(HBĐT) - Không chỉ là loại hình di sản chứa đựng những tinh hoa văn hóa đặc sắc, mo còn được xem là "hồn thiêng” gắn liền với sức mạnh tinh thần và giữ cho nguyên khí của dân tộc mãi trường tồn, hưng thịnh. Quý giá, linh thiêng nhường vậy nhưng sự phát triển của mo Mường đang "rơi” vào một đoạn trầm đáng tiếc, bởi trong cộng đồng người Mường hiện nay không còn mấy ai am hiểu tường tận về mo và giá trị của Mo... Chính vì lẽ đó, các tỉnh có dân tộc Mường sinh sống đang cùng nhau hiện thực hóa quyết tâm đưa mo Mường đệ trình UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa (DSVH) thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp”.
"Nếu chúng ta không biết trân trọng và gìn giữ thì những áng sử thi vô giá của dân tộc Mường sẽ chỉ còn là ký ức...”. Cách đây hơn 20 năm, giáo sư Tô Ngọc Thanh - một trong những chuyên gia đầu ngành về văn hóa của Việt Nam đã kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình: Cần cấp thiết bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường...
Giáo sư Tô Ngọc Thanh là học giả uyên bác đã dành nhiều trí tuệ và tâm huyết cho việc nghiên cứu văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam. Ông có hơn 50 năm lặn lội khắp núi rừng, buôn, bản, thực hiện các đợt điền dã, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, từ đó cho ra đời nhiều công trình xuất sắc. Theo ông, cần có chiến lược quyết liệt, chặt chẽ, cụ thể để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa - vốn là hồn cốt của mỗi dân tộc.
Tâm huyết của giáo sư đã nhận được sự tán thành của các nhà lãnh đạo có tình yêu sâu sắc với văn hóa Hòa Bình. Ông Quách Thế Tản, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhớ lại: Vào khoảng năm 2001 - 2002, thời điểm đó tôi giữ vị trí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội. Khi được giáo sư Tô Ngọc Thanh trao đổi, chúng tôi cùng thấy rằng việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa độc đáo của mo Mường là việc cấp thiết. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã giao Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh thực hiện đề tài phục dựng đầy đủ nghi lễ mo tang ma. Đây chính là bước đi đặt nền móng để tỉnh thực hiện hành trình gìn giữ và phát huy giá trị của mo Mường.
Nếu như mo được coi là "hồn thiêng” của dân tộc Mường thì mo tang ma chính là hồn cốt, hội tụ tất cả các bài mo và có ý nghĩa như một sử thi toàn bích nhất về mo Mường. Ông Nguyễn Thành Viên, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh hiểu rõ điều đó khi đã dành hơn 1/4 thế kỷ tìm hiểu, nghiên cứu về mo Mường. Năm 2002, theo sự "mở đường” của UBND tỉnh, ông cùng các cộng sự cất công điền dã, tìm hiểu và phục dựng một nghi lễ mo tang ma đầy đủ kéo dài liên tục trong 13 ngày. "Cuộc mo” được ghi âm, ghi hình, ghi chép đầy đủ, điều mà nhiều năm trở về trước chưa từng có tiền lệ. Chia sẻ về nỗ lực này, ông Nguyễn Thành Viên cho biết: Phục dựng một cuộc mo tang ma hoàn chỉnh để lưu lại cho muôn đời sau là việc rất khó vì phụ thuộc nhiều yếu tố. Thời điểm đó khó khăn một thì bây giờ còn khó khăn gấp nhiều lần…
"Dù khó nhưng nhất định phải làm” - đó là "tiếng nói chung” của nhiều người con xứ Mường đã biết đến những roóng mo, đã say mê nghe mo cả đêm để rồi thấm thía lời hay, ý đẹp và hiểu tại sao từ cổ chí kim, mo lại được xem là "hồn thiêng" của dân tộc Mường. Cho đến nay, không ai rõ mo Mường có từ bao giờ. Chỉ biết rằng đó là di sản đã được truyền miệng từ đời này sang đời khác, luôn được xem là phần hồn cốt thiêng liêng của đồng bào dân tộc Mường. Các nhà nghiên cứu mo Mường khẳng định: Mo là một sáng tạo vĩ đại của người Mường. Trong mo tích tụ gần như toàn bộ những giá trị hợp thành văn hoá Mường, phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường. Đó là bộ "bách khoa thư dân gian” về người Mường, là cuốn "biên niên sử truyền miệng” chứa đựng tinh hoa văn hóa của những vùng đất có người Mường sinh sống.
Từng roóng mo có chức năng khác nhau, phù hợp trong từng nghi lễ, phản ánh chân thực đời sống người Mường từ thuở hồng hoang và hơn thế, mo kể về sự hình thành thế giới, sự ra đời của muôn loài, sự phát triển của người Mường trong các cộng đồng. Mo còn là lời răn dạy của tổ tiên dành cho con cháu. Mo nuôi dưỡng tâm hồn người Mường khi sống và dẫn dắt linh hồn họ về với tổ tiên...
Trải qua nhiều thế kỷ, sức sống bền bỉ của mo gắn liền với sự phát triển của dân tộc Mường. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, mo Mường đã góp phần hình thành, nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn và đạo nghĩa của dân tộc Mường. Từ quá khứ đến hiện tại, các thế hệ người Mường đã trân trọng lưu giữ những giá trị đặc sắc và nổi bật của mo Mường. Thế nhưng, di sản ngàn đời nay đang đứng trước nguy cơ mai một…
Khẩn cấp bảo vệ "hồn thiêng” của dân tộc Mường
Quá trình tìm hiểu về mo Mường chúng tôi được gặp nhiều người dân…"nghiện” nghe mo. Điển hình như ông Bùi Thành Đon, Trưởng xóm Thao Cả, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi). Ông Đon kể: Gần 20 năm làm trưởng xóm, tôi không đếm xuể đã nghe bao nhiêu cuộc mo. Càng nghe càng "nghiện” âm hưởng và thấm thía sâu sắc lời mo. Không riêng một xóm mà rộng rãi cả vùng Vĩnh Tiến, Vĩnh Đồng - vùng lõi của Mường Động khi xưa, không kể giàu hay nghèo, cứ nhà nào có người mất đều mời thầy mo về làm nghi lễ. Cả đêm nghe mo không biết mỏi mệt vì từng lời thấm sâu vào tâm can và trí óc, có sức lay động khó tả...
Cũng như ông Bùi Thành Đon, nhiều người con xứ Mường yêu mo lo ngại khi nhận thấy DSVH của dân tộc đứng trước nguy cơ mai một. Nhiều năm nay, đồng bào Mường thực hiện việc tang lễ theo nếp sống văn hóa mới - chỉ giới hạn nghi lễ đám tang không quá 2 ngày, từ đó phải giản lược các bài mo trong quá trình diễn xướng mo tang lễ. Trong khi mo tang lễ cổ truyền thường được diễn xướng suốt 12 ngày đêm. Vậy, trên thực tế thì thầy mo - người nắm giữ và thực hành di sản đã thành công đến đâu trong việc rút gọn nghi lễ mo, nhất là nghi lễ mo tang ma? Nội dung mo Mường tinh giản có đảm bảo vừa phù hợp với xu thế phát triển văn hóa đương đại, vừa lưu giữ được những giá trị cốt lõi, tinh túy, nổi bật nhất của mo Mường cổ truyền? Đây là thách thức lớn đối với công tác bảo tồn và phát huy DSVH mo Mường, chưa kể đến những thách thức do tác động của thời kỳ công nghiệp hóa và toàn cầu hóa...
Đề cập khía cạnh khác, một nhà nghiên cứu văn hóa ở huyện Lạc Sơn trăn trở: Hòa Bình là 1 trong 2 tỉnh đã thành công trong việc đưa mo Mường ghi danh "DSVH phi vật thể cấp quốc gia”. Tuy nhiên, thực tế đặt ra nhiều thách thức đối với hành trình gìn giữ, phát huy giá trị của mo Mường. Những năm gần đây, số lượng thầy mo trong các bản, làng ngày càng ít. Theo thống kê giai đoạn 2012 - 2018, số lượng nghệ nhân mo Mường trên địa bàn tỉnh giảm từ 284 người còn khoảng 190 người. Đến nay số lượng còn giảm nữa, nhiều người đã ở tuổi "gần đất, xa trời”. Nhiều người không còn sức để mo, trong khi rất khó tìm được truyền nhân. Đây là thực tế đáng lo ngại, bởi mo Mường chỉ được trao truyền bằng cách truyền khẩu và truyền dạy trực tiếp nên theo thời gian, cơ hội thực hành và gìn giữ di sản dần bị thu hẹp.
Nhìn thẳng vào thực tế, nhiều người tâm huyết với mo Mường đau đáu nỗi trăn trở. Thực tế gióng lên hồi chuông cảnh báo sự mai một của mo Mường. Nếu không được bảo vệ khẩn cấp thì di sản này sẽ chỉ còn "sống” trong ký ức của những người yêu mo… Đáng mừng là năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chọn mo Mường là di sản được xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách "DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Với sự nhìn nhận này, người dân xứ Mường kỳ vọng "hồn thiêng” của dân tộc sẽ được sống mãi trong cộng đồng sản sinh ra nó. Để từ đó, văn hóa dân tộc Mường được góp phần xứng đáng vào sự phát triển mạnh mẽ của nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.
(Còn nữa)
Thu Trang - Bùi Minh - Hương Lan