Những năm qua, cùng với hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi (NTT&TMC) tỉnh đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, chung tay bảo trợ, giúp đỡ người khuyết tật (NKT), trẻ mồ côi (TMC) trong các tổ chức, cá nhân. Đó là nguồn động viên thiết thực để những người yếu thế vượt khó, thi đua lao động, sản xuất, học tập và công tác xã hội, tích cực tham gia phong trào thể thao, văn hoá văn nghệ.


Các em nhỏ mồ côi đang sống ở Trung tâm Công tác xã hội và quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh được chăm sóc, nuôi dưỡng bằng tình yêu thương và sự quan tâm đặc biệt.

Tạo cơ hội để người khuyết tật, trẻ mồ côi ổn định sinh kế

Đã từ lâu, Trung tâm dạy nghề tư thục Long Thành (TP Hòa Bình) trở thành địa chỉ tin cậy giúp NKT hòa nhập và tìm được công việc phù hợp. Bà Đào Thị Hiền, Giám đốc trung tâm chia sẻ: Đến với trung tâm, những người yếu thế, nhất là NKT bước qua được những rào cản tâm lý, tự ti, mặc cảm và định kiến xã hội để học nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm, có thu nhập nuôi sống bản thân. Quá trình thành lập và đi vào hoạt động, trung tâm đã tổ chức hàng trăm lớp nghề may, mộc, mây tre đan. Hàng nghìn học viên sau đào tạo đã có nghề, công việc ổn định tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh, nhiều lao động NKT được bố trí việc làm ngay tại trung tâm. Đặc biệt, trung tâm còn "kết tóc, xe duyên” cho 17 cặp đôi NKT nên nghĩa vợ chồng, trong đó có 8 cặp vợ chồng đã sinh con và hưởng niềm hạnh phúc gia đình trọn vẹn.

Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa (Mai Châu), Trung tâm bảo trợ xã hội nhân đạo Minh Đức (Lương Sơn) cũng là những ngôi nhà chung thân thuộc của NKT, TMC trên địa bàn. Bằng tình yêu thương, sự đồng cảm, chủ nhân của những mái ấm này đã kiên trì hướng dẫn từng kỹ năng để NKT khắc phục khó khăn, dần thực hành thành thạo các thao tác nghề đan, thêu. Từ đây, nhiều NKT đã ra làm nghề, tự tạo được nguồn thu nhập duy trì cuộc sống bản thân và gia đình. Tiểu biểu như các trường hợp: anh Bùi Văn Quý (Tân Lạc), anh Hà Công Thắng, chị Bùi Thị Hiền (Mai Châu), chị Nguyễn Thị Huyền (Lương Sơn)… bị khuyết tật vận động. Sau khi học nghề và trở về địa phương, các anh, chị đã phát huy được khả năng, đảm bảo thu nhập ổn định từ nghề với mức thu nhập 2 - 3 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Minh Thức, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội nhân đạo Minh Đức chia sẻ: "Mặc dù điều kiện ở trung tâm còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi hạnh phúc vì giúp đỡ được các em, các cháu có một nghề phù hợp với bản thân, có thu nhập bằng chính công sức lao động của mình để không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội”.

Những nghề được các trung tâm chú trọng đào tạo là may công nghiệp, may dân dụng, thêu tay truyền thống, dệt may hàng thổ cẩm… Bên cạnh đó, các trung tâm còn kết nối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tạo được nhiều việc làm cho NKT, TMC. Tại Trung tâm bảo trợ xã hội nhân đạo Minh Đức và Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa, tỷ lệ NKT được tạo việc làm sau đào tạo đạt trên 80%.

Đa dạng nguồn lực trợ giúp người yếu thế

Năm 2023, Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam phát động giải chạy UPRACE nhằm ủng hộ sinh kế cho NKT, mổ thủy tinh thể và phẫu thuật tim bẩm sinh cho TMC, tỉnh Hòa Bình đã tham gia tích cực. Kết quả trong năm 2024, nhà tài trợ giải đã hỗ trợ 100 triệu đồng trao bò giống cho 10 hộ NKT khó khăn về việc làm và đời sống tại 2 xã của huyện Kim Bôi là Vĩnh Tiến, Cuối Hạ.

Điển hình trong công tác vận động nguồn lực trợ giúp cho NKT, TMC là ngành LĐ-TB&XH, TP Hòa Bình, các huyện: Kim Bôi, Lạc Thuỷ, Yên Thuỷ, Lương Sơn… Cùng với đó, Ủy ban MTTQ tỉnh với vai trò tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ bằng nhiều việc làm thiết thực, như: xây dựng nhà tình thương, phát động kêu gọi mua vé số "Tình thương” để trợ giúp NKT, TMC trên địa bàn. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đồng hành với Hội Bảo trợ NTT&TMC tỉnh tuyên truyền, vận động trên nhiều lĩnh vực: xây dựng nhà tình thương, tặng cấp xe lăn, xe lắc, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, thăm hỏi, tặng quà... Liên đoàn Lao động tỉnh, Công ty bất động sản An Thịnh, Công ty cổ phần xây dựng 565, Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh thường xuyên vận động công nhân, viên chức và người lao động của đơn vị tiết kiệm chi tiêu cá nhân dành ủng hộ quỹ giúp đỡ NKT, TMC gặp khó khăn trong cuộc sống. Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam (TP Hòa Bình) hàng năm dành tặng hàng chục xe đạp giúp TMC, trẻ em khuyết tật có phương tiện đến trường.

Từ nguồn lực trợ giúp và hoạt động phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, Hội Bảo trợ NTT&TMC tỉnh đã tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt động bảo trợ cho trên 110.000 lượt NKT, TMC, bệnh nhân nghèo. Hoạt động bảo trợ tập trung vào nhóm trợ giúp về y tế; phương tiện đi lại; cải thiện sinh hoạt, sinh kế giảm nghèo; người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nổi bật là chương trình trao tặng 3.262 xe lăn, xe lắc cho nhóm đối tượng NKT vận động; tặng 979 suất học bổng và vận động ủng hộ quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo vượt khó, TMC; hỗ trợ nuôi bò sinh sản cho 231 hộ gia đình có NKT...

Song song với hỗ trợ cải thiện vật chất, đời sống văn hoá, tinh thần của NKT, TMC cũng được nâng cao. NKT, TMC được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản, như: internet, hệ thống phát thanh, truyền hình, phim ảnh, thư viện, sách báo, du lịch và tập luyện thi đấu thể thao. Nhiều hoạt động phong phú, phù hợp với nguyện vọng dành cho NKT, TMC trong tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm như: Hội thi sáng tác thơ; giải bóng bàn, cầu lông, cờ tướng; giải thể thao NKT với các môn điền kinh, cử tạ, cầu lông, bóng bàn, ném lao, bơi lội… NKT, TMC tỉnh còn được tạo điều kiện tham gia các chương trình văn hóa, giải trí do Trung ương tổ chức, các cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm giao lưu dành cho NKT, TMC.

Toàn tỉnh có gần 16.000 NKT, trên 2.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đang tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 200 đối tượng bảo trợ xã hội, nhiều đối tượng là TMC, trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Hiện có một số chương trình trợ giúp TMC, trẻ khuyết tật nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng xã hội, như chương trình "Mẹ đỡ đầu” trong các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ, "Đồng hành cùng em đến trường” trong lực lượng vũ trang tỉnh…

Để NKT, TMC hòa nhập và có đời sống vật chất, tinh thần ngày càng đảm bảo cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Hội Bảo trợ NTT&TMC tỉnh và các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, duy trì và mở rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đến đối tượng và cộng đồng bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả; đặc biệt ưu tiên và quan tâm, chú trọng việc đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế cho NKT, tạo học bổng cho TMC. Cùng với đó, quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho NKT, TMC.

Bùi Minh


Các tin khác


Định vị giá trị văn hóa, con người Hòa Bình: Bài 2 - Hướng đến phát triển toàn diện con người Hòa Bình về đức - trí - thể - mỹ

Những năm qua, tỉnh Hòa Bình không ngừng chăm lo, tạo điều kiện để người dân phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Trong đó, thường xuyên bồi dưỡng, đề cao tinh thần yêu nước, tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, ý thức, nghĩa vụ công dân, thượng tôn pháp luật của mỗi công dân, nhất là đối với thế hệ trẻ; phát huy những giá trị chuẩn mực, truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Khởi công cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu: Mở ra cơ hội và không gian phát triển mới

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có chiều dài khoảng 34 km; tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2028. Giải phóng mặt bằng giai đoạn hoàn thiện quy mô 4 làn xe có tổng diện tích khoảng 354,37 ha.

Định vị giá trị văn hóa, con người Hòa Bình: Bài 1 - Ưu tiên, dành nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”. Quan điểm của đồng chí cố Tổng Bí thư là "kim chỉ nam" định hướng cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc. Quan điểm ấy đã và đang tiếp thêm động lực để tỉnh Hòa Bình nỗ lực, với quyết tâm và khát vọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Để đồng bào luôn tin Đảng: Bài 5 - Giúp đồng bào “tự miễn dịch” trước thông tin xấu độc

Từ năm 2011 đến nay, ở nước ta, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đã xảy ra một số vụ việc rất nghiêm trọng. Gần đây là vào tháng 6/2023, gần 100 đối tượng chia thành 2 nhóm tấn công trụ sở xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, giết chết 9 cán bộ xã, cán bộ công an và người dân; đập phá tài sản nhà nước và công dân… hòng lật đổ chính quyền nhân dân để thành lập cái gọi là "nhà nước Đeega”.

Để đồng bào luôn tin Đảng: Bài 4 - Quan tâm trọng dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số

Thực tế hiện nay cho thấy phát triển KT-XH giữa các khu vực trên địa bàn tỉnh Hoà Bình chưa đồng đều. Sự chênh lệch giàu - nghèo khá rõ nét giữa khu vực trung tâm, thuận lợi và các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hiện toàn tỉnh còn 59 xã diện đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Đây cũng là "vùng lõm” về trình độ dân trí, thiếu hụt đội ngũ cán bộ (CB) chất lượng. Do đó, đầu tư cho phát triển giáo dục và đội ngũ CB người DTTS được tỉnh Hòa Bình xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có tính chiến lược, lâu dài để phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị vùng DTTS nói chung, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.

Để đồng bào luôn tin Đảng: Bài 3 - Chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Người có uy tín (NCUT) là lực lượng quần chúng đặc biệt, đóng vai trò cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Họ được đồng bào tin tưởng, yêu mến và tôn vinh. Tiếng nói của NCUT có sức ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Do đó để thực hiện âm mưu chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, các thế lực thù địch đang hướng đến NCUT để móc nối, lôi kéo. Phát huy vai trò của NCUT cũng như bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong vùng ĐBDTTS, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm thực hiện tốt vấn đề chăm lo xây dựng đội ngũ NCUT trong vùng ĐBDTTS.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục