Đến Hà Giang mà chưa đi cao nguyên đá Đồng Văn, chưa ăn miếng thịt to, chưa uống bát rượu đầy, chưa ăn bát cháo độc dược... thì coi như chưa đến. Anh bạn đồng nghiệp đã khẳng định chắc nịch ngay khi chúng tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này.




Cháo Ấu Tẩu - món đặc biệt cô Tráng Thị Hương ở thành phố Hà Giang chế biến.

Điểm đến nơi thành phố biên cương

Thú thực, Hà Giang là tỉnh cuối cùng miền biên viễn phía Bắc tôi chưa từng đến và luôn mong có dịp được đến. Trong chuyến đi này, không có đủ thời gian, điều kiện để đi cao nguyên đá Đồng Văn nhưng chúng tôi đã được "ăn miếng thịt to, uống bát rượu đầy” với tình cảm chân tình, nồng ấm đầy nghĩa khí với những người dân, người bạn nơi đây. Là điểm dừng chân trên hành trình miền biên viễn từ Đông Bắc sang Tây Bắc, với thời gian 1 ngày, 1 đêm, những tưởng chẳng có gì để đi, để khám phá. Nhưng không. Được sự chỉ dẫn của các bạn đồng nghiệp ở Báo Hà Giang, chúng tôi đã có một hành trình, trải nghiệm nhiều thú vị ở thành phố này. Điểm đầu tiên chúng tôi đến và cũng là nơi tất cả những ai khi đến Hà Giang đều đến là Km0 hay còn gọi là cột mốc số 0 thành phố Hà Giang. Đây chỉ đơn giản là một cột mốc thông thường nằm tại trung tâm thành phố như các cột mốc đánh số ở những nơi khác nhưng lại thu hút rất nhiều du khách. Mặc dù không có ý nghĩa về cảnh sắc nhưng cột mốc số 0 chính là điểm bắt đầu của quốc lộ 2 nối nhiều tỉnh, thành, trong đó có Hà Giang và Hà Nội. Nhiều người thường tới đây đầu tiên với ý nghĩa bắt đầu cho hành trình khám phá và trải nghiệm vùng đất Hà Giang đầy thú vị. Điều đó đã khiến nơi đây dần trở thành địa điểm nhất định phải đến với mỗi người khi đặt chân tới thành phố Hà Giang. Chúng tôi cũng vậy, đến để chụp một bức ảnh như một sự khẳng định nơi mình đã từng đến...

Ngoài cột mốc số 0, được sự chỉ dẫn của những người dân hiền hậu, mến khách, chúng tôi lang thang qua những con phố cũ để đến với chùa Quan Âm. Chùa cách cột mốc số 0 chỉ dăm phút đi bộ hướng về phía đường Phùng Hưng, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang. Với người dân sở tại, chùa Quan Âm là nơi lưu giữ "phần hồn” linh thiêng. Ngôi chùa khiêm nhường ẩn mình trong một con phố nhỏ nhưng được xem là địa điểm linh thiêng bậc nhất ở Hà Giang. Người dân thành phố Hà Giang và những địa bàn lân cận thường xuyên đến đây rất đông vào ngày rằm và mùng 1 để cầu sức khỏe, bình an. Sau một chặng đường dài, mệt về với miền biên viễn, lạc bước vào khuôn viên chùa thanh tịnh, bước trên những thềm đá in bóng lá bồ đề xanh mát chợt thấy cõi tâm mình thanh thản lạ thường...

Ngoài các điểm trên, cách không xa trung tâm thành phố có một nơi để "thoát trần”. Đó là thôn Khuổi My thuộc xã Phương Độ, thành phố Hà Giang. Nếu đi từ trung tâm thành phố đến Khuổi Mỵ khoảng 12km. Địa danh này mặc dù chưa được biết đến nhiều nhưng cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, nhất là vào mùa lúa chín. Từ Khuổi My phóng thẳng tầm mắt là dãy núi Tây Côn Lĩnh trùng điệp, nơi được xem là vương quốc của loài gỗ quý Ngọc Am - một trong những loại "vương mộc” mà ai cũng muốn được sở hữu. Thời gian không có nhiều, chúng tôi đành gác lại, hẹn Khuổi My vào một dịp khác trong tiếc nuối...

Không chỉ cảnh đẹp, con người thân thiện

Lỡ hẹn với Khuổi My, chúng tôi quay lại hành trình khám phá cung đường ẩm thực tại thành phố Hà Giang. Là trung tâm tỉnh nên đây cũng là nơi tụ hợp của hầu hết các món ăn đặc trưng, đặc sản của vùng đất Hà Giang. Không khó để tìm các món ăn đặc trưng của người dân tộc bản địa tại các con phố yên bình như "Thắng Dền”. Đây là một món ăn truyền thống, dân dã, đặc trưng của Hà Giang. Nguyên liệu được dùng làm món ăn này là gạo nếp, đỗ xanh, đường hoa mai. Gạo là nếp nương dẻo thơm, hạt mẩy, ngâm qua đêm, để ráo rồi xay thành bột. Sau đó, bột được đổ vào một chiếc túi vải treo lên cho ráo. Bột đặc mịn thì mang ra nặn thành bánh. Thắng Dền có hình tròn, mỗi viên bánh to hay nhỏ tùy thuộc vào người nặn. Thường thì bánh to hơn ngón tay một chút. Ngoài màu trắng, bánh còn có các màu khác như tím, vàng, đỏ... Sau khi nặn bánh, người ta cho vào luộc chín. Các viên bột được thả vào nước sôi, khi nổi lên vớt ra xếp vào bát, rồi chan nước đường. Thắng Dền được coi là món ăn chơi, quà vặt của người dân vào những đêm giá rét.

Ngoài Thắng Dền, không khó để tìm các quán bán đặc sản như cơm lam Bắc Mê, bánh cuốn trứng, phở chua, xôi ngũ sắc... Dẫu vậy, món đặc sản cuốn hút chúng tôi muốn được trải nghiệm hơn cả là cháo "độc dược” Ấu Tẩu - đặc sản duy nhất chỉ có ở Hà Giang mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Bởi lẽ, để làm nên thứ cháo này, ngoài công thức "bí truyền”, sự kỳ công của mỗi quán còn một nguyên liệu hết sức đặc biệt là củ Ấu Tẩu. Đây là một loại độc dược có thể gây chết người được thu hái từ đỉnh Tây Côn Lĩnh, người dân lấy về và chế biến cầu kỳ theo phương thức đặc biệt. Chính vì lẽ đó, không một ai dám bán thứ độc dược này cho những người không nắm vững phương cách bí truyền để chế biến làm món ăn. Có một điều đặc biệt trong quá trình khám phá, thưởng thức món cháo... độc này mà cô Tráng Thị Hương, chủ quán cháo Ấu Tẩu số 171, đường Trần Hưng Đạo, tổ 5, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang chia sẻ: không chỉ người bán, người ăn cũng không ai dám ăn loại cháo độc dược này ở một nơi nào khác ngoài Hà Giang. Bởi chỉ có ăn ở đây người ta mới yên tâm để thưởng thức. Theo cô Huơng, cháo Ấu Tẩu là một món ăn truyền thống của người dân tộc Mông ở Hà Giang. Đặc sản này đã trở thành một biểu tượng văn hóa và ẩm thực của vùng đất này. Cháo Ấu Tẩu được chế biến từ một loại củ có độc tính đặc biệt. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến chế biến của món ăn này đều đòi hỏi sự tỷ mỷ, kỳ công. Trong đó, để khử độc, người ta phải hầm củ Ấu Tẩu suốt 8 - 9 tiếng. Theo y học, Ấu Tẩu có vị cay tê, tính nóng nên thường được dùng để chữa bệnh như ngâm làm rượu xoa bóp chân, chữa đau nhức hoặc giải cảm... Tuy nhiên, củ Ấu Tẩu rất độc, được xếp vào danh mục thuốc độc bảng A nhưng cũng là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong "tứ đại danh dược” (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi bào chế cẩn thận người ta mới đem nấu cháo. Cũng bởi tính độc dược có trong củ Ấu Tẩu mà người địa phương còn gọi món ăn này là "cháo độc dược” hay "cháo chết người”.

Cô Hương chia sẻ: để "hóa giải” độc dược trong củ Ấu Tẩu và chế biến thành món cháo bổ dưỡng, người ta phải sơ chế sạch loại củ này bằng cách bỏ vỏ, ngâm trong nước gạo một đêm rồi ninh cho mềm nhừ, bở tơi và tán nhuyễn thành hỗn hợp bột sền sệt. Sau đó, tiếp tục nấu củ Ấu Tẩu với gạo tẻ và nước hầm xương từ chân giò lợn, thêm tí gạo nếp cho đặc sánh, dậy mùi thơm. Để cháo nhừ và sánh nhuyễn, người ta đun cháo chừng 2-3 tiếng trên lửa nhỏ liu riu, lúc nào cũng bốc hơi sùng sục. Để biết cháo đã ăn được hay chưa, người nấu sẽ nếm thử một lượng nhỏ, nếu cảm nhận đầu lưỡi tê cứng nghĩa là Ấu Tẩu chưa hết độc, chưa thể ăn. Chỉ khi không thấy tê đầu lưỡi tức là cháo đã chín. Món cháo này ngon và bổ dưỡng nhất khi thưởng thức lúc còn nóng hổi, ăn kèm thịt băm, các loại rau thơm, tiêu hoặc măng chua. Bên cạnh vị bùi, béo ngậy và dễ nhận ra bát cháo hơi đắng, lạ miệng. Ai chưa quen sẽ thấy khó ăn, vị đắng như tam thất. Nhưng thực khách ăn quen lại cảm nhận được vị đắng hòa cùng miếng Ấu Tẩu bùi, dẻo, quyện với vị ngọt thanh của nước xương ninh và mùi thơm ngậy của trứng gà. Cháo Ấu Tẩu có quanh năm nhưng đặc biệt chỉ bán vào buổi tối. Theo kinh nghiệm lâu năm của người bản địa, món cháo này phát huy tác dụng tốt nhất vào giấc ngủ đêm. Những người trung tuổi ăn cháo Ấu Tẩu để bồi bổ xương cốt, với du khách đường xa coi như là liều thuốc giúp xóa tan mệt nhọc.


Vũ Phong

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục