Quân cảng 129, TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày cuối năm nắng ấm, tràn ngập hoa, ánh mắt và nụ cười của người đi về phía biển và người đưa tiễn. Có nhiều niềm vui và cũng có cả những bịn rịn, bùi ngùi… Cuối năm, khi mọi gia đình đều hướng về ngày Tết Nguyên đán sum vầy, đoàn tụ thì cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 phải tạm gác lại nhịp sống thân thương đó để đi làm nhiệm vụ ngoài biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Thời bình rồi đấy, gió đã thôi mang mùi đạn bom nhưng vẫn còn những nhiệm vụ quan trọng khác vì chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, cần những cán bộ, chiến sĩ mạnh mẽ, kiên cường đến khơi xa sóng gió. Phía sau họ có bao tâm tư, tình cảm nhưng cũng biết bao ấm nồng tình yêu của đất liền, của hậu phương…
Đôi bạn trẻ Tấn Giàu - Quỳnh Như trong ngày chiến sĩ trẻ đi làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1.
Hôm đó, hạ sĩ Nguyễn Tấn Giàu, 22 tuổi (TP Vũng Tàu) vai khoác ba lô lên tàu Trường Sa 04 để đi làm nhiệm vụ ở bãi cạn Cà Mau (nhà giàn DK1/10). Lưu luyến ở cầu cảng, người con gái tên Lê Thị Quỳnh Như đôi mắt chan chứa yêu thương, nắm chặt tay người chiến sĩ trẻ và khoác lên vai anh tấm khăn rằn Nam Bộ. Họ đã yêu nhau nhiều năm rồi, nhưng chí làm trai vì việc lớn, hai người tạm gác lại chuyện xây dựng tổ ấm hạnh phúc để chàng trai lên đường làm nhiệm vụ. Bẽn lẽn và cả chút rụt rè, nhưng cô gái vẫn bộc bạch: "Tiễn chàng lên đường làm nhiệm vụ em cũng có chút tâm tư, nhưng làm người yêu của lính em đã xác định rõ tư tưởng, động viên anh Giàu cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ. Ở đất liền mẹ đã có em, đừng lo lắng gì, em và gia đình chờ đón anh và đồng đội trở về”. Chiến sĩ Tấn Giàu nhắn nhủ bạn gái ở lại thành phố giữ gìn sức khỏe, đừng làm việc quá sức, đợi anh trở về.
Đại úy, chiến sĩ báo vụ Phạm Tiến Dũng (quê Nam Định) từng có thời gian công tác ở 8 nhà giàn khác nhau và đón 4 cái Tết ở nhà giàn DK1. Đã trải qua điều kiện sinh hoạt ở nhà giàn khi còn khó khăn nhất (như chưa có sóng điện thoại), đến lúc được ở thế hệ nhà giàn mới chắc chắn hơn, sóng điện thoại với đất liền được thông suốt, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, trong anh có nhiều cung bậc cảm xúc của người chiến sĩ nơi sóng gió trùng khơi. Anh tâm sự: "Ở ngoài khơi xa, càng vào dịp Tết càng nhớ đất liền, nhớ gia đình, vợ con da diết…, nhưng lớn hơn nỗi nhớ là luôn có cảm giác yên tâm, vững tin ở hậu phương”. Xa nhà biền biệt, cả 2 lần vợ sinh nở anh đều đang ngoài nhà giàn. Anh bộc bạch: "Vợ biết chia sẻ và luôn động viên nên tôi thấy lòng mình vui, cùng đồng đội vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao". Anh kể lại câu chuyện vui rằng, khi từ nhà giàn DK1 về, con trai đầu được 16 tháng tuổi, mãi sau cu cậu mới cho bố bế. Nay con trai đã là sinh viên đại học. Con gái thứ 2 đang học lớp 6, thường xuyên nhắn tin thăm hỏi bố ngoài khơi xa (nhà giàn DK1/14). Hôm anh và đồng đội từ biển về cảng, vợ anh, chị Nguyễn Thị Bích Hải (nhân viên bảo hiểm) và con gái ôm bó hoa hồng rực rỡ, rạng ngời đón anh. Anh rất xúc động, lòng thầm cảm ơn những hy sinh thầm lặng của vợ trong hàng chục năm qua, nuôi con khôn lớn trưởng thành, không hề nặng lời vì sự vắng mặt của anh trong cả những lần "vượt cạn”.
Chị Nguyễn Thị Bích Hải và con gái ra cảng đón anh Phạm Tiến Dũng từ nhà giàn DK1/14 trở về đất liền.
Nơi đất liền có bao người mẹ, người vợ dõi theo nhịp sóng và cuộc sống sinh hoạt, công tác của các chiến sĩ nhà giàn DK1. Ở nhà giàn DK1/10, câu chuyện của bác sĩ quân y Bùi Văn Thọ (50 tuổi) khiến nhiều người xúc động. 30 năm công tác, 7 lần đón Tết trên biển, từng ở 8 nhà giàn khác nhau…, mọi việc nuôi dạy con cái, lo đằng nội, đằng ngoại đều do bàn tay tần tảo của người vợ. Anh tâm sự luôn cảm ơn vợ rất nhiều.
Chị Nguyễn Thị Minh Thương, vợ Chính trị viên nhà giàn DK1/20 Trần Huy Thân tâm sự: Anh đi công tác nhà giàn gần 1 năm rồi. 2 mẹ con luôn nhớ và mong anh giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mẹ và con luôn là hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác. Vừa dỗ dành cậu con trai 2 tuổi hiếu động, chị ôm gói quà gửi gắm: "Quà của em chỉ là nhu yếu phẩm để anh và đồng đội thêm gia vị đất liền ăn Tết. Mong anh và đồng đội luôn vui, khỏe. Trong bờ nhớ ngoài biển rất nhiều...". Chị cười thật tươi để mong bức ảnh các nhà báo chụp, nếu anh nhìn thấy sẽ thêm vững tâm nơi trùng khơi, rằng vợ con vẫn vui khỏe...
Cô giáo Trần Thị Thanh Thảo (TP Vũng Tàu) cùng con gái ra gửi quà cho chồng là Trung tá Lê Minh Tân, Bí thư chi bộ, Chính trị viên nhà giàn DK1/16. Đây là năm đầu tiên hai mẹ con đón Tết mà không có anh Tân bên cạnh. Chị nhắn nhủ: "Nhờ các nhà báo cho mẹ con em gửi lời nhắn đến chồng đang làm nhiệm vụ ngoài biển: Hai mẹ con đã chuẩn bị những món quà gửi bố đón Tết. Con gái tự trang trí tấm hình gia đình chụp chung. Mong anh và đồng đội luôn mạnh khỏe, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, sớm về với mẹ con em". Chị gửi chậu xương rồng ra cho chồng với lời nhắn nhủ, mong chồng và các đồng nghiệp cũng giống như chậu xương rồng, luôn vững vàng, vượt qua mọi khó khăn ở nhà giàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...
Chị Nguyễn Thị Minh Thương, gửi gắm lời chúc, tình cảm của hai mẹ con tới chồng là anh Trần Huy Thân, Chính trị viên nhà giàn DK1/20.
Đất liền và nhà giàn DK1 cách nhau hàng trăm km, xa cách đấy nhưng các chiến sĩ luôn thấy gần, ấm áp bởi tình cảm của hậu phương, của đất liền và gia đình. Các chiến sĩ nhà giàn DK1 rất xúc động khi nhận được bức thư của học sinh Trường THPT Hoàng Diệu, TP Long Khánh (Đồng Nai). Cháu Đặng Ngọc Bảo Trân (lớp 12C3) tâm tình với các chú nhà giàn DK1: "Chúng cháu luôn dõi theo và trân trọng những đóng góp to lớn của các chú dành cho Tổ quốc Việt Nam. Thật ngưỡng mộ và biết ơn công lao của các chú”...
Còn tập thể chi đoàn 11A2 gửi gắm: Ở nơi đầu sóng ngọn gió, bốn bề vây quanh là nước, là biển, các chú có khỏe không... Chúng cháu khâm phục khi các chú đã kiên cường vượt qua nỗi nhớ nhà, vượt muôn vàn khó khăn, vì sứ mệnh thiêng liêng mà Tổ quốc đã giao. Các chú hãy yên tâm về nơi hậu phương. Vì ở đây, mọi người vẫn đang sống, làm việc thật tốt. Mọi người ở đất liền đang hướng về vùng biển đảo anh hùng, nơi các chú đang chốt giữ vì sự bình yên của Tổ quốc”... Những tâm tình đó như muôn ngàn con sóng nhỏ, tín hiệu reo vui ngoài khơi xa, gieo vào lòng người chiến sĩ hải quân trên nhà giàn DK1 ngọn lửa ấm áp, tin yêu.
(Còn nữa)
Bùi Huy
Chúng tôi trở lại Mường Thàng - Cao Phong những ngày cuối năm. Thời điểm này, cam - sản phẩm chủ lực của Cao Phong căng tròn, mọng nước. Sản phẩm cam tiếp tục khẳng định thương hiệu không chỉ với thị trường trong nước mà đã được xuất khẩu sang Vương quốc Anh. Sự kiện đánh dấu sau hơn 40 năm (kể từ năm 1980), cam Cao Phong vươn ra thị trường thế giới. Việc tái canh cây cam, vùng cam được chú trọng, người nông dân dần thích ứng với chu kỳ sản xuất cam bền vững.
"Yêu nhau cho thịt cho xôi/ Ghét nhau đưa đến Kim Bôi, Hạ Bì” - đó đã là câu chuyện của ngày xa xưa. Kim Bôi hôm nay có thể vẫn chưa thực sự phát triển mạnh, nhưng ôm trong lòng "lộc của trời”, ôm cả những bình yên của một vùng đất du lịch nghỉ dưỡng. Cùng với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đang có những chiến lược cụ thể hướng đến mục tiêu đưa Mường Động "cất cánh”.
Khắp công xưởng, nhà máy tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh sôi nổi không khí thi đua lao động sản xuất những ngày cuối năm. Nhiều sáng kiến hữu ích được ứng dụng vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (DN). Phong trào thi đua (PTTĐ) "Lao động giỏi - lao động sáng tạo” đã lan tỏa rộng rãi trong công nhân lao động (CNLĐ). Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, đóng góp tích cực cho DN.
Sông Đà được khắc họa đậm nét trong tùy bút "Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân. Dòng sông lúc hiền hòa, dịu êm, lúc gắt gỏng thác lũ, lạnh lùng với những vách núi đá sừng sững. Ấy vậy mà có những con người bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng chinh phục dòng nước, đó là những "người nhái” sông Đà, những người "lính” thủy điện can trường.
Không chỉ tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà những già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT) trong cộng đồng dân cư vốn được coi là những "cây đại thụ” còn tích cực tham gia đóng góp hiệu quả vào công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) ngay từ cơ sở.
Sau nhiều cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, khu tái định cư (TĐC) Tuổng Đồi, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) đã hoàn thành hệ thống hạ tầng điện, đường, trường học... để bàn giao mặt bằng cho các hộ dân chuyển về sinh sống. Từ đây, nhịp sống mới bắt đầu tại khu TĐC này...