Hòa Bình là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, địa phương giàu truyền thống cách mạng, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, với 786 di sản văn hóa phi vật thể; hơn 18 nghìn hiện vật có giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình".
Nói về "Văn hoá Hoà Bình” từ năm 1926, bà Madeleine Colani - nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện và đặt tên cho nền văn hoá này, khi bà cùng một số nhà khảo cổ học của Trường Viễn Đông Bác Cổ đi khảo sát các hang động trong các sơn khối đá vôi tỉnh Hòa Bình.
Kể từ khi giới khảo cổ học thế giới vinh danh "Văn hóa Hòa Bình” cách đây hơn 90 năm, đến nay, ngành Khảo cổ học Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu nền văn hóa này. "Văn hóa Hòa Bình” tại tỉnh Hòa Bình là minh chứng khẳng định tỉnh Hòa Bình là một trong những chiếc nôi của loài người.
Tỉnh Hòa Bình có 6 dân tộc là Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông, hiện đang nắm giữ 786 di sản văn hóa phi vật thể về các loại hình tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Di sản văn hóa vật thể tại Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ 18.003 hiện vật.
Về di tích, trên địa bàn tỉnh đã có 101 di tích được xếp hạng, bao gồm 41 di tích cấp quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh và hơn 100 di tích chưa xếp hạng. Nhiều giá trị văn hóa đặc sắc được quan tâm khôi phục, phát triển nhưcác lễ hội: chùa Tiên (Lạc Thủy), Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), đền Bờ (Cao Phong - Đà Bắc), Xên Mường, Gầu Tào (Mai Châu)…
Bên cạnh đó, đến nay, Hoà Bình đã có 5 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật trình diễn chiêng Mường, Mo Mường, tri thức dân gian lịch Tre dân tộc Mường, lễ hội Khai hạ dân tộc Mường và nghệ thuật trình diễn keng lóng dân tộc Thái huyện Mai Châu; cùng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc về đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc Mường, Tày, Thái, Mông, Dao.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình"; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững. Qua đó, hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và hết sức quý báu của các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã được quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy tương đối hiệu quả, làm cho giá trị các di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, ngày 24/11/2023, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm nghiên cứu, đánh giá việc bảo tồn giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình", bản sắc văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Điều này là minh chứng rõ nét nhất cho sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh Hòa Bình đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình"; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững.
Thời gian tới, để đảm bảo phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, thúc đẩy KT-XH địa phương, tỉnh Hòa Bình tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương.
Đẩy mạnh đa dạng hóa và xã hội hóa các nguồn lực, trong đó, nguồn lực Nhà nước có vai trò quan trọng và quyết định trong việc huy động các nguồn lực khác vào bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình". Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các chương trình, sự kiện, giao lưu, trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa; học tập kinh nghiệm các mô hình hiệu quả, sáng tạo tại các địa phương… góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Hồng Trung