Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...




Cựu chiến binh Mai Đại Xá, tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) kể về những trận đánh ác liệt trên Đồi A1 cách đây 70 năm.

18 tuổi trốn nhà đi bộ đội

Ngôi nhà của gia đình ông trong con ngõ nhỏ những ngày này hầu như lúc nào cũng có khách. Khách ở nhiều thế hệ, có người lớn, trẻ nhỏ, cả những người ông không quen biết. Họ đến để nghe ông kể về những năm tháng hào hùng nhưng đầy tự hào và vinh quang trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.
Mái tóc bạc trắng nhưng giọng ông vẫn sang sảng, đôi mắt như sáng lên khi kể về những thời khắc gian khổ mà hào hùng cùng đồng đội tham gia trận chiến trên Đồi A1. Ông kể: Tôi là người miền biển, sinh ra và lớn lên ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Nhà có 3 anh em trai thì cả 3 đều xung phong đi bộ đội. Năm 1952, khi tôi vừa bước sang tuổi 18, mặc dù không thuộc diện phải đi vì đã có anh trai và em trai đi bộ đội nhưng tôi vẫn trốn nhà theo bạn bè đi bộ đội. Sau quá trình chiến đấu ở các tỉnh khu vực Liên khu 3, cuối năm 1953, đầu năm 1954 đơn vị tôi là Trung đoàn 174, Đại đoàn thép 316 được điều lên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tại đây, Trung đoàn 174 của ông do Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chỉ huy đã phối hợp cùng các đơn vị khác của Đại đoàn 316 và các đơn vị bạn được giao nhiệm vụ đánh, tiêu diện cứ điểm tại Đồi A1.

"Đồi A1 là trận địa khốc liệt nhất, nơi chúng ta phải đánh công kiên dài ngày nhất và ta hy sinh, thương vong lớn nhất”, CCB Mai Đại Xá nhớ lại. Trong trận đánh tại Đồi A1, nhiều đồng chí, đồng đội của ông đã ngã xuống. Mỗi mét hào, mỗi bước tiến trên Đồi A1 trong suốt 38 ngày đêm chiến đấu, tiêu diệt cứ điểm này đều được đánh đổi bằng xương máu của bộ đội. Với ông, đó là những ký ức không bao giờ phai mờ.

Giành chiến thắng, xé toạc cứ điểm điện biên phủ

Thời điểm đó, ông Mai Đại Xá là lính trinh sát, luôn ở tuyến đầu nên được tham gia những trận đánh mặt giáp mặt ác liệt nhất. Ông nhớ lại: Sau 17 đêm đào hào trong những cơn mưa rừng không dứt với biết bao gian khổ, hy sinh, đúng 18h30' ngày 30/3/1954, Trung đoàn 174 nổ súng tấn công vào cứ điểm phòng ngự của địch trên Đồi A1. Sau 6 giờ chiến đấu ta mới chiếm được 3/4 Đồi A1 với thương vong rất lớn, buộc phải rút về sau để củng cố. Sau khi củng cố đội hình chiến đấu Trung đoàn 174 tiếp tục tiến công cứ điểm phòng ngự trên Đồi A1 lần thứ 3. "Lần này cuộc chiến diễn ra khó khăn, gian khổ hơn gấp nhiều lần. Đêm ta đào hào, sáng địch lại ra lấp lại. Hơn nữa điều kiện địa chất ở khu vực này rất rắn, giao thông hào chỉ đào sâu được hơn 1m, rộng 80 - 100cm, lại gặp thời tiết mưa khiến bùn nhão khắp nơi, nên bộ đội ta cơ động rất khó khăn. Trong khi đó địch phòng thủ kiên cố, sử dụng nhiều loại hỏa lực mạnh, vì thế bộ đội ta thương vong nhiều", CCB Mai Đại Xá kể.

Để giải quyết cứ điểm phòng ngự này ta đã "moi ruột” quả đồi, đặt vào đó 964kg thuốc nổ. Vào 20h ngày 6/5/1954, khi tiếng nổ của bộc phá vang lên cũng là lúc tiếng hô xung phong bật dậy từ trong lòng đất. Cứ điểm phòng ngự kiên cố bậc nhất của quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã bị Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 đánh sập. Từ đây đã xé toang cứ điểm Điện Biên Phủ để vào 16h ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm "mưa dầm, cơm vắt”, "máu trộn bùn non”, ta đã giành chiến thắng chấn động địa cầu tại Điện Biên Phủ.

Sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, CCB Mai Đại Xá ở lại Điện Biên Phủ làm ở Đài PT-TH tỉnh Điện Biên đến năm 1989 nghỉ hưu, về Hòa Bình sinh sống. Suốt quá trình công tác, những câu chuyện trong chiến đấu trên chiến trường Đồi A1 ông tham gia đều được ông truyền tải theo cánh sóng đến với mọi người. "Cách đây gần chục năm tôi có dịp trở lại chiến trường xưa thăm Đồi A1 và những địa điểm đóng quân trước đây, thấy được sự thay đổi của vùng đất này thật mạnh mẽ. Đời sống đồng bào các dân tộc ở Điện Biên ngày càng khởi sắc. Nay chúng tôi tuổi đã cao, khó có thể thực hiện được chuyến đi, nhưng xem báo chí, ti vi, thấy được Điện Biên giờ đổi thay mạnh mẽ, chúng tôi cũng vui lắm", CCB Mai Đại Xá tâm sự.

Mạnh Hùng


Các tin khác


Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 1 - Các cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (TPHB), ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng (SXD) đã tổ chức họp với các sở, ngành, UBND TPHB và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh. Sau cuộc họp, các sở, ngành, UBND TPHB đã đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình.

Thiêng liêng ngày hội tòng quân

Không phải tiếng trống giục giã, cũng không phải ngọn đuốc thắp lên bằng ngọn lửa truyền thống, mà chính nhiệt huyết của tuổi trẻ mới là thứ làm bùng lên không khí thiêng liêng trong ngày hội tòng quân năm 2024. Đây chính là ngày hội của tuổi trẻ, của thanh niên ưu tú - những người đã biết đặt Tổ quốc ở trong tim...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục