Sự quá tải của bến sông làm du khách phải leo ngược theo các triền đồi dốc dựng đứng mới lên được đền
(HBĐT) - Nằm trong tuyến du lịch hồ Hoà Bình, quần thể ghềnh Thác Bờ là một địa điểm văn hoá tâm linh truyền thống hấp dẫn, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước mỗi năm.
Kỳ 1: Khi những giá trị văn hoá truyền thống không còn nguyên vẹn
Tuy nhiên, Theo số liệu thống kê của ông Hoàng Hữu Tới, chủ nhang Đền Thác Bờ (xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc), trong 3 tháng đầu năm, Đền Thác Bờ đón 15.600 lượt khách, ít hơn so với cùng kỳ năm 2009. Trong khi đó các điểm du lịch văn hoá tâm linh khác trên địa bàn tỉnh ta như chùa Tiên (Lạc Thuỷ) hoặc các tỉnh bạn như chùa Hương (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình)… đều có số lượng khách tăng cao so với năm ngoái. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Qúa tải trong Đền… lộn xộn ngoài bến
Theo thống kê của Hợp tác xã vận tải du lịch Thung Nai thì Lễ hội Đền Thác Bờ năm Canh Dần mới chỉ có hai ngày “cao điểm” tập trung lượng khách lớn là mồng 6 và mồng 8 âm lịch. Ngày thường trong tuần thì lẻ tẻ từ 3 đến 5 đoàn khách, ngày cuối tuần thì được khoảng trên dưới 20 đoàn khách. Những con số “biết nói” này đã thể hiện sự giảm sút rõ rệt trong việc thu hút du khách hành hương đầu năm của khu ghềnh Thác Bờ.
Trả lời cho tình trạng này, ông Hoàng Hữu Tới, chủ nhang Đền Thác Bờ cho biết: Nếu như năm ngoái thời điểm này, Đền Thác Bờ đón rất đông du khách của các tỉnh bạn thì năm nay mới thấy khách nội tỉnh, chưa thấy khách các tỉnh xa. Theo ông, có thể tình trạng “quá tải” của mùa Lễ hội Đền Thác Bờ năm ngoái đã gây ra tình trạng thưa vắng năm nay.
Năm 2009, lượng khách các tỉnh bạn dồn về Đền Thác Bờ đông ngay từ tháng giêng. Tình trạng chen chúc, xô đẩy, chật chội, ngột ngạt diễn ra thường xuyên hàng ngày ở cả hai nhà đền xã Vầy Nưa và xã Thung Nai. Du khách thập phương không thể tiếp cận đến gần các ban thờ để đặt lễ, cầu tài cầu lộc mà chỉ có thể đứng từ ngoài sân vái vọng vào trong đền. Hiện nay, diện tích của mỗi nhà đền chỉ khoảng hơn 1.200m2, có thể nói là quá chật hẹp với việc đón từ 5.000 – 6.000 du khách trong những ngày cao điểm.
Nhà đền chật chội cộng với tình trạng “quá tải” của các đám hầu đồng làm cho không gian nhà đền càng thêm bị thu hẹp. Bắt đầu từ khoảng giữa tháng giêng âm lịch, các đám hầu đồng bắt đầu kéo về “nhộn nhịp” đền Thác Bờ. Ở Đền Thác Bờ (xã Thung Nai, huyện Cao Phong), tại cả ba ban thờ: Tứ phủ ông Hoàng, Công Đồng, Mẫu Thượng Ngàn đều thường xuyên có các đám hầu đồng. Ngoài việc quây kín không gian ban thờ bằng các mâm lễ vật bánh kẹo, hoa quả , các đám hầu đồng gần như chiếm lĩnh không gian nhà đền với hàng chục, hàng trăm con nhang đệ tử ngồi xếp hàng kín quanh ban thờ chờ xin lộc. Mỗi đám hầu đồng lại kèm theo một ban nhạc với đầy đủ trống, kèn, phách… và hệ thống loa tăng âm mở hết công suất làm cho nhà đền vốn đã quá tải vì người nay thêm quá tải vì sự bát nháo của âm nhạc. Và chắc chắn, nếu gặp đám hầu đồng thì du khách thập phương chỉ có thể đứng từ xa, vái vọng thánh thần trong tiếng nhạc, tiếng vỗ tay ầm ĩ. Đáng tiếc là tình trạng này lại đang diễn ra hàng ngày!
Ngao ngán với việc chen chúc, xô đẩy và ồn ào, anh Nguyễn Thành Hưng (Học việc Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) bức xúc: “Nhà đền là chốn thờ cúng linh thiêng mà sao như phủ riêng của một số người để họ hát hò nhảy múa tưng bừng. Người dân muốn tĩnh tâm hành lễ mà cũng không thể được.”
Cùng với tình trạng quá tải của người, quá tải các đám hầu đồng là “quá tải” các đám “cầu an, cầu lộc, cầu duyên”. Nếu như trước mỗi ban thờ lớn là các đám hầu đồng thì trước các ban thờ nhỏ hơn là có một người của nhà đền ngồi đó với mức thu qui định 10.000 đồng cho một lần cầu an, cầu lộc, cầu duyên. Ngó trước, nhìn sau, nhà đền đang bị quá tải bởi rất nhiều thứ không thực sự thuộc về chốn tâm linh, linh thiêng này!
Sau khi nỗ lực chen chúc, xô đẩy để có thể dâng lễ, cầu an lên thánh thần, nhiều du khách vội vã lách ra ngoài để tìm chút không khí trong lành. Các nhà đền đều ở vị trí trên cao nên gió sông Đà thổi lên mát rượi, nhưng thỉnh thoảng có cơn gió đổi chiều lại thốc vào đền những mùi rất không “trong lành”. Nhìn quanh mới thấy ngay vệ sông dưới chân đền là một bãi rác thải đã được tích tụ từ không biết bao nhiêu năm nay và tuyệt nhiên tìm mỏi mắt trong đền không có lấy một chiếc thùng rác. Rác thải của hàng ngàn con người mỗi ngày cứ thể được hồn nhiên dồn đống ở chân đền hoặc nổi lềnh bềnh trên bến sông, vừa gây mất mỹ quan vừa ô nhiễm.
Dưới bến sông, thuyền bè đậu san sát, nối đuôi nhau ra vào. Nhưng bến sông quá bé, không đủ chỗ cho việc neo đậu thuyền nên các thuyền đến sau phải neo vào những mỏm đất ven đồi và du khách phải trèo lên theo triền đồi dốc dựng đứng để vào Đền, nếu trượt chân ngã sẽ lăn tùm xuống sông, trông khá cheo leo và nguy hiểm.
Có lẽ vì những cái quá tải và thêm cả một chút lộn xộn đã làm cho nhiều du khách xuôi dốc xuống bến, rời Đền Thác Bờ mang theo tâm trạng không vui, ấn tượng chưa đẹp về chốn linh thiêng này. Phải chăng vì thế mà năm nay họ không quay lại Đền Thác Bờ của Hoà Bình mà chọn những điểm du lịch tâm linh khác trong chuyến hành hương đầu xuân ?
Lễ hội Đền Thác Bờ đang dần bị mai một?
Hàng triệu du khách trong và ngoài tỉnh đã từng đến Thác Bờ nhưng có lẽ ít ai được nghe nhắc đến và biết đến Lễ hội Đền Thác Bờ. Cùng với hai điểm đền thờ Bà Chúa Thác Bờ thì “Lễ hội đền Thác Bờ” chính là nét văn hoá độc đáo, quí giá làm nên sức sống trường tồn của Bà Chúa Thác Bờ trong suốt chiều dài lịch sử bao nhiêu năm qua. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức ở Đền Thác Bờ với ý nghĩa tưởng nhớ công đức của Bà Chúa Thác Bờ và những vị thần mà nhân dân cho là linh ứng đã có công giúp đỡ nhân dân, cầu mong các vị thần cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, người người mạnh khoẻ, xóm làng yên vui.
Hội chính được tổ chức quy mô 3 năm 1 lần vào ngày mồng 7 tháng giêng âm lịch, hội lệ được tổ chức thường niên mỗi năm một lần vào ngày mồng 7 tháng giêng âm lịch. Lễ hội Đền Thác Bờ diễn ra tại Đền và bãi cỏ ngay dưới chân bia Lê Lợi. Việc chuẩn bị cho lễ hội được tiến hành từ trước Tết âm lịch, người dân ở quanh khu vực ghềnh Thác Bờ gồm các xóm: Phố Bờ, Săng Trạch, Hang Thần và xóm Trệch đã họp bàn chuẩn bị những thứ cần thiết để phục vụ lễ hội như: góp tiền, góp gạo, góp rượu và phân công nhân lực. Lễ vật chính của lễ hội để tế thần tại đền là trâu mộng trắng đảm bảo các yêu cầu đủ tuổi, đẹp dáng, sừng cánh ná, dạ bình vôi, tai lá mít, đít lồng bàn. Nếu không tìm được trâu trắng thì thay bằng trâu đen, nhưng trước khi mang ra hiến tế phải quét vôi làm trắng con trâu vì họ quan niệm màu đen không may mắn.
Lễ hội gồm có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra khoảng một tiếng gồm cúng mời ăn và cúng thu (thôi) với các nghi thức dâng lên thần linh sản vật địa phương và bày tỏ ước nguyện được thần linh phù hộ, bảo vệ. Phần hội được tổ chức vào buổi chiều với nhiều trò chơi dân gian như: đánh đu, ném còn, hát đúm, múa xoè… Thông qua lễ hội, người đi dự hội sẽ được nghe kể về lịch sử của các vị thần ở đền và sự tích xung quanh những vị thần ấy. Qua các nghi trình, nghi thức của lễ hội, qua các trò diễn xướng dân gian, người dự hội biết mình đang bày tỏ lòng nhớ ơn và kính trọng những vị thần có công trong quá khứ nhưng vẫn tồn tại trong đời sống tâm linh để luôn che chở, vỗ về cho họ trong cuộc sống hàng ngày.
Lễ hội Đền Thác Bờ diễn ra đáp ứng nhu cầu về văn hoá tín ngưỡng và văn hoá tâm linh của nhân dân, là biểu tượng của sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em sinh sống quanh khu vực Thác Bờ. Nhưng đáng tiếc là từ năm 1950 đến nay, lễ hội chưa được tổ chức lại một lần nào. Và chắc chắn rằng, nếu không có sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành Văn hoá – Thông tin để phục dựng lại thì nguy cơ Lễ hội Đền Thác Bờ - một lễ hội văn hoá tâm linh ý nghĩa sẽ dần bị mai một.
Dương Liễu
(HBĐT) - Trải suốt chiều dài của lịch sử 4 nghìn năm dựng và giữ nước, dãy Trường Sơn hùng vĩ là thế tựa muôn đời của dân tộc Việt Nam. Thế kỷ XX, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước suốt 20 năm trời, Trường Sơn lại tiếp tục viết nên một thiên anh hùng ca. Để cho đến bây giờ và mãi về sau, chúng ta vẫn luôn tự hào về một Trường Sơn huyền thoại, về những người con bất tử đã hi sinh cho đất nước được độc lập tự do...
(HBĐT) - Một ngày cuối năm, chúng tôi ngược dòng sông Đà đến với xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc để tìm hiểu về cuộc sống của người dân vùng hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Chẳng biết có phải tôi đã bén duyên với vùng đất này?! Nhưng lâu không đi lại thấy nhớ. Nhớ da diết những con người thuần hậu, chất phác. Nhớ và thèm cái cảm giác giữa bồng bềnh mây trắng, cứ ngỡ như chỉ với thêm một sải tay sẽ chạm tới trời. Lũng Vân - nơi được xem là nóc nhà của vùng Mường Bi cứ ám ảnh, cứ da diết là vậy.
(HBĐT) - Hoà Bình, những ngày này tại nhiều vị trí trong tỉnh như: Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu và cả ngay thành phố Hòa Bình thời tiết khô hanh, gió bụi mịt mù, những chiếc xe ủi chật vật san gạt đất, đá, mở đường lên đỉnh núi; những chiếc xe tải nặng nề, lắc lư chở xi-măng, sắt thép, cát sỏi, thiết bị cột điện và dây tải điện lên các vị trí móng cột của tuyến đường dây 500 Kv Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan.
(HBĐT) - Từng bước, từng bước - 79 bậc thang, tựa như 79 mùa xuân cuộc đời Bác vẫn còn nguyên đó. Cả khung trời rộng mở - nơi tượng đài Bác Hồ tráng lệ sừng sững và muôn năm, nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông Đà hùng vĩ. Dưới chân Bác là cả một thành phố trẻ tràn đầy nhựa sống đang ngày đêm trở mình vươn lên cùng những dòng điện toả sắng khắp muôn nơi.
(HBĐT) - Là một trong 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) được cắt về Hà Nội, trong những ngày này, người dân xã Yên Trung đang chuẩn bị đón cái Tết thứ 2 sau khi sáp nhập về thủ đô. Cuộc sống lam lũ, nghèo khó với ruộng, nương nhưng người dân nghèo ở Yên Trung vẫn háo hức đón xuân về.