(HBĐT) - Đảng bộ huyện Tân Lạc đã và đang đổi mới tư duy, cách làm, triển khai toàn diện công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo. Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, các nhiệm vụ chính trị và có những sản phẩm cụ thể, mở ra cơ hội phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Xây dựng Tân Lạc trở thành huyện phát triển trung bình của tỉnh, đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường được huyện Tân Lạc quan tâm.
Ảnh: Lễ hội chùa Kè, xã Phú Vinh năm 2023.
Tân Lạc - Mường Bi sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa dân tộc Mường độc đáo còn được lưu giữ trong sinh hoạt, sản xuất, đời sống… Những năm gần đây, huyện đạt được kết quả quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Giữ gìn bản sắc văn hóa gắn phát triển du lịch
Nhiều người vẫn nói, về Tân Lạc là về với cội nguồn giá trị văn hóa Mường, có những địa danh, giá trị văn hoá tồn tại cùng thời gian hiếm nơi đâu có được. Trong sinh hoạt, sản xuất, đời sống có những giá trị văn hoá được công nhận, ghi danh như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi; mo Mường, chiêng Mường, những áng mo Mường bất hủ, sử thi Đẻ đất, đẻ nước, các làn điệu dân ca thường rang, bộ mẹng, ví đúm, tục ngữ, di tích lịch sử văn hóa... Những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Mường Bi được quan tâm gìn giữ, lan tỏa.
Chúng tôi trở lại thăm bản Mường Lũy Ải, xã Phong Phú - nơi được xem là thủ phủ Mường Bi, là điểm được quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Xóm Lũy Ải có những nếp nhà sàn truyền thống dưới tán cau, khép mình bên dòng suối hiền hòa, con người mến khách, nhiều giá trị truyền thống của người Mường còn lưu giữ. Xóm đã đón nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: Nhiều năm nay, huyện thực hiện các giải pháp bảo tồn giá trị văn hoá, cảnh quan, môi trường để phát triển du lịch. Huyện đã khôi phục, bảo tồn, phát triển các lễ hội truyền thống như: lễ hội Khai hạ, lễ hội chùa Kè - xã Phú Vinh, lễ hội đánh cá suối tháng 3 tại xã Lỗ Sơn… Dàn dựng, biểu diễn các điệu hát múa đặc sắc, tiêu biểu của dân tộc. Xây dựng, triển khai kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa mo Mường, chiêng Mường. Huyện đã xây dựng được một số sản phẩm DLCĐ ở xóm Ngòi (xã Suối Hoa), xóm Chiến (xã Vân Sơn), xóm Bưởi Cạn (xã Phú Cường), khu du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên Lũng Mây, xã Quyết Chiến… Bước đầu có sản phẩm du lịch, định vị Mường Bi trên bản đồ du lịch bằng việc đem lại sự trải nghiệm mới lạ cho du khách.
Tân Lạc là huyện đầu tiên tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ngày 13/10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND tỉnh ban hành đề án thực hiện nghị quyết. Đây là cơ hội rất lớn để Tân Lạc phát triển các loại hình du lịch. Huyện đã lựa chọn 3 xóm của 3 xã: Quyết Chiến, Vân Sơn, Ngổ Luông để xây dựng các điểm DLCĐ nhằm lan toả cách thức làm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch bản sắc gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường cho các xã vùng cao. Cùng với đó, huyện phối hợp các sở, ngành chức năng thực hiện các giải pháp tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư, quản lý đất đai, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động du lịch, nhất là khu vực hồ Hoà Bình, hướng tới mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch riêng có ở các xã vùng cao, khu vực hồ Hoà Bình và vùng Mường Bi, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao cuộc sống người dân
Trên hành trình khám phá vùng đất cổ Mường Bi, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với bà Bùi Thị Chứm, xã Nhân Mỹ, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Bà được chứng kiến sự đổi thay của quê hương. Bà Chứm tâm sự: Từ vùng quê nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đến nay, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cán bộ, Nhân dân, điện, đường, trường, trạm được đầu tư. Nhiều mô hình kinh tế mới, ứng dụng KHKT được người dân mạnh dạn đưa vào sản xuất. Diện mạo nông thôn, đời sống người dân đổi thay từng ngày.
Là huyện có xuất phát điểm thấp nhưng những năm gần đây, Tân Lạc đã chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, XDNTM cải thiện cuộc sống người dân. Huyện ban hành các nghị quyết, chính sách hỗ trợ xây dựng vùng bưởi hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ phát triển sản xuất, huy động hệ thống chính trị tham gia XDNTM. Thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển cây có múi, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mã số vùng trồng cho sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt, phục vụ xuất khẩu. XDNTM gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chương trình XDNTM lan tỏa, tạo bước chuyển tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, Nhân dân, diện mạo nông thôn khởi sắc. Đến nay, toàn huyện có trên 200 ha cây ăn quả có múi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, xuất khẩu sản phẩm bưởi sang thị trường châu Âu, cơ cấu vùng mía hàng hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đồng chí Bùi Đức Hiển, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc cho biết: Đến hết tháng 7/2023, huyện có 9/15 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 15,8 tiêu chí/xã. Đến năm 2022, có 13 khu dân cư được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu, 42 vườn mẫu. Năm 2023, huyện đăng ký tham gia 5 sản phẩm OCOP gồm: mật ong tự nhiên - tổ hợp tác xóm Cú, xã Tử Nê; thịt lợn bản địa - HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Sơn, xã Lỗ Sơn; mây tre đan - HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú, xã Phong Phú; măng tươi, măng khô Hòa Bình - Công ty xuất nhập khẩu nông sản Hòa Bình, xã Phong Phú. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo phát triển các mặt hàng nông nghiệp đặc thù như: Bưởi đỏ, rau su su, quýt, tỏi tía Bắc Sơn, rau củ quả trái vụ Quyết Chiến, thảo dược, rau rừng, chè tuyết, gà giống bản địa Ngổ Luông...
Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Tân Lạc cho biết: Huyện tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh, cụ thể hóa các nghị quyết, đề án của tỉnh để phát triển du lịch. Trong đó tập trung triển khai các giải pháp cụ thể bảo tồn, gìn giữ văn hóa để phát triển du lịch. Huyện tăng cường phối hợp các sở, ngành liên quan, tranh thủ, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ nhà đầu tư, người dân tham gia hoạt động du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên bản sắc văn hoá, cảnh quan môi trường, xây dựng thương hiệu của du lịch Mường Bi. Rà soát các tiêu chí xã NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó xác định lộ trình cụ thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng các tiêu chí; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với XDNTM, từng bước hình thành vùng canh tác tập trung sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; thu hút, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, chú trọng phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững; tăng cường triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, phát triển DLCĐ gắn với XDNTM, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân.
(Còn nữa)
Hương Lan
(HBĐT) - Những ngày thu tháng Tám, trên khắp các nẻo đường ở xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) rực rỡ sắc cờ Tổ quốc. Hình ảnh không chỉ biểu thị cho niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước mà còn tạo nên một bức tranh rực rỡ sắc màu.
(HBĐT) - Bác Hồ đã đi xa nhưng hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc vẫn hiện hữu trong trái tim mỗi người dân Hòa Bình. Niềm tưởng nhớ ấy lại càng thêm bồi hồi trong những ngày thu tháng Tám.
(HBĐT) - Vùng đất chiến khu Mường Khói, xã Ân Nghĩa - chiến khu cách mạng đầu tiên của đất Mường Hoà Bình còn ghi đậm dấu ấn lịch sử về mùa thu cách mạng. Nơi đây là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Hoà Bình, nơi các lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân huyện Lạc Sơn tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thành công đầu tiên ở tỉnh Hoà Bình.
(HBĐT) - "Đất đá bị cày đi xới lại, mặt đất bị biến dạng bởi chi chít hố bom, nhưng mạch máu giao thông vẫn được nối dài, ý chí con người vẫn rực sáng giữa "tọa độ lửa” ngã ba Đồng Lộc” - Với chất giọng truyền cảm đặc trưng của người Hà Tĩnh gốc, hướng dẫn viên Đào Anh Tuân khiến người nghe vô cùng xúc động khi kể những câu chuyện đã trở thành huyền thoại, những con người trở thành bất tử nơi ngã ba Đồng Lộc…
(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh kịp thời ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện; đồng thời cụ thể hoá các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết trong chương trình làm việc toàn khoá, hàng năm, hàng tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện ở cơ sở.
(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (MTĐTKD) nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư là 1 trong 4 đột phá chiến lược nhằm phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó đề ra mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 5.000 doanh nghiệp (DN), HTX hoạt động kinh doanh có hiệu quả; khoảng 22.300 hộ cá thể tham gia HTX, tổ hợp tác. Phấn đấu trong 5 năm thu hút các dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng và khoảng 1 tỷ USD vốn FDI. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện NQĐH, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy nguồn lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính