ nguyên vị trí và mở rộng diện tích tại chỗ; hoàn thành đầu tư xây dựng mới Khoa Khám bệnh và đầu tư, bổ sung, nâng cấp trang thiết bị cho Khoa Ung bướu của BVĐK tỉnh. Đến năm 2030, hoàn thiện đầu tư xây dựng BVĐK tỉnh theo quy hoạch.
BTV Tỉnh ủy đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó tập trung nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe (CSSK) của Nhân dân; đào tạo, phát triển, thu hút nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; hoàn thiện các quy hoạch của ngành Y tế, đầu tư, cải tạo hạ tầng cơ sở KCB; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính cho các bệnh viện, TTYT, nhất là các cơ sở y tế công lập, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách riêng cho ngành Y tế; tăng cường các nguồn lực, xã hội hóa y tế để mở rộng đầu tư hạ tầng cơ sở KCB ngoài Nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo vệ, CSSK của Nhân dân…
Chủ trương lớn này đang được sự vào cuộc của các ngành, địa phương và được sự đón đợi của Nhân dân trong tỉnh. Đồng chí Bùi Mạnh Hường, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: Mường Chiềng là trung tâm của các xã vùng cao huyện Đà Bắc, cách trung tâm huyện khoảng 70 km, quãng đường di chuyển xa, Nhân dân trong khu vực khó tiếp cận với các dịch vụ y tế bảo đảm. Trạm y tế xã dù đã được đầu tư, có bác sỹ được đào tạo từ y sỹ theo chính sách của tỉnh, nhưng việc CSSK người dân còn nhiều hạn chế. Trạm y tế các xã vùng cao chủ yếu thực hiện nhiệm vụ CSSK ban đầu, những bệnh phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật như mổ ruột thừa, mổ đẻ... phải chuyển lên tuyến trên, nhiều khi không kịp thời nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Cán bộ, Nhân dân xã Mường Chiềng và các xã vùng cao mong muốn có TTYT đặt tại địa bàn để bà con có thể tiếp cận các dịch vụ KCB. Khi biết tỉnh có chủ trương xây dựng TTYT tại xã, bà con rất vui mừng. Về phía xã đã vận động người dân ủng hộ chủ trương của tỉnh, huyện xây dựng TTYT Mường Chiềng, mong muốn sớm được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động để phục vụ Nhân dân.
Tại buổi làm việc với ngành Y tế mới đây, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Việc ban hành nghị quyết chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng KCB là cần thiết, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh chăm lo đến cuộc sống người dân, nhằm tiếp tục xây dựng hệ thống KCB theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của Nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.
Hiện, các ngành chức năng đang xây dựng đề án để thực hiện nghị quyết trình UBND tỉnh; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút bác sỹ tay nghề cao về tỉnh công tác. Đồng thời tham mưu cho tỉnh tính toán cân đối các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho BVĐK tỉnh và các TTYT cấp huyện, xã…, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân.
(HBĐT) - Tháng 6/2022, chúng tôi từ TP Hòa Bình vào huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa dự giỗ lần thứ 186 cụ Quách Văn Hiệp và ra mắt tập sách "Miền thương nhớ” của cụ Quách Thuận Lương. Các cụ gốc người Mường Khụ, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn). Cụ Quách Văn Hiệp là người có công lãnh đạo dân Mường từ Ngọc Lâu vào khai phá, lập làng vùng Lân Ru (nửa sau thế kỷ XIX), sau là châu Như Xuân và nay là 2 huyện Như Thanh, Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong chuyến đi này, kỹ sư thủy lợi Quách Tự Hải, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình tiết lộ: "Ở tỉnh Hủa Phăn (Lào) có một làng người Mường sinh sống” làm chúng tôi rất ngạc nhiên và ấp ủ ý tưởng sang Lào tìm hiểu thực hư.
(HBĐT) - Lòng hồ sông Đà phong cảnh hữu tình, không chỉ có tiềm năng cho nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch mà còn là điểm hẹn của những người yêu thích thiên nhiên với những chuyến dã ngoại, thỏa mãn thú vui câu cá.
(HBĐT) - Với những "điểm nghẽn” đã được nhận diện, thời gian qua, Ban chỉ đạo xây dựng Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN) tỉnh Hòa Bình đã kiên trì, sát sao, triển khai đồng bộ các giải pháp, linh hoạt trong cách làm, nỗ lực tạo nên những bước chuyển đáng ghi nhận.
(HBĐT) - Hiện nay, toàn tỉnh có gần 5.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và hợp tác xã hoạt động với tổng số trên 81.000 lao động. Tuy nhiên mới có trên 60 doanh nghiệp có tổ chức đảng với gần 1.200 đảng viên. Điều này cho thấy có "điểm nghẽn”, khiến kết quả thực hiện công tác phát triển Đảng ở khu vực kinh tế tư nhân chưa tương xứng.
(HBĐT) - Phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN) là nhiệm vụ rất quan trọng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Ðảng, phát huy hơn nữa vai trò, sự đóng góp xã hội của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai công tác này cho thấy còn những "điểm nghẽn”, cần đồng bộ giải pháp, cách làm để "khơi thông”. Xây dựng tổ chức đảng vững mạnh trong DNNKVNN là tiền đề, cơ sở để tạo động lực thi đua lao động sản xuất. Thực tế cho thấy, tại nhiều doanh nghiệp, lực lượng đảng viên đã phát huy hiệu quả vai trò tiền phong, gương mẫu, nỗ lực sáng tạo, đi đầu trong mọi hoạt động.
(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh đạt mức trung bình của cả nước: Thu ngân sách 10.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững... BTV Tỉnh ủy đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đổi mới chỉ đạo điều hành, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, mở cánh cửa cho Hòa Bình phát triển nhanh và bền vững.