>> Bài 1 - Đừng để "hồn thiêng” trở thành ký ức
Nghệ thuật diễn xướng mo Mường được giới thiệu đến hàng vạn du khách trong chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường năm 2022".
Giữ "đất sống” của di sản văn hóa mo Mường ở vùng lõi
Có thực tế là mặc dù được khẳng định giá trị đặc biệt nhưng cơ hội thực hành và gìn giữ những giá trị của mo Mường đang dần bị thu hẹp và có nguy cơ mai một. Hiện nay, nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng liên quan đến mo Mường đã mai một hoặc biến mất; số lượng nghệ nhân am hiểu sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống dân tộc Mường gắn với nghi lễ mo, đặc biệt là đội ngũ thầy làm nghề còn rất ít; nhiều thầy mo đã cao tuổi nên tiến trình thực hành bị lẫn, không có được "truyền nhân”.
Trong số 7 tỉnh được giao phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH- TT&DL) xây dựng hồ sơ quốc gia DSVH mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, tỉnh Hòa Bình được xem là địa phương vùng lõi. Tại đây, từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH mo Mường trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh phê duyệt đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị DSVH mo Mường Hòa Bình giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo”, công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH mo Mường huy động được nguồn lực và có sự vào cuộc triển khai tích cực của các ngành, các cấp tham gia phối hợp thực hiện.
Cùng với đó, DSVH mo Mường được tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá thông qua xây dựng tin, bài, phóng sự về các nghi lễ thực hành có giá trị của DSVH mo Mường; sưu tầm, sáng tác, chuyển thể sân khấu hóa DSVH mo Mường đến du khách; đưa nội dung trình diễn về DSVH mo Mường vào các chương trình, sự kiện lớn của tỉnh, Ngày hội VH-TT&DL của khu vực và toàn quốc… Tiêu biểu tại chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường”; lễ đón nhận bằng công nhận DSVH phi vật thể quốc gia đối với Tri thức dân gian Lịch tre và Lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường Hòa Bình vào cuối tháng 7/2022; Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình vào tháng 1/2023. Tỉnh cũng đang tiếp tục sưu tầm, tư liệu hóa, số hóa DSVH, biên tập, xuất bản các tài liệu giới thiệu về mo Mường để phổ biến trong các nhà trường, xây dựng, phát hành phim tài liệu phát sóng trên các kênh truyền hình. Gần đây, một số địa phương trong tỉnh đã ban hành chỉ thị, cụ thể hóa thành chương trình hành động về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH mo Mường.
Với việc nhìn nhận giá trị, tạo môi trường thực hành cho di sản, mo Mường đang tìm lại vị thế trong lòng Nhân dân. Hiện huyện Cao Phong đang đầu tư xây dựng không gian bảo tồn DSVH mo Mường gắn với dịch vụ du lịch tại xã Hợp Phong. Các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn quy hoạch đất xây dựng không gian bảo tồn DSVH mo Mường. Các không gian này được gắn với phát triển du lịch, tài nguyên thiên nhiên, tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử văn hóa, có khu vực tổ chức trình diễn mo Mường để giới thiệu cho Nhân dân và du khách.
Trên địa bàn tỉnh thành lập được 5 câu lạc bộ (CLB) mo Mường cấp huyện (Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, Yên Thủy, Kim Bôi). Riêng huyện Tân Lạc thành lập được 6 CLB mo Mường cấp xã tại các xã: Mỹ Hòa, Phong Phú, Nhân Mỹ. Các CLB sinh hoạt đều đặn, quy tụ các nghệ nhân và những người tâm huyết với mo Mường. Tỉnh khuyến khích các CLB, nghệ nhân giao lưu trình diễn ở các địa phương, các vùng để lưu giữ, làm phong phú, bổ sung, hoàn thiện các áng mo, bài mo, nhất là những áng mo cổ. Một số cấp ủy, địa phương vận động các nghệ nhân tích cực hoạt động trình diễn mo Mường để phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, nhất là trong các lễ hội, hoạt động văn hoá cơ sở, hội diễn nghệ thuật quần chúng. Bên cạnh đó, việc Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực văn hóa cho các nghệ nhân, trong đó có nghệ nhân mo Mường đã truyền động lực lớn cho những người nắm giữ di sản tham gia tích cực vào việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH.
Để mo mường lưu truyền cho hậu thế
Từ năm 2020 đến nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Hòa Bình đã phối hợp 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa, Sơn La, Phú Thọ, Ninh Bình, Đắk Lắk và Bộ VH-TT&DL tập trung xây dựng hồ sơ quốc gia DSVH mo Mường để đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Quá trình xây dựng hồ sơ quốc gia được tiến hành công phu, đảm bảo về tiến độ. Bên cạnh việc thành lập Ban chỉ đạo, Ban xây dựng lập hồ sơ, họp triển khai kế hoạch và phương án tổ chức xây dựng bộ hồ sơ, các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm kê di sản, thu thập bản cam kết của cộng đồng nắm giữ di sản; điền dã, khảo sát; tổ chức hội thảo khoa học trong nước, hội thảo khoa học quốc tế và sưu tầm, thu thanh, ghi hình về di sản mo Mường trước khi thực hiện các bước viết hồ sơ khoa học và làm hậu kỳ các phim tài liệu, thẩm định hồ sơ…
Các nghi lễ được thầy mo thực hiện tại một đám tang của người Mường ở xã Phú Vinh (Tân Lạc).
Một trong những tiến trình được xác định khó khăn, phức tạp nhất là ghi hình, xây dựng thước phim tư liệu về nghi lễ đám tang của người Mường. Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc chia sẻ: Hồ sơ quốc gia DSVH mo Mường được đánh giá đạt hay không đạt phụ thuộc lớn vào những thước phim quý giá này. Với vai trò đơn vị thiết kế, Viện Âm nhạc đã phối hợp các tỉnh, trọng tâm là tỉnh Hòa Bình thực hiện tiến trình quay phim, phục dựng, bóc tách tư liệu. Nguyên liệu chính là 3 cuộc đi quay, ghi hình thực tế tại xã Nuông Dăm, Kim Lập (Kim Bôi), Văn Sơn (Lạc Sơn) và khơi lại thước phim tư liệu năm 2002 của nhà nghiên cứu Bùi Chỉ, xã Phong Phú (Tân Lạc). Đến nay, với nhiều nỗ lực của đơn vị thiết kế và các tỉnh phối hợp, việc bóc, dịch tư liệu đã hoàn thành, việc sưu tầm, ghi âm, ghi hình nhiều nhất ở tỉnh Hòa Bình với khoảng 200 giờ tư liệu, mỗi tỉnh khác ghi khoảng 20 - 30 giờ tư liệu. Đầu năm 2023, Viện Âm nhạc phối hợp Sở VH-TT&DL tỉnh Hoà Bình tổ chức hội thảo quốc tế về mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới. Qua những trao đổi, góp ý, đóng góp luận cứ khoa học của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân và đại diện lãnh đạo các tỉnh đã góp phần làm sáng tỏ thêm vai trò, giá trị của mo Mường. Đồng thời, khuyến nghị những định hướng và giải pháp góp phần bảo tồn DSVH mo Mường trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Cho đến hiện tại, mo Mường đã được xác định là DSVH phi vật thể "đang sống”. Giới học giả trong và ngoài nước đánh giá mo Mường như "Bộ bách khoa thư dân gian” về dân tộc Mường mà những gì có ở người Mường đều được phản ánh trong mo Mường.
(Còn nữa)
Qua tiến hành kiểm kê, điền dã, khảo sát về mo Mường tại các tỉnh cho thấy thực trạng còn rất ít nghệ nhân biết được tất cả các bài mo, rất ít xã còn giữ nguyên nếp tiến trình mo. Ngay tại vùng lõi DSVH mo Mường là tỉnh Hòa Bình chỉ còn 6 - 7 thầy mo nắm được đầy đủ các dạng thức mo; trong cộng đồng 2 xã Phú Vinh (Tân Lạc), Tự Do (Lạc Sơn) còn giữ được một số nghi lễ mang tính nhân văn sâu sắc của nghi thức tang ma, như nghi lễ "quạt ma” vừa thể hiện nghệ thuật mo Mường, vừa mang ý nghĩa tôn kính, báo hiếu người đã khuất. Cùng với tâm huyết, sự chung tay trong xây dựng bộ hồ sơ quốc gia về mo Mường, tỉnh Hoà Bình và 6 tỉnh, thành phố đang thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc của DSVH mo Mường, đưa mo Mường về đúng vị thế, giá trị trong lòng dân tộc. |
Thu Trang - Bùi Minh - Hương Lan