Tiếng nổ chát chúa trong đêm do sạt lở đất gây ra đã khiến 4 người trong một gia đình tại xóm Chầm, xã Tân Minh (Đà Bắc) tử vong. Từ đêm 7/9, nỗi đau đớn, xót xa, bàng hoàng xen lẫn sự lo lắng bao trùm bản nhỏ này.
Hiện trường vụ sạt lở đất thương tâm tại xóm Chầm, xã Tân Minh (Đà Bắc).
7 giờ ngày 8/9, chúng tôi xuất phát từ TP Hoà Bình nhưng phải đến 12g30 mới tiếp cận được nơi xảy ra vụ việc thương tâm tại xóm Chầm. Do mưa lớn kéo dài, đường tỉnh 433 xuất hiện hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng, nhiều cây đổ chắn ngang đường khiến giao thông ách tắc. Ngầm tràn Suối Láo (xã Cao Sơn) và ngầm Chầm (xã Tân Minh) bị ngập sâu, phải hơn 9 giờ xe ô tô gầm cao mới có thể đi qua được ngầm Suối Láo. Các đoàn cứu nạn, cứu hộ của tỉnh và huyện Đà Bắc xếp hàng dài hàng trăm mét đợi thông đường. Ở hiện trường, qua kết nối điện thoại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh Quách Công Khang thông tin, lúc 5g10 các lực lượng đã giải cứu được ông Xa Văn Sộm, còn vợ, con gái và 2 cháu ngoại của ông đến hơn 7 giờ mới tìm thấy thi thể.
Tiếng nổ chát chúa cướp đi 4 mạng người
Đi làm ở Hà Nội, nghe thông tin về bão số 3 lòng chị Hà Thị Lan như lửa đốt. Lo lắng ở quê xảy ra thiên tai, chị không thể nào chợp mắt. Hơn 3 giờ ngày 8/9, nhận tin dữ về gia đình anh họ Xa Văn Sộm gặp tai ương, chị như ngất đi. Nhờ người quen chạy xe đưa về nhà từ tờ mờ sáng nhưng cũng phải đến gần 13 giờ chị mới về đến quê. "Nhà anh, chị ấy xây cách xa taluy mà lại xảy ra cơ sự thế này. Giờ chị dâu và các cháu mất hết, anh Sộm sẽ sống làm sao?!” - chị Lan khóc nghẹn.
Do sạt lở đất và ngập ngầm tràn nên đến hơn 12 giờ trưa 8/9, lực lượng chức năng của huyện Đà Bắc, của tỉnh mới đến được hiện trường vụ việc.
Giữa trưa, mưa vẫn chưa ngớt, không khí tang thương bao trùm xóm Chầm. Hiện trường của vụ sạt lở đất là một ngôi nhà xây bị sập đổ hoàn toàn, trôi xuống sát lề đường. Phía taluy sau ngôi nhà là vết sạt trượt khá rộng còn màu đỏ, vàng của đất đã "no nước”. Ở phía ngôi nhà xây đối diện là nhà của gia đình chị Xa Thị Tăm, em ruột ông Xa Văn Sộm. Từ sáng sớm, ông Sộm được lực lượng tại chỗ sơ cấp cứu tại gia đình em gái. Người đàn ông đột ngột mất đi những người thân đôi mắt thất thần, khóc không nên lời.
Ông Xa Văn Sộm, người may mắn thoát chết trong vụ sạt lở đất được lực lượng chức năng đưa đi cấp cứu.
Nỗi đau của ông Sộm cùng là nỗi đau của những người dân ở bản Tày này. Nhiều đời sinh sống, chưa bao giờ họ phải chứng kiến nỗi mất mát lớn như vậy. Chị Xa Thị Tăm là người đầu tiên phát hiện vụ việc. Chưa hết bàng hoàng, chị Tăm nhớ lại: Lúc đấy khoảng 12 giờ đêm, tôi nghe tiếng gió thổi mạnh nên bật dậy chạy ra mở cửa. Khi đến cửa thì nghe tiếng nổ rầm và tiếng kêu cứu của anh Sộm. Tôi vội chạy gọi hàng xóm và báo cho trưởng xóm đến cứu.
Trưởng xóm Chầm Lường Văn Hoàn đã tri hô người dân đến giải cứu nhưng khi đó mất điện, trời mưa to, gió lớn nên rất khó khăn. Ông thông tin: Việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn vì nhà bị sập hoàn toàn, nguy cơ tiếp tục sập xuống nguy hiểm cho người ứng cứu. Chúng tôi phải chặt cây làm chống, mượn kích ô tô để tiến hành giải cứu các nạn nhân. Từ trước đến nay, xóm chưa xảy ra sạt lở đất vào nhà dân, chủ yếu sạt lở taluy đường giao thông. Trước cơn bão số 3, xóm đã tuyên truyền, vận động hơn 20 hộ có nguy cơ sạt lở đất di dời đến nơi an toàn.
Đảm bảo an toàn cho hộ dân có nguy cơ sạt lở
Với địa hình đồi núi, nguy cơ sạt lở đất tại xóm Chầm cũng như nhiều xóm khác trên địa bàn xã Tân Minh cao. Gia đình anh Lường Văn Tuân ngay cạnh nhà ông Sộm bày tỏ: Qua vụ sạt lở, gia đình tôi rất lo lắng. Phía sau nhà tôi cũng có một số điểm sạt lở. Mong các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ gia đình di dời đến nơi ở an toàn hơn.
Đồng chí Quách Công Khang, Chủ tịch UBND xã Tân Minh cho biết: Trước cơn bão số 3, xã rà soát, thống kê trên địa bàn có 32 hộ trong vùng nguy cơ sạt lở cao và đã vận động hơn 150 hộ, trên 560 nhân khẩu về lánh nạn tại nhà người thân, nhà văn hoá xã, trường học. Đối với vụ sạt lở thương tâm, ngay khi nhận được tin báo, xã đã chỉ đạo xóm huy động lực lượng tại chỗ tới cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, huy động các lực lượng công an, quân sự... ứng trực tại trụ sở UBND xã đến hiện trường. Tuy nhiên, quá trình di chuyển gặp nhiều khó khăn do mưa bão lớn, sạt lở đường, lực lượng phải đi bộ khoảng 5 - 6 km mới tới nơi. Theo UBND xã Tân Minh, ảnh hưởng cơn bão số 3, trên địa bàn xã đã sạt lở đất hơn 40 điểm thuộc đường tỉnh 433, đường liên xóm; sạt lở đất vào nhà, sập nhà bếp 25 nhà; thiệt hại trên 20 ha hoa màu, cây lâm nghiệp.
Đồng chí Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề tại huyện. Trong đó, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường giao thông, đặc biệt là sạt lở vào hộ dân tại xóm Chầm, xã Tân Minh gây thương vong lớn. Trước mắt, huyện chỉ đạo xã, xóm huy động các lực lượng khắc phục hậu quả, lo hậu sự cho gia đình nạn nhân. Sắp tới, huyện sẽ kêu gọi, huy động sự đóng góp của nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ gia đình bị nạn tại xóm Chầm để ổn định cuộc sống.
Viết Đào
Với giá trị độc đáo, đại diện cho nền Văn hóa Hòa Bình (VHHB) nổi tiếng thế giới, tháng 7 vừa qua, di tích khảo cổ hang xóm Trại và mái đá làng Vành, huyện Lạc Sơn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Hòa Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa có một không hai nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).
Trong không khí của những ngày mùa thu Tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp về thăm chiến khu Mường Khói, di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia - một trong những cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Hoà Bình.
Ở xóm Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu) ai cũng biết đến ông Sùng A Tô. Hỏi về ông, người dân trong xóm đều hồ hởi kể với tình cảm trân trọng, bởi ông là người có uy tín (NCUT) được dân quý, dân tin...
Nằm bên dòng sông Đà hùng vĩ, Di tích lịch sử nhà tù Hòa Bình thuộc phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) là một trong những địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước và truyền thống cách mạng.
Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiệu quả hơn, Huyện ủy Lạc Sơn yêu cầu các cấp, các ngành trong huyện gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, XII, Kết luận số 21-KL/TW khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của BCH T.Ư về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của BCH T.Ư Quy định về trách nhiệm nêu gương của CB,ĐV...