Với nguồn lực từ Trung ương và tỉnh, sự nỗ lực của Chính quyền và người dân địa phương, Côn Đảo vươn mình phát triển mạnh mẽ từng ngày. Nhưng vùng đất linh thiêng của Tổ quốc đã và sẽ luôn như thế. Xinh đẹp và thanh bình, từng gốc cây, ngọn cỏ ghi dấu một thời kỳ bi tráng của cha anh.
Cầu tàu 914 và Cảng tàu khách Côn Đảo nằm song song như đối lập cho hình ảnh Côn Đảo quá khứ và hiện tại.
Côn Đảo và những hình ảnh đối lập
Gần trưa, liên tiếp 2 tàu Superdong Côn Đảo và Mai Linh Express cập Cảng tàu khách, đưa gần 600 du khách từ tỉnh Sóc Trăng đến huyện đảo. Bước ra khỏi tàu, phóng tầm mắt ra xa về phía đường Tôn Đức Thắng, chị Thu Thanh (tỉnh Tiền Giang) cảm thán: "Côn Đảo đẹp giống hệt trong tưởng tượng”.
Cảng tàu khách Côn Đảo hoạt động thử nghiệm từ giữa tháng 4/2023. Đây là cảng chuyên dụng đón tàu khách đầu tiên của địa phương. Công trình này nằm ngay trung tâm Côn Đảo, nhờ đó du khách đến đây bằng đường biển thuận tiện hơn nhiều. Kiến trúc của cầu cảng cũng được đánh giá giàu tính thẩm mỹ. Cổng vào và khối nhà dịch vụ hai bên thiết kế đối xứng mềm mại, màu sắc hài hòa với cảnh quan xung quanh, đảm bảo độc đáo và không gian đẹp cho bãi biển trước vịnh Côn Sơn.
Đặc biệt hơn, cách cầu cảng mới chỉ vài trăm mét là một trong những di tích lịch sử mà du khách đến Côn Đảo thường ghé thăm. Cầu tàu 914, nơi mà vài mươi năm trước, là địa điểm "đón” những chiếc tàu chở hàng trăm người tù cách mạng ra "địa ngục trần gian”. 914 là con là ước tính về số lượng người tù phải mất đi mạng sống khi bị cưỡng ép thực hiện công trình này.
Nơi đây, hàng ngày, trước tấm bia tưởng niệm di tích, từng đoàn người thành kính nghiêng mình trước những người đã khuất, đặc biệt là những chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh.
Hai cầu cảng với cùng mục đích đón tàu, nằm gần như song song nhưng lại hoàn toàn đối lập, và cùng với rất nhiều địa điểm đặc biệt khác nữa, như càng minh chứng rõ hơn về lịch sử của Côn Đảo. Vùng đất xinh đẹp từng trải qua đau thương, nhưng luôn mạnh mẽ hướng về tương lai tốt đẹp.
Côn Đảo được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, nhờ đó, thu hút được nhiều du khách.
Côn Đảo xinh đẹp
Thời tiết tháng 7 ở Côn Đảo không phải đẹp nhất trong năm, nhưng đặc biệt lý tưởng cho người thích trải nghiệm. Đang nắng gắt, trời đổ con mưa rào làm không khí mát lạnh. Tùy vào nhu cầu, du khách có thể lang thang hết những cung đường đẹp như tranh vẽ, khám phá các địa danh tuyệt đẹp của Côn Đảo bằng các phương tiện khác nhau, từ xe điện, xe máy hay cả xe đạp. Ven theo đường ven biển về phía nam, tôi băng qua những thắng cảnh Bãi Đá Trắng, Mũi Cá Mập, Đỉnh Tình Yêu… và vịnh Bến Đầm.
Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Bến Đầm tựa bức tranh thủy mặc. Xa xa những ngọn núi xanh thẳm thoai thoải, dưới chân là biển cả bao la, cùng màu xanh ngọc bích. Đây cũng là nơi neo đậu của tàu cá khắp cả nước khi ghé Côn Đảo.
Rời Bến Đầm, tôi tiếp tục khám phá các cung đường còn hoang sơ ở Côn Đảo như đường Cỏ Ống nối từ trung tâm thị trấn đến sân bay Côn Đảo. Đặc biệt, cung đường Tây Bắc Côn Đảo đưa vào hoạt động cách đây vài năm góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông vòng quanh đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Ngoài sự xinh đẹp, Côn Đảo là nơi hiếm hoi có đa dạng tài nguyên sinh học rừng biển xếp vào tầm cỡ thế giới. Thành phần động, thực vật trên rừng dưới biển có nhiều loại đặc hữu được bảo vệ tốt. Đây cũng là một điểm khiến Côn Đảo thu hút được rất nhiều du khách.
Côn Đảo xinh đẹp từ trên cao.
Côn Đảo sôi động
Vài năm gần đây, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Côn Đảo được đầu tư mạnh mẽ. Huyện đảo không còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề mà đã khang trang, đầy đủ. Với lợi thế sẵn có về cảnh quan, khí hậu và đặc biệt là giá trị lịch sử, Côn Đảo trở thành "hòn ngọc”, thu hút đông đảo du khách.
Chợ Côn Đảo có lẽ là một trong những địa điểm cho thấy rõ ràng nhất sự đổi thay của địa phương. Trước đây chợ chỉ họp vào sáng sớm và chiều muộn. Nhưng bây giờ, với nhu cầu của du khách, chợ mở cửa từ sáng tới tối. Đang mùa hè, mùa du lịch nên chợ Côn Đảo rất tấp nập. Khách đến, khách đi, ngã giá rôm rả nhưng người mua-người bán đều vui vẻ, nụ cười thường trực trên môi.
Đến đêm, chợ Côn Đảo càng trở nên sôi nổi, tấp nập với nhiều hàng quán, đa dạng các món ăn ngon phục vụ cho du khách. Đương nhiên, hải sản tại Côn Đảo vẫn được yêu thích nhất.
Côn Đảo những ngày tháng 7 rực rỡ băng rôn, cờ, hoa rực rỡ chào mừng kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.
Côn Đảo bây giờ cũng đã hình thành nhiều trục đường du lịch, với các nhà hàng, quán ăn sầm uất, nhộn nhịp như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Đức Nhuận… Nhiều địa điểm được thiết kế, decor đẹp mắt, ấn tượng, phù hợp với mọi đối tượng du khách, từ người đứng tuổi, khách gia đình nghỉ dưỡng cho đến các bạn trẻ đến đây để khám phá, trải nghiệm.
Và đương nhiên, Côn Đảo với định hướng phát triển nghỉ dưỡng cao cấp, có nhiều tập trung vào chiều sâu chất lượng dịch vụ, cung cấp tiện nghi đủ tiêu quốc tế với nhiều khu du lịch, khách sạn đẳng cấp như: Resort Six Senses Côn Đảo, khu du lịch Poulo Condor, khách sạn The Secret Côn Đảo, khách sạn Sài Gòn-Côn Đảo…
Tháng 7, rất đông người dân, du khách ở mọi lứa tuổi, thành phần tới Nghĩa trang Hàng Dương tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Côn Đảo vẹn nghĩa tri ân
Những ngày tháng 7, thời điểm được coi như "Tết” của sự tri ân với những công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thế hệ cha anh đã dũng cảm hy sinh vì sự độc lập của dân tộc, sự trường tồn của Tổ quốc, không khí tại Côn Đảo lại càng trở nên đặc biệt. Hai bên những trục đường chính, các băng rôn, biểu ngữ với những nội dung ý nghĩa, các hàng cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay phấp phới như càng tô điểm thêm cho vẻ đẹp vốn có của Côn Đảo.
Từ 17 đến 20/7, diễn ra chuỗi các hoạt động tại Côn Đảo nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), gồm 8 hoạt động chính:
Lễ truy niệm các anh hùng liệt sĩ; Viếng Nghĩa trang Hàng Dương; Lễ giỗ các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước hy sinh tại Côn Đảo; Gặp mặt cựu tù chính trị Côn Đảo; Thăm gia đình cựu tù chính trị tại huyện Côn Đảo; Thắp nến tri ân; Chương trình nghệ thuật đặc biệt; Khởi công Bệnh viện Quân-Dân y Côn Đảo và khánh thành Cảng tàu khách Côn Đảo.
Trong Nghĩa trang Hàng Dương, từng đoàn người đến từ mọi miền Bắc, Trung, Nam với những lẵng hoa, giỏ trái cây nhỏ xinh thành kính dâng lên Tượng đài chung và phần mộ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng yêu nước, dù là có tên hay chưa xác định được danh tính. Trong đó, Trong đó, có những anh hùng như Lê Hồng Phong, Cao Văn Ngọc và "cô Sáu” như cách gọi thân mật của người dân địa phương. Trước anh linh của những người đã ngã xuống, ai nấy kính cẩn nghiêng mình ghi nhớ công ơn và cùng cầu mong cho gia đình may mắn, bình an.
Ông Phan Ngọc Dội, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội cho biết, đặc biệt yêu Côn Đảo. Kể từ lần đầu vào năm 2017, mỗi năm, ông đều cùng gia đình, người thân đến du lịch nơi đây. "Từ chỉ vài người thân trong gia đình ban đầu, bây giờ chúng tôi còn lập "hội” những người yêu Côn Đảo. Hàng năm, sắp xếp được thời gian khi nào là chúng tôi đều cùng nhau đến đây, tham quan các di tích lịch sử và trải nghiệm khung cảnh xinh đẹp, thanh bình”, ông Dội chia sẻ.
Từ năm 2017, mỗi năm, ông Phan Ngọc Dội (TP. Hà Nội) và gia đình người thân đều trở lại thăm Côn Đảo.
Ở một nơi khác, trong căn nhà nhỏ ở tổ 7, khu dân cư số 7, các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn công binh 792 vừa trò chuyện, phụ giúp những việc nhỏ trong gia đình, vừa nghe ông Nguyễn Xuân Viên (cựu tù chính trị Côn Đảo) và vợ kể lại những câu chuyện một thời bi tráng. Trong mắt các chàng trai tuổi đôi mươi không khỏi ánh lên sự nể phục, tự hào. Đây chỉ là một trong rất nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân những đóng góp của thế hệ cha anh đi trước để có được Côn Đảo hôm nay.
Và cuối tháng 7 này, Côn Đảo sẽ diễn ra nhiều hoạt động tri ân nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, với sự tham dự của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và đặc biệt là các cựu tù chính trị Côn Đảo. Họ sẽ thêm một lần trở lại "địa ngục trần gian” mà chính mình là chứng nhân lịch sử để ôn lại những kỷ niệm bi tráng, và hơn hết là cảm nhận sự thay da, đổi thịt từng ngày của hòn đảo ngọc.
Theo Báo Bà Rịa- Vũng Tàu